Trước giờ Tòa Trọng tài phán quyết: Lầu Năm góc công bố 4 giải pháp cho Biển Đông
Trang web Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8.7 (giờ địa phương) khẳng định Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài thường trực công bố phán quyết.
Ngày 3.3 tại Manila, sinh viên Philippines đốt mô hình tàu Trung Quốc để phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo – Ảnh: AP
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8.7 (giờ địa phương), Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Abraham M. Denmark phát biểu trước Hạ viện rằng: ngày 12.7 tới, Tòa Trọng tài thường trực The Hague (Hà Lan) sẽ công bố cách giải thích luật quốc tế chi phối các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết này.
Duy trì tuyến liên lạc đường biển
Phát biểu trong cuộc điều trần của hai tiểu ban trực thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 7.7, ông Abraham M. Denmark, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, nói: Mỹ quan tâm duy trì tuyến liên lạc hàng hải qua các vùng không phận và hải phận quốc tế.
Ông nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực sẽ ghi nhận một giao lộ quan trọng cho khu vực.
Ông nói: “Đây là cơ hội cho các nước trong khu vực này quyết định tương lai châu Á – Thái Bình Dương bằng cách tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế vốn giúp khu vực thịnh vượng, hoặc tương lai khu vực sẽ được quyết định bởi các toan tính quyền lực thô thiển”.
Ông báo cáo Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực.
Biển Đông là một ngã tư quan trọng của thế giới, với số hàng hóa trị giá hàng ngàn tỉ USD đi qua vùng này.
Ông Denmark giải thích từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hải quân Mỹ đã tuần tra Biển Đông tạo ổn định vốn cho phép tất cả các nước trong vùng đều phát triển.
“Đó là điều quan trọng trong chiến lược của chúng ta để củng cố một trật tự dựa trên nguyên tắc và dựa vào luật pháp để bảo vệ thịnh vượng và ổn định của khu vực này”, ông khẳng định.
Ông cho biết Trung Quốc đang toan tính thực hiện yêu sách chủ quyền bằng cách chiếm đóng, cụ thể là xây các đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa, lập sân bay quân sự, cảng và cơ sở hậu cần để hỗ trợ tàu chiến và máy bay quân sự của Trung Quốc.
Mỹ hoạt động để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông
Video đang HOT
Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Abraham M. Denmark phát biểu Mỹ theo đuổi đường lối toàn diện trong giải quyết tranh chấp trong khu vực, Bộ Quốc phòng Mỹ đang phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan khác để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Ông cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ có 4 hướng nỗ lực về Biển Đông.
Nỗ lực thứ nhất là hiện diện. Ông nói Mỹ có khả năng mạnh ở vùng này, tạo ổn định và tạo không gian cho hoạt động ngoại giao: “Chúng tôi tăng cường sự hiện diện quân sự và bảo đảm sự hiện diện này sẽ vững chắc về mặt chính trị, kiên trì trong hoạt động và có phân chia về địa lý”.
Nỗ lực thứ hai là gia tăng nhịp độ diễn tập, tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải và hiện diện quân sự. Điều này có nghĩa là Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục cho tàu chiến và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, “để các nước khác cũng có thể làm điều tương tự”.
Nỗ lực thứ ba là Bộ Quốc phòng Mỹ làm việc với các nước đối tác để củng cố khả năng hải quân của họ, nhất là làm việc với 10 nước ASEAN.
Nỗ lực cuối cùng là đối với Trung Quốc, ông Denmark nói: “Cuối cùng chúng tôi làm việc trực tiếp với Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ. Chúng tôi muốn duy trì các đường dây liên lạc với Bắc Kinh, cải thiện hợp tác của chúng tôi ở nhiều lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, cũng nhưng đối thoại dễ nghe và trên tinh thần xây dựng mỗi khi chúng tôi bất đồng”.
Mỹ sẽ chú ý đến Trung Quốc sau khi có phán quyết
Tại cuộc điều trần của hai tiểu ban trực thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của Mỹ và các nước khác để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
Bà nhấn mạnh Mỹ sẽ tập trung vào thái độ của Trung Quốc sau khi có phán quyết trọng tài và các nỗ lực của Mỹ là nhằm bảo đảm mỗi bên đều kiềm chế sau khi có phán quyết.
Bà ghi nhận hợp tác làm việc không chỉ về an ninh mà còn về kinh tế, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và ngoại giao để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ quyết định chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines hay không, bà cho biết Mỹ xem hành động này “rất gây bất ổn”.
Trang USNI News đưa tin trước đó, tại tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation, nghị sĩ Mac Thornberry, chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, đã ủng hộ chính phủ tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông nhưng lưu ý hải quân Mỹ còn thiếu nhiều tàu chiến.
Theo Một Thế Giới
Các kịch bản phán quyết và hệ lụy với Việt Nam
Ngày 12-7-2016, Tòa án Trọng tài Thường Trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A. Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia, một chuyên gia rất nổi tiếng về các vấn đề khu vực đã nêu ra các kịch bản về quyết định của PCA trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc và nhận định về hệ lụy, cũng như phản ứng của Việt Nam trước phán quyết của tòa.
Các kịch bản phán quyết
Trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế trong một tài liệu được phát hành bởi hãng tư vấn cá nhân Thayer Consultancy, Giáo sư Carlyle Thayer cho biết, ngày 29-10-2015, PCA đã quyết định là có thẩm quyền xem xét 7 trong số 15 vấn đề tranh chấp mà Philippines đệ trình và giờ đây, tòa đang quyết định liệu có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp khác qua việc xem xét các nội dung.
Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu Ba Bình được Tòa trọng tài tuyên là "đá"
Ông Thayer nhấn mạnh: Khi đưa ra quyết định như vậy vào năm ngoái, PCA đã nêu rõ là cả Philippines và Trung Quốc đều đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các hình thức bắt buộc giải quyết tranh chấp là một phần của UNCLOS 1982. Cả hai nước đã chấp nhận ràng buộc này khi tham gia Công ước. Đồng thời, PCA đã khẳng định là chính định chế này - chứ không phải Trung Quốc hay một bên nào khác - mới có quyền quyết định xem Tòa trọng tài có thẩm quyền hay không đối với các tranh chấp được đệ trình lên.
Ngoài ra, PCA cũng quyết định là tất cả các bên ký kết Công ước "không được tự do nhặt chọn những phần trong Công ước mà họ muốn chấp nhận hoặc bác bỏ".
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Tòa trọng tài có thể ra phán quyết về 4 loại vấn đề: (1) quy chế pháp lý và quyền của các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng, chiểu theo UNCLOS 1982; (2) bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn; (3) việc ngăn cản trái phép các hoạt động của ngư dân, máy bay và tàu quân sự của Philippines; (4) quy chế pháp lý của "quyền lịch sử" cũng như bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc.
Nếu ra phán quyết về quy chế pháp lý của các thực thể tại Biển Đông, Tòa trọng tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, hay là đảo. Đây sẽ là phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện này.
Bởi theo UNCLOS 1982, những thực thể nửa chìm nửa nổi không được hưởng bất kỳ vùng lãnh hải hay không phận nào cả. Trong khi đó, đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.
Nếu PCA ra phán quyết là Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ, trách nhiệm của họ - chiểu theo UNCLOS 1982 liên quan đến việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển xung quanh Scarborough và Đá Vành Khăn, thì điều này có thể buộc Trung Quốc phải lùi bước, đồng thời tạo lý do, hậu thuẫn vững chắc cho các nước khác chỉ trích bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc.
PCA có thể phán quyết rằng Trung Quốc đã ngăn cản trái pháp luật các ngư dân Philippines thực hiện quyền truyền thống đánh bắt hải sản trong vùng biển của nước này, đặc biệt là ở vùng Scarborough. Tòa cũng có thể phán quyết Trung Quốc đã ngăn chặn trái pháp luật việc qua lại của tàu bè và máy bay Philippines. Phán quyết này sẽ tạo cơ sở vững chắc cho Mỹ và các nước khác trong việc ủng hộ Philippines.
Cuối cùng, PCA có thể tuyên bố rằng bản đồ "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Điều này liên quan đến việc xác định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử". Liệu đòi hỏi này còn có giá trị hay không sau khi Trung Quốc tham gia UNCLOS 1982?
Quan điểm của Việt Nam về vụ kiện Philippines - Trung Quốc
Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên nêu quan điểm chính thức về vụ kiện này.
Trong phát biểu ngày 26-4-2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: "Là quốc gia ven biển có các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng ở Biển Đông, Việt Nam quan tâm và theo dõi sát tiến trình của vụ kiện này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam".
Ngày 5-12-2014, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đệ trình lên Tòa trọng tài một bản Tuyên bố về các quyền lợi hợp pháp của mình, với các nội dụng chủ yếu như sau:
"Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng, Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia".
Việt Nam cũng được Tòa cho phép và đã cử đoàn quan sát viên đến theo dõi các phiên điều trần.
Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, Việt Nam cũng theo dõi xem các thủ tục tố tụng này ảnh hưởng ra sao đến ổn định tại Biển Đông. Mọi đối đầu về chính trị - ngoại giao hoặc trên một lĩnh vực nào khác, sẽ có các tác động tiêu cực đối với môi trường an ninh trực tiếp của Việt Nam.
Lợi và bất lợi đối với Việt Nam
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, các cuộc điều trần tại Tòa cho thấy tất cả các nước, dù lớn hay bé đều có các quyền, chiểu theo luật pháp quốc tế. Nếu PCA giải quyết vấn đề mà Philippines đưa ra qua việc xác định quy chế hợp pháp của các thực thể - đảo, đá, thực thể nửa chìm nửa nổi - thì Việt Nam sẽ chịu áp lực là phải làm rõ quy chế pháp lý các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát. Nếu Việt Nam làm như vậy, thì có thể sẽ có những vùng biển chồng lấn với Philippines và Trung Quốc. Điều này sẽ tạo cơ sở cho việc phân định vùng biển với Philippines nhưng nó sẽ không được Trung Quốc thừa nhận.
Việt Nam sẽ có lợi nhất nếu Tòa tuyên "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử", bởi không hề có tranh chấp đối với các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và phán quyết của PCA sẽ xóa bỏ những vùng lãnh thổ chồng lấn mà Trung Quốc vẫn đòi hỏi.
Việt Nam có thể hưởng lợi nhiều hơn nếu như PCA tuyên bố Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa, bị Đài Loan chiếm đóng từ năm 1957) là đá. Không có các tranh chấp đối với những đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam có thẩm quyền không thể tranh cãi đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nếu là đá, Ba Bình sẽ có vùng biển xung quanh hạn chế (chỉ có lãnh hải 12 hải lý chứ không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) và điều này sẽ thu nhỏ vùng tranh chấp giữa Đài Loan và các bên yêu sách chủ quyền.
Theo Năng Lượng Mới
Nỗi bất an của Trung Quốc trước thềm phán quyết Biển Đông Các động thái quân sự và ngoại giao gần đây của Trung Quốc thể hiện nỗi lo lắng của Bắc Kinh trước thời điểm tòa trọng tài đưa ra phán quyết về Biển Đông. Suốt hơn ba năm kể từ khi Philippines đệ đơn lên tòa trọng tài vào năm 2013, Trung Quốc luôn từ chối tham gia phiên tòa và khăng khăng...