Trường cho nghỉ học về nước, du học sinh tận dụng thời gian đi làm thêm
Tranh thủ thời gian chưa trở lại học ở nước ngoài khi đang còn dịch Covid-19, nhiều du học sinh đã đi làm thêm, đi thực tập để vừa không bỏ phí thời gian vừa tích lũy kinh nghiệm cho riêng mình.
Hoàng Anh (bên trái) trong buổi làm thêm – HOÀNG ANH
Đi làm thêm, thực tập để có thêm trải nghiệm
Như nhiều du học sinh trở về Việt Nam trong đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Đoàn Cao Khải (21 tuổi) đang học ngành tài chính kế toán ở Úc cũng trở về nước vì trường cho nghỉ học. Việc học hiện tại của Khải được thay thế bằng hình thức trực tuyến.
Theo dự tính, đầu tháng 7 Khải trở lại Úc để tiếp tục việc học. Trong thời gian ở nhà vừa qua, Khải chỉ đăng ký 2 môn để học trực tuyến và thời gian trống còn lại rất nhiều. Thấy vậy, Khải suy nghĩ và quyết định xin vào một ngân hàng ở TP.HCM để thực tập. Mục đích chính là tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Nộp hồ sơ xong, Khải xin được vào phòng tín dụng của một ngân hàng. Mỗi ngày Khải theo anh chị đồng nghiệp liên hệ và tiếp xúc với khách hàng có giao dịch. Dần dần từ bỡ ngỡ ban đầu Khải cũng học được cách làm việc, tìm kiếm khách hàng của mình. Nhờ thế Khải cũng biết thêm được phần nào về ngành mà mình học.
“Tôi có dự tính học xong sẽ về nước để làm việc. Thời gian này tôi muốn trải nghiệm môi trường làm việc ở Việt Nam. Nơi thực tập, tôi được anh chị hướng dẫn nhiệt tình, được biết nhiều cái mới hơn, môi trường chuyên nghiệp hơn. Học được cách giao tiếp trong văn phòng, các nghiệp vụ công việc… Những cái này khác xa với môi trường ở Úc”, Khải nói.
Khải trong lần đi thực tập ở một ngân hàng tại TP.HCM
Vừa tìm được công việc sau thời gian dài về nước, Lê Nguyễn Hoàng Anh (21 tuổi, học ngành truyền thông ở Úc) cảm thấy rất vui vì mình đã có nơi cọ xát, khỏa lấp thời gian rảnh rỗi của mình.
Hoàng Anh cho biết: “Ở Việt Nam lúc này tôi phải đi tìm việc làm chứ không thể phí thời gian của mình nữa. Một phần tôi muốn bước ra ngoài, muốn trải nghiệm thêm không khí làm việc ở Việt Nam như thế nào…”.
Ban đầu Hoàng Anh dự định tìm việc phục vụ tại các quán cà phê hoặc nhà hàng. Công việc đó không khác gì khi đi làm thêm ở Úc, nên Hoàng Anh lại quyết định xin việc liên quan đến truyền thông trong một công ty tư vấn du học. Ngày 13.5 cũng là ngày Anh bước vào môi trường làm việc đầu tiên ở Việt Nam. “Tôi thấy môi trường thân thiện hơn vì được nói chuyện với ngôn ngữ của nước mình. Tôi có thể đào sâu học hỏi vào đúng chuyên môn của ngành mình học hơn. Mục đích bây giờ của tôi làm sao có nhiều kinh nghiệm càng nhiều càng tốt trước khi tôi trở lại Úc”, Hoàng Anh chia sẻ.
Video đang HOT
Bán bánh kiếm tiền chi tiêu
Khác với nhiều du học sinh khác, Lê Minh Phương (19 tuổi, du học sinh ở Úc) đã tự tay mày mò cách làm bánh để bán online kiếm tiền trong thời gian được nghỉ học. Theo đó, vì có nhiều việc Phương trở về nước từ hồi tháng 1 vừa qua. Trong thời gian đó, dịch lại bùng phát ở Úc nên Phương không thể nào quay lại trường để học.
Thế rồi, thời gian cách ly xã hội vừa qua Phương ở nhà tự mày mò làm bánh bằng cách xem YouTube và cả trên sách vở. Ban đầu bánh làm ra không ngon, bị nhiều người chê nhưng Phương quyết định không bỏ cuộc. Cuối cùng, những chiếc bánh của Phương ra lò ngon hơn và nhận nhiều lời khen từ gia đình, bạn bè. Khi lệnh cách ly không còn, Phương quyết định thử sức bằng cách làm bánh để bán qua mạng.
Những chiếc bánh ngọt do tự tay Phương làm ra để bán trong những ngày ở Việt Nam
“Lâu rồi tôi chưa về nước nên cũng muốn làm cái gì đó để kết nối với mọi người hơn. Thế là tôi chọn làm bánh”, Phương cho hay.
