Trưởng bản 23 tuổi ở thánh địa ma túy
23 tuổi bắt đầu làm trưởng bản Xốp Mạt, nơi mảnh đất cheo leo vách núi được mệnh danh là thánh địa ma túy nóng bỏng của Nghệ An.
Chàng thanh niên có nụ cười hiền khô ấy lại chính là vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền Xốp Mạt vượt qua thử thách của nạn ma tuý từng hoành hành dữ dội ở vùng đất này.
Trưởng bản Lô Văn May.
Người đàn ông duy nhất ở “ bản không chồng”
Mấy chục năm nay, cơn bão ma túy ở Lượng Minh chưa bao giờ thôi nhức nhối. Cũng vì ma túy mà hàng trăm nóc nhà đã vắng đàn ông, hàng trăm thanh niên nghiện ngập dẫn đến tệ nạn xã hội, mà câu chuyện về hơn 40 nóc nhà tại bản Xốp Mạt nhưng không có nổi một người đàn ông là một minh chứng đau lòng.
Trước khi dẫn chúng tôi thị sát bản nhỏ vốn đã bị băm nát vì ma túy, trưởng bản Lô Văn May cho biết, câu chuyện về những gia đình mất trụ cột đàn ông ở Xốp Mạt luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết, tang thương và buồn nẫu ruột lắm. Cả bản có 26 con nghiện, 17 người đang thụ án với mức án thấp nhất là 20 năm tù và 11 trường hợp đang trốn lệnh truy nã. Trong đó, gần như gia đình nào cũng có cả vợ lẫn chồng, thậm chí là cả gia đình đều bập vào ma túy.
Đến nơi này, hỏi nhà trưởng bản Lô Văn May, ai cũng dành cho anh một sự trìu mến, cảm phục. Căn nhà nhỏ nằm dưới chân núi Kiêng là chốn đi về thân thuộc của trưởng bản 8x này. Sau ít phút ngỡ ngàng trước những vị khách lạ, anh nhanh chóng nhoẻn một nụ cười thật hiền bảo trước lạ sau quen.
Trước thắc mắc của tôi về sự thiếu hụt những bóng dáng nam nhi ở bản của người Thái này, anh May trầm ngâm bảo: “Họ “đi” cả rồi các đồng chí ạ, người thì chết vì sốc ma túy, HIV, người thì đi tù, đi cai nghiện. Nhưng người đi rồi sẽ về thôi nên đừng gọi bản tôi là xóm không chồng như mấy cán bộ miền xuôi nha”, nụ cười ấy lại nở trên môi anh, nhưng tôi thấy nó còn thấp thoáng một niềm tin cải biến mãnh liệt của người trưởng bản.
Câu chuyện về nguyên trưởng bản Lô Văn Tuấn cũng là một cái kết đau lòng cho vấn nạn cái chết trắng ở thánh địa ma túy Pù Lôm này. 17 năm giữ chức trưởng bản Xốp Mạt, Lô Văn Tuấn đã không thể kiên định được lòng mình trước sức quyến rũ của cơm đen (tiếng lóng của thuốc phiện).
Gạt qua trách nhiệm cao cả của một trưởng bản, Tuấn trở thành đại lý phân phối hàng cho các con buôn từ dưới xuôi lên, trở thành trùm sò cho các đường dây ma túy lớn từ Bắc chí Nam như Hải Luận, Trần Văn Hợi (Nghệ An), Hoàng Văn Thịnh (Hà Tĩnh). Năm 2005, Tuấn bị bắt khi mang trên mình ba lệnh truy nã trong ba vụ án ma túy khác nhau, và với việc vận chuyển hơn 150 bánh heroin, hắn bị tuyên án tử hình.
Điều đáng nói hơn, không chỉ Lô Văn Tuấn mà cả vợ và hai đứa con của y đều bị lôi kéo vào vòng xoáy nghiệt ngã của ma túy. Ngày y bị bắt, vợ y cũng phải tra tay vào còng, cả con trai, con gái lẫn con rể đều chịu chung số phận, chỉ tội cho hai đứa cháu, một lên 10, một lên 9 bơ vơ không nơi nương tựa.
Lấy chuyện buồn của mình làm thuốc từ bỏ ma túy cho người khác
Trong câu chuyện về những cảnh đời của bản mình, Lô Văn May không giấu giếm về hoàn cảnh của chính gia đình anh. Giọng trầm buồn khi phải khơi gợi lại chuyện không vui của quá khứ, anh chậm rãi kể chuyện gia cảnh của mình cho chúng tôi nghe.
Video đang HOT
Không khoan nhượng với vấn nạn ma tuý Với những gia đình nghiện ngập, Trưởng bản May mạnh dạn đề xuất cấp trên lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Mưa dầm thấm lâu, ban đầu nhiều người còn xem thường, nhưng sau thấy trưởng bản May làm quyết liệt và nghiêm khắc quá nên đã nghe theo. Trong nhiều chuyên án triệt phá điểm nóng ma túy trên địa bàn xã Lượng Minh, anh May đều tham gia. Trong những lần đối mặt với các tên nghiện, mua bán heroin, đã không ít lần anh bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng.
Anh là con đầu trong gia đình có bốn anh em. Cũng như bao gia đình người Thái ở bản Xốp Mạt, gia cảnh nhà anh rất khó khăn. Sau những nỗ lực của bố mẹ vì con chữ, anh được đến trường, nhưng bước vào lớp 11 thì Lô Văn May phải bỏ dở vì bố mẹ không thể cố thêm được nữa.
Năm 2003, anh lên đường nhập ngũ. Gia nhập kỷ luật quân đội được nửa năm thì anh nhận được hung tin, mẹ bị bắt vì xách thuê ma túy và phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Chàng thanh niên Lô Văn May suy sụp tinh thần hoàn toàn. Thế rồi cơn dư chấn ấy cũng đi qua, đầu năm 2006, anh xách ba lô trở về quê hương.
Nhờ lối sống trong sạch, bản lĩnh kiên định, lại năng nổ với các công việc đoàn xã, không lâu sau ngày về quê, May được đề cử làm bí thư chi đoàn bản Xốp Mạt. Một năm sau, khi trưởng bản Lô Văn Tuấn bị bắt vì dính đến ma túy, Lô Văn May được bầu làm người kế nhiệm. Năm đó, anh vừa bước sang tuổi 23.
Từ khi Lô Văn May đảm nhiệm chức trách chèo lái bản Xốp Mạt, đời sống bà con dần đi vào nếp tăng gia sản xuất, cuộc sống bớt khốn nghèo hơn trước. Được vài năm thì cơn bão số phận lại ập đến. Một đường dây ma túy trên đỉnh Pù Lôm bị phá, trong đó có sự tham gia của bố ruột Lô Văn May. Nhanh chân trốn thoát, nhưng ông đã phải sống chui lủi trong rừng sâu để tránh sự tầm nã của các trinh sát.
Sau khi biết người cha của mình dính đến ma túy, việc đầu tiên anh làm là xin thôi chức trưởng bản. Hiểu tâm lý của anh nên đề xuất đó được chấp nhận, nhưng UBND xã vẫn giữ anh lại làm công an viên.
Đó là khoảng thời gian anh phải tự đấu tranh với bản thân rất nhiều, khi quyết định hợp tác với cơ quan điều tra để giăng lưới bắt người cha tội lỗi của mình. Nhiều đêm ông lặng lẽ về thăm con, anh đã ra sức thuyết phục để ông ra đầu thú, đặng hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng ông kiên quyết trốn chạy.
Một đêm mưa gió sầm sập, khi thấy ông trở về, anh đã đau đớn bí mật báo cho công an xã đến vây bắt cha. Nhưng cũng may là với tội danh xách thuê ma túy, ông chỉ phải lãnh án 10 năm tù. Vừa rồi anh mới lên trại thăm cha, thấy ông khỏe hơn, và khoe là sắp được giảm án, anh cũng vui lây. Khi đã bắt đầu yên vị với công việc của một công an viên, thì người trưởng bản hiện tại bỏ trốn khỏi địa phương vì trốn nã, Lô Văn May lại được đề bạt làm trưởng thôn.
Sinh ra trong rốn lũ ma túy, lại có hoàn cảnh gia đình gắn với nỗi đau do nàng tiên nâu sinh ra, nên hơn ai hết Lô Văn May hiểu cần phải làm gì để cứu rỗi bản làng. Những đêm dài trằn trọc không ngủ, người trưởng bản trẻ tuổi ấy lại thao thức làm sao để cai dứt cơn nghiện cho hàng chục người đang quằn quại trong vũng lầy trắng ấy? Thanh niên trai tráng sau khi cai nghiện thành công, trở về bản lại tái nghiện.
Một mặt anh kiên trì đến từng nhà tâm sự với từng người về chính hoàn cảnh gia đình mình, những nỗi đau mất mát mà chính mình phải đeo mang một mặt anh cố gắng thay bố mẹ dạy dỗ 3 đứa em của mình nên người, làm ăn lương thiện, không giẫm lên con đường lầm lỗi của bố mẹ…
Với nỗ lực của mình, trưởng bản Lô Văn May đang hi vọng tương lai gần sẽ không có thêm đứa trẻ nào bị mất cha, người vợ nào bị mất chồng vì ma túy nữa. Bản Thái này lại tất nập bóng dáng đàn ông, thanh niên trai tráng.
Xót xa cảnh hai chồng rồi cũng… bằng không Ở bản Xốp Mạt, éo le trớ trêu nhất phải nhắc đến là trường hợp gia đình chị Lô Thị Phương. Phương lấy chồng từ năm 17 tuổi, có với nhau hai đứa con thì chồng dính vào nghiện ngập, trong một lần sốc thuốc, anh ta chết gục bên suối. Tuổi còn trẻ, nhan sắc có, Lô Thị Phương không quá khó khăn để đi thêm bước nữa. Đứa con thứ 4 cùng với người chồng thứ 2 này vừa chào đời thì anh ta bị bắt vì vận chuyển ma túy, án tử hình vừa tuyên năm ngoái. Chưa bước qua tuổi 30, góa bụa với sáu đứa con nheo nhóc, Lô Thị Phương vật lộn với cuộc mưu sinh. Gia cảnh khó khăn, một mình dạy con không xuể, những đứa trẻ của Phương lớn lên cũng dần đi vào vết xe đổ của những người bố, đứa đầu đang thụ án tại trại giam số 6 Bộ Công an, ba đứa nữa đang sống dở chết dở vì nghiện nặng, không làm gì được ngoài việc nằm bàn đèn hút thuốc phiện.
Theo NDT
Nghiện, cai nghiện, tái nghiện
Theo những nghiên cứu mới nhất nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính của não. Và dĩ nhiên đã là căn bệnh mạn tính thì thường tái phát, với người nghiện là tái nghiện. Chỉ cần sử dụng ma túy một lần là có thể mắc bệnh và não không bao giờ quên dấu ấn do ma túy để lại và bất kỳ cơ hội nào có thể, căn bệnh có thể tái phát.
Cho đến nay rất khó xác định chính xác số người nghiện ma túy tại Việt Nam. Ngoài những người nghiện các loại ma túy cổ điển như thuốc phiện, heroin, cocain, cần sa... còn có người nghiện các loại ma túy tổng hợp mà dấu hiệu nghiện hoàn toàn không rõ ràng. Theo số liệu của Bộ Công an, đến ngày 30-6-2011, cả nước có 150 nghìn người nghiện ma túy được quản lý tăng 6.700 người so với cùng kỳ năm trước (số liệu tại cuộc họp kiểm điểm của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm ngày 1-11-2011).
Báo cáo tại cuộc giao ban của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ngày 28-10-2011, TP Hà Nội có 21.000 người nghiện ma túy trong đó có 11.000 người đang tự do... nghiện ngoài xã hội, chỉ có 10.000 người đang cai nghiện tại các trung tâm và cộng đồng quản lý được. Theo ông Nguyễn Đăng Quyền (Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy Hà Nội) con số này chưa bao gồm các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp như thuốc lắc, ma túy đá, các loại ma túy gây ảo giác...
