Trưởng đoàn hải quân Philippines nói về giao lưu ở Song Tử Tây
Cuộc giao lưu này rất quan trọng đối với Hải quân hai nước Việt Nam và Phi-líp-pin vì mục đích của nó chính là giúp xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước và hai quân đội.
Cuộc giao lưu nhân sự lần đầu tiên giữa lực lượng Việt Nam và Philippines (Phi-líp-pin) đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp ngày 8/6 trên đảo Song Tử Tây, để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp giữa lực lượng Hải quân của Việt Nam và Phi-líp-pin. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Đại tá Ca-li-tô M.Ba-ri-dô (Carlito M Barizo), Phó tư lệnh Hải quân miền Tây Phi-líp-pin, Trưởng đoàn Phi-líp-pin tham dự sự kiện này:
Phóng viên (PV): Thưa Đại tá, hoạt động giao lưu này có ý nghĩa như thế nào với Hải quân hai nước?
Đại tá Ca-li-tô M.Ba-ri-dô.
Đại tá M.Ba-ri-dô: Cuộc giao lưu này rất quan trọng đối với Hải quân hai nước Việt Nam và Phi-líp-pin vì mục đích của nó chính là giúp xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước và hai quân đội. Bên cạnh đó, hoạt động này còn là tiền đề để giúp hai nước phát triển thịnh vượng hơn trong tương lai. Phi-líp-pin luôn luôn tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề. Những cuộc giao lưu như thế này sẽ là một trong những giải pháp cho bất kỳ sự hiểu lầm nào giữa các quốc gia trong ASEAN.
Đại diện hải quân Philippines và hải quân Việt Nam bên cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây
Video đang HOT
PV: Vậy Hải quân hai nước đã nỗ lực như thế nào để có cuộc giao lưu đầu tiên này, thưa Đại tá?
Đại tá M.Ba-ri-dô: Cuộc giao lưu này là kết quả của hàng loạt cuộc họp giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Phi-líp-pin cũng như Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước. Bản ghi nhớ giữa Hải quân hai nước Việt Nam và Phi-líp-pin về tăng cường hợp tác song phương và chia sẻ thông tin được ký ngày 26-10-2011. Tiếp đó, tháng 3-2012, Hải quân hai nước ký “Quy chế giao lưu nhân sự tại đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông”. Hai nước đã dự định tổ chức cuộc giao lưu nhân sự này từ lâu nhưng phải hoãn vài lần vì một số lý do bất khả kháng nhưng tới giờ thì mọi kế hoạch đã trở thành hiện thực.
PV: Đại tá đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của phía Việt Nam cho cuộc giao lưu?
Đại tá M.Ba-ri-dô: Chúng tôi rất vui và đánh giá cao sự chuẩn bị của Hải quân Việt Nam cho cuộc giao lưu đầu tiên này. Ban đầu, chúng tôi không hy vọng cuộc đón tiếp cũng như các hoạt động giao lưu trên đảo Song Tử Tây sẽ diễn ra chu đáo với sự chuẩn bị công phu đến như vậy. Quả thực, chúng tôi đang gặp phải một thử thách là làm sao để đáp lại lòng hiếu khách của các bạn khi năm tới chúng tôi sẽ đăng cai tổ chức sự kiện này trên đảo Song Tử Đông. Chúng tôi sẽ phải lập kế hoạch và chuẩn bị rất nhiều việc để cuộc giao lưu được diễn ra tốt đẹp.
Tôi cho rằng, cuộc giao lưu lần này đã giúp nâng quan hệ hai nước lên một bước. Nó thực sự giúp xây dựng lòng tin giữa lực lượng hải quân hai nước. Tôi cũng hy vọng, đây sẽ là sự khởi đầu tốt cho tình hữu nghị giữa hai nước.
Theo Quân đội nhân dân
Vì sao Trung Quốc tức tối vì một trận bóng chuyền?
Theo tờ US News của Mỹ, Việt Nam và Philippines đang gác lại những khác biệt để tạo thành một mặt trận thống nhất chống lại sự hung hăng của Trung Quốc.
Hải quân Việt Nam và hải quân Philippines giao lưu bóng chuyển tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 8/6 - Ảnh: Reuters.
Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần nổi giận, nhưng chưa khi nào tức tối vì môn bóng chuyền. Vậy mà, khi các chiến sỹ Việt Nam và Philippines thi đấu giao hữu bóng chuyền bãi biển trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào cuối tuần vừa rồi, ngay lập tức Trung Quốc đã có phản ứng mạnh.
Cơn giận này của Bắc Kinh tất nhiên không phải vì bóng chuyền, mà vì Việt Nam và Philippines thể hiện sự đoàn kết qua trận đấu giao hữu này để chống lại thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
"Mọi người có nghĩ rằng, động thái này của Việt Nam và Philippines xét cho cùng chỉ là một trò vụng về?", phát ngôn viên Hoa Xuân Ánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc căng thẳng tại một cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Hai vừa qua. Tiếp tục lặp lại luận điệu rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể phủ nhận" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển lân cận, phát ngôn viên này còn "yêu cầu Việt Nam và Philippines dừng ngay bất kỳ hành động nào gây bất hòa và làm nảy sinh rắc rối", và "không làm bất kỳ việc gì để làm phức tạp hay trầm trọng thêm tranh chấp".
Tuy nhiên, theo US News, cái gọi là "chủ quyền không thể phủ nhận" của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và phần còn lại của biển Đông là hoàn toàn có thể phủ nhận. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% biển Đông dựa trên "đường chín đoạn" do nước này đơn phương đưa ra, một tuyên bố không được bất kỳ ai công nhận ngoài Bắc Kinh.
Theo tờ báo này, Trung Quốc sẽ tự đưa ra một "phiên bản sự thật" của riêng mình, bằng việc "sáng tạo" ra những "tác phẩm địa chính trị hoàn toàn mang tính hư cấu". Sau đó, Trung Quốc sẽ tự thuyết phục bản thân rằng, đó là "những sự thật không thể phủ nhận".
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc sẽ không thể thuyết phục được ai khác tin họ.
Tuy còn tồn tại một số quan điểm khác biệt về chủ quyền trên biển Đông, Việt Nam và Philippines đang tạm bỏ qua những khác biệt này, bởi cả hai nước đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ Trung Quốc - US News nhận xét. Hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác hải quân. Việt Nam đã bày tỏ ý định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm. Ngoài ra, cả hai nước cùng tăng cường quan hệ với Mỹ, khiến Bắc Kinh càng thêm phần "khó chịu".
Việc Việt Nam và Philippines xích lại gần nhau phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tăng cường hợp tác lẫn nhau và với Mỹ để đối phó với thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, chính các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ mới là bên "gây bất hòa và làm nảy sinh rắc rối".
Trung Quốc đang "chơi trò nạn nhân", coi mình là "nạn nhân vô tội" duy nhất, trong khi các nước khác là những người gây vấn đề - US News nhận xét.
Căng thẳng trên biển Đông đã gia tăng kể từ khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Tàu Trung Quốc đã nhiều lần cố tình va chạm với tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ chấp pháp tại hiện trường, thậm chí đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật khi cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc "hơn 1.400 lần".
Theo chuyên gia phân tích an ninh Alexander Vuving, hành động của Trung Quốc là "một phần trong chiến lược biến biển Đông thành cái hồ của riêng nước này. Một khi Trung Quốc kiểm soát được biển Đông, nước này có thể thống lĩnh các tuyến hàng hải ở phía Tây Thái Bình Dương".
Đầu tuần này, Trung Quốc đã đưa vấn đề biển Đông lên Liên hiệp quốc. Bản tuyên bố lập trường của Bắc Kinh gửi Liên hiệp quốc vu khống Việt Nam tìm cách làm gián đoạn bất hợp pháp hoạt động khoan tìm dầu của Trung Quốc và cố tình va xô vào tàu của Trung Quốc.
Tuyên bố này một lần nữa xuyên tạc sự thật khi nói, quần đảo Hoàng Sa "là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc", "không có tranh chấp đối với Hoàng Sa".
Đối với Philippines, Trung Quốc đã cáo buộc nước này "quyết tâm thách thức những lợi ích quốc gia của Trung Quốc và là một tên lính đánh thuê tận tụy của những lực lượng hải ngoại chống lại Trung Quốc". Đây được xem là sự ám chỉ đối với mối quan hệ ngày càng khăng khí giữa Manila và Washington.
Bài báo của US News kết luận, Trung Quốc đang tức tối vì một trận bóng chuyền bãi biển. Và sự tức tối đó sẽ càng khiến phần còn lại của thế giới khó lòng chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc thực sự.
Theo Bizlive
Trung Quốc sắp lĩnh đòn "gậy ông đập lưng ông"? TQ ngày càng ngang ngược tại Biển Đông, Mỹ cũng bắt đầu nóng mắt, chỉ một đốm lửa nhỏ sẽ đủ khả năng biến nơi đây thành cuộc chiến tầm thế giới. Trung Quốc giương oai diễu võ tại Biển Đông Từ ngày 1/5/2014 cho đến nay, giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vẫn hiện diện tại vùng đặc quyền kinh...