So với việc làm thêm ở nước ngoài, việc bán bánh online này Phương cảm thấy thoải mái, chủ động hơn. Phương bán 5 loại bánh đơn giản, loại bánh dành cho mùa hè. Những khách hàng của Phương hầu như là bạn bè quen biết trên mạng xã hội.
Phạm Thị Ngọc Diễm (25 tuổi, du học sinh ở Hà Lan) thì chia sẻ: “Hiện tại tôi ở Việt Nam trong khoảng thời gian khá dài nên muốn kiếm một công việc để làm thêm. Một phần là không để bản thân bị rơi vào trạng thái không công việc. Phần khác muốn được cọ xát, có thêm kinh nghiệm và có cơ hội hiểu thêm về cách làm việc và công việc ở Việt Nam sau hơn 3 năm du học”.
“Tôi muốn tìm kiếm một công việc liên quan về truyền thông, vì đó cũng là ngành nghề tôi đang theo học. Trong khi ở nước ngoài, thời gian rảnh của tôi cũng dành cho công việc, tôi hầu như không có được thời gian cho bản thân. Nên tôi rất quý trọng khoảng thời gian được ở Việt Nam lúc này, nó giống như một bước đệm để nhìn lại bản thân mình” Diễm chia sẻ về mong muốn tìm việc để đi làm thêm.
Du học sinh Việt ở Úc được hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19
Những ngày này, Minh Thông (du học sinh Việt tại Học viện Holmesglen, Úc), mất việc làm thêm vì dịch Covid-19. Thông đăng ký gói trợ cấp mất việc từ Chính phủ của tiểu bang Victoria và đã được phê duyệt.
Kim Liên sinh viên Trường Holmes Institute (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng nghiệp tại nơi làm thêm - K.L
Minh Thông là một du học sinh Việt tại Úc đang trải qua những ngày khó khăn trên xứ người vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay.
Trợ cấp sinh viên mất việc, cho rút "lương hưu"
Mới đây tiểu bang Victoria đã công bố Quỹ hỗ trợ khẩn cấp 45 triệu AUD cho sinh viên quốc tế đang đương đầu với khó khăn tài chính vì dịch Covid-19. Những sinh viên bị mất việc hoặc bị cắt giờ làm đáng kể sẽ được nhận khoản trợ cấp tối đa 1.100 AUD. Trong thời gian chờ chính phủ mở đơn, Minh Thông cùng rất nhiều du học sinh Việt đã đăng ký thành công nguyện vọng yêu cầu được trợ cấp.
Cho đến hiện tại, tiểu bang Victoria chưa có kế hoạch nới lỏng cách ly. Các trường ĐH, CĐ, phổ thông vẫn đang học trực tuyến. Ngành bán lẻ như nhà hàng, cửa tiệm, nơi đa số du học sinh Việt làm thêm chưa được hoạt động bình thường trở lại.
Cùng với quỹ hỗ trợ trên, tiểu bang Victoria còn có thêm những hỗ trợ khác cho du học sinh Việt. Chính phủ tiểu bang này quy định chủ nhà không có quyền đuổi người thuê nếu họ không có khả năng chi trả vì bị mất việc làm, không có thu nhập do dịch bệnh tính cho đến cuối tháng 9 năm nay.
Du học sinh học trong một thư viện của trường ĐH tại Úc - ĐẬU TIẾN ĐẠT
Người thuê nhà ở tiểu bang Victoria, bao gồm cả du học sinh, nếu không có khả năng trả tiền thuê nhà cũng có thể xin hỗ trợ 2.000 AUD. Điều kiện để nhận được trợ cấp thuê nhà là có ít hơn 5.000 AUD trong tài khoản, thu nhập trước thuế ít hơn 1.903 AUD/tuần.
Tại đây, tiền thuê nhà thường chiếm hơn 30% tiền lương. Thời gian vừa qua, tình trạng tài chính của người thuê bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc hoặc bị cắt giờ làm vì dịch bệnh, thu nhập giảm ít nhất 20%. Bạn Kim Liên (sinh viên Trường Holmes Institute), cho biết đang làm thủ tục xin trợ cấp. Nếu được chấp nhận, khoản tiền này sẽ được chuyển trực tiếp cho văn phòng địa ốc hoặc chủ nhà.
Các du học sinh không đủ điều kiện xin trợ cấp tiền thuê nhà của chính phủ có thể thương lượng trực tiếp với văn phòng địa ốc hoặc chủ nhà để xin giảm tiền thuê. Chẳng hạn, Lương Chánh Tín, sinh viên Trường William Angliss, thuê nhà trực tiếp với chủ nhà người Việt và được giảm 30% tiền thuê cho đến khi hết dịch.