Theo một tài liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống ma túy TP Hồ Chí Minh, trên 80% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi, trong đó tiêm chích ma túy 73%, 7,8% hít hút ma túy còn lại là dạng nghiện khác. Chích ma túy là phương tiện lây lan chủ yếu căn bệnh HIV tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Y tế đến 10-2011, cả nước có 193.350 người nhiễm HIV còn sống trong đó 47.000 người đã mắc AIDS, đã có 51.300 người chết vì AIDS. 60% số người mắc HIV là do tiêm chích ma túy, gần 40% do lây truyền qua đường tình dục. Năm 2011 chỉ tính đến 10-2011 đã phát hiện mới 9.200 người mắc HIV trong đó có 3.700 người đã bị AIDS. Cũng trong thời gian đó đã có 1.400 người chết vì AIDS.
Trong các vụ côn đồ gây án gần đây, chúng ta thấy xuất hiện những sát thủ lạnh lùng, đâm chém không ghê tay. Đây là sản phẩm của ma túy đá, kẻ phá hoại não người không thương tiếc. Dọc phố Giang Văn Minh, trong các quán nước vỉa hè, thi thoảng chúng ta gặp mấy cô cậu học sinh có hành vi lạ, kẻ thì cười sằng sặc, kẻ thì khóc hu hu, người thì đờ đẫn, tay bắt chuồn chuồn... đó là tín đồ của cần sa. Tại các bệnh viện tâm thần, số lượng bệnh nhân mắc bệnh thần kinh do lạm dụng ma túy mỗi ngày một tăng.
Nhưng quan trọng hơn, nghiện ma túy dẫn đến mất khả năng lao động, sa sút nhân cách, mất tự trọng, cùng nhu cầu ma túy ngày càng tăng, dẫn đến phạm pháp. Theo báo cáo tại Hội nghị kiểm điểm 9 tháng đầu năm 2011 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm có tới 70% các vụ án hình sự liên quan tới ma túy và người nghiện ma túy. Có loại án hình sự mà đến 90% thủ phạm là người nghiện ma túy - tội cướp giật. Hầu hết những vụ đâm chém kinh hoàng cũng liên quan tới người nghiện ma túy.
Với mỗi gia đình, người nghiện ma túy giống như hung thần, họ phá hủy bản thân đã đành, họ phá hủy cơ nghiệp cả gia đình đã đành, họ còn đầu độc cả tương lai của mỗi con người trong gia đình. Đã có nhiều vụ việc người nghiện ma túy không chết nhưng nhiều người vợ, nhiều người mẹ và cả những đứa trẻ đã tìm đến cái chết để thoát khỏi người nghiện ma túy. Tôi còn nhớ vụ việc ở Lai Châu mười năm trước, cả hai mẹ con đã chọn lá ngón vì người chồng nghiện đến mức bán cả chiếc nồi nấu cơm cuối cùng của gia đình. Một gia đình ở Nghĩa Tân (Hà Nội) đã từng nhắm mắt đi đền 47 chiếc xe máy mà ông con trai duy nhất trót "mượn" ở khắp nơi, từ họ hàng đến bạn bè, thậm chí cả khách đến chơi nhà cũng bị lấy xe mang đi cầm đồ lấy tiền dùng ma túy. Không còn nỗi khổ nào hơn cho gia đình đó, bởi đến chiếc xe máy thứ 48 cậu con trai bị bắt, và khi khám bệnh, bác sĩ trại tạm giam xác định không chỉ cậu có HIV mà đã bị AISD. Ông bố nước mắt lưng tròng... vậy là tôi tuyệt tự rồi. Giá như ngay từ chiếc xe máy thứ nhất ông đã báo công an, và đưa con đi cai nghiện thì đâu đến nỗi... Nhưng nghiện là một việc và cai nghiện lại là một việc khác.
