Trước khi bị tấn công, giới chức Israel cho rằng Hamas chỉ diễn tập
Các quan chức an ninh hàng đầu của Israel cho biết họ có rất ít thông tin và không đưa ra cảnh báo hoặc tăng cường lực lượng trước các cuộc tấn công của Hamas.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các chỉ huy quân sự tại trụ sở IDF ở Tel Aviv để đánh giá an ninh vào ngày 8/10. Ảnh: GPO
Theo tờ Thời báo Israel (timesofisrael.com) ngày 12/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và các quan chức quân sự, an ninh cấp cao nước này đã tổ chức một cuộc họp đánh giá tình hình chỉ vài giờ trước khi Hamas bắt đầu cuộc tấn công vào miền Nam Israel sáng 7/10. Cuộc họp diễn ra sau khi họ nhận được thông tin sơ sài rằng có điều gì đó đang diễn ra, nhưng kết luận các hoạt động ở Gaza có thể chỉ là một cuộc diễn tập.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng cho biết ông không nhận được bất kỳ cảnh báo tình báo nào từ cơ quan an ninh trước khi Hamas bắt đầu cuộc xâm nhập các cộng đồng ở miền Nam Israel.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết trong một tuyên bố: “Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã được thông tin cập nhật vào đúng 6 giờ 29 phút sáng 7/10, chứ không phải trước đó, khi cuộc giao tranh bùng nổ. Ông Netanyahu ngay lập tức đến Kirya – trụ sở quân sự ở Tel Aviv, tiến hành đánh giá tình hình và triệu tập Nội các An ninh”.
Cuộc họp của các quan chức quân sự và an ninh cấp cao trên có cả Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi tham dự, tiến hành trực tuyến chỉ vài giờ trước cuộc xâm nhập của Hamas.
Những quan chức tham dự cuộc họp được cho là đã kết luận rằng hoạt động ở Gaza có thể chỉ là một cuộc diễn tập và đồng ý tổ chức các cuộc thảo luận sâu hơn vào buổi sáng hôm sau (7/10). Họ cũng chọn không đưa ra cảnh báo hoặc tăng cường lực lượng tới khu vực biên giới Gaza, vì vấn đề này không được coi là cấp bách.
Video đang HOT
IDF từ lâu đã tự hào về hàng rào biên giới với camera, tháp canh và cảm biến công nghệ cao nhằm cung cấp an ninh cho cư dân các thị trấn biên giới với Gaza. Nhưng sáng 7/10, những tay súng Hamas đã kích nổ và phá hủy tường rào bằng máy ủi ở nhiều địa điểm, sau đó tràn sang bằng xe jeep và xe máy.
Trong khi đó, những nhóm khác sử dụng dù lượn vượt biên giới, kết hợp dùng máy bay không người lái thả chất nổ lên tháp quan sát cùng một loạt tên lửa tấn công đồng thời trên khắp miền Nam và miền Trung Israel. Ước tính có khoảng 1.500 tay súng Hamas xâm nhập vào miền Nam Israel.
Người phát ngôn của IDF, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari ngày 12/10 thừa nhận không có cảnh báo tình báo lớn nào, nhưng xác nhận có một số dấu hiệu nhỏ ban đầu.
Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi tổ chức buổi đánh giá tình hình tại Bộ Tư lệnh phía Nam của IDF ở Beersheba, ngày 8/10. Ảnh: IDF
Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, Trung tướng Halevi ngày 12/10 cho biết: “IDF chịu trách nhiệm về an ninh của Israel và công dân của mình, và vào sáng 7/10, tại khu vực xung quanh dải Gaza, chúng tôi đã không làm tốt vấn đề đó”.
Khi Israel chao đảo với cuộc tấn công nguy hiểm nhất trong lịch sử, ông Netanyahu vẫn khẳng định không hề biết trước về bất kỳ đánh giá an ninh nào dự báo về cuộc tấn công của Hamas.
Các quan chức tình báo Ai Cập đã nói với tờ Thời báo Israel và các cơ quan truyền thông khác rằng chính quyền Israel đã phớt lờ những cảnh báo liên tục rằng nhóm Hamas đang lên kế hoạch cho “điều gì đó lớn lao”.
Ông Netanyahu hồi đầu tuần đã phủ nhận việc nhận được cảnh báo như vậy, đồng thời nói trong bài phát biểu trước toàn dân vào tối 9/10 rằng câu chuyện về Ai Cập là “tin giả”.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết trong một tuyên bố trước đó cùng ngày: “Không có thông điệp sớm nào đến từ Ai Cập và Thủ tướng Netanyahu đã không nói chuyện hay gặp giám đốc tình báo kể từ khi thành lập chính phủ – không gián tiếp hay trực tiếp”.
