Trưởng đặc khu Hong Kong ủng hộ cải cách luật bầu cử
Carrie Lam cho rằng Trung Quốc “rõ ràng” cần cải cách hệ thống bầu cử tại Hong Kong, dường như tiếp tục báo hiệu về thay đổi lớn sắp tới.
“Rõ ràng đã đến lúc các cơ quan trung ương phải hành động để giải quyết tình hình, bao gồm cải cách bầu cử. Tôi có thể hiểu rằng chính quyền trung ương vô cùng lo ngại. Họ không muốn tình hình tồi tệ thêm”, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay.
Bình luận được bà Lam đưa ra sau khi Hạ Bảo Long, giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc đại lục, cho biết Bắc Kinh đang đối mặt với nhiệm vụ “quan trọng và cấp bách” trong việc xem xét lại cách Hong Kong tiến hành các cuộc bầu cử.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu trong cuộc họp báo tại đặc khu hôm 22/2. Ảnh: AFP .
Theo ông Hạ, Trung Quốc cần tiến hành cải cách “nhằm đảm bảo nhiệm vụ quản lý Hong Kong nằm dưới sự kiểm soát vững chắc của những người yêu nước”. “Việc cải thiện hệ thống bầu cử liên quan phải do chính quyền trung ương lãnh đạo”, quan chức này nói thêm.
Video đang HOT
Giới quan sát nhận định những động thái này, cùng một số bài báo và xã luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó, là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang dự định kiểm soát Hong Kong chặt chẽ hơn.
Nguồn tin của Wall Street Journal hôm qua cũng tiết lộ Bắc Kinh muốn hạn chế ảnh hưởng của những nhóm đối lập trong ủy ban bầu cử lãnh đạo đặc khu Hong Kong, cơ quan gồm 1.200 thành viên, bằng cách thay thế các chính trị gia đối lập bằng những người ủng hộ Bắc Kinh. Cũng theo nguồn tin này, sự thay đổi sẽ được thông qua trong phiên họp quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay từ chối bình luận về “những bài báo mang tính suy đoán”, nhưng nói thêm rằng các quan chức trong chính quyền Hong Kong nên là “những người yêu nước”.
Trung Quốc đã thực hiện một số động thái nhằm tăng cường kiểm soát Hong Kong kể từ sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quy mô lớn, trong đó đáng chú ý nhất là luật an ninh quốc gia mới được áp dụng năm ngoái. Tuy nhiên, bà Lam hôm qua cho hay những cải cách không nhằm hạn chế ảnh hưởng của các chính trị gia đối lập, mà để ngăn cản những hành vi phản quốc, như cấu kết với thế lực nước ngoài để thách thức chính quyền trung ương.
“Sự cần thiết phải thay đổi hệ thống bầu cử Hong Kong chỉ nhằm một mục đích duy nhất, là đảm bảo bất cứ ai tham gia điều hành đặc khu đều là người yêu nước”, bà nói.
Trung Quốc chỉ trích quốc hội Canada
Trung Quốc cho biết nước này lên án và bác bỏ việc quốc hội Canada thông qua kiến nghị nói Bắc Kinh phạm tội "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Trung Quốc "lên án mạnh mẽ hành động chính trị hóa Thế vận hội của quốc hội Canada" và bác bỏ những sai lệch về Tân Cương. Ông Uông cũng cho biết Trung Quốc đã nêu kháng nghị với phía Canada, kêu gọi chấm dứt thành kiến.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh tháng 12/2020. Ảnh: Reuters .
Tuyên bố được đưa ra sau khi quốc hội Canada hôm 22/2 bỏ phiếu thông qua việc xem hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội "diệt chủng". Các nghị sĩ cũng kêu gọi áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và chuyển Thế vận hội Mùa đông Olympic sắp tới khỏi Bắc Kinh.
Với việc thông qua kiến nghị, Canada trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, mô tả việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng.
Động thái được cho là có thể sẽ mang lại loạt thách thức chính trị mới cho Thủ tướng Justin Trudeau, người đã cố gắng cân bằng giữa việc đẩy lùi các "hành động thù địch" của Trung Quốc và duy trì quan hệ thân ái với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Trudeau trước đó phản đối đề nghị bỏ phiếu, nói rằng diệt chủng là thuật ngữ "cực kỳ nặng nề" và cần phải nghiên cứu thêm vấn đề này trước khi đưa ra quyết định.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cũng chỉ trích quốc hội Canada can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và "hành động khiêu khích ác ý đối với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc". Đại sứ quán cáo buộc quốc hội Canada "dùng lời nói dối để chính trị hóa thể thao, vi phạm tinh thần của Thế vận hội và làm tổn hại lợi ích của tất cả vận động viên".
"Động thái của Canada sẽ không thành công và chúng tôi kêu gọi các chính trị gia đó nhìn nhận thực tế, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngừng tìm kiếm lợi ích cá nhân thông qua các vấn đề Tân Cương và ngừng trò hề chống Trung Quốc", người phát ngôn đại sứ quán nói.
Quan hệ Canada - Trung Quốc căng thẳng đáng kể kể từ khi Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của Mỹ cuối năm 2018. Chỉ trong vài ngày, hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor bị bắt tại Trung Quốc với cáo buộc gián điệp. Canada mô tả việc bắt giam hai công dân của họ là "ngoại giao con tin".
Hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ được cho là bị giam trong các trại cải huấn ở Tân Cương, cùng các cáo buộc cưỡng hiếp và bạo lực tình dục trong những cơ sở này. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc như vậy, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 22/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng việc họ đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng "nổi bật như những tấm gương sáng về tiến bộ nhân quyền của Trung Quốc". "Chưa bao giờ có cái gọi là diệt chủng, lao động cưỡng bức hay đàn áp tôn giáo ở Tân Cương", ông Vương nói.
Bị Quốc hội Canada cáo buộc 'diệt chủng' ở Tân Cương, Trung Quốc phản pháo Trung Quốc lên án gay gắt việc Quốc hội Canada vừa bỏ phiếu nhất trí cáo buộc hành động của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội "diệt chủng". Hôm 23/2, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, nước này lên án và bác bỏ việc...