Chuyện cười cai nghiện
Chuyện về một chàng trai trẻ ở một tỉnh miền núi phía Bắc, trót nghiện ma túy bị gia đình nhốt trong một lồng sắt lớn 3 năm trời, trong ba năm ấy chỉ nhờ một cái thìa mà chàng trai đó đã đào một đường hầm dài đến hơn 20m để trốn khỏi lồng... đi tìm ma túy. Anh ta vừa mới chết vì sốc thuốc đầu năm nay. Câu chuyện được đăng báo làm nhiều người... thán phục. Thế mới thấy cái sức mạnh ma quái của ma túy. Nhưng kỷ lục mà tôi biết được là của một gia đình ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Cậu con trai duy nhất của ông H. nghiện ma túy đã được 14 năm. Đó là một cầu thủ U16 quốc gia, đã từng đi thi đấu tại giải U16 Đông Nam Á. Tương lai vậy mà nghiện, nghe nói gần nửa đội hình U16 đó nghiện ma túy. Trong vòng 14 năm nghiện, cậu được gia đình cho đi cai nghiện... 64 lần. Đủ mọi cách cai, đủ mọi trung tâm, nhưng nghiện vẫn hoàn nghiện. Còn câu nói hay nhất về cai nghiện là câu nói của một vị giám đốc một trung tâm cai nghiện trước đóng ở gần chợ Nghĩa Tân. Sau 10 năm làm nghề cai nghiện ma túy, anh tuyên bố xanh rờn: "Tôi chưa cai nghiện được một người nghiện ma túy nào".
Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên đến 90%. Nhưng với tư cách là người đã theo dõi tệ nạn ma túy nhiều năm, có thể khẳng định tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên tới 99%. Không có người nghiện nào không có một lần có ý định cai nghiện, và kết quả là không cai nghiện được. Tôi đã chứng kiến một người nghiện, phạm tội cướp bị đi tù 7 năm. Bảy năm không người tiếp tế, bảy năm anh ta lầm lũi lao động trong vùng sâu, tưởng như ma túy đã rời bỏ anh ta. Vậy mà ngày ra tù, đứng trước cửa trại, ngay hơi thở tự do đầu tiên anh ta đã phát hiện cách đó hơn trăm mét có mùi thuốc phiện, và chân anh ta không còn theo ý anh ta nữa, nó tự động xê dịch về phía có cái mùi ma túy kia. Số tiền lao động 7 năm được trại trả cho vừa đủ anh hút được 3 ngày và chỉ sau nửa năm anh ta lại vào trại với tội trộm cắp. Từ lúc ra trại, anh ta chưa kịp về đến nhà.
Ngay số liệu do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cung cấp trong cuộc giao ban ngày 28-10-2011 cũng cho thấy hiện nay có 34.076 người nghiện đang cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện và cộng đồng, tính từ đầu năm 2011 đã có 110.720 lượt người cai nghiện bắt buộc, 2.473 lượt người cai nghiện tự nguyện và 5.141 lượt người cai nghiện tại cộng đồng. Gọi là lượt, bởi vì mỗi người nghiện đều có số lần cai nghiện lên đến hàng chục lần. Riêng Hà Nội hiện nay có gần 10.000 người đang được cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên người cai nghiện thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tại sao cai nghiện khó vậy?
Như phần trên chúng tôi đã nói, nghiện ma túy là căn bệnh mạn tính của não. Việc các trung tâm cai nghiện chỉ giải quyết được khâu cắt cơn nghiện, loại trừ tức thời triệu chứng cai nghiện, không hề làm thay đổi bản chất của bệnh mạn tính của não. Bất kỳ khi nào xuất hiện các điều kiện cần và đủ, cơn bệnh sẽ tái phát. Vậy những điều kiện cần và đủ đó là những gì? Trước tiên là ở ý chí và quyết tâm của người cai nghiện. Tôi có thể khẳng định ngay sau khi đi cai nghiện về, 100% người nghiện đều muốn thoát khỏi tình trạng nghiện ma túy. Họ quyết tâm, họ hứa hẹn, họ tìm kiếm việc làm... Nhưng với quá khứ nghiện, với mặc cảm về những lỗi lầm của người nghiện cùng với sự coi thường, nghi kỵ và xa lánh của cộng đồng và cả gia đình nữa, chút quyết tâm, chút ý chí ấy suy giảm dần và cuối cùng điều kiện cần đầu tiên đã xuất hiện. Họ đi tìm sự trợ giúp để có thể có niềm vui. Còn có niềm vui nào dễ tìm và quen thuộc hơn ma túy.
