Trung ương thảo luận về trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao
Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, dự kiến sẽ thông qua ngày 6/10.
Ngày 5/10, ngày làm việc thứ 4, Hội nghị 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Cụ thể, buổi sáng Trung ương làm việc tại tổ thảo luận về quy định trên và bàn về việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng. Buổi chiều, các địa biểu làm việc tại hội trường và tiếp tục thảo luận hai nội dung trên.
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư, uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương gồm 4 điều. Trong đó, điều 2 có quy định các Uỷ viên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín; để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc xảy ra mất đoàn kết kéo dài; cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Điều 3 quy định các cán bộ cấp cao phải gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
Hội nghị Trung ương 8 khai mạc ngày 2/10. (Ảnh: TTXVN)
Bốn tiêu chí nêu gương với cán bộ
Trả lời VTC News, Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng ban thường trực, Ban tổ chức Trung ương nhận định, quy định nêu gương cán bộ đã có từ lâu nhưng lần này mới được nâng tầm đưa lên Trung ương. Việc này thể hiện vai trò trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng quan hệ quốc tế, thực hiện cơ chế thị trường.
Ông Thưởng nêu lên bốn tiêu chí nêu gương đối với cán bộ. Thứ nhất, phải là người trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng. Hiện nay có nhiều cán bộ trong cơ quan, trong tổ chức nói một đằng mà ra ngoài nói một nẻo.
Thứ hai, phải biểu hiện ra hành động, giao việc gì phải làm tốt việc đấy, gương mẫu trong công việc.
Thứ ba, quan hệ trong quần chúng nhân dân, gần gũi sâu sát, lắng nghe ý kiến mọi người.
Video đang HOT
Thứ tư, đạo đức phải trong sáng. “Đạo đức của cán bộ thế nào dân họ biết hết”, ông Thưởng nói.
Ngày mai, Bộ Chính trị tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý thảo luận, sau đó Ban chấp hành Trung ương sẽ biểu quyết thông qua.
Trong bài khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
ANH THƯ – KHÔI MINH
Theo VTC
Uy tín cán bộ cấp cao: Cách nào đo đếm?
"Nếu các cán bộ không đủ uy tín nhưng vẫn không muốn từ chức thì tổ chức cần can thiệp. Tôi nhớ có những nhiệm kỳ rất lâu trước kia, Đảng ta cũng đã gợi ý một số đồng chí từ chức, rời khỏi vị trí ủy viên trung ương Đảng và họ đã từ chức.
Tất nhiên, nếu họ tự giác được thì tốt nhất", ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Ảnh: GDVN
Cán bộ thiếu uy tín nên từ chức
Dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương nêu rõ, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín; để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc xảy ra mất đoàn kết kéo dài; cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Quốc Hùng nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và cho rằng đây là thể hiện dân chủ, công khai minh bạch.
Theo đó, nhân dân sẽ giám sát và có những đánh giá về các cán bộ. Tổ chức đảng quản lý đảng viên đó, các tổ chức chính trị - xã hội, khu dân cư, ủy ban kiểm tra các cấp... cũng có trách nhiệm giám sát.
"Nếu thực sự lắng nghe thì sẽ biết cán bộ này có năng lực, có gương mẫu hay không. Tất nhiên, trong quá trình khảo sát, với những người dám đứng lên tố cáo thì cần phải bảo vệ được họ, tránh bị trả thù. Bên cạnh đó, một biện pháp nữa để đo đếm uy tín là việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Hiện nay, Quốc hội đã thực hiện, Trung ương cũng cần thực hiện điều này", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng: "Nếu các cán bộ không đủ uy tín nhưng vẫn không muốn từ chức thì tổ chức cần can thiệp. Từ những nhiệm kỳ trước thì Đảng ta cũng đã gợi ý một số đồng chí từ chức, rời khỏi vị trí ủy viên trung ương Đảng và họ đã từ chức. Tất nhiên, nếu họ tự giác được thì tốt nhất", ông Hùng nêu.
