‘Trường đại học chưa có trụ sở sẽ bị giải thể’
“Đến tháng 6/2014, trường nào không giải quyết được vấn đề đất thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chiều 22/1.
- Thưa Thứ trưởng, Luật giáo dục đại học vừa có hiệu lực tạo những thay đổi cơ bản nào trong việc tuyển sinh, dạy và học của hệ đào tạo này?
- 2013 là năm đầu tiên thực hiện luật giáo dục đại học với mục tiêu hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ đã thay đổi 36 văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đào tạo liên thông, sau đại học, không chính quy… không còn phù hợp với luật giáo dục đại học. Vì vậy Bộ đã sửa đổi quy chế đào tạo liên thông cho phù hợp với mục tiêu đào tạo. Theo đó người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học).
Để giải quyết tình trạng chất lượng không theo kịp quy mô đào tạo, ngoài việc tăng cường giám sát bằng văn bản, Bộ thực hiện kiểm tra tại chỗ các trường. Vừa qua, thanh tra Bộ đã kiểm tra việc thành lập trường, liên doanh liên kết đào tạo, mở ngành… Các vi phạm đã được xử lý, đưa giáo dục đại học đi đúng quỹ đạo.
- Trong các đợt thanh tra năm 2012, lỗi vi phạm lớn nhất của các trường là gì thưa ông?
- Đa số trường được thanh tra đều vi phạm quy chế, nhưng chủ yếu là không đảm bảo hai yếu tố giáo viên cơ hữu và diện tích xây dựng trên đầu sinh viên. Một số trường ngoài công lập sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn chưa có đất xây trường đúng như cam kết khi thành lập. Bộ đã xử lý bằng nhiều hình thức, như giao chỉ tiêu tối thiểu, dừng tuyển sinh, rút quyết định mở ngành, kỷ luật hiệu trưởng…
Hiện Bộ đã phát đi ba thông điệp, thứ nhất là đối với trường chưa đảm bảo chất lượng đào tạo thì tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ hai là cơ sở vật chất không đảm bảo thì phải tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ quá trình dạy và học. Cuối cùng, Bộ cảnh báo các trường chưa có đất xây dựng phòng học. Đến tháng 6/2014, nếu không giải quyết được việc này thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Một loạt địa phương đang quay lưng với hệ đào tạo dân lập như Hà Nội, Hà Nam… Quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?
- Về nguyên tắc, giá trị của các bằng đại học là như nhau. Tại chức, liên thông hay chính quy thì chương trình giảng dạy là như nhau dù phương pháp dạy khác nhau. Tuy nhiên, thực tế có một số cơ sở đào tạo không đảm bảo, chất lượng sinh viên ra trường thấp khiến nhiều địa phương quay lưng.
Hiện nay, Bộ đã điều chỉnh thông qua quy phạm pháp luật, như thay đổi quy chế thi liên thông để từng bước kéo gần chất lượng đào tạo của hệ này so với chính quy. Quan điểm của Bộ là dù có đào tạo ở hệ nào thì chất lượng đầu ra phải như nhau để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi đấy xã hội sẽ không quay lưng với bất kỳ hệ đào tạo nào.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề đều có sứ mệnh riêng. Người nào có nhu cầu học tiếp thì liên thông và được giảm thời gian những môn đã học trước đó. Chính vì vậy, để nhận ưu tiên này thì đầu vào liên thông cũng phải siết chặt, phải chờ đủ 36 tháng để có kinh nghiệm trong công việc, hoặc nếu muốn học ngay thì thi đại học như bình thường.
- Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào để giáo dục đại học đạt được kết quả như chủ trương đề ra?
- Trong những năm tới, Bộ tiếp tục giao quyền tự chủ cho các trường. Năm nay, 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được giao tuyển sinh riêng. Cách đây 3 năm Bộ đã giao quyền tự chủ cho hai trường ĐH Quốc gia, thế nhưng năm nay hiệu trưởng các trường này vẫn xin lỗi vì chưa sẵn sàng tự tuyển sinh.
Về việc mở ngành, Bộ vẫn sẽ nắm để điều tiết nguồn nhân lực theo nhu cầu. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển nhân lực đến năm 2020. Bộ sẽ dựa vào đề án này để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực quốc gia. Những ngành nào đang cần cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước thì phát triển, những ngành đã bão hòa, sinh viên ra không tìm được việc làm thì dừng mở mới như kinh tế, tài chính, ngân hàng…
Luật giáo dục đại học chú trọng tăng cường chất lượng, không phải tăng quy mô như trước đây. Để làm được việc đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các trường để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Phát biểu tại hội nghị tuyển sinh ngày 22/1, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng phải xác định rõ mục đích mở trường trung cấp, trường nghề và nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trong việc phân luồng. “Quy định mới về đào tạo liên thông không phải là vẽ đường vòng và trên thực tế đã có lúc nó là con đường tắt đưa các cháu vào đại học với chất lượng thấp hơn”, Bộ trưởng nói và cho hay cả xã hội đang lên án việc thừa thấy thiếu thợ.
Theo Bộ trưởng, cần tôn trọng nhu cầu học tập của học sinh và việc học tập suốt đời, vì vậy mới mở lối cho các cháu có cơ hội học đại học. Nhưng học cao đẳng xong ngay lập tức vào đại học thì không phải mục tiêu thiết kế của liên thông. “Nếu làm thế thì việc xây dựng hệ thống trường nghề, trung cấp, cao đẳng thất bại. Nếu thế chỉ cần mở thêm trường phổ thông cho học sinh học văn hóa một cách tử tế, sau cho vào đại học”, ông Luận nói.
Theo VNE
Thắt chặt an ninh trường học sau vụ nam sinh bị giết
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý vừa yêu cầu các trường tăng cường phối hợp với công an, chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau.
Thứ trưởng Quý nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau hội đồng, dùng hung khí đánh nhau trong trường học tiếp diễn. Cá biệt có trường hợp nghiêm trọng dẫn đến chết người. Nhằm đảm bảo trật tự, an toàn trường học, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch 2013 và Tết Nguyên đán, Bộ đề nghị các trường phải thắt chặt an ninh.
Các trường cần tăng cường phối hợp với công an, chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ở trong và ngoài trường học, ký túc xá; phải đề phòng và sớm ngăn chặn việc học sinh dùng hung khí đánh nhau, hay đánh nhau hội đồng, quay phim, đưa lên mạng Internet.
Thứ trưởng Quý nhắc nhở, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong học sinh, sinh viên phải được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Nhà trường cần phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý học sinh, sinh viên, không để các em tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.
Tình trạng đánh nhau trong học đường đang ngày càng nghiêm trọng.
"Trường phải tổ chức tốt công tác trực ban, bảo vệ nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trường học và sẵn sàng phối hợp xử lý khi có vụ việc xảy ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành giáo dục cũng đề nghị các trường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên được biết về quy định cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng pháo nổ, thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ.
Trước đó chiều 19/12, trước cửa phòng học 201 của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Vũ Ngọc Cương (sinh viên năm thứ 3 khoa Kiến trúc) bị một nhóm thanh niên xông tới tấn công, đâm gục bằng nhiều nhát dao.
Theo VNE
"Được công nhận tài năng, nhiều cán bộ không so kè lương nữa" "Tôi biết nhiều người làm việc không chỉ vì thu nhập, cơ bản là tài năng, tâm huyết được thừa nhận. Được như vậy, họ sẽ không so kè lương trong hay ngoài nhà nước" - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói về tính khả thi của Đề án thi tuyển vụ trưởng. Tham nhũng trong công tác cán bộ đã...