‘Trước khi viết nhạc, tôi giỏi nhất là… đánh nhau’
Với vẻ ngoài có phần ngang tàng và gai góc, khi mới bắt đầu tập tành viết nhạc, Dương Trường Giang đã nhận được không ít dè bỉu rằng, anh khó mà trở thành ca sĩ hay nhạc sĩ được.
Bởi trước khi đến với âm nhạc, thứ Dương Trường Giang giỏi nhất chính là… đánh nhau. Nhưng rồi âm nhạc đã đến với Giang khá tình cờ, khiến anh nói được những điều mình nghĩ và xóa đi định kiến của mọi người về bản thân.
Nhạc sĩ của phố
Sáng tác nhiều, lại có thể hát và đảm nhiệm vai trò phối khí, nhà sản xuất âm nhạc, nhưng dấu mốc để khán giả định hình về cái tên Dương Trường Giang là khi anh kết hợp với Bùi Anh Tuấn.
Chỉ một ca khúc Phố không mùa đã đủ làm nên cái tên cho chàng nhạc sĩ trẻ Hà Nội “oanh tạc” trên các sân chơi âm nhạc. Thậm chí, có đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ muốn mua bản quyền ca khúc với giá hàng trăm triệu, nhưng Dương Trường Giang đã từ chối. Anh không muốn mình bị “sa đà” quá sớm vào việc viết nhạc để kiếm tiền. Giang muốn tạo dựng thương hiệu trước nên khước từ những điều khiến anh sẽ nổi tiếng nhanh chóng.
Nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang.
Đó cũng là lý do mà sau sức hút của Phố không mùa phải đến 3 năm sau, Giang mới trình làng những tác phẩm mới bằng việc ra mắt một album mang tên: From Phố không mùa – Dương Trường Giang.
Vốn là ca sĩ cá tính và có chất “ngông” nên dù đây là sản phẩm được anh chắt chiu sau 10 năm sáng tác, Giang đã dự tính sẽ không đưa tên mình vào sản phẩm, chỉ để tác phẩm lên tiếng.
Giang chia sẻ: “10 năm trước, không ai biết tôi là ai nên bây giờ có lẽ cũng không cần phải biết. Chỉ cần họ hát và chọn tên ca khúc đó là được rồi. Khi thiết kế bìa đĩa, tôi cũng không để hình mình lên đó, cách thông thường mà các ca sĩ, nhạc sĩ ra album đều thực hiện. Nhưng vì hình đã không có rồi mà không có cả tên mình trên bìa đĩa thì nghe cũng không ổn lắm. Vậy nên cuối cùng tôi chỉ để ở vị trí khá khiêm tốn thôi”.
Vì tách mình ra khỏi xu hướng thị trường nên Dương Trường Giang có sự thảnh thơi để thỏa mãn đam mê với âm nhạc theo cách riêng của mình.
Chùm 3 ca khúc: Hà Nội mùa lá bay, Mùa đi ngang phố và Phố không mùa được anh chủ định viết theo kiểu “series” với cách hòa thanh gần giống nhau, ca từ cũng mang đầy tính tự sự hoài niệm. Đây cũng là phong cách mà Giang có thế mạnh nên chú tâm theo đuổi. Nó giúp cái tên Dương Trường Giang dễ nhận diện hơn trong dòng chảy âm nhạc có nhiều màu sắc hiện nay.
Trong khi các nhạc sĩ trẻ luôn hướng ngoại từ ca từ đến trào lưu, thị hiếu thì Giang thích những điều “trôi về phía cũ”. Ở đó, điều luôn được nhắc đến trong tất cả các ca khúc của Giang là thiếu hình ảnh của những con phố.
Video đang HOT
Những sáng tác của Dương Trường Giang mang nhiều chất tự sự nhưng vẫn bay bổng và giàu chất thơ.
Trong suy nghĩ của nhạc sĩ trẻ này, phố chính là nơi mà con người va chạm nhiều nhất mỗi ngày. Anh nói: “Chúng ta làm việc, đi chơi, mọi vui buồn cũng đều có sự hiện diện của phố. Phố cho ta kỷ niệm và kinh nghiệm để lớn lên. Tôi không nói đến tên cụ thể, nhưng nghe rồi sẽ thấy nó là điều mà chỉ có Hà Nội mới có và ai cũng cảm thấy mình trong đó”.
Viết nhạc như viết nhật ký
Dương Trường Giang chia sẻ, từ nhỏ, mỗi khi đi trên đường, phố luôn mang lại cho anh rất nhiều cảm xúc. Và sự viết giống như một quá trình thúc đẩy, đưa Giang đến với nghiệp viết. Anh gọi đó là “viết nhật ký bằng nhạc”. Nếu không phải là nhạc thì rất có thể sẽ là văn chương.
Thế nên, các ca khúc của Giang đều được trau chuốt về ca từ. Khi là chất thơ, khi lại giống như anh đang mang tản văn vào âm nhạc vậy: “Và gió vẫn dẫn lối quen yêu thương quen, con đường quen/Và cay đắng rồi cũng sẽ như một thói quen thôi/Ở góc phố, quán nước đơn sơ nay đang mang tên là quen”; “Em theo gió đi rồi, anh vẫn quen góc hay ngồi/Đợi chờ một nụ cười không mới/Đã rất khó để tập quên nay anh đang phải tập quên”; “Mùa đi ngang phố hay phố không mùa nữa”…
Không ít người cảm thấy bất ngờ khi ở tuổi ấy, với vẻ ngoài gai góc và xù xì ấy lại thốt lên được những cảm nhận đầy tinh tế và có chiều sâu đến vậy. Trong các ca từ của Dương Trường Giang, dường như có sự chuyển hóa từ cảm xúc văn chương thành cảm xúc âm nhạc vậy.
Dương Trường Giang và Bùi Anh Tuấn.
Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi mới bắt đầu tập tành viết nhạc hồi THPT, Giang đã nhận được không ít dè bỉu rằng, người có vẻ ngoài ngổ ngáo như anh khó mà trở thành ca sĩ được. Anh chia sẻ: “Trước khi đến với âm nhạc, thứ mà tôi giỏi nhất chính là… đánh nhau. Nhưng rồi thật may là âm nhạc đã đến với tôi, khiến tôi nói được những điều mình nghĩ và xóa đi định kiến của mọi người về bản thân.
Khi tôi nói với bố muốn thi vào Nhạc viện, bố tôi đã không đồng ý vì muốn tôi đi du học. Nhưng rồi tôi vẫn quyết thi và đỗ vào khoa Thanh nhạc. Tôi muốn chứng tỏ rằng, sự nhìn nhận bằng vẻ ngoài nhiều khi sẽ làm hạn chế đi khả năng của ai đó. Sâu xa hơn là sẽ giết chết ước mơ trong lòng họ. Ai cũng là một thiên tài, nên hãy để họ được làm điều mình thích nhất hoặc giỏi nhất”.
Viết nhiều, nhưng Dương Trường Giang khá cẩn trọng khi lựa chọn ca khúc để công bố. Phần nữa, không phải ca khúc nào cũng có thể có chỗ đứng ngay được, vì nó cũng không phải dễ nghe với số đông công chúng.
Đã có người nhìn nhận rằng, Phố không mùa nếu không phải là Bùi Anh Tuấn thể hiện, chưa chắc nó đã trở nên đình đám đến vậy. Nói như thế vừa đúng, lại vừa có phần… khập khiễng bởi một tác phẩm âm nhạc là sự cộng hưởng bởi cái duyên gặp gỡ của nhạc sĩ, ca sĩ và khán giả. Thiếu một trong ba cái đó, tác phẩm dù được chăm chút cỡ mấy cũng khó mà lan tỏa được.
Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội
'Ngày trôi về phía cũ': Tản văn bằng âm nhạc
Nhạc sĩ Dương Trường Giang mất 10 năm để ra mắt đĩa nhạc "Từ Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ". Album giống như tập tản văn đầy cảm xúc được diễn giải bằng giai điệu và ca từ.
Trong những năm gần đây, âm nhạc và văn chương của giới sáng tác trẻ 8X Việt Nam đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Văn chương trở thành "nguyên liệu" để các nhạc sĩ trẻ tạo nên những bản nhạc giàu cảm xúc. Không giống như việc phổ nhạc từ thơ; sự liên nối của hình thức đạt đến độ tinh vi hơn ở sự đồng điệu của cảm xúc.
Ca/nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang.
Nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang vừa cho ra mắt album From Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ sau 10 năm hoạt động. Đĩa nhạc được thiết kế như một tập sách nhỏ, ngầm chứa đựng một thế giới đầy cảm xúc của người nghệ sĩ trẻ.
8 ca khúc trong album mang phong vị của câu chuyện một người thành thị sống và yêu, trải nghiệm rồi trưởng thành. Ở đó, những cảm thức lơ đễnh, chơi vơi của tuổi trẻ được gọi tên rõ ràng qua những hình ảnh giàu sức gợi.
