Trung ương sẽ bàn về kinh tế, trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao
Sáng ngày 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (TW) Khóa XII chính thức khai mạc. Theo chương trình nghị sự, TW sẽ bàn, quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Hội nghị TW 8 Khóa XII dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2-6/10
Cụ thể, TW sẽ xem xét 5 nội dung, gồm: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội (KTXH), ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018, kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 Khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; Công tác nhân sự và một số nội dung quan trọng khác.
Quy định nêu gương: “Có xây, có chống, xây trước, chống sau”
Nói về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức TW) cho hay, tinh thần chỉ đạo của TW là thiết kế quy định mới, nhấn mạnh đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên TW Đảng.
Quy định có dung lượng khoảng 3 trang với 4 điều, bao gồm quy định chung cho cán bộ đảng viên, “cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu”. Tiếp đó, là quy định dành riêng cho Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên TW Đảng theo nguyên lý, “có xây, có chống, xây trước, chống sau”.
“Từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên TW Đảng phải gương mẫu thực hiện 9 điểm – liên quan đến các mối quan hệ với Đảng, với Tổ quốc như thế nào, với nhân dân ra sao, với chức trách nhiệm vụ thế nào và với gia đình, cá nhân ra sao”, ông Sơn cho biết.
Quy định “chống” thì “từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành TW trước hết phải nghiêm khắc với bản thân (không nên làm, không được làm) và sau là kiên quyết chống”.
Ông Sơn cũng cho hay, quy định nêu gương mang tính khuyến khích, động viên, khích lệ, răn đe, cảnh báo nên gắn với công tác kiểm điểm cá nhân và bình xét thi đua. Nếu cán bộ đảng viên vi phạm thì đã có quy định của Ủy ban Kiểm tra TW và các văn bản quy phạm pháp luật.
“Song song với quy định mới này, Quy định 101/QĐ-TW (của Ban Bí thư TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp – PV) và Quy định 55/QĐ-TW (của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên – PV) vẫn phát huy tác dụng nhất định nên vẫn tiếp tục thực hiện”, ông Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Video đang HOT
Chuyển giá, nợ thuế, thất thu vẫn là thách thức
Còn tình hình KTXH, NSNN năm 2018 và kế hoạch, dự toán năm 2019 sẽ được báo cáo tại hội nghị TW 8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung thông tin khái quát, trong 12 chỉ tiêu KT-XH năm nay, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Kế hoạch GDP năm 2018 là 6,5 – 6,7%, trong báo cáo trình ra TW dự kiến đạt chỉ tiêu 6,7%. Các chỉ tiêu đạt, vượt bảo đảm cho chúng ta duy trì ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch năm 2019.
Về NSNN, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, có nhiều điểm tích cực nổi bật như thu dự kiến vượt dự toán hơn 40.000 tỷ đồng theo đúng nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Tỷ lệ bội chi ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (3,7%).
Đặc biệt, nợ công ước tính đến 31/12/2018 sẽ đạt khoảng 61% GDP, xa dần mức trần 65% GDP và tiến gần đến mức an toàn là 60% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia cũng dưới ngưỡng 50% (ở mức 49,7% GDP).
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, chuyển giá, nợ thuế, thất thu ở trong nền kinh tế vẫn ở mức độ thách thức, cần có giải pháp khắc phục hiệu quả. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả cũng chưa cao khi 9 tháng đầu năm, giải ngân ước mới được 48 – 49%.
“Nếu tiếp tục thực hiện tốt và theo đúng luật cho phép là được giải ngân đến 31/1/2019 thì cũng chỉ có thể đạt 88%, Như vậy, còn 12% vốn đầu tư công chưa giải ngân được”, ông Tuấn nói và cũng đề cập đến tình trạng vốn ODA đã ký kết, có tiền nhưng chưa được triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại ở các dự án lớn.
Với năm 2019, Chính phủ tiếp tục trình đề án bám sát yêu cầu Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NS, đảm bảo vừa động viên đúng và đủ cho NS, vừa đảm bảo khuyến khích nền kinh tế phát triển với mức huy động vào NS khoảng 23,5% GDP, tỷ lệ thu từ thuế và phí khoảng 20,5% GDP, bảo đảm bội chi ở mức 3,6% GDP. Nợ công đến 31/12/2019 còn 61,3% GDP. Nợ quốc gia với nước ngoài tiếp tục ở mức 49% GDP, trong giới hạn cho phép.
Công nghiệp đóng tàu, hàng hải chưa đạt mục tiêu kỳ vọng
Liên quan đến việc thực hiện chiến lược biển Việt Nam sau 10 năm, chúng ta đã có sự chuyển biến, thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò tiềm năng của biển trong phát triển KTXH và bảo vệ chủ quyền của đất nước.
“Các khu vực ven biển của chúng ta đã trở thành các trung tâm kinh tế và động lực phát triển kinh tế, tạo ra sức hút lớn về đầu tư, hợp tác quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh, cuộc sống của người dân ven biển giờ hết sức năng động.
Bên cạnh những thành tựu, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường vẫn còn những hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng. “Ngành công nghiệp đóng tàu chưa đạt được mục tiêu đề ra, do mô hình phát triển, quản lý còn duy ý trí, nóng vội, để xảy ra thất thoát. Chúng ta kỳ vọng nó trở thành ngành mũi nhọn thì hiện nay nó không còn là mũi nhọn. Nó đã qua cơ hội để vượt lên, cạnh tranh trên thế giới để chúng ta hướng ra biển”, ông Hà nêu.
Hay, khai thác thuỷ sản của Việt Nam đã chớm mức vượt quá khả năng cung cấp, ảnh hưởng tới nguồn lực lâu dài của hệ sinh thái và đa dạng sinh học; khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải… cũng chưa đạt.
“Chúng ta đặt mục tiêu vào ngành công nghiệp hàng hải nhiều kỳ vọng lớn vì tính toán rằng việc trao đổi hàng hóa tăng lên nhưng do khủng hoảng kinh tế, trên thế giới nhu cầu này giảm rất lớn, đó là do chúng ta chưa dự báo đúng tình hình”, ông Hà phân tích.
Cũng theo ông Hà, xu thế phát triển kinh tế biển hiện đã thay đổi. Nếu trước đây, mô hình dựa và khai thác tự nhiên, tài nguyên khoáng sản thô thì nay đã chuyển sang kinh tế sạch – xanh. Đặc biệt, phải bảo đảm hệ sinh thái biển, vùng đất đang ngập mặn và tính đến yếu tố đặc thù là ô nhiễm môi trường biển.
“Kinh tế biển xanh phải kết hợp với kinh tế tri thức, kinh tế dựa trên các công nghệ 4.0 chứ không phải dựa vào tài nguyên nữa”, ông Trần Hồng Hà nói và cho rằng, phải có quan điểm mới, tư duy mới, yêu cầu mới đối với phát triển kinh tế biển.
Dự kiến, tại hội nghị lần thứ 8 này, TW sẽ ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Hương Giang
Theo thanhtra
Chống tham nhũng, không vùng cấm
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra tại Hà Nội, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng - PCTN (sửa đổi), vẫn là vấn đề gây tranh luận.
Như chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nêu: "Có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn, nhưng không giải trình hợp lý nguồn gốc". Điều này cho thấy công cuộc PCTN đang còn rất gian nan. Hiện nay, không ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về tình trạng tham nhũng, hối lộ của các quan chức từ cấp cơ sở đến các bộ ngành Trung ương, các doanh nghiệp nhà nước.
Tham nhũng không chỉ ở những cá nhân cụ thể, mà đã hình thành những đường dây lớn, với sự tham gia, bảo kê của một số quan chức trong cơ quan công quyền. Và chính bản thân người quản lý, lãnh đạo "nhúng tràm" làm sao trị được cấp dưới.
Đặc trưng cơ bản của tham nhũng chỉ xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền. Nhưng trong quá trình đấu tranh PCTN, chúng ta mới chỉ mạnh về hô hào, chưa có biện pháp, bước đi, cách làm cụ thể, khiến dư luận xã hội cho rằng việc PCTN chỉ là hình thức. Nhiều người đặt câu hỏi: "Chống tham nhũng - ai sẽ chống ai?". Cán bộ lãnh đạo địa phương hô hào chống tham nhũng, cán bộ tỉnh, thành phố cũng kêu gọi chống tham nhũng, cán bộ ngành, Trung ương cũng vậy.
Nhưng cụ thể ai là người "chống", ai là đối tượng phải tập trung "chống", và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng ở ngành mình, cấp mình? Tham nhũng xảy ra ở đối tượng có chức, có quyền, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch, những cán bộ hô hào ấy lại "chống" chính mình hay sao?
Bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng vặt, được thể hiện trong lĩnh vực y tế muốn được khám nhanh, mổ nhanh, có phòng, có giường điều trị tốt, được chăm sóc tốt hơn, phải phong bì cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Trong giáo dục là chạy trường, chạy lớp. Trong giao thông, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được "thông cảm" bằng vài trăm ngàn đồng, hoặc thu mãi lộ đối với các xe tải, xe khách.
Hay cán bộ hải quan nhận tiền doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan; công chức, viên chức cơ quan các ngành, các cấp gây khó dễ với người dân, doanh nghiệp đến giao dịch để nhận tiền bồi dưỡng, trà nước... Nguy hiểm hơn, những loại tham nhũng này tạo thành bản năng để cá nhân, tổ chức thực hiện những vụ tham nhũng tiền tỷ.
Thực tế 2 năm qua, cuộc đấu tranh PCTN đã bước sang giai đoạn quyết liệt, trở thành xu thế không thể đảo ngược, thể hiện quyết tâm và sức mạnh rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đó là nhiều vụ đại án phức tạp đã và đang được đẩy nhanh điều tra, xét xử, trong đó không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai. Những vụ án gây thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước đã lần lượt được đưa ra ánh sáng công lý.
Trong số 58 vụ án, 36 vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án, 440 bị cáo với các bản án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. Số vụ án được đưa ra xét xử trong 2 năm qua nhiều gấp 3 lần, và số tiền thu lại được nhiều gấp 40 lần trong 20 năm gần đây.
Tham nhũng dù dưới bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với chính quyền. Tham nhũng ẩn mặt, biến hình tinh vi và cán bộ biến chất, suy thoái, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đòi hỏi cuộc chiến PCTN phải có quyết tâm cao, cách làm bài bản, hành động quyết liệt.
Do đó, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được thông qua với những điều luật cụ thể, trong đó có nhiều điều khoản gắn kết chặt chẽ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, kỳ vọng công cuộc PCTN sẽ thu được những kết quả khả quan.
Theo ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình: "Sẵn sàng mời Bộ về chấm lại toàn bộ bài thi của tỉnh" Ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình khẳng định: "Điểm thi THPT quốc gia 2018 của các em học sinh ở Hòa Bình thể hiện đúng trên bài thi của các em. Tôi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND và Bộ trưởng GD-ĐT về việc này. Chúng tôi sẵn sàng chủ động mời Bộ về thanh tra,...