Trước giờ G: Mỹ “bất đắc dĩ” ngừng thế trừng phạt Nga?
Theo Bloomberg, Quốc hội Mỹ dường như sẽ chưa thể thông qua bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào đối với Nga.
Quốc hội Hoa Kỳ dường như sẽ chưa thể thông qua bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào đối với Nga, bao gồm những đề xuất nhằm vào các trái phiếu nợ quốc gia và các dự án năng lượng của Moscow, cho đến sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì tháng 11 tới.
Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ tiến vào thời gian nghỉ từ cuối tuần này và sẽ chưa quay lại làm việc sau ngày 6/11, theo một trợ lí của Đảng Cộng hoà và một nhà lập pháp khác trong Quốc hội. Không có dự luật trừng phạt chống lại Nga nào được lên kế hoạch bỏ phiếu trước thời điểm trên.
Sự chậm trễ này đồng nghĩa với việc mang lại nhiều tín hiệu khó đoán hơn cho các nhà đầu tư đang cố gắng đánh giá tác động thị trường của hàng loạt các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang đề xuất nhắm vào Nga về các cáo buộc can thiệp bầu cử. Cộng đồng nước ngoài không muốn chờ đợi và muốn thấy ngay tín hiệu về những biện pháp trừng phạt nào cuối cùng sẽ được đưa vào luật. Trước đó, nguy cơ Mỹ cấm giao dịch đối với các trái phiếu nợ quốc gia của Nga đã khiến 7.5 tỷ USD bị rút khỏi trị trường trái phiếu nước này kể từ tháng Tư, theo Bloomberg.
Các đòn trừng phạt Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Nga. (Nguồn: Bloomberg)
Những đề xuất trừng phạt trên, đã nhận được những lời ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà Mỹ, có khả năng sẽ được đưa ra quyết định sau khi các nhà lập pháp Mỹ quay lại làm việc. Thượng viện có thể sẽ xét đến các biện pháp trừng phạt này trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì tháng 11 nhưng sẽ không có nội dung nào được gửi đến Tổng thống Donald Trump để phê duyệt cho đến sau khi một Hạ viện mới được quyết định.
Trong cuộc bầu cử giữa kì sắp tới, tất cả 435 thành viên của Hạ viện sẽ được bầu lại, trong khi tại Thượng viện, chỉ một phần ba số thượng nghị sĩ được bầu lại để giúp duy trì tính kế thừa trong chính phủ.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, một thành viên đảng Dân chủ từ bang Maryland và cũng có quan điểm ủng hộ một dự luật lưỡng đảng kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới về năng lượng và các lĩnh vực tài chính đối với Moscow nếu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ xác định Nga đang tiếp tục can thiệp các cuộc bầu cử Mỹ: “Trên thực tế, đang có cơ hội để Thượng viện có thể thông qua dự luật này trước cuộc bầu cử”. Nhưng “rõ ràng là Hạ viện đang ở một tình huống khác.”
Video đang HOT
Chỉ số chứng khoán chuẩn của Nga đã tăng lên với niềm tin rằng dự luật trừng phạt có thể sẽ bị trì hoãn. Chỉ số này đã tăng 1.4% vào 3:30 chiều ở Moscow ngày 27/9.
Alexey Pogorelov, một nhà phân tích của Tập đoàn Credit Suisse Group AG tại London cho biết: “Sự chậm trễ này rõ ràng là tin tốt cho thị trường”. “Đề xuất này tại Quốc hội đã có rất nhiều sự hỗ trợ nhưng dường như đang mất đà. Câu hỏi đặt ra là liệu chương trình nghị sự có còn như vậy (đà thúc đẩy trừng phạt Nga) sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hay không”.
Chính trường Mỹ vẫn nóng trừng phạt Nga
Loạt đề xuất trên đã được đưa ra sau khi có nhiều thông tin về những nỗ lực liên tục của Nga nhằm cản trở các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ và nỗ lực tấn công mạng nhắm vào các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, và sau kết luận của cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Các nhà lập pháp từ cả hai bên cũng đã chỉ trích rất dữ dội trong cuộc họp giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Vladimir Putin tại Helsinki vào tháng 7, nói rằng nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã không làm đủ để buộc Nga chịu trách nhiệm nhiều vụ việc tiêu cực của thế giới.
Van Hollen nói rằng hai điểm nóng chính trong dự luật mà ông đang ủng hộ là những lo ngại về trừng phạt nhằm vào nợ chính phủ và ngành năng lượng Nga. Ông nói rằng các biện pháp tấn công các món nợ của chính phủ Nga đã được sửa đổi để chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt chỉ cho các vấn đề trái phiếu mới. Dự thảo cũng bao gồm các hạn chế đối với các ngân hàng hàng đầu của nhà nước Nga, mà có thể khiến chúng đóng cửa trong hệ thống tài chính quốc tế.
Một đề xuất riêng khác tại Thượng viện cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các khoản nợ của Nga và các ngân hàng nhà nước, trong khi còn áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với giới tài phiệt chính trị Nga, trong khi cũng đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định liệu có nên chỉ định Nga là nhà tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố hay không. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực sau khi thông qua thành luật, tuy nhiên, giới lãnh đạo Thượng viện đã đề xuất rằng, kế hoạch trên sẽ phải giảm mức độ trừng phạt nếu nó được đưa ra để bỏ phiếu.
Tuy nhiên, sự trì hoãn đưa các đề xuất trên ra quốc hội không ảnh hưởng đến một gói trừng phạt riêng biệt mà chính quyền Mỹ có thể áp đặt vào Nga mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Là một phần của chuỗi phản ứng đối với cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh vào tháng 3, gói trừng phạt của Mỹ có thể được đưa ra gần cuối tháng 11, và dường như sẽ gia tăng các giới hạn về thương mại, quan hệ ngoại giao và dịch vụ hàng không của Moscow.
Theo toquoc
Sóng gió liên tiếp ập đến với Tổng thống Trump vào thời điểm quan trọng
Liên tiếp những hung tin mà Tổng thống Trump phải đón nhận thời gian qua có thể sẽ khiến nguy cơ Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện tăng lên từng ngày trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đang đến rất gần.
Theo Project Syndicate, những tháng vừa qua có lẽ một thời kỳ khủng hoảng nhất với Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền. Các trợ lý Nhà Trắng đã tìm mọi cách hết sức có thể để kiềm chế những phát ngôn vượt ngoài tầm kiểm soát của vị tổng thống nóng tính nhằm tránh làm căng thẳng thêm tình hình, nhưng điều đó có vẻ không hiệu quả.
Ngược lại, một số bài báo ẩn danh lại nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang cảm thấy lạc lõng trong Nhà Trắng và bị dồn vào chân tường.
Cảm giác cô đơn không phải điều đáng ngạc nhiên bởi ông Trump từ trước tới nay đã không phải là người lắm bè, nhiều bạn. Thời gian cũng chứng minh được rằng hầu như không ai làm việc cùng ông có thể cảm thấy được an toàn, Project Syndicate viết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Project Syndicate)
Paul Manafort, người dù chỉ song hành cùng Tổng thống Trump trong 2 tháng diễn ra cuộc vận động tranh cử năm 2016 sớm đã bị truy tố. Dù 12 tội danh mà ông Manafort bị cáo buộc không liên quan đến hoạt động chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng tin không vui với Tổng thống Trump là cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông đã nhận tội và quyết định hợp tác với công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đứng đầu cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Thỏa thuận với công tố viên Mueller có thể sẽ khiến hàng chục triệu USD cùng nhiều tài sản của Manafort "đội nón ra đi", nhưng những chi phí này có thể giúp ông tránh những ngày tháng phải bóc lịch trong tù và bảo vệ an toàn cho gia đình mình.
