Trước The Platform còn 5 phim kinh dị Tây Ban Nha sau cũng gây ám ảnh không kém, xem ngay còn… sợ!
Trước khi The Platform nổi tiếng, điện ảnh Tây Ban Nha vốn đã vô cùng nổi tiếng với những bộ phim kinh dị của mình.
Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung một số bộ phim, cân nhắc trước khi đọc!
Không được quảng bá quá ồn ào như bom tấn Hollywood nhưng những bộ phim đến từ Tây Ban Nha vẫn vô cùng đáng xem, đặc biệt là thể loại kinh dị. Nếu đã xem qua The Platform và muốn “đổi gió” khám phá thêm điện ảnh Tây Ban Nha, chắc chắn 5 bộ phim dưới đây sẽ không phụ lòng bạn.
1. Pan’s Labyrinth (2006)
Trailer Pan’s Labyrinth (2006)
Nhắc đến đạo diễn kỳ cựu Guillermo del Toro là nhắc đến Pan’s Labyrinth, bộ phim huyền ảo mang hơi hướm kinh dị đã “càn quét” đến 6 đề cử Oscars năm 2007 và được Rotten Tomatoes ca ngợi là “Alice in Wonderland phiên bản dành cho người trưởng thành”. Lấy bối cảnh Tây Ban Nha thời kỳ phát xít thập niên 40 với nhiều biến động chính trị, Pan’s Labyrinth hoà trộn tài tình những yếu tố kỳ ảo, kinh dị và bạo lực trong chuyến phiêu lưu của cô bé Ofelia vào một mê cung kỳ bí. Càng khám phá, Ofelia càng phát hiện ra nhiều điều đáng sợ từ thế giới nửa thực nửa hư của một sinh vật tưởng chừng chỉ tồn tại trong thần thoại.
Thế giới vừa huyền hoặc, vừa tăm tối của Pan’s Labyrinth được thiết kế tinh xảo và gây hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Kể cả với nhiều tín đồ phim kinh dị hạng nặng, cảnh quái vật The Pale Man xuất hiện với cơ thể trắng toát nhăn nhúm cùng đôi mắt mọc ở lòng bàn tay vẫn gây ám ảnh. Trong một buổi chiếu thử, đạo diễn Guillermo del Toro đã ngồi cạnh nhà văn Stephen King và chứng kiến ông hoàng tiểu thuyết kinh dị vô cùng căng thẳng khi thấy tạo hình đầy quái dị của The Pale Man.
2. The Orphanage (2007)
Trailer The Orphanage (2007)
Cô nhi viện là một bối cảnh không quá mới lạ của dòng phim kinh dị, nhưng The Orphanage lại luôn “chễm chệ” ở top đầu danh sách những phim kinh dị Tây Ban Nha hay nhất nhờ vào câu chuyện nhiều tầng lớp, không thiếu các nút thắt kịch tính và những pha hù doạ lạnh sống lưng được set up chặt chẽ. Gia đình Laura, Carlos và cậu bé con nuôi Simon sống bên nhau rất hạnh phúc, cho đến khi Laura, cũng từng là trẻ mồ côi, mua lại cô nhi viện cổ kính nơi cô từng lớn lên để chăm sóc cho trẻ em khuyết tật.
Trong toà nhà u ám, một tai nạn bất ngờ xảy đến với Simon. Để cứu con, Laura bắt buộc phải đối diện với những bí mật đen tối của cô nhi viện và nhớ lại những người bạn ngày nhỏ. Dưới bàn tay nhào nặn của giám đốc sản xuất Guillermo del Toro vốn nổi tiếng với phong cách kinh dị gothic, The Orphanage đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của trẻ em – đôi khi bí ẩn, đáng sợ và chứa đựng nhiều tổn thương sâu sắc hơn người lớn tưởng. Đặc biệt, với cái kết đầy cảm xúc, không ngạc nhiên nếu The Orphanage sẽ làm bạn phải tốn kha khá khăn giấy.
3. Cell 211 (2009)
Trailer Cell 211 (2009)
Không phải là một bộ phim kinh dị thuần tuý điển hình với ma quỷ, jump scare thót tim hay những cảnh đẫm máu trực diện, Cell 211 chứng minh đôi khi con người mới là đáng sợ nhất. Nhân vật chính của phim, cai tù trẻ tuổi Juan Oliver bị mắc kẹt trong một vụ nổi loạn đầy bạo lực của các tù nhân, và cách duy nhất để anh sống sót là đóng giả làm một tù nhân trong phòng giam số 211. Trong hoàn cảnh không thể trớ trêu hơn, Juan buộc phải sinh tồn bằng cách cố gắng lấy lòng các bạn tù mà đặc biệt là Malamadre, tù nhân máu mặt nhất.