Với các cán bộ, việc nêu gương và uy tín gần như tỷ lệ thuận với nhau. Ông Hùng cho rằng chủ trương cán bộ nêu gương không mới, đã được đề ra từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh một số cán bộ có trách nhiệm vẫn có một bộ phận cán bộ không gương mẫu. Những bộ phận này thì Đảng đã xử lý một phần, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị.
Do đó, ông Hùng đánh giá, kết quả thu được từ việc cán bộ nêu gương còn nhiều hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chưa tạo được sức lan tỏa lớn.
"Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", ông Hùng nói.
Cần có luật về từ chức
Liên quan đến việc chủ động từ chức của cán bộ cấp cao, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết số người từ chức ở nước ta rất hiếm hoi. Trong nhiều trường hợp đáng từ chức thì cán bộ vẫn không từ chức.
Lý do, theo ông Vũ Mão là ở Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này. Theo đó, cần quy định rõ từ chức trong trường hợp nào, đối tượng từ chức là ai... Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có được văn hóa từ chức, chưa xem việc từ chức như một nếp sống mang tính phổ biến, bình thường.
"Ở ta, dù bây giờ đã đỡ hơn nhưng vẫn còn nặng nề việc phải vào biên chế nhà nước để cuộc sống được ổn định, đảm bảo. Hơn nữa, làm quan chức thì cũng có những quyền lợi cao hơn, chức quyền càng cao thì quyền lợi càng cao. Lương là một chuyện, lại còn bổng lộc nữa", ông Vũ Mão nói.
Bên cạnh đó, ông Vũ Mão cho rằng do bản thân cán bộ thiếu rèn luyện và công tác quản lý chưa tốt nên không ít người có chức quyền dính vào tham nhũng. "Tham nhũng lớn cũng có mà tham nhũng vặt cũng nhiều. Công tác kiểm soát quyền lực không tốt, xử lý tham nhũng không hiệu quả cho nên có chức quyền, có địa vị công tác thì có nhiều lợi ích vật chất. Khi đã có địa vị rồi người ta rất khó có thể dứt ra được cái ghế, bởi nó gắn với lợi ích kinh tế".
Trong khi đó, ở nước ngoài, một quan chức nào đó nếu từ chức hoặc không làm trong bộ máy nhà nước, họ ra ngoài làm vẫn tìm được công việc thích hợp như kinh doanh, làm tư vấn... và có thu nhập cao, nên họ không ngại từ chức.
Cũng theo ông Mão, nên xây dựng luật về từ chức vì đối tượng từ chức còn có cả những vị do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nếu là luật thì bao quát hơn và tính pháp lý cũng cao hơn.
Hơn nữa, cần xem từ chức là một nội dung nằm trong tổng thể của vấn đề nhân sự. Trong công tác nhân sự thì có vấn đề bầu cử, bổ nhiệm, đề bạt, cũng có vấn đề từ chức và cách chức.
"Khi xây dựng văn bản pháp luật về từ chức cần phải tính đến việc đảm bảo uy tín, tâm lý cho người từ chức, bởi vì có người cho rằng từ chức là do phạm lỗi nào đó, nhưng cũng có người có lý do khác, không phải sai phạm hay không đủ uy tín", ông Mão nói.
Cán bộ phải nghiêm khắc với bản thân và người nhà
Dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương nêu rõ, các cán bộ này phải thực sự gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; trong công tác cán bộ.
Các ủy viên cũng phải chống các biểu hiện tiêu cực như tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; "lợi ích nhóm"; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm trục lợi...
Từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ; hứa suông, nói không đi đôi với làm, nói trong hội nghị khác, ngoài hội nghị khác; chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực, lạm dụng chức vụ, quyền hạn đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm...
Cùng với đó, cán bộ cấp cao phải chống việc bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột của bản thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội; đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài.
Lam Thanh
Theo motthegioi
Đề xuất Uỷ viên Bộ Chính trị chủ động từ chức khi uy tín thấp Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín. Hội nghị Trung ương 8, khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc xem xét, cho ý kiến về dự thảo quy định trách...