Nhưng thực sự, quyết tâm cũng như ý chí của người cai nghiện không cân sức với sức mạnh của ma túy. Dấu ấn của ma túy trong não người nghiện mạnh đến mức dễ dàng đè bẹp nọi quyết tâm cũng như ý chí của người nghiện. Trong khi đó, môi trường thì đầy rẫy ma túy. Với người nghiện, chỉ một hơi khói ma túy phảng phất trong không khí thôi thì não người nghiện đã tê liệt mọi phản kháng. Cái anh bạn đã không chạm đến ma túy 7 năm, nhưng ra trại ngửi thấy mùi thuốc đã không còn làm chủ được bản thân là một ví dụ.
Trong khi đó, ma túy các loại có ở Việt Nam nhiều không kể xiết. Mặc dù lực lượng bảo vệ pháp luật đã hết sức cố gắng, lập nên những kỳ tích, nhưng hình như vẫn là chưa đủ. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, lực lượng bảo vệ pháp luật đã khám phá 12.800 vụ án ma túy, bắt giữ 22.500 tội phạm, thu giữ 233,62kg và 167 bánh heroin, 2.618 kg thuốc phiện, 7 tấn cần sa tươi, 500kg cần sa khô, 61,8kg và 300 nghìn viên ma túy tổng hợp. Riêng Hà Nội, 9 tháng đầu năm đã phát hiện xử lý 1.900 vụ án ma túy, có vụ thu được 11 bánh heroin. Nhưng đúng là chưa đủ. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định có thể mua ma túy ở bất kỳ nơi đâu.
Thậm chí, giá ma túy có vẻ còn rẻ hơn nếu so với gia cả thị trường, so với vài năm trước, và vì vậy số lượng con nghiện mới vẫn tăng. Một môi trường có ma túy là điều kiện đủ để bao nhiêu công sức cai nghiện đổ xuống sông xuống bể. Nhưng nếu chỉ nói như vậy, tôi nghĩ có thể là bất công so với sự cố gắng của hàng nghìn hàng vạn chiến sỹ trên mặt trận chống ma túy suốt nhiều năm qua. Về mặt pháp lý, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự điều chỉnh về các tội phạm ma túy. Ứng xử với các hoạt động chống ma túy chúng ta đã có Luật Phòng chống ma túy. Đã có một cuộc vận động lớn toàn xã hội, huy động mọi nhân lực vật lực cho cuộc chiến chống quốc nạn: ma túy.
Cũng chưa có đất nước nào trên thế giới mà từ chính quyền Trung ương tới cơ sở, tất cả các tổ chức quần chúng đều tham gia phòng chống ma túy. Không chỉ cai nghiện, giám sát sau cai nghiện, mà còn luôn luôn quan tâm đến người sau cai nghiện. Riêng TP.HCM chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011 đã duy trì được 343 câu lạc bộ sau cai nghiện tập hợp hàng nghìn người sau cai nghiện sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau. Trong 10 tháng TP.HCM đã bố trí việc làm cho 1.070 người sau cai nghiện ma túy. Mỗi năm ngân sách Nhà nước đã chi trên 700 tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma túy.
Rất cố gắng, rất cố gắng nhưng trước ma túy, cố gắng đó chưa đủ. Có thể cần phải đi tìm một phương sách mới chăng?
Những bất cập trước mắt
Việc tập trung cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy là hợp lý. Cách ly các đối tượng này ra khỏi xã hội một thời gian vừa có ích cho chính người nghiện, vừa có ích cho xã hội. Đối với người nghiện là cơ hội rất lớn và phục hồi sức khỏe, phục hồi nhân cách. Đối với xã hội, cách ly các đối tượng nghiện là giảm bớt nguy cơ phạm tội của các đối tượng này góp phần gìn giữ trật tự xã hội. Tuy nhiên việc đưa trở lại cộng đồng các đối tượng sau cai nghiện là việc chưa hợp lý. Với khoản chi gần nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc cai nghiện ma túy sau đó tái nghiện 99% là một việc làm lãng phí nghiêm trọng. Mặc dù việc truy quét bắt giữ những trùm ma túy trong các vụ án lớn, chúng ta đã có nhiều thành công, tuy nhiên chúng ta chưa tập trung truy quét lực lượng bán lẻ ma túy. Tình trạng có thể dễ dàng mua được ma túy trong thành phố là sự không thể chấp nhận được. Tôi xin kể một chuyện nhỏ: Ông bố vợ tôi bị ung thư gan, ngay sau khi bệnh viện trả về nhà, tôi đã được hàng chục người tư vấn cho ông ấy dùng ma túy cho bớt đau, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng mua giúp. Ôi sao ma túy lại phổ biến đến như vậy.