Chiến thắng 8 giải Goya (giải thưởng điện ảnh thường niên của Tây Ban Nha) trong đó có giải Phim hay nhất, Cell 211 khắc hoạ sinh động những biến chuyển tâm lý của một người bình thường bất ngờ bị ném vào một tình huống sinh tử khó lường, phải tính toán từng lời nói, hành động. Không chỉ dồn nén từ góc nhìn của Juan, bối cảnh chật chội và điều kiện sống tồi tệ của phòng giam còn dễ khiến những người sợ không gian chật hẹp căng thẳng. Cell 211 còn được đánh giá rất cao nhờ vào nhịp phim khẩn trương, khó đoán, làm người xem không khỏi kinh hoàng khi chứng kiến một cai tù bắt buộc phải từ bỏ mọi liên hệ với thân phận của mình để hoà nhập với những thủ phạm của nhiều tội ác kinh khủng.
4. The Skin I Live In (2011)
Trailer The Skin I Live In (2011)
Đạo diễn Pedro Almodóvar đã miêu tả The Skin I Live In là một câu chuyện kinh dị “không có tiếng la hét” nhưng lại làm khán giả sởn gai ốc bởi nỗi ám ảnh với làn da của nhân vật bác sĩ Robert Ledgard. Bộ phim được đề cử giải thưởng Quả Cầu Vàng cho phim tiếng nước ngoài hay nhất năm 2011 và giành chiến thắng trong hạng mục phim tiếng nước ngoài tại BAFTA lần thứ 65
Tài tử “Mặt nạ Zorro” Antonio Banderas hoá thân thành bác sĩ phẫu thuật Ledgard, người dành 12 năm đằng đẵng chế tạo một lớp da chống lửa hoàn hảo để tái sinh vợ con thiệt mạng trong tai nạn giao thông. Có vẻ ngoài bình thường nhưng bác sĩ Ledgard lại là một nhà khoa học điên, ám ảnh với công trình khoa học của mình và sẵn sàng làm đủ mọi cách để thực hiện thành công thí nghiệm gây sốc, kể cả giam cầm một cô gái làm “chuột bạch”. Dán nhãn R, The Skin I Live In chứa nhiều trường đoạn đổ máu, đen tối, khai thác những khía cạnh đáng sợ trong tâm lý con người khi họ phá bỏ mọi ranh giới để thách thức cái chết bằng khoa học.
5. Tigers Are Not Afraid (2019)
Trailer Tigers Are Not Afraid (2019)
Sử dụng thủ pháp tương tự như Pan’s Labyrinth, Tigers Are Not Afraid đan cài những yếu tố siêu nhiên huyền ảo và thực tại xã hội khắc nghiệt để kể một câu chuyện đầy ám ảnh qua đôi mắt của những đứa trẻ bị ép phải lớn lên quá nhanh. Cuộc sống bình thường của cô bé Estrella bỗng chốc bị đảo lộn khi trường học đóng cửa vì một vụ nổ súng và mẹ cô bé đột nhiên mất tích. Sau khi chạm trán Shine, một cậu bé lang thang đột nhập vào nhà Estrella để trộm đồ, Estrella đã tham gia “băng đảng” của Shine.
Năm đứa trẻ, trong đó có Morrito chỉ mới 4 tuổi, vừa sinh tồn giữa thành phố loạn lạc đầy xác người, vừa tìm cách trả thù cho cái chết của người thân. Trong khi đó, mẹ của Estrella thực sự đã trở về, nhưng lại là một hồn ma không ngừng theo chân cô bé. Khai thác số phận những đứa trẻ bị huỷ hoại bởi cuộc chiến ma tuý, vấn đề nhức nhối hàng đầu Mexico, bộ phim huyền ảo/kinh dị của nữ đạo diễn Issa Lopez không những làm người xem sợ hãi mà còn phải lau nước mắt vì bi kịch trẻ em không có tuổi thơ.
6 bài học rợn người rút ra từ The Platform: Bản năng sinh tồn có thể biến con người thành ác quỷ?
Kiên trì nghiền ngẫm bộ phim kinh dị đình đám The Platform, người xem nhận ra những bài học đắt giá mà bộ phim đã mang đến.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc)
Bộ phim kinh dị Tây Ban Nha The Platform (Tên gốc El Hoyo) đang làm mưa làm gió nhiều ngày gần đây không chỉ vì ý tưởng độc đáo, các chi tiết được cài cắm vô cùng khéo léo, mà còn bởi những bài học quý giá mà nó truyền tải.
1. Địa vị mỗi người tỉ lệ thuận với quyền lợi xã hội họ nhận được
The Platform phân chia mỗi người vào một tầng khác nhau, rất dễ để nhận ra đây là một bài học về xã hội phân tầng. Tương đương với địa vị của mình, tầng lớp thượng lưu sẽ là những người đầu tiên tiếp cận được với bàn ăn - tượng trưng cho quyền lợi trong xã hội. Không những được hưởng thụ, họ là những người có khả năng tác động đến quyền lợi của những người sau, như đạp đổ chén dĩa hoặc làm ô nhiễm thức ăn, khiến cuộc sống của những người ở tầng thấp càng khó khăn hơn nữa.
Trimagasi (Zorion Eguileor) nhai ngấu nghiến thức ăn thừa từ 47 tầng trước đó.
Cũng vì quyền lợi xã hội cao, họ là những người thoải mái và duy mỹ hơn. Chỉ khi đảm bảo cho nhu cầu cần thiết của bản thân, con người mới dễ dàng hướng đến những nhu cầu cao hơn. Như khi Goreng (Iván Massagué) và Trimagasi (Zorion Eguileor) ở tầng 48, họ thoải mái chuyện trò, đọc sách cho nhau nghe. Như cặp đôi khiếm nhã ở tầng 5 khi Goreng gặp Baharat (Emilio Buale Coka) lần đầu, họ thậm chí còn thoải mái hưởng thụ khoái lạc. Trong khi những người ở tầng dưới vẫn cố gắng từng ngày để không phải chết đi. Và đó là cách mà xã hội này vận hành.
Chính vì ở tầng 48 nên Trimagasi mới thoải mái lo cho bộ râu của mình.
2. Cuộc sống là một bản nhạc piano
Không ai có một cuộc đời trải đầy hoa hồng, mà cuộc sống chính là một bản nhạc piano với những nốt thăng trầm hòa quyện với nhau. Mỗi tháng, các tù nhân sẽ bị thay đổi số tầng, từ những người đang bình thản hưởng thụ cuộc đời trở thành những người phải đấu tranh vì sự sống dưới đáy xã hội. Cũng vậy, không ai có thể ngồi mãi trên đỉnh và không ai mãi mãi phải mò mẫm dưới chân người khác bao giờ. Đó là ván bài may rủi của cuộc sống.
Những món ăn chất lượng cao nhưng không phải ai cũng được thưởng thức.
Tuy nhiên, cuộc sống luôn tự khắc an bài. Dù cuộc đời lắm lúc không hề suôn sẻ như bạn muốn, nhưng bạn nên tin rằng, không cố gắng nào của bạn tan vào hư vô, nó sẽ được đền đáp xứng đáng. Tuy The Platform khắc họa địa vị mỗi người rất ngẫu nhiên, nhưng những hình ảnh ấy tượng trưng cho việc nếu có cố gắng, một ngày bạn sẽ được ngồi vào vị trí mà mình mơ ước.
3. Ý thức là điều duy nhất tách bạch mỗi con người với nhau
Một trong những lời thoại xuất hiện đầu tiên và quan trọng nhất The Platform chính là câu "Ở đây chỉ có 3 loại người: người ở dưới, người ở trên, và người ngã xuống". Có thể hiểu rằng, bộ phim đang muốn ám chỉ những người không muốn thay đổi cuộc sống này, những người muốn thay đổi nhưng không dám cũng như không có năng lực, và những người sẵn sàng ngã xuống để thay đổi cuộc sống. Trong cuộc chiến tranh giành địa vị và quyền lợi xã hội, bạn sẽ quyết định trở thành loại người nào?
Goreng (Iván Massagué) đã quyết định làm loại người thứ 3: ngã xuống để cứu thế giới.
Có những người sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích vì những người kém may mắn hơn, cũng có những người sẵn sàng đạp đổ thức ăn - nguồn sự sống của người khác khi mình không còn muốn ăn nữa. Vậy rõ ràng, thứ duy nhất tách biệt mỗi người trong một xã hội tồn tại quá nhiều khắc nghiệt và đấu đá lẫn nhau chính là ý thức của mỗi con người.
