Trưởng đặc khu Hong Kong nén nước mắt, nói không rút dự luật dẫn độ
Vẫn chưa có thông tin về việc các cuộc thảo luận dự luật dẫn độ có được tiếp tục hay không và tiếp tục vào thời gian nào.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình TVB hôm 12/6 , trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phản đối những người biểu tình đã tổ chức “một cuộc bạo loạn” và nói bà sẽ không đáp lại yêu cầu rút dự luật dẫn độ.
Bà Lâm chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố xung quanh trụ sở cơ quan lập pháp. “Rõ ràng, đây không còn là một cuộc tụ tập ôn hòa, mà là một sự bạo loạn được tổ chức. Đây không thể là một hành động thể hiện tình yêu dành cho Hong Kong. Kể từ chiều 12/6, một số người đã dùng đến các hành vi nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Chúng bao gồm gây hỏa hoạn, sử dụng các thanh sắt mài nhọn và gạch đá tấn công các sĩ quan cảnh sát, cũng như phá hủy các cơ sở công cộng”.
Bà nói những hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của cư dân bình thường, những người trẻ tuổi đang có kế hoạch thể hiện quan điểm của họ một cách hòa bình, các nhà báo, cảnh sát và công chức.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. (Ảnh: TVB)
Bà Lâm cho biết bà hiểu rằng có nhiều quan điểm khác nhau về dự luật dẫn độ. “Nếu cực đoan và bạo lực có nghĩa là đạt được mục đích của họ, những cảnh này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn mang lại tác hại cho Hong Kong”, bà nói, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.
Khi được hỏi liệu bà có rút dự luật không, bà Lâm nói: “Vấn đề này gây tranh cãi là không thể chối cãi. Giải thích (dự luật) và giao tiếp sẽ hữu ích, nhưng chúng ta có lẽ không thể loại bỏ hoàn toàn những lo lắng hoặc tranh cãi này.”
“Để sử dụng một phép ẩn dụ, tôi cũng là một người mẹ, tôi có hai đứa con trai. Nếu tôi để chúng làm như chúng muốn mỗi khi con trai tôi hành động như vậy, chẳng hạn như khi nó không muốn học, mọi thứ có thể ổn giữa chúng tôi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tôi nuông chiều hành vi bướng bỉnh của nó, nó có thể hối hận khi lớn lên. Sau đó, nó sẽ hỏi tôi: ‘Mẹ, tại sao lúc đó mẹ không nhắc nhở con?’”
Video đang HOT
Bà bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng bà đã “phản bội” Hong Kong với dự luật này. “Làm sao tôi có thể? Tôi lớn lên ở đây với tất cả những người Hong Kong khác. Tình yêu của tôi dành cho nơi này đã thôi thúc tôi phải hy sinh nhiều thứ” – đặc khu trưởng Hong Kong nói trong nước mắt.
“Tôi có một người chồng ở nhà, người không quan tâm đến chính trị hay các vấn đề toàn cầu. Đây là những gì ông ấy nói – ‘Sao bà có thể bán Hong Kong được? Vấn đề bà gặp phải, đó là sau khi trở thành trưởng đặc khu, bà đã bán mình cho Hong Kong.”
Bà Lâm cho biết thêm dự luật là chính sách riêng của chính quyền Hong Kong, không liên quan Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng dự luật cung cấp đòn bẩy cho Mỹ trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc hay không, bà Lâm nói thời điểm là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và việc cuộc chiến thương mại làm tình hình trở nên phức tạp hơn nằm ngoài dự đoán của bà.
Bà không bình luận về những ý kiến rằng có những lực lượng nước ngoài can thiệp vào dự luật, khi mà Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại.
“Những gì tôi có thể nói là một số nước phương Tây – mức độ quan tâm mà họ thể hiện là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây”.
Trong khi đó, sau phát biểu của bà Lâm, nhiều ý kiến cho rằng bà Lâm đã sử dụng “nước mắt cá sấu” trên truyền hình khi phớt lờ dư luận và sự thật là có hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình hôm 9/6. Cậu chuyện bà ví về cách giáo dục con cái cũng bị chỉ trích là không thích hợp khi đánh đồng việc nghe ý kiến dư luận là “nuông chiều” hành vi bước bỉnh của những đứa trẻ.