Nhà văn trẻ Minh Nhật góp phần làm nên album From Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ viết:
"Chiều hôm đó. Tôi ngồi yên lặng trong căn nhà nhỏ, tận hưởng một phần gì đó rất thật ngoài kia qua những trang sách. Những câu chuyện như những mảng màu xen kẽ nhau trong bức tranh cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta sẽ tìm được một phần nào đó của mình trong bức tranh ấy, để cảm thấy một chút hoang hoải trong những ký ức cuộc sống vụt qua. Câu chuyện của người và cũng là câu chuyện của mình.
Những buổi chiều ấy không quay lại, chúng ta cũng không. Chỉ là trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình chậm lại một chút.
Cái chậm lại cần lắm trong cuộc đời".
Đa số các bản nhạc trong From Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ đều thuộc thể loại pop ballad. Lối hòa thanh êm đềm, du dương với tiếng piano và violin khiến cho album tạo nên được không khí rất riêng. Những góc phố, những mặt người, những mối tình riêng chung trong từng ca khúc có thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi thời điểm.
Ngoài bản hit Phố không mùa, Dương Trường Giang còn giới thiệu những ca khúc lãng mạn và da diết không kém trong sản phẩm đầu tay. Anh kể câu chuyện liền mạch từ ca khúc đầu tiên của album Chúng ta, ai cũng qua một thời như thế... đến bài hát cuối cùng Về một chiều, không quay trở lại.
Nhạc sĩ Dương Trường Giang chụp ảnh với nhà văn trẻ được độc giả yêu thích - Minh Nhật.
Album gần như việc chạm đến tầm cao nhất của việc chuyển hóa cảm xúc văn chương (truyện ngắn, tản văn) thành cảm xúc âm nhạc. Anh chia sẻ viết nhạc giống như viết nhật ký. Vì thế, album có cách viết lời nhiều hình ảnh, mang sức gợi hơn là kể câu chuyện có nội dung rõ ràng.
Anh cũng "cài cắm" trong phần lời những ca từ hứa hẹn là trích dẫn "hot" của giới trẻ. Đó là "Thời gian như vết cắt thật ngọt... từng ngày trôi không thấy đau" (Sẹo thời gian) hay "Chỉ là đi qua, chỉ như biết bao người lạ" (vé một chiều không quay trở lại).
Dương Trường Giang "đóng nhiều vai" trong album đầu tay của mình. Anh vừa là tác giả của 8 ca khúc đồng thời là người thể hiện một số tác phẩm. Đĩa nhạc khá đặc biệt khí nó mang trong mình hai tính chất: album tác giả và cũng là đĩa nhạc có tính chủ đề rõ rệt.
Nhóm nhạc OPlus, ca sĩ Dương Trần Nghĩa góp giọng trong album From Phố không mùa... Ngày trôi về phía cũ.
Ngoài khả năng sáng tác và hòa thanh, anh còn khiến khán giả hài lòng với giọng hát trầm ấm, xúc cảm. Tuy nhiên vai trò sáng tác in đậm dấu ấn nhất trong sản phẩm âm nhạc này. Bên cạnh đó, tuyển tập album này cũng có sự góp mặt của những ca sĩ trẻ khác như Trung Quân Idol, OPlus, Dương Trần Nghĩa...
Những best-seller của văn học trẻ Việt Nam như Minh Nhật, Anh Khang, Hamlet Trương chính là một phần cảm hứng để tạo nên đĩa nhạc nhiều khá đặc biệt này.
Danh sách ca khúc:
1. Chúng ta, ai cũng qua một thời như thế - Dương Trường Giang
2. Hà Nội mùa lá bay - Dương Trường Giang ft. Bùi Anh Tuấn
3. Đến với nhau - Dương Trường Giang ft. Guitar Hà Lê
4. Ai rồi cũng khác - OPlus
5. Phố không mùa - Dương Trường Giang ft. Bùi Anh Tuấn
6. Sẹo thời gian - Dương Trần Nghĩa
7. Ngày trôi về phía cũ - Trung Quân Idol
8. Vé một chiều, không quay trở lại - Hoàng Khánh Linh
Theo Zing
Mỹ nam Vpop được bố mẹ hộ tống khi đi diễn Không chỉ sao nữ mới được bố mẹ hộ tống đi diễn mà nhiều mỹ nam Vpop cũng có may mắn này. Trọng Hiếu Trọng Hiếu là cái tên gây sốt làng nhạc Việt thời gian qua khi anh đạt danh hiệu cao nhất trong cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam mùa thứ 6. Ở nhiều vòng đấu, chàng Việt kiều...