Trường đại học cho sinh viên đến trường theo tiêu chí nào?
Nhiều trường đại học tại TP.HCM đã bắt đầu cho phép sinh viên đến trường học thực hành, vào thư viện hoặc giải quyết các vấn đề học vụ với những quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều trường đại học mở cửa đón sinh viên
Một số trường đại học (ĐH) bắt đầu mở cửa đón người học trở lại trường sau khoảng hơn 4 tháng dừng học tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này các trường đang mở cửa từng bước, chưa dạy học tập trung đại trà mà chỉ ưu tiên các hoạt động cần thiết trước mắt.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin đến trường sáng 22.10 – N. TOÀN
Bắt đầu từ ngày 21.10, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghệ thông tin được vào trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, thời điểm này SV vào trường chỉ lên thư viện học tập, liên hệ phòng ban chuyên môn giải quyết các vấn đề học vụ hoặc làm việc với giảng viên hướng dẫn tại phòng thí nghiệm. Các hoạt động học tập chính thức của trường vẫn đang diễn ra theo hình thức trực tuyến và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng một tháng tới.
“Do vậy, dù mở cửa, nhưng số người học đến trường thời điểm này không nhiều. Trong ngày đầu tiên chỉ có khoảng 40 – 50 SV đến trường và chủ yếu để giải quyết giấy tờ cần thiết”, tiến sĩ Khang chia sẻ.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường, Trường ĐH Bách khoa đã có thông báo cho phép người học có nguyện vọng được đăng ký đến trường sử dụng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành thời gian tới. Theo thống kê của trường, hiện có hơn 2.000 SV đã đăng ký tham gia học tập trung tại trường trong các lớp thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học và luận văn tốt nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cũng cho biết trường đã có thông báo tới các khoa chuyên môn về việc chủ động lựa chọn hình thức học tập phù hợp với các học phần thực hành, thực tập. Theo đó, trước mắt trường chủ trương cho người học năm cuối được lựa chọn, đăng ký hình thức thực hành, thực tập phù hợp với điều kiện người học. Đặc thù chung của hoạt động học tập này là SV phải tham gia các hoạt động bên ngoài, không thể giảng dạy ngay tại trường.
Một số trường khác cũng cho biết sẽ tổ chức học tập tại trường các học phần thí nghiệm, thực hành trong thời gian tới như: Công nghiệp thực phẩm, Sư phạm kỹ thuật…
Covid-19 sáng 25.10: Cả nước 888.940 ca nhiễm, 805.978 ca khỏi | Sức sống mới trở lại TP.HCM
Thực hiện theo tiêu chí nào?
Các trường bắt đầu có thông báo về kế hoạch cho SV đến trường từ đầu tháng 10. Dù có những quy định cụ thể khác nhau, nhưng các trường đều triển khai dựa trên các điều kiện chung: người học có nhu cầu và đáp ứng đủ các tiêu chí di chuyển, làm việc và học tập theo quy định chung về phòng, chống dịch sau ngày 30.9.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM bắt đầu cho sinh viên đến trường từ ngày 21.10 – N.T
Hiện các trường quy định chặt chẽ các trường hợp SV được tới trường. Trường ĐH Công nghệ thông tin thực hiện quét mã QR ngay tại cổng trường, chỉ người học có xác nhận đã tiêm đủ vắc xin theo quy định hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 mới được vào trường. Khi vào trường, SV vẫn tuân thủ quy định 5K.
Ngoài điều kiện trên, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm phải đăng ký trước khi vào trường. Căn cứ trên đề cương học phần có liên quan đến các phòng thực hành và thí nghiệm, SV mới được vào trường, nhưng sẽ được giám sát nghiêm túc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, việc dạy học trực tiếp của trường thời gian tới sẽ căn cứ trên tình hình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của SV. Để dạy học tập trung, cán bộ, giảng viên và người học cần đáp ứng đầy đủ quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Hiện nay, 100% cán bộ giảng viên của trường đã hoàn tất 2 mũi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ SV đã tiêm chủng của trường mới đạt gần 40%. Trường sẽ thực hiện khảo sát liên tục để có phương án học tập phù hợp trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cũng cho biết SV đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K mới đủ điều kiện ra vào trường.
