Trường bắn Long Bình: “Thánh địa” lô đề
Không chỉ xảy ra những vụ trộm xác kinh thiên động địa, những câu chuyện sặc màu mê tín cũng khiến khu mộ tử tù trường bắn Long Bình có lúc rộn ràng bước chân dân đề đóm.
Một trong những mộ phần được giới đề đóm đến xin số và truyền tụng “linh” nhất chính là mộ phần của tử tù tướng cướp khét tiếng Phước “tám ngón”.
Mộ tướng cướp “đắt sô”
Chúng tôi tiếp tục gặp ông “trùm” phu mộ trường bắn Ba Son để nghe thực hư lời đồn đoán. Ông Ba Son nói, không biết thực hư câu chuyện trên như thế nào, nhưng từ khi tử tù Phước “tám ngón” bị xử bắn và chôn cất ở trường bắn Long Bình, ban đêm có hàng chục người lén lút vào xì xụp khấn vái, khóc than xin số đánh đề.
Chúng tôi được ông Ba Son dẫn đi xem nơi chôn cất tướng cướp khét tiếng một thời Phước “tám ngón”, nơi đây giờ chỉ còn trơ lại một cái hố sâu nằm khuất trong những bụi cỏ rậm rạp. Theo ông Ba Son, lúc còn sống, Phước “tám ngón” là một tướng cướp nổi danh trong giới giang hồ, nhưng khi chết đi anh ta lại bị gia đình, đồng bọn bỏ rơi không hương khói.
Khi Phước “tám ngón” bị dẫn giải ra pháp trường, ông Ba Son có lẽ là “người thân” duy nhất của “đại ca” giang hồ này khi một tay lo liệu tất cả, từ đào huyệt đến xây mồ mả.
“Cách đây mười mấy năm có một người đến trước mộ Phước “tám ngón” khấn vái xin số đề… rồi may mắn trúng đậm. Người này sau đó thuê tôi xây mộ cho Phước “tám ngón” và hằng đêm mua hoa quả tìm đến tận mộ tướng cướp này để “tạ ơn”. Những lời đồn đoán này nhanh chóng lọt đến tai những con nghiện lô đề, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng trăm người tìm đến mộ Phước “tám ngón” cúng bái xin số”, ông Ba Son kể.
Những ngôi mộ còn sót lại ở trường bắn Long Bình
Rồi ông thở dài nói: “Thấy mộ Phước “tám ngón” ngày nào cũng nghi ngút hương khói, tôi cũng mừng thầm vì từ nay anh ta không còn lạnh lẽo một mình nơi hoang vắng. Nhưng sự đời trớ trêu nó vậy, khi sống thì xưng hùng xưng bá, khi chết, mộ phần mình lại trở thành nơi người ta đến không phải để thăm nom hương khói mà là để cầu may cầu tài bằng những con số đánh đề…”.
Có một lần, nửa đêm ông Ba Son còn thấy người phụ nữ nằm khóc vật vã trên mộ Phước “tám ngón” xin số đề vì “gia đình nghèo quá”. Không chỉ người phụ nữ này, hàng đêm có nhiều nhóm người còn tụ tập ăn nhậu ngay trước mộ Phước “tám ngón” vì trúng số. Đến khi mộ tướng cướp này được ông Ba Son bốc đi gửi vào một ngôi chùa ở quận 9, vẫn còn những con nghiện lô đề mon men vào thắp nhang xin số…
Phu mộ cũng “lên đời”
Video đang HOT
Sau một thời gian được thờ cúng như “thần thánh”, mộ Phước “tám ngón” dần dà được cho là “mất thiêng”. Các con nghiện lô đề bắt đầu đi kiếm những ngôi mộ tử tù giang hồ khác để “lấy hên”. Cuộc sống của những người hành nghề phu mộ trường bắn từ đây cũng phất lên được nhờ những con heo sữa, tiền “bo”… của con nghiện lô đề.
Ông Ba Son còn nhớ như in, vào năm 2004, một người thanh niên đến mộ một tử tù mới xử bắn thắp nhang, cúng bái xin số đề. Ít ngày sau người thanh niên này tìm gặp ông Ba Son nhờ xây cho người tử tù này ngôi mộ sơn màu trắng. Ngoài tiền xây mộ, người này “bo” thêm cho ông Ba Son 1,5 triệu đồng và khoe, mới được vị “hậu bối” giúp trúng số đề cả trăm triệu đồng.
Ông Ba Son hồi tưởng lại những kỷ niệm ở trường bắn sau khi đi làm nhân viên bán xăng
Một tuần sau, ông Ba Son thấy có nhóm 10 người đêm nào cũng đến ngôi mộ vô danh trong trường bắn Long Bình nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Thấy lạ, ông dò la hỏi han mới hay, người phụ nữ mặc áo sọc trắng mới trúng vé số độc đắc sau khi đi “cầu xin” ở ngôi mộ tử tù “không mang họ”.
Gặp được “miếng mồi ngon”, không để lọt khỏi tầm tay, ông Ba Son giả vờ gọi điện báo chính quyền địa phương giải tán không cho nhóm người này vào trường bắn Long Bình ăn chơi nữa. Thấy ông Ba Son làm “căng”, nhóm người này thỏa thuận đưa cho ông 20 triệu đồng vì lỡ nhận lời đến trường bắn Lon Bình chơi với “vị ân nhân” một tháng, nhưng nay mới được hơn một tuần. Nhóm người này còn đưa cho ông thêm 5 triệu đồng nữa nhờ xây mộ cho người tử tù đã lạc mất danh tính.
“Tiếng lành đồn xa”, hằng ngày ông Ba Son không thể đếm xuể có biết bao nhiều “con nghiện” cờ bạc tìm về trường bắn Long Bình xin số cầu may. “Số người đến xin số đông đến nỗi, những ngày lễ hoặc cuối tuần, chúng tôi dùng cả xe tải chở heo sữa, quà cáp… vẫn không xuể”, ông Ba Son nhớ lại.
Hay tin những phu mộ trường bắn ăn nên làm ra nhờ các con nghiện lô đề và các phi vụ trộm xác bí ẩn ở trường bắn Long Bình, băng nhóm bảo kê cũng nhảy vào tranh giành lãnh địa. Nhưng tất cả những tên giang hồ máu mặt nhất, khi nghe qua những vụ trộm xác kinh thiên động địa của ông Ba Son, bọn chúng đều “hồn xiêu phách lạc”.
Sau này chính quyền địa phương ra quân triệt xóa, nạn xin lô đề, giang hồ tụ tập ở trường bắn Long Bình, tình hình an ninh trật tự nơi đây mới được vãn hồi. Theo ông Ba Son, thực tế, trường bắn Long Bình đã ngưng tiếng súng 2 năm nay, tất cả anh em phu mộ một thời đều đi làm công việc khác.
“Tôi cũng chuyển sang bán xăng dầu cho một công ty gần trường bắn Long Bình, nhưng thi thoảng vẫn đến đây chơi, thắp nhang cho những ngôi mộ tử tù còn sót lại…”, ông Ba Son trầm tư. Ông bảo làm vậy vì dù gì mảnh đất vốn nặng âm khí, bao chuyện rùng rợn này cũng một thời giúp ông và bao phu mộ khác có kế sinh nhai.
Theo Khampha
Trường bắn Long Bình: Bí mật của "trùm" phu mộ
Dù chia tay với nghề đã gần 2 năm nay, nhưng những câu chuyện bên trong trường bắn Long Bình vẫn là nỗi ám ảnh của những người từng sống bên mộ phần của tử tù.
LTS: Sau hai năm, từ khi áp dụng thi hành án tử tù bằng thuốc độc thay cho việc xử bắn, trường bắn Long Bình (quận 9, TP.HCM) đã "im tiếng súng". Hàng trăm phần mộ tử tù nơi đây phần được người thân cải táng, phần được di dời vào nghĩa trang mới và cũng còn không ít phần mộ tử tù vô danh nằm bơ vơ, hoang lạnh. Trước khi pháp trường này nhường đất cho dự án phát triển đô thị, phóng viên đã trở lại đây và được nghe chuyện của những người từng sống bên cạnh mộ phần tử tù.
Phu mộ trường bắn
Lân la dò hỏi, chúng tôi được một số "cựu" phu trường bắn giới thiệu gặp ông Lữ Phụng Sơn (thường gọi là Ba Son, ngụ quận 9, TPHCM), người có thâm niên hàng chục năm "sống chung với xác, mộ phần của tử tù" ở trường bắn Long Bình.
Chúng tôi hẹn ông Ba Son nhiều lần nhưng khó gặp được vì ông đang bận đi bán xăng dầu cho một công ty gần khu vực trường bắn Long Bình. Một chiều cuối tháng 11/2013, ông Ba Son mới sắp xếp gặp chúng tôi.
Ông Ba Son khá cởi mở khi kể về những tháng ngày thăng trầm, mưu sinh chốn pháp trường mà ai nghe tới đều thấy ớn lạnh. Giờ trường bắn Long Bình đã trở thành quá khứ, ông kể những chuyện trước giờ không dám kể. "Vì ngày đó mình còn kiếm cơm ở đây, còn bao điều nhạy cảm, kể cả liên quan đến pháp luật nữa".
Ông Ba Son trong một lần trở lại trường bắn Long Bình
Trước khi đến "lập nghiệp" ở trường bắn Long Bình, ông Ba Son từng có thời gian giao du với nhiều tay giang hồ cộm cán khắp nơi. Sau này ông mới phiêu bạt lên địa bàn quận 9 (TP.HCM) tìm kế sinh nhai, nhưng không xin được công việc ưng ý nên mới thử vô nghề phu mộ trường bắn với chút "số má" giang hồ có sẵn.
Năm 1980, trong một lần nghe người ta bàn tán trường bắn Long Bình chuẩn bị xử bắn một tử tù mang các tội giết người, cướp tài sản, ông Ba Son hiếu kỳ quyết đi xem một lần. Sáng hôm đó, lần đầu tiên trong đời ông mới được tận mắt chứng kiến một tử tù bị bịt mặt bằng vải đen, tay chân mang xích... được cảnh sát giải vào pháp trường y như phim. Lần coi xử bắn tử tù đầu tiên cứ ám ảnh trong đầu ông Ba Son cho đến tận bây giờ.
Ông kể, sau loạt súng vang lên, thi thể của người tử tù này có điều gì đó kỳ lạ, đặc biệt đôi mắt mở trợn ngược khiến nhiều phu trường bắn vừa nhìn đã bỏ chạy. Sau khi những người này rút đi, ông Ba Son mới đến tháo dây trói đưa thi thể người tử tù xuống huyệt mộ, lấp đất mai táng.
Thấy ông Ba Son là người có vẻ gan lì, nhiệt huyết với công việc, chính quyền địa phương sau đó mời ông gia nhập đội quân đào huyệt, chôn xác tử tù ở trường bắn Long Bình. Ông Ba Son trở thành "ông trùm" phu mộ trường bắn từ đó cho đến khi trường bắn Long Bình ngưng tiếng súng.
Đến nay, dù không còn là phu trường bắn nữa, nhưng ông Ba Son thỉnh thoảng vẫn trở lại đây thắp nén nhang cho một số ngôi mộ tử tù vô danh còn sót lại chưa được di dời. Ông còn quy tập tên tuổi, hài cốt của một số tử tù mà ông biết để chờ người thân đến nhận.
Ông Ba Son bảo: "Để làm được cái nghề "hổng giống ai" này chúng tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ, nhưng khổ nhất là bị người đời chê cười, xa lánh... Tôi đến với nghề "quái dị" này phần vì muốn có công việc ổn định, nhưng hơn hết vẫn là sự cảm thông, chia sẻ với những người đã khuất, dù trước đó họ phải mang án tử và đã phải đền tội...".
Cũng vì bị ám ảnh bởi những câu chuyện ly kỳ chốn pháp trường nên không phải ai cũng bám trụ với nghề như ông Ba Son. Trường hợp ông Hai Em là một ví dụ. Trước đây ông Hai Em từng là "đồng nghiệp" với ông Ba Son ở trường bắn Long Bình, nhưng cũng chỉ làm được khoảng 2 năm, ông phải bỏ nghề đi bán vé số kiểm sống.
Những "phi vụ" đến giờ mới kể
Ông Ba Son bộc bạch, trước đây đội của ông có khoảng 30 người (đội đào huyệt và chôn cất thi thể tử tù), nhưng sau này chỉ có 7 người trụ lại được. Ông là "đầu tàu" nên phải đứng ra cáng đáng tất cả mọi việc, cứ đến ngày xử bắn tử tù là phía trại giam lại thông báo cho ông chuẩn bị mọi thứ như khăn liệm, thuốc thơm, quan tài... để an táng thi thể tử tù.
Không những thế, ông Ba Son và đồng nghiệp phải thường xuyên ngủ lại ở trường bắn để canh xác tử tù, đề phòng bị cướp. Biết bao nhiêu lần ông phải mắc võng nằm ngủ một mình cạnh mộ người tử tù mới bị xử bắn ở trường bắn Long Bình để canh gác.
Hình ảnh thi hành án bằng hình thức xử bắn (Ảnh minh họa)
Làm nghề phu mộ trường bắn, theo ông Ba Son, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Phải có "gan to bằng trời" bởi công việc thì "dễ sợ" nhưng thu nhập không được bao nhiêu, mỗi vụ xử bắn tử tù cả đội chỉ nhận được chi phí an táng chừng 200.000 - 300.000 đồng.
Vậy nên, để "sống được với nghề" nhiều khi đội phu mộ trường bắn phải làm những chuyện "kinh dị" theo yêu cầu của người thân tử tù.
Ai mà không đau lòng khi người thân của mình bị xử bắn nằm lại nơi nghĩa địa hoang vắng, không hương khói. Bởi vậy, những gia đình tử tù thường tìm gặp ông Ba Son để nhờ nhổ cỏ, xây mộ, thắp nhang... Ông Ba Son kể, có nhiều người thân tử tù sẵn sàng bỏ tiền triệu thuê nhóm người của ông đào huyệt, đưa thi thể lên tắm rửa rồi chôn lại. Để có thêm thu nhập, ông và đồng nghiệp thường nhận lời và thường làm việc này vào lúc đêm hôm khuya khoắt để không bị chính quyền địa phương "hỏi han".
Hơn 30 năm trở thành phu trường bắn, một "kỷ niệm" làm ông Ba Son khó quên nhất chính là nằm ngủ kế bên thi thể của một tử tù. Chuyện xảy ra cách đây hơn chục năm, hôm đó ông nhận lời với người nhà tử tù đào mộ trộm xác với giá 2 triệu đồng. Nửa đêm hôm đó, ông một mình ra trường bắn đào mộ lấy thi thể tử tù đặt trên nền đất. Nhưng do liên lạc với gia đình tử tù không được, ông phải lót chiếu nằm ngủ kế bên xác chết đến tận sáng sớm hôm sau mới có người nhà đến nhận thi thể.
Tưởng đã yên chuyện, nhưng vụ trộm xác của ông Ba Son sau bị bại lộ, cơ quan chức năng yêu cầu ông tìm gặp gia đình tử tù đưa thi thể trở lại trường bắn để mai tang theo đúng quy định. Ông Ba Son nói, đến giờ nghĩ lại vẫn còn nổi da gà, ông không hiểu tại sao hôm đó lại liều đến vậy...
Trường bắn Long Bình rộng hơn 7ha, được thành lập năm 1976, nơi đây đã thi hành xử bắn trên 500 tử tù, trong đó có nhiều tử tù có tiếng như "trùm xã hội đen" Năm Cam, các "đại gia" Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh, Tăng Minh Phụng... Phần lớn mộ phần của tử tù nay đã được cải tang chuyển đến một nghĩa trang lớn thuộc tỉnh Bình Dương. Chỉ đến khi trường bắn Long Bình bị giải tỏa để phát triển dự án đô thị, những cựu phu mộ nơi đây mới dám kể về những phi vụ trộm xác tử tù kiểu "vô tiền khoáng hậu". Trong các phi vụ này, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong giới phu mộ tử tù trường bắn phải kể đến vụ cướp xác ông trùm xã hội đen Năm Cam và đám đàn em thân tín...
Theo Khampha
Câu chuyện cuộc đời tử tù bị tiêm thuốc độc Cả cuộc đời Lê Văn Tuấn là chuỗi ngày dài buồn thảm, cô độc và đắng cay. Có cha, có mẹ nhưng Tuấn dường như sống cuộc sống của một kẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Khi tưởng chừng đã có một mái nhà đúng nghĩa trong tay thì hạnh phúc mong manh ấy vụt tắt bởi Tuấn vướng vào vòng lao...