4. Bản năng sinh tồn và khao khát sống sẽ luôn luôn trỗi dậy trong tình huống nguy cấp
Dù là khi nào, ở đâu, chỉ cần sự sống bị đe dọa trầm trọng, bản năng sinh tồn của mỗi người sẽ luôn xuất hiện. Và bản năng đó thôi thúc ta chấp nhận làm bất cứ thứ gì để bảo toàn sự sống cho mình.
Đó là lý do dù Goreng và Trimagasi đã từng rất thân thiết, và Trimagasi luôn thích Goreng, nhưng khi hai người thức dậy ở tầng 171, để bảo vệ cho sự sống của mình, Trimagasi đã không ngần ngại trói Goreng lại và dự tính sẽ ăn thịt anh để sống sót. Nếu không có bản năng này, sẽ không có rất nhiều cái chết xảy ra đến vậy, nhưng đồng thời nếu không có nó, con người cũng sẽ khó lòng sống sót để vượt qua các tình huống nguy kịch.
Đây là con dao mà sau đó Trimagasi dùng để cắt thịt của Goreng.
5. Để đạt đến mục đích của mình cần cả thiên thời, địa lợi, và nhân hòa
Rất nhiều người đã rơi vào nhà tù này, nhưng không phải ai cũng thành công phá vỡ hệ thống đã hỏng này như Goreng. Bỏ qua yếu tố số phận định sẵn sẽ trở thành người hy sinh, anh không chỉ có tư duy nhạy bén, cách thực hiện hợp lý mà anh còn may mắn được phân vào tầng 6 - một nơi đủ cao để gây tác động đến gần như toàn bộ nhà tù. Không chỉ vậy, anh còn có tinh thần liều lĩnh - điều mà không phải ai cũng có được, và một người cộng sự tốt. Baharat không chỉ kiên trì, trung thành với mục tiêu mà còn mạnh mẽ và có đủ năng lực để đồng hành cùng anh đi đến tầng cuối cùng.
Baharat (Emilio Buale Coka) chính là người cộng sự hoàn hảo của Goreng.
Cũng vậy, công thức thành công không chỉ có một, nhưng chắc chắn nó được tích hợp bởi rất nhiều yếu tố. Vậy nên, đừng mong chờ một thành công dễ dàng, và hãy lên kế hoạch kỹ càng trước khi thực hiện một kế hoạch nào đó.
6. Hãy tiếp cận vấn đề theo nhiều cách khác nhau
Khi còn ở tầng 33, Imoguiri đã rất cố gắng để thuyết phục những người ở tầng dưới ăn đủ nhu cầu của mình và chuẩn bị sẵn khẩu phần cho tầng dưới, để thức ăn có thể xuống được đến những tầng cuối cùng. Và dĩ nhiên cách đó không có tác dụng bằng sự đe dọa thô bạo và khiếm nhã của Goreng. Bài học này không phải khuyến khích ta đe dọa và dùng vũ lực với những người xung quanh, mà hãy tiếp cận vấn đề theo nhiều cách khác nhau.
Imoguiri (Antonia San Juan) đã dùng 15 ngày để thuyết phục những người tầng dưới đoàn kết và san sẻ thức ăn cho nhau.
Như ông già thông thái đã nói với Baharat: "Hãy thuyết phục trước khi sử dụng bạo lực". Và vì không phải ai cũng quan tâm cùng một vấn đề như bạn, nên hãy thử tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của một người, trước khi yêu cầu họ làm gì đó cho mình.
Một tác phẩm thành công không phải là một tác phẩm có cho mình một cái kết viên mãn và hợp lý, mà sự thành công đó nằm ở chỗ nó gợi lại cho người xem những suy nghĩ gì. Mỗi người sau khi thưởng thức The Platform xong, chắc chắn sẽ có cho mình những bài học riêng. Không có bài học đúng, cũng không có bài học sai, những ý kiến trái chiều sẽ góp phần tạo nên một bộ phim thành công và ấn tượng trong lòng mọi người.
Trailer phim "The Platform"
The Platform đã phát hành trên Netflix.
13 câu thoại nghe xong liền thẫn thờ ở The Platform: "Giàu có không đến từ việc tích luỹ, nó tính bằng anh đã trao đi bao nhiêu" Bên cạnh nội dung kịch bản và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên, The Platform còn khiến người xem nhớ mãi vì những lời thoại đắt giá của mình. The Platform (Tựa gốc El Hoyo) đã đem lại cho mỗi người chúng ta quá nhiều sự khắc khoải. Không chỉ nằm ở nội dung phim và những thông điệp mà nó...