“Để tổ chức, sắp xếp các lớp học, trường còn phải căn cứ vào công bố của UBND TP.HCM về xác định cấp độ dịch Covid-19 theo địa bàn cụ thể. Từ đó, trường sẽ có phương án phù hợp về hình thức dạy học, số lượng người có thể tham gia cụ thể trong các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để đảm bảo an toàn phòng dịch”, tiến sĩ Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo phó hiệu trưởng này, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các UBND về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Trong đó, riêng bậc ĐH và CĐ sư phạm, UBND địa phương hướng dẫn các trường trên địa bàn xác định cấp độ dịch để tổ chức dạy học đảm bảo an toàn. Nếu dịch ở cấp độ 1 và 2, các trường có thể dạy trực tiếp. Nhưng nếu nằm trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 và 4, trường tiếp tục dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến theo phương án cụ thể được địa phương chấp thuận.
Nhiều ký túc xá bắt đầu cho sinh viên đăng ký nội trú
Nhiều ký túc xá trường ĐH đã và đang cho SV trúng tuyển khóa mới đăng ký vào ở nội trú, như: Sư phạm kỹ thuật, Tôn Đức Thắng…
Theo ông Hồ Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý ký túc xá Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, SV đăng ký trước về việc ở nội trú theo nhu cầu và các đối tượng ưu tiên trong năm học mới. Việc SV vào ở thời điểm nào là phụ thuộc lịch học tập trung tại trường theo quyết định của UBND và nhà trường.
Hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, học viên tố chủ ôm tiền bỏ trốn
Sau giãn cách xã hội, nhiều học viên, phụ huynh té ngửa khi biết các trung tâm ngoại ngữ đã đóng cửa, dừng hoạt động, trả mặt bằng.
Những ngày gần đây, hàng ngàn học viên tại các trung tâm thuộc hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) ở TP.HCM cũng như rất nhiều giáo viên, nhân viên trung tâm ở nhiều tỉnh, thành khác liên tục tố ông Đỗ Văn Quản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giáo dục Master English, đã ôm tiền bỏ trốn, không thể liên lạc với ông bằng bất kỳ cách nào; các trung tâm này đều tuyên bố dừng hoạt động đột ngột.
Trung tâm ngoại ngữ SAS cơ sở Q.Gò Vấp đã ngừng hoạt động - ĐĂNG NGUYÊN
Đóng học phí cả năm, mới học 1 khóa
Học viên mất học phí mà chưa đòi lại được đa phần là sinh viên các trường ĐH. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên , Minh Hiếu, sinh viên vừa tốt nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết tháng 3.2021, Hiếu cùng em (đang là sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing) đóng tiền học thêm tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ SAS (cơ sở đường Trần Thị Nghỉ, P.7, Q.Gò Vấp). Cả hai chị em đóng tổng cộng 25.200.000 đồng cho khóa học tiếng Anh giao tiếp S0-S5 trong vòng 1,5 năm. Tuy nhiên, chỉ mới học được 1 khóa thì trung tâm tuyên bố dừng hoạt động. Từ tháng 8 đến nay, chị em Minh Hiếu tìm cách liên hệ với trung tâm này nhưng không được hồi đáp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có gần 70 cơ sở của hệ thống Trung tâm ngoại ngữ SAS mà giám đốc đang bị tố ôm tiền bỏ trốn được mở trên khắp các tỉnh, thành. Công ty TNHH Giáo dục Master English, đơn vị sở hữu hệ thống trung tâm này, đăng ký hoạt động tại TP.HCM với người đại diện là ông Đỗ Văn Quản, Giám đốc công ty. Công ty được cấp phép ngày 17.3.2015. Theo thông tin trên website Sở GD-ĐT TP.HCM, hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) thuộc Công ty TNHH Giáo dục Master English, đăng ký trụ sở chính tại số 97 Trần Thị Nghỉ, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Trong số 23 địa chỉ trung tâm tại nhiều quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM), hiện có 9 chi nhánh đang hoạt động, 9 chưa có quyết định hoạt động giáo dục và 4 chi nhánh đã giải thể.