Quả bom tạ thứ 2 làm cho tình thế trở nên rối rắm hơn là Michael Cohen, cựu luật sư lâu năm của Tổng thống Trump, người mới đây cũng đã đồng ý hợp tác điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Cohen trong phiên tòa ở New York hôm 21/8 thừa nhận đã trả tiền cho 2 người phụ nữ "trong sự phối hợp và theo sự ra lệnh của một ứng viên khi đó đang chạy đua vào cơ quan liên bang".
Truyền thông Mỹ không khó để vạch trần hàm ý từ cựu luật sư lâu năm của ông Trump. Ngay sau đó, thông tin về việc ông Trump đồng ý để cựu luật sư của mình chi tiền mua sự im lặng từ hai người phụ nữ bị nghi ngờ có quan hệ tình ái với ông tràn ngập trên các trang tin hàng đầu nước Mỹ.
Mặc dù vậy, đội ngũ luật sư hiện tại của Tổng thống Mỹ cho rằng ngay cả khi những chứng cứ này được chứng minh, ông Trump cũng không phải đối mặt với bất cứ rắc rối pháp lý nào, bởi về cơ bản ông không vi phạm luật tranh cử của Mỹ.
Và mới đây nhất, Brett Kavanaugh, nhân vật được Tổng thống Donald Trump đề cử cho vị trí thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ đang vướng vào cáo buộc từng tấn công tình dục một nữ sinh 30 năm trước.
Các nghị sỹ đảng Cộng hòa trước đây từng không mấy vừa ý với Kavanaugh nhưng những tuyên bố của ông về việc một Tổng thống không thể bị điều tra hay truy tố khi đang tại nhiệm phần nào khiến họ tạm đồng thuận với đề cử của Tổng thống Trump.
Nhưng giờ đây, khi Kavanaugh đang sa lầy trong những rắc rối, họ hơn ai hết mong Kavanaugh sẽ thừa nhận những cáo buộc vì lo sợ các cử tri sẽ thất vọng và thậm chí tức giận nếu người được Tổng thống Trump đề cử chối bỏ trách nhiệm và đẩy đảng Cộng hòa vào cơn ác mộng tồi tệ nhất - mất quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện vào tay đảng Dân chủ.
Bão tố này chưa qua, sóng gió khác đã ập tới. Cuốn sách mới lên kệ của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward vẽ ra bức tranh về một Nhà Trắng hỗn loạn, tàn khốc đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ hơn bao giờ hết.
Cuốn sách với những tiết lộ động trời nhưng được xác nhận bởi một quan chức cấp cao trong chính quyền cho thấy những bất đồng trong Tòa Bạch Ốc và khẳng định Tổng thống Trump đang phải đối đầu với một phe chống đối ngầm lăm le hất ông ra khỏi chiếc ghế quyền lực.
Theo kết quả một cuộc thăm dò được NBC News thực hiện vào ngày 23/9 vừa qua, đảng Dân chủ đang dẫn trước đảng Cộng hòa với cách biệt 12%, một khoảng cách được đánh giá là bất thường. Đây chắc chắn không phải là một cách biệt mà Tổng thống Trump mong muốn.
Dù vậy, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vẫn đang hết sức khó đoán định. Nhưng nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát dù chỉ là Hạ viện chắc chắn cũng sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Trump hiện nay gặp muôn vàn khó khăn.
Trong trường hợp xấu nhất khi đảng Dân chủ kiểm soát được cả Thượng viện, đó có thể sẽ là một cơn ác mộng thực sự với vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
(Nguồn: Project Syndicate)
SONG HY
Theo VTC
Ông Trump nói gì về sắc lệnh trừng phạt đối tượng can thiệp bầu cử Mỹ? Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi sắc lệnh trừng phạt đối tượng can thiệp bầu cử Mỹ mà ông vừa mới ký là một lời cảnh báo nữa trong danh sách các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm bảo vệ hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trump "Bằng cách ký nghị định này, tôi đã thêm...