Tuy nhiên hôm 11/10, nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã xác nhận những báo cáo như vậy và nói với các phóng viên ở Washington rằng họ biết Ai Cập đã cảnh báo Israel 3 ngày trước rằng một sự kiện như vậy có thể xảy ra.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp tình báo mật dành cho các nhà lập pháp về cuộc khủng hoảng, ông McCaul nói thêm: “Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết mật, nhưng một cảnh báo đã được đưa ra”.
Israel thả 6.000 quả bom, xới tung Dải Gaza
Israel xác nhận đã thả khoảng 6.000 quả bom xuống các mục tiêu ở Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát cuối tuần trước, khiến nhiều hạ tầng tại khu vực này bị phá hủy hoàn toàn.
Guardian hôm nay (13/10) dẫn thông báo của không quân Israel xác nhận họ đã triển khai hàng chục máy bay quân sự tấn công mục tiêu của Hamas trên khắp Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra cuối tuần trước và đến nay đã thả khoảng 6.000 quả bom các loại xuống khu vực này.
Một khu phố ở Dải Gaza tan hoang sau đợt tấn công của Israel. Ảnh: NYTimes
Theo WashingtonPost, số bom mà Israel sử dụng gần một tuần lớn hơn số bom mà Mỹ khai hỏa một tháng khi họ tiến hành chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Iraq lẫn Syria; và thấp hơn một chút lượng bom Mỹ sử dụng một năm ở Afghanistan.
Cụ thể, báo cáo công khai của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho thấy, Mỹ sử dụng hơn 7.400 quả bom trong năm ác liệt nhất của cuộc chiến Afghanistan. Một báo cáo khác của Liên hợp quốc (LHQ) chỉ ra rằng NATO thả 7.600 quả bom trong toàn bộ cuộc can dự vào Libya năm 2011.
Dải Gaza có diện tích nhỏ và mật độ dân số đông. Theo cơ quan y tế Palestine, các cuộc tấn công do Israel thực hiện khiến 1.500 dân thường thiệt mạng, với 1/3 là trẻ em. Ngoài ra, hơn 6.000 người khác bị thương nhưng không nhận được chăm sóc y tế phù hợp do hạ tầng dân sự bị hư hại.
Hình ảnh do truyền thông khu vực ghi lại cho thấy các tòa nhà ở Dải Gaza liên tiếp bị đánh sập. LHQ xác nhận hàng trăm ngàn người Palestine sinh sống tại khu vực đã buộc phải rời khỏi nhà cửa. Hàng chục nghìn người chen chúc trong các trường học do LHQ điều hành với hi vọng tránh bom đạn Israel.
Người Palestine cố gắng tìm kiếm người sống sót sau đợt tấn công của Israel. Ảnh: GettyImages
Vẫn theo thống kê của LHQ, chiến dịch ném bom của Israel đã phá hủy hoàn toàn 752 tòa nhà dân cư, trong khi hơn 1.800 tòa nhà khác hư hại đến mức không thể ở được. Ngoài ra, 11 nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy, 7 nhà thờ khác bị hư hại.
Israel từ đầu tuần đã phong tỏa toàn diện Dải Gaza. Nhà máy điện duy nhất ở Dải Gaza ngày 11/10 hết nhiên liệu và ngừng hoạt động. Buổi tối ở hầu hết khu vực này chỉ còn lại những ánh đèn được chạy bằng máy phát điện cá nhân.
"Các bệnh viện ở Gaza mất điện, đe dọa tính mạng những đứa trẻ trong lồng ấp và bệnh nhân cao tuổi cần thở oxy. Dịch vụ chạy thận và chụp X-quang đều đã dừng. Không có điện, bệnh viện nguy cơ biến thành nhà xác", Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), nói.
Trên lãnh thổ Israel, nhà chức trách nước này xác nhận hơn 1.300 người thiệt mạng vì hỏa lực của Hamas cùng 3.300 người khác bị thương. Phía Israel cũng tìm thấy 1.500 thi thể các thành viên Hamas sau khi họ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực phía Nam đất nước.
Chiến sự Israel-Hamas: Cú đánh bất ngờ của Hamas 50 năm trước, Israel đã phải đối mặt với mối đe dọa đối với sự tồn vong của mình sau cuộc tấn công chung bất ngờ của Ai Cập và Syria, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến Yom Kippur. "Cú đánh bất ngờ" của Hamas không những đã khiến cho triển vọng bình thường hóa quan hệ ngoại giao của Israel...