Một bất cập nữa là việc ứng xử với người nghiện về mặt pháp lý. Theo qui định của Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, thì người sử dụng chất ma túy không bị xem xét trách nhiệm hình sự. Mặt khác Luật Phòng chống ma túy lại yêu cầu cả xã hội quan tâm, động viên, giáo dục, thuyết phục họ từ bỏ ma túy. Chính sự thiếu nghiêm khắc về mặt luật pháp đã tạo ra sự dung dưỡng phi lý, tạo ra sự dễ dàng tái nghiện sau cai của người nghiện.
Theo chúng tôi việc trả về cộng đồng người sau cai nghiện là một hành động nhân đạo. Nhưng nếu xét đến nguy cơ tái nghiện quá cao thì việc đưa người sau cai nghiện về cộng đồng cần xem xét lại. Xem xét chính vì lợi ích của người sau cai nghiện ma túy.
Xin đề xuất một mô hình
Hiện nay trong cả nước cũng chỉ mới có hai biện pháp cai nghiện ma túy. Cách phổ biến nhất là đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện, dùng các loại thuốc an thần cắt cơn, loại trừ hội chứng cai nghiện, sau đó phục hồi sức khỏe và nhân phẩm bằng lao động và sinh hoạt tập thể một thời gian.
Cách thứ hai là dùng chất thay thế ma túy chủ yếu hiện nay là methadone. Biện pháp này có hiệu quả rất cao, người nghiện ma túy dễ dàng từ bỏ ma túy, khôi phục sức khỏe. Tuy nhiên giá thành thuốc quá cao, triển khai rộng có nhiều khó khăn. Hiện nay, mới chỉ có Hải Phòng điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone cho 1.400 người, TP.HCM cho 5.000 người. Vừa rồi ngày 1-11-2011 trong cuộc họp kiểm điểm công tác 9 tháng đầu năm của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đã có một sự chỉ đạo quan trọng đề nghị các đơn vị nghiên cứu chất thay thế methadone để triển khai nhanh biện pháp cai nghiện này. Hy vọng chúng ta sớm có một hoạt chất thay thế ma túy mang nhãn hiệu Việt Nam.
Rõ ràng hiện nay chúng ta vẫn phải trông cậy vào biện pháp cai nghiện cổ điển: cắt cơn và phục hồi sức khỏe nhân phẩm. Tuy nhiên thay vì sau khi cai nghiện chúng ta cần hạn chế việc đưa họ về sớm cộng đồng.
Từ ví dụ anh bạn đi tù 7 năm, không nghĩ đến ma túy, chúng tôi xin trình bày một phương án, có thể giải quyết được tình trạng tái nghiện đến 99% sau cai.
Để đảm bảo việc không tái nghiện chắc chắn người sau cai nghiện phải sống trong một môi trường không ma túy. Trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay một xã hội không ma túy chỉ là ảo tưởng. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những tiểu vùng không ma túy. Tại những vùng này có thể có rào chắn, hoặc hạn chế ra vào, phía trong vùng có thể người sau cai buộc phải hạn chế một số quyền như đi lại, khám xét... Những tiểu vùng này nên đủ lớn để xây dựng các cơ sở công nông nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện, thậm chí có thể tạo điều kiện cho người sau cai nghiện lập gia đình, sống ổn định lâu dài.
Lập hành lang pháp lý về những tiểu vùng này là công việc đầu tiên phải làm, sau đó lựa chọn và đầu tư xây dựng... Sẽ còn rất nhiều việc làm... Hy vọng chúng ta sẽ nâng được tỷ lệ người cai nghiện ma túy thành công.
Theo ANTD
Rợn người ở 'bản không chồng' Buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đã gieo bao "cái chết trắng" ở khắp các bản làng hay trên từng quả đồi gắn liền với tụ điểm ma túy tại xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An). Câu nói của trưởng bản Lô Văn May thật buốt lòng: "Không phải là bản ta không có chồng, mà có chồng từ...