Theo Reuters, Hong Kong sẽ đóng cửa các văn phòng chính quyền đến hết tuần sau một ngày biểu tình bạo lực phản đối dự luật dẫn độ. Sáng sớm ngày 13/6, chỉ một số ít người biểu tình vẫn ở lại các khu vực biểu tình trên đường phố khi một cuộc dọn dẹp rộng rãi xung quanh cơ quan lập pháp diễn ra.
Cảnh sát đã bắn đạn cao su, hơi cay vào một loạt các cuộc đụng độ ngày 12/6 để giải tán người biểu tình xung quanh các tòa nhà cơ quan lập pháp. Đây là một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Hong Kong. Bệnh viện Hong Kong cho biết 72 người đã phải nhập viện, tính đến 10h tối 12/6.
Vẫn chưa có thông tin về việc các cuộc thảo luận dự luật dẫn độ có được tiếp tục hay không và tiếp tục vào thời gian nào.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Tổng thống Trump lần đầu lên tiếng về biểu tình ở Hong Kong
Tổng thống Trump nói ông hiểu lý do biểu tình của người Hong Kong, tin rằng Trung Quốc đại lục và Hong Kong sẽ giải quyết êm xuôi vấn đề
"Đó là những cuộc biểu tình quy mô lớn. Hôm nay tôi đã xem và thực sự một triệu người đã tham gia", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 12/6, đề cập tới cuộc biểu tình tại Hong Kong hôm 9/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
"Tôi hy vọng tất cả sẽ có giải pháp với Trung Quốc và Hong Kong. Tôi hiểu lý do của cuộc biểu tình, nhưng tôi chắc chắn rằng họ sẽ có thể giải quyết nó", nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm nhưng không nói rõ ông nghĩ vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào.
Một tuyến đường ở Hong Kong bị chặn sáng 12/6. (Ảnh: Reuters)
Những ngày qua Hong Kong rung chuyển bởi các cuộc biểu tình tồi tệ nhất từng thấy trong nhiều năm qua. Cảnh sát Hong Kong đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để đối phó với người biểu tình khi họ tìm cách bao vây các tuyến đường huyết mạch bên ngoài trụ sở các tòa nhà chính quyền. Cuộc đụng độ khiến hơn 70 người bị thương.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump đưa ra phát ngôn công khai chính thức về dự luật dẫn độ tại Hong Kong. Dự luật này đã vấp phải sự chỉ trích của các nghị sĩ, quan chức Mỹ và châu Âu, đồng thời làm nổ ra các cuộc tuần hành tại 29 thành phố trên toàn thế giới.
Giới chuyên gia nhận định phản ứng của ông Trump với các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong có phần "thận trọng" trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ cứu vớt được thỏa thuận thương mại khi mà các cuộc đàm phán song phương rơi vào bế tắc.
Dân biểu James McGitas, một thành viên đảng Dân chủ Mỹ, nói với Reuters rằng ông Trump nên có một tuyên bố mạnh mẽ hơn.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế", tránh xảy ra bạo lực, yêu cầu chính quyền Hong Kong tôn trọng quyền tự do ngôn luận và "quyền của người dân được tập trung một cách hòa bình". Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây cũng liên tiếp cảnh báo Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong và Trung Quốc.
Trong khi đó, Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway cho biết Tổng thống Trump có thể sẽ nêu vấn đề biểu tình ở Hong Kong với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.
(Nguồn: Reuters)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Hưởng ứng biểu tình, hàng trăm doanh nghiệp Hong Kong đóng cửa Để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục, hàng trăm doanh nghiệp ở Hong Kong tuyên bố đóng cửa, ngừng kinh doanh một ngày. Theo South China Morning Post, gần 1.000 doanh nghiệp lớn, bao gồm các hãng vận chuyển và cửa hàng kinh doanh tại Hong Kong, tuyên bố đóng cửa trong ngày 12/6. Trong ngày,...