Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nhân sự lãnh đạo của các cơ quan nhà nước
Đối với 13 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng 4/7, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN
Tại Hội nghị này, Trung ương thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nêu bật những nội dung quan trọng để Trung ương thảo luận cho ý kiến.
Đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, phương pháp công tác
Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đây là việc cụ thể hóa Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của khóa XI và các khóa trước đây, bám sát Nghị quyết Đại hội XII và Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác…
Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành Điều lệ Đảng
Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng -TTXVN
Video đang HOT
Về quy định thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành. Đại hội giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XII hướng dẫn, quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các tờ trình và dự thảo các quy định.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ và có ý kiến, góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy định những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập. Đó là quy định về: Đối tượng, nội dung kiểm tra; thẩm quyền thi hành kỷ luật của chi bộ; việc quy định đảng bộ cơ sở, chi bộ sinh hoạt định kỳ; việc quy định về thời gian dự bị của đảng viên để tính tuổi đảng; việc không phân cấp cụ thể trong xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc quy định đảng viên có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương; quy định về điều kiện chỉ định đảng viên ngoài đảng bộ tham gia cấp ủy; quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ bộ phận; hình thức khen thưởng trong Đảng; công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra các cấp; thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật, khiếu nại kỷ luật đảng…
Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước
Về giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây là công việc rất hệ trọng. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XII (tháng 3/2016), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước.
Đến nay, sau khi bầu được Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm tiếp tục chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khóa mới bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của pháp luật. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 34 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khóa XII (tháng 3-2016) bỏ phiếu giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao (thấp nhất cũng trên 72%), Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại. Đối với 13 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Theo Chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 8/7/2016.
Nguyễn Sự – Hương Thủy
Theo TTXVN
"Chúng ta đòi hỏi và đặt niềm tin về việc chọn nhân sự chủ chốt của Đảng"
"Công tác nhân sự, nhất là nhân sự chủ chốt là vô cùng quan trọng và cũng rất khó khăn. Tôi chia sẻ, đồng cảm được với những vấn đề đó và tôi tin, dù bằng cách nào đi chăng nữa đến Đại hội chúng ta vẫn tìm ra được những người lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là Tổng Bí thư xứng đáng".
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với phóng viên Dân trí như vậy.
Thưa ông, vấn đề nhân sự của mỗi kì Đại hội Đảng luôn là vấn đề quan trọng, nhưng cũng khó khăn, căng thẳng. Từng dự nhiều kì Đại hội Đảng, nhiều hội nghị Trung ương các khóa, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Tôi đã dự nhiều Đại hội, tại mỗi Đại hội vấn đề nhân sự đều được quan tâm nhất và phần lớn đều tìm được phương án hợp lý. Ở Đại hội V, về mặt nhân sự tôi thấy có nhiều thuận lợi và ổn định. Sang Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh đang có uy tín rất cao nhưng do tuổi tác nên xin nghỉ. Lúc đó có thể giao cho rất nhiều đồng chí khác như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... nhưng rồi Trung ương quyết định suy tôn đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Đồng chí Phạm Hùng làm Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Khi đó cũng có sự bố trí, sắp xếp nhưng trong sáng, chứ không phải "sống lâu lên lão làng". Nếu cứ "sống lâu lên lão làng", phải sắp xếp theo thứ tự từ đồng chí Lê Đức Thọ đến đồng chí Phạm Hùng, rồi mới đến đồng chí Nguyễn Văn Linh. Nhưng vượt lên tất cả đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư khóa VI. Đồng chí Nguyễn Văn Linh thực hiện tư tưởng đổi mới ở khóa VI từ năm 1986 đến 1991 rất tốt, đưa đất nước từ khủng hoảng đến sự hồi sinh và phát triển. Tôi cho việc chọn đồng chí Nguyễn Văn Linh là lựa chọn đúng, rất tốt ở thời điểm đó.
Sang đến khóa VII, nổi lên 3 đồng chí là Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt. Đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, đồng chí Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Bước sang đến Khóa VIII, nếu nói về tuổi tác, đồng chí Đỗ Mười (lúc đó 79 tuổi) đến lúc nghỉ nhưng trong Đảng thấy rằng để cho tình hình ổn định, đồng chí Đỗ Mười nên ở lại thêm nửa khóa. Sau nửa khóa đó, đồng chí Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí thư.
Tôi nhớ ngay ở khóa VIII, Trung ương đã trao đổi rất mạnh mẽ, rất rõ ràng về vấn đề tuổi tác. Thực tế, khi đó đồng chí Đỗ Mười làm tiếp khóa VIII, Trung ương cũng thấy băn khoăn lắm vì đồng chí cũng đã lớn tuổi... Theo tôi cần thiết phải tổng kết lại vấn đề này. Sang đến Khóa IX, Khóa X, Trung ương khẳng định những đồng chí tham gia Bộ Chính trị không quá 65 tuổi, và Tổng Bí thư chỉ nhích hơn một chút là 67 tuổi. Khóa X, đồng chí Nông Đức Mạnh 67 tuổi làm một khóa là thôi. Sau đến Khóa XI, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng 67 tuổi, làm hết khóa này tức là đồng chí sang 72 tuổi.
Nhân sự là vấn đề rất quan trọng, qua mỗi lần Đại hội chúng ta đều có kinh nghiệm, theo tôi phải tổng kết lại những bài học kinh nghiệm đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, công tác nhân sự được làm từng khâu, từng bước, bài bản, chặt chẽ nhưng cũng còn rất khó khăn. Từ Hội nghị Trung ương 13 vừa kết thúc, ông có ý kiến gì?