Một chính sách khá đặc biệt là du học sinh Việt được rút "lương hưu" sớm. Tại Úc, bất cứ ai đi làm mà chủ có trả thuế, thì chủ bắt buộc đóng vô quỹ "lương hưu" (superannuation) khoảng trên 9% tiền lương. Lương hưu chỉ được lãnh khi về hưu hoặc du học sinh học xong về nước. Do dịch Covid-19 nên người dân và du học sinh được rút khoản "lương hưu" này ra sớm. Du học sinh đang giữ visa sinh viên trên 12 tháng và không thể chi trả chi phí sinh hoạt lúc này, có thể nộp đơn xin rút "lương hưu" sớm với số tiền tối đa 10.000 AUD. Rất nhiều du học sinh Việt đã nộp đơn và lãnh tiền "lương hưu" sớm thành công.
Nguyễn Nhi (sinh viên Trường Stott's College) và Lương Chánh Tín cho biết đã nhận được tiền "lương hưu" chỉ sau vài ngày nộp đơn.
Hỗ trợ từ các trường đại học
Các trường ĐH lớn ở tiểu bang Victoria đều có chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong mùa dịch này như phát đồ ăn miễn phí, phiếu mua thực phẩm, tiền mặt, thiết bị học tập. Mỗi sinh viên có thể xin được trợ giúp từ 1.000 đến 3.000 AUD, không phân biệt sinh viên trong nước hay quốc tế.
Phạm Hải Yến, sinh viên Trường ĐH RMIT, cho biết hiện đã nộp đơn và đang chờ kết quả. Nguyễn Văn Nhị (sinh viên Trường ĐH Deakin) cũng cho biết đã hoãn khóa học và được hoàn lại 100% học phí.
Trường ĐH Melbourne vắng vẻ do chuyển sang dạy và học trực tuyến - THOẠI GIANG
Các nhóm, hội, cộng đồng người Việt tại Úc cũng đang chung tay giúp đỡ du học sinh khó khăn trong thời gian này.
Chị Tiến Nguyễn, quản lý Hội sinh viên Việt Úc, cho biết đang lên kế hoạch cho kỳ ra quân cứu trợ sinh viên đợt 3. Tương tự như hai đợt trước, dự định kỳ này Hội cũng sẽ giúp đỡ 200 hộ gia đình (mỗi hộ 3 sinh viên). Gói cứu trợ đợt 3 này sẽ gồm một bao gạo 20 kg và một thùng mì gói. Ngoài ra hội cũng tư vấn, giúp đỡ các du học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như can thiệp với trường nếu có trục trặc giấy tờ, hỗ trợ đàm phán với chủ nhà xin giảm tiền thuê. Các du học sinh gặp phải vấn đề tế nhị cũng có thể nhắn tin riêng cho hội để đảm bảo sự riêng tư.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người Việt ở Úc - HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI ÚC (VASA)
Thời gian qua chị Nguyễn Bảo Châu, điều hành nhóm Facebook Mẹ Việt tại Úc, cũng đã giúp đỡ hàng trăm du học sinh ở Melbourne, Canberra và Sydney. Nhóm hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiều thành viên tình nguyện cung cấp chỗ ăn ở miễn phí trong trường hợp quá khó khăn, khẩn cấp. Các tổ chức từ thiện như Red Cross hay Foodbank giúp đỡ những du học sinh tự cách ly, không có điều kiện ra ngoài.
Ngoài ra còn có nhiều cá nhân, mạnh thường quân đã tự nguyện mở các chương trình tặng thức ăn, nhu yếu phẩm cho du học sinh. Đợt cứu trợ vừa rồi, anh Quý Đơn Giản đã giúp đỡ khoảng 200 bạn du học sinh ở Melbourne, Sydney và Perth gạo, mì gói, rau củ. Hằng tuần, chị Thảo Hoàng, ở Ringwood (phía đông thành phố Melbourne), nấu cơm miễn phí cho những du học sinh khó khăn. Có ngày, chị chuẩn bị 60 phần ăn rồi gửi cho người quen ở phía tây thành phố để tiện cho các du học sinh ở những vùng lân cận đến lấy.
Những hỗ trợ trong mùa dịch Covid-19 này đã giúp du học sinh Việt giảm bớt phần nào khó khăn của mình ở nơi đất khách quê người.
Du học sinh Việt ở Australia lo thất nghiệp Với các biện pháp Chính phủ Australia đang thực hiện, du học sinh Việt không quá lo về đại dịch mà chỉ lo thất nghiệp, không có tiền đóng học phí. Hiện nay Australia có hơn 25.000 du học sinh Việt Nam. Thời gian qua chỉ một số ít trở về nước tránh dịch, đa số chọn ở lại để không bị gián...