Chúng tôi cũng không liên hệ được với chủ đầu tư của hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Pixar. Website của hệ thống này cũng không thể truy cập được.
Nguyễn Thị Kim Chi, sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết ngày 28.4, Chi có đóng học phí cho Trung tâm SAS (cơ sở Tô Ký, Trung Mỹ Tây, H.Hóc Môn) với số tiền 2.750.000 đồng cho một khóa học nhưng chỉ mới học được 3 buổi thì bùng dịch và lớp nghỉ cho đến hiện tại. Nay trung tâm đột ngột dừng hoạt động khiến Chi và các bạn trong lớp không thể tiếp tục học và cũng không thể đòi lại học phí.
Trần Thị Kim Ngà, sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM, cũng cho biết đăng ký học một khóa tại Trung tâm SAS (cơ sở đường Hoàng Diệu, TP.Thủ Đức) với số tiền 4.525.000 đồng vào ngày 27.3. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ngà chưa học được ngày nào thì trung tâm đột ngột dừng hoạt động. Ngà không thể liên hệ được trung tâm để đòi lại học phí.
Trung tâm ngoại ngữ SAS cơ sở H. Hóc Môn (ảnh trái) và Trung tâm ngoại ngữ Pixar, cơ sở Q.12 (ảnh phải) dừng hoạt động
Đóng cửa hàng loạt trung tâm trên cả nước
Đáng chú ý là hệ thống này có đến gần 70 trung tâm ngoại ngữ mở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc và tất cả đều đột ngột dừng hoạt động trong những ngày vừa qua. Hàng loạt giáo viên, nhân viên làm việc tại các trung tâm này ở TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Hạ Long, Đà Nẵng, Tiền Giang... đều lên tiếng trên fanpage chính thức thông báo các trung tâm đã dừng hoạt động. Các nhân viên còn thông báo học phí của học viên đều được chuyển về trụ sở chính của Công ty TNHH Giáo dục Master English và mặc dù cố gắng nhưng không ai liên lạc được với ông Đỗ Văn Quản.
Không chỉ có Trung tâm ngoại ngữSAS, những ngày gần đây, Báo Thanh Niên còn nhận được phản ánh của phụ huynh có con đăng ký học tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ Pixar (TP.HCM). Trung tâm này có 3 cơ sở hoạt động tại TP.HCM, nhưng phụ huynh cho biết trung tâm đã đóng cửa và không thể liên hệ được bất kỳ ai phụ trách trung tâm để đòi lại học phí.
Sáng ngày 19.10, đứng tần ngần trước cửa Trung tâm ngoại ngữ Pixar (cơ sở 42 Bùi Văn Ngữ, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12), chị Thanh Nguyên, phụ huynh có 2 con học tại đây, cho biết chị đã đóng gần 30 triệu học phí cho con học trong 1 năm. Tuy nhiên, con chị chỉ học được hơn 1 tháng thì giãn cách xã hội nên trung tâm tạm nghỉ. Những ngày vừa qua, khi hết giãn cách, chị đến đây thì trung tâm đã ngừng hoạt động. Các phụ huynh khác cũng như chị đều không thể liên hệ được với chủ trung tâm.
Anh Dương Đức Hiếu, phụ huynh có con học tại đây, cũng cho biết sau khi thấy trung tâm con mình học dừng hoạt động đột ngột mà không báo trước, anh có đi tìm hiểu các trung tâm khác thuộc hệ thống này thì cả 4 trung tâm đều dừng hoạt động. Anh Hiếu cho biết anh và các phụ huynh nghi ngờ chủ hệ thống Pixar có dấu hiệubỏ trốn, không trả học phí cho phụ huynh.
(còn tiếp)
Trường đại học ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội Mới đây, một trường đại học đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của dư luận. Theo các chuyên gia, cần có hướng dẫn sinh viên và giảng viên sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh. Trước những phức tạp khi sử dụng mạng xã hội, Trường Đại học Công nghiệp...