Quá trình chuẩn bị nhân sự ở các nhiệm kỳ trước, đến Hội nghị Trung ương lần thứ 12 thì gút lại một lần, cũng có nhiệm kỳ phải đến hội nghị 13 gút lại thêm một lần nữa, còn nhiệm kỳ này phải tới Hội nghị Trung ương lần thứ 14. Điều này cũng cho thấy rằng công tác nhân sự, nhất là nhân sự chủ chốt là vô cùng quan trọng và cũng rất khó khăn. Tôi chia sẻ, đồng cảm được với những vấn đề đó và tôi tin dù bằng cách nào đi chăng nữa đến Đại hội chúng ta bầu ra được Ban chấp hành Trung ương tương đối hợp lý và từ đó vẫn tìm ra được những người lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là Tổng Bí thư. Chúng ta đòi hỏi và đặt niềm tin về việc chọn nhân sự chủ chốt của Đảng.
Kết thúc Hội nghị Trung ương 13 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định. Đây đang là nội dung người dân rất quan tâm, thưa ông?
Vấn đề này, tôi cho rằng, làm theo những quy định đã có, mà chọn được những người xứng đáng là tốt nhất. Còn việc đặt ra trường hợp đặc biệt ở nhiệm kỳ này, thì đến các nhiệm kỳ sau có đặt ra trường hợp đặc biệt nữa không? Nếu có thì đâu còn là đặc biệt nữa! Đã liên tục thì lại thành bình thường rồi. Lần này đưa ra như vậy, theo tôi sau đại hội phải có tổng kết xem lần sau có nên gọi là trường hợp đặc biệt không? Nếu điều kiện cuộc sống đảm bảo, tuổi thọ cao hơn mà sức khỏe, trí tuệ vẫn đảm bảo thì phải đưa ra quy định về tuổi tác phù hợp hơn. Do vậy, cần phải phân tích, bàn bạc cho kỹ càng.
Theo ông những đòi hỏi và thách thức nào đang được đặt ra với những người sẽ đứng ở vị trí cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ tới?
Thách thức với vị trí Tổng Bí thư là rất lớn. Người thủ lĩnh của Đảng và của đất nước đương nhiên phải có đức có tài xuất chúng hơn những người khác, đặc biệt phải có bản lĩnh để chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua ngàn bão tố đi tới đích vinh quang. Ông cha ta có câu: "Sóng cả không ngã tay chèo" là rất có ý nghĩa.
Công tác nhân sự thường được quy hoạch từ trước, qua các bước rất cụ thể, nhưng trong thực tế có những trường hợp lấy phiếu tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị ở vòng ngoài thì đạt nhưng đến vòng trong, sát Đại hội lại không đạt?
Việc quy hoạch là cần thiết, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn đề phát sinh thì không thể cứng nhắc như đinh đóng cột. Điều quan trọng là phải thể hiện tinh thần dân chủ, nghĩa là có tranh cử. Mỗi đồng chí ứng cử vào vị trí này phải có chương trình hành động và đưa ra thảo luận, cọ sát. Mỗi vị trí phải đưa ra những nhân sự cụ thể tranh cử, như thế thì không thể khuyết vị trí này, vị trí khác để rồi phải sắp xếp theo kiểu "chữa cháy". Như vậy, chúng ta sẽ chọn được nhân tài cho đất nước.
Ông ủng hộ quan điểm nên có số dư trong việc bầu ủy viên Bộ Chính trị và Tổng Bí thư?
Theo tôi, có số dư là đương nhiên, vì như thế mới là bầu cử, không "độc diễn". Vừa qua không ít lần bầu Ủy viên Bộ Chính trị không đủ số lượng theo dự kiến. Ví dụ, dự kiến bầu 17 người, nhưng chỉ được 14 rồi cũng thôi, coi thế là xong. Điều đó là không nên, thậm chí là không được. Vì rằng, số lượng là xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, gắn với từng vị trí, nếu thiếu thì chưa thể nói là hoàn thiện.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, trong nhiều phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng đề cập thẳng thắn về vấn đề nhóm lợi ích. Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11 cũng nhấn mạnh việc không để lọt vào Trung ương những người có tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Vấn đề được đặt ra rất đúng ngay từ hội nghị Trung ương 4 và những hội nghị gần đây. Chủ trương thì đúng nhưng tổ chức thực hiện thì yếu. Thực chất là đã có cục bộ, có nhóm lợi ích, nhưng chưa phát hiện ra là điều cán bộ, đảng viên và nhân dân không thể chấp nhận được.
Một vấn đề rất quan trọng tại Đại hội Đảng là các văn kiện. Ông có ý kiến gì về vấn đề văn kiện tại Đại hội lần này?
Tôi thấy có 2 vấn đề cần phân tích kỹ để rút kinh nghiệm và bổ khuyết:
Một là, Dự thảo Báo cáo chính trị đã chuẩn bị khá kỹ càng, việc tổ chức lấy ý kiến rất công phu, nhưng cách làm còn dàn trải như vậy sẽ gây khó khăn cho cách tiếp thu ở mức cao nhất. Nếu như chúng ta đưa ra từng vấn đề cụ thể để hỏi ý kiến nhân dân đồng ý cái gì, cái gