Trường bắn Long Bình: Bí mật của “trùm” phu mộ
Dù chia tay với nghề đã gần 2 năm nay, nhưng những câu chuyện bên trong trường bắn Long Bình vẫn là nỗi ám ảnh của những người từng sống bên mộ phần của tử tù.
LTS: Sau hai năm, từ khi áp dụng thi hành án tử tù bằng thuốc độc thay cho việc xử bắn, trường bắn Long Bình (quận 9, TP.HCM) đã “im tiếng súng”. Hàng trăm phần mộ tử tù nơi đây phần được người thân cải táng, phần được di dời vào nghĩa trang mới và cũng còn không ít phần mộ tử tù vô danh nằm bơ vơ, hoang lạnh. Trước khi pháp trường này nhường đất cho dự án phát triển đô thị, phóng viên đã trở lại đây và được nghe chuyện của những người từng sống bên cạnh mộ phần tử tù.
Phu mộ trường bắn
Lân la dò hỏi, chúng tôi được một số “cựu” phu trường bắn giới thiệu gặp ông Lữ Phụng Sơn (thường gọi là Ba Son, ngụ quận 9, TPHCM), người có thâm niên hàng chục năm “sống chung với xác, mộ phần của tử tù” ở trường bắn Long Bình.
Chúng tôi hẹn ông Ba Son nhiều lần nhưng khó gặp được vì ông đang bận đi bán xăng dầu cho một công ty gần khu vực trường bắn Long Bình. Một chiều cuối tháng 11/2013, ông Ba Son mới sắp xếp gặp chúng tôi.
Ông Ba Son khá cởi mở khi kể về những tháng ngày thăng trầm, mưu sinh chốn pháp trường mà ai nghe tới đều thấy ớn lạnh. Giờ trường bắn Long Bình đã trở thành quá khứ, ông kể những chuyện trước giờ không dám kể. “Vì ngày đó mình còn kiếm cơm ở đây, còn bao điều nhạy cảm, kể cả liên quan đến pháp luật nữa”.
Ông Ba Son trong một lần trở lại trường bắn Long Bình
Trước khi đến “lập nghiệp” ở trường bắn Long Bình, ông Ba Son từng có thời gian giao du với nhiều tay giang hồ cộm cán khắp nơi. Sau này ông mới phiêu bạt lên địa bàn quận 9 (TP.HCM) tìm kế sinh nhai, nhưng không xin được công việc ưng ý nên mới thử vô nghề phu mộ trường bắn với chút “số má” giang hồ có sẵn.
Năm 1980, trong một lần nghe người ta bàn tán trường bắn Long Bình chuẩn bị xử bắn một tử tù mang các tội giết người, cướp tài sản, ông Ba Son hiếu kỳ quyết đi xem một lần. Sáng hôm đó, lần đầu tiên trong đời ông mới được tận mắt chứng kiến một tử tù bị bịt mặt bằng vải đen, tay chân mang xích… được cảnh sát giải vào pháp trường y như phim. Lần coi xử bắn tử tù đầu tiên cứ ám ảnh trong đầu ông Ba Son cho đến tận bây giờ.
Ông kể, sau loạt súng vang lên, thi thể của người tử tù này có điều gì đó kỳ lạ, đặc biệt đôi mắt mở trợn ngược khiến nhiều phu trường bắn vừa nhìn đã bỏ chạy. Sau khi những người này rút đi, ông Ba Son mới đến tháo dây trói đưa thi thể người tử tù xuống huyệt mộ, lấp đất mai táng.
Thấy ông Ba Son là người có vẻ gan lì, nhiệt huyết với công việc, chính quyền địa phương sau đó mời ông gia nhập đội quân đào huyệt, chôn xác tử tù ở trường bắn Long Bình. Ông Ba Son trở thành “ông trùm” phu mộ trường bắn từ đó cho đến khi trường bắn Long Bình ngưng tiếng súng.
Đến nay, dù không còn là phu trường bắn nữa, nhưng ông Ba Son thỉnh thoảng vẫn trở lại đây thắp nén nhang cho một số ngôi mộ tử tù vô danh còn sót lại chưa được di dời. Ông còn quy tập tên tuổi, hài cốt của một số tử tù mà ông biết để chờ người thân đến nhận.
Video đang HOT
Ông Ba Son bảo: “Để làm được cái nghề “hổng giống ai” này chúng tôi phải đánh đổi rất nhiều thứ, nhưng khổ nhất là bị người đời chê cười, xa lánh… Tôi đến với nghề “quái dị” này phần vì muốn có công việc ổn định, nhưng hơn hết vẫn là sự cảm thông, chia sẻ với những người đã khuất, dù trước đó họ phải mang án tử và đã phải đền tội…”.
Cũng vì bị ám ảnh bởi những câu chuyện ly kỳ chốn pháp trường nên không phải ai cũng bám trụ với nghề như ông Ba Son. Trường hợp ông Hai Em là một ví dụ. Trước đây ông Hai Em từng là “đồng nghiệp” với ông Ba Son ở trường bắn Long Bình, nhưng cũng chỉ làm được khoảng 2 năm, ông phải bỏ nghề đi bán vé số kiểm sống.
Những “phi vụ” đến giờ mới kể
Ông Ba Son bộc bạch, trước đây đội của ông có khoảng 30 người (đội đào huyệt và chôn cất thi thể tử tù), nhưng sau này chỉ có 7 người trụ lại được. Ông là “đầu tàu” nên phải đứng ra cáng đáng tất cả mọi việc, cứ đến ngày xử bắn tử tù là phía trại giam lại thông báo cho ông chuẩn bị mọi thứ như khăn liệm, thuốc thơm, quan tài… để an táng thi thể tử tù.
Không những thế, ông Ba Son và đồng nghiệp phải thường xuyên ngủ lại ở trường bắn để canh xác tử tù, đề phòng bị cướp. Biết bao nhiêu lần ông phải mắc võng nằm ngủ một mình cạnh mộ người tử tù mới bị xử bắn ở trường bắn Long Bình để canh gác.
Hình ảnh thi hành án bằng hình thức xử bắn (Ảnh minh họa)
Làm nghề phu mộ trường bắn, theo ông Ba Son, nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Phải có “gan to bằng trời” bởi công việc thì “dễ sợ” nhưng thu nhập không được bao nhiêu, mỗi vụ xử bắn tử tù cả đội chỉ nhận được chi phí an táng chừng 200.000 – 300.000 đồng.
Vậy nên, để “sống được với nghề” nhiều khi đội phu mộ trường bắn phải làm những chuyện “kinh dị” theo yêu cầu của người thân tử tù.
Ai mà không đau lòng khi người thân của mình bị xử bắn nằm lại nơi nghĩa địa hoang vắng, không hương khói. Bởi vậy, những gia đình tử tù thường tìm gặp ông Ba Son để nhờ nhổ cỏ, xây mộ, thắp nhang… Ông Ba Son kể, có nhiều người thân tử tù sẵn sàng bỏ tiền triệu thuê nhóm người của ông đào huyệt, đưa thi thể lên tắm rửa rồi chôn lại. Để có thêm thu nhập, ông và đồng nghiệp thường nhận lời và thường làm việc này vào lúc đêm hôm khuya khoắt để không bị chính quyền địa phương “hỏi han”.
Hơn 30 năm trở thành phu trường bắn, một “kỷ niệm” làm ông Ba Son khó quên nhất chính là nằm ngủ kế bên thi thể của một tử tù. Chuyện xảy ra cách đây hơn chục năm, hôm đó ông nhận lời với người nhà tử tù đào mộ trộm xác với giá 2 triệu đồng. Nửa đêm hôm đó, ông một mình ra trường bắn đào mộ lấy thi thể tử tù đặt trên nền đất. Nhưng do liên lạc với gia đình tử tù không được, ông phải lót chiếu nằm ngủ kế bên xác chết đến tận sáng sớm hôm sau mới có người nhà đến nhận thi thể.
Tưởng đã yên chuyện, nhưng vụ trộm xác của ông Ba Son sau bị bại lộ, cơ quan chức năng yêu cầu ông tìm gặp gia đình tử tù đưa thi thể trở lại trường bắn để mai tang theo đúng quy định. Ông Ba Son nói, đến giờ nghĩ lại vẫn còn nổi da gà, ông không hiểu tại sao hôm đó lại liều đến vậy…
Trường bắn Long Bình rộng hơn 7ha, được thành lập năm 1976, nơi đây đã thi hành xử bắn trên 500 tử tù, trong đó có nhiều tử tù có tiếng như “trùm xã hội đen” Năm Cam, các “đại gia” Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh, Tăng Minh Phụng… Phần lớn mộ phần của tử tù nay đã được cải tang chuyển đến một nghĩa trang lớn thuộc tỉnh Bình Dương. Chỉ đến khi trường bắn Long Bình bị giải tỏa để phát triển dự án đô thị, những cựu phu mộ nơi đây mới dám kể về những phi vụ trộm xác tử tù kiểu “vô tiền khoáng hậu”. Trong các phi vụ này, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong giới phu mộ tử tù trường bắn phải kể đến vụ cướp xác ông trùm xã hội đen Năm Cam và đám đàn em thân tín…
Theo Khampha
Câu chuyện cuộc đời tử tù bị tiêm thuốc độc
Cả cuộc đời Lê Văn Tuấn là chuỗi ngày dài buồn thảm, cô độc và đắng cay. Có cha, có mẹ nhưng Tuấn dường như sống cuộc sống của một kẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Khi tưởng chừng đã có một mái nhà đúng nghĩa trong tay thì hạnh phúc mong manh ấy vụt tắt bởi Tuấn vướng vào vòng lao lý. Cái cô độc ấy còn bám lấy Tuấn cả đến khi lìa khỏi cõi trần.
Tử tù Lê Văn Tuấn
Lê Văn Tuấn (sinh năm 1980, quê xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là tử tù đầu tiên trong số 17 tử tù được thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc ở Nghệ An. Cái chết của Tuấn là điều tất yếu, để trả giá cho tội danh giết người, cướp tài sản mà Tuấn phạm phải lúc chưa đầy 30 tuổi. Một cái chết nhẹ nhàng (so với những tử tù trước đây) nhưng cô độc. Sự cô độc đã được báo trước...
Tuổi thơ dữ dội
Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Tuổi thơ của Tuấn là chuỗi ngày dài chứng kiến sự bất hòa sâu sắc của cha mẹ. Cha Tuấn ngoại tình rồi bỏ nhà theo nhân tình. Một mình mẹ Tuấn nuôi hai đứa con đang còn trong trứng nước. Ở vùng đất Phủ Diễn này, mấy thước ruộng không đủ cho 3 mẹ con đắp đổi qua ngày. Thuở ấy, Tuấn chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau của một gia đình đổ vỡ, nhưng cái đói dai dẳng, triền miên thì trở thành nỗi ám ảnh suốt đời của gã. Cực chẳng đã, mẹ Tuấn phải gửi con cho nhà chùa nuôi hộ. Tuấn chính thức "mồ côi" từ đấy. Năm đó, Tuấn 5 tuổi, chỉ biết khóc ròng vì nhớ mẹ, nhớ chị nhưng khi bụng đã no thì nỗi nhớ ấy cũng chỉ thoảng qua.
Ở chùa, được các sư sãi bao bọc, thằng bé Tuấn còi cọc ngày nào đã có da có thịt hơn. Tám năm ở chùa, Tuấn đã gần như quên hẳn những hỉ - nộ - ái - ố của đời người thì mẹ Tuấn đến thăm. Lúc này, gia cảnh của gia đình chưa khá hơn nhưng bà không muốn mẹ con phải chia lìa. Vậy là Tuấn được trở về nhà, được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, dù rằng cuộc sống vẫn nghèo khổ và thiếu đói triền miên.
Về nhà, mẹ con đùm bọc lấy nhau nhưng trong thâm tâm, cậu bé ấy vẫn khao khát tình phụ tử. Dù nhớ cha, muốn được cha ôm trong vòng tay, dẫu chỉ một lần thôi nhưng Tuấn không dám tâm sự với mẹ điều khao khát cháy bỏng ấy. Mấy lần Tuấn trốn mẹ bắt xe ra Thanh Hóa thăm cha là bao nhiêu lần ê chề quay về khi người đàn ông ấy luôn lạnh lùng chối bỏ. Tuấn không hiểu nguồn cơn nào để đến nỗi cha con không còn sợi dây tình cảm gắn bó. Và nỗi đau đớn, dằn vặt ấy đã ám ảnh Tuấn đến lúc lìa cõi trần...
Chính những lời chối bỏ của cha đã khiến Tuấn muốn quay lại chùa với ý muốn xuống tóc quy y, sống những chuỗi ngày thanh thản, không vướng bận, nhưng định mệnh không như Tuấn nghĩ. Khi tưởng chừng như mình hoàn toàn là người của cõi Phật thì tình yêu đến với Tuấn.
Bi kịch của bảo vệ tình yêu
Người con gái ấy tên Hồng. Một cô gái hiền lành, chân chất, ngày rằm, ngày lễ, Tết vẫn đến dâng hương nơi ngôi chùa Tuấn trú ngụ. Tưởng rằng chỉ có Phật pháp mới có thể giúp Tuấn tìm niềm vui sau những chuỗi khổ đau mà một chàng trai mới lớn đã phải trải qua. Nhưng rồi khi gặp cô gái ôm bó hoa sen tới lễ chùa, trong tâm trí của chàng trai ấy bắt đầu rung động. Hồng cùng quê Diễn Châu, làm nghề buôn bán. Sau những ngày căng thẳng trên chốn thương trường, Hồng đến cửa Phật để tìm chút bình yên. Rồi chẳng hiểu sao, Tuấn chỉ mong tới ngày rằm để được gặp Hồng. Và chàng trai to cao, khuôn mặt vuông vắn nhưng đôi mắt u uất như chứa đựng nhiều nỗi niềm đã hút hồn cô gái đồng hương. Đặc biệt, sau khi biết hoàn cảnh của Tuấn, Hồng không ngần ngại gật đầu đồng ý làm bạn gái của người đàn ông cô độc ấy.
Có được tình yêu, sự sẻ chia từ Hồng, Tuấn quyết định rời cửa chùa, bắt đầu bươn chải để vun đắp cho cuộc sống sắp tới - cuộc sống có Hồng, có một gia đình đúng nghĩa. Khi hai người tính đến chuyện hôn nhân cũng là lúc Tuấn nhận được tin mẹ ốm nặng. Tạm gác mọi chuyện, Tuấn về quê lo chạy chữa, thuốc thang cho mẹ. Chị gái lấy chồng xa, chẳng thể giúp đỡ gì được cho mẹ và em trong cơn sóng gió. Tài sản cả đời ky cóp của mẹ Tuấn không đủ cho những ngày tháng liên miên đi viện. Cầm cự được 2 năm thì bà mất, để lại cho người con trai độc nhất căn nhà rách nát và một khoảng trống không thể bù đắp về mặt tinh thần.
Sau cú sốc lớn này, Tuấn thấy mình may mắn bởi vẫn còn Hồng bên cạnh. Những ngày mẹ Tuấn bị bệnh, cô cũng muốn chung tay cùng chăm sóc mẹ nhưng bị gạt đi. Tuấn không muốn mình trở thành gánh nặng của cô khi chưa thể cho cô một danh phận. Cô cứ lẳng lặng đến bên Tuấn, chia sẻ những nỗi đau, làm chỗ dựa khi Tuấn chông chênh nhất.
Vậy nhưng cuộc đời một lần nữa lại giáng nhát búa chí tử vào Tuấn. Khi nỗi đau mất mẹ đã nguôi ngoai được phần nào thì cũng là lúc Tuấn phát hiện mình bị viêm cầu thận mãn tính. Không còn một xu dính túi để chữa bệnh, Tuấn như rơi xuống hố sâu của cuộc đời. Lúc này Tuấn thấy sợ. Sợ bệnh tật, sợ đói khổ và nhất là sợ Hồng sẽ bỏ rơi nếu cô biết mình đang mang trọng bệnh - một thứ bệnh không dễ chữa và cực kỳ tốn kém.
Khi Tuấn đang tuyệt vọng thì gia đình Hồng cho phép hai người làm đám cưới. Đó là một ngày cuối năm 2007. Khỏi phải nói Tuấn hạnh phúc đến nhường nào. Xen lẫn niềm hạnh phúc, hy vọng ấy là nỗi lo: tiền đâu mà làm đám cưới? Tuấn quyết định đi vay đứa bạn ở xã bên. Nhưng thật không may, người cần gặp lại đi vắng, chỉ có mẹ của bạn tiếp Tuấn. Chẳng hiểu sao, bà không có thiện cảm với Tuấn, chì chiết cảnh nghèo hèn của Tuấn và yêu cầu tránh xa con trai bà. Vừa nghe Tuấn trình bày lý do muốn vay tiền, bà khinh khỉnh buông một câu: "Bệnh tật rứa, có sống nổi mà trả nợ được không?". Máu nóng dồn tới mặt nhưng Tuấn vẫn cố nhẫn nhịn, ngồi đợi bạn về. Tức mắt, bà đuổi thẳng cổ Tuấn, không quên đe "sẽ cho con Hồng biết hết bệnh của mi (mày). Khi đó có cưới nữa không mà phải vay tiền".
Vừa bị xúc phạm, lại sợ Hồng biết sẽ từ hôn, Tuấn xô ngã bà ấy. Bị ngã xuống, bà hét lên: "Cứu với. Có kẻ giết người cướp của". Hoảng sợ, Tuấn vơ con dao rạ (cái rựa) đập vào gáy bà. Thấy bà nằm bất động, "ma xui quỷ khiến" thế nào Tuấn giật luôn đôi bông tai của nạn nhân rồi tìm cách trốn chạy. Người duy nhất gã nghĩ tới lúc đó là cha mình chứ không phải Hồng... Nhưng người mà Tuấn cả đời khao khát được che chở ấy đã thẳng tay đuổi con trai ra khỏi nhà. Đau đớn, tủi hổ, Tuấn quyết định trở về nhà để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Bà cụ bị vỡ sọ não và tử vong sau đó. Tuấn bị truy tố tội giết người, cướp tài sản và chịu khung hình phạt cao nhất: tử hình! Trong phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 31.7.2008, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn quyết định giữ nguyên án sơ thẩm. Trong cả 2 phiên tòa ấy, Tuấn vẫn chỉ có một mình khi cha và chị gái không đoái hoài đến.
Cô độc một phận tử tù
Sau phiên tòa phúc thẩm tối cao, Lê Văn Tuấn được chuyển tới phòng biệt giam. Không nguôi hy vọng được sống, Tuấn nhờ cán bộ quản giáo giúp viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá nhưng không được. Một mình trong phòng biệt giam, Tuấn thấm thía hơn những đắng cay của phận người.
Hồng vào thăm Tuấn. Cuộc gặp gỡ chỉ có nước mắt và buồn đau. Tuấn xin Hồng quên mình đi, đừng oán hận gì ai và tìm lấy một người đàn ông tốt. Gã mong cô đừng vào thăm mình nữa, như thế chỉ làm Tuấn đau đớn hơn mà thôi. Đó là lần duy nhất Hồng vào thăm Tuấn và cũng là lần cuối cùng Tuấn được nhìn thấy người con gái mình yêu.
Người thân duy nhất vào thăm Tuấn không phải cha, không phải người chị gái mà là người mợ, vợ của cậu Tuấn. Những ngày thơ ấu khó khăn, chính cậu mợ đã san sẻ cho mẹ con Tuấn những củ khoai, những bát cơm độn sắn. Ngày Tuấn bị tuyên án tử, người cậu đang đi làm thuê bên Lào không về được, mợ thay cậu vào động viên Tuấn mấy câu, tiếp tế cho cháu mấy gói mì tôm. Rồi khó khăn chồng chất, mợ cũng theo chồng sang Lào. Tuấn hoàn toàn mất liên lạc với người thân từ đó.
Việc thi hành án đối với Tuấn diễn ra vào thời điểm giao thời giữa bắn và tiêm thuốc độc, bởi vậy không biết may mắn hay bất hạnh là quãng đời biệt giam của Tuấn dài hơn những bạn tù khác, những gần 6 năm trời. Nghĩa là hơn 2.000 ngày đằng đẵng chỉ có bóng tối và nỗi đau đớn thể xác, đau đớn về tinh thần giày vò. Thương Tuấn ngoan ngoãn, không quậy phá, các cán bộ quản giáo cũng thường động viên, giúp đỡ và tiếp tế thêm thức ăn. Một cán bộ quản giáo cho biết, những ngày gần thời điểm thi hành án, dù sức khỏe rất kém do bệnh tật hành hạ nhưng Tuấn vẫn hết sức bình thản. Thời gian ít ỏi còn lại của đời người, Tuấn vẫn khắc khoải chờ cha vào thăm và bày tỏ ước nguyện được cha đưa về quê an táng trong phần đất của dòng tộc. Vậy nhưng, ước mơ đó chẳng bao giờ trở thành hiện thực.
Sáng ngày 30.10.2013, tử tù Lê Văn Tuấn được dẫn tới nhà thi hành án, kết thúc cuộc đời đầy đắng cay, tủi nhục và cô lẻ. Phải chăng, việc lựa chọn một buổi sáng trong lành để Tuấn trả nợ đời là để giúp Tuấn có cơ hội tái sinh ở một cuộc đời mới - không còn đau đớn, không còn đắng cay, không oán hận và nhiều tình yêu thương hơn?
Diễn biến vụ án: Ngày 24.11.2007, tại xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An, xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là bà Trần Thị Hồng. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị chấn thương sọ não do bị vật cứng tác động. Ngày 29.11.2007, Lê Văn Tuấn bị bắt giữ và bị truy tố tội danh giết người, cướp của. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18.4.2008, Lê Văn Tuấn bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt án tử hình cho cả 2 tội danh trên. Trong phiên tòa phúc thẩm tối cao diễn ra vào ngày 31.7.2008, Tòa án Nhân dân Tối cao đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với Lê Văn Tuấn.
Theo Mốt & Cuộc Sống
Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm Chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết "Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm" với tỷ lệ tán thành cao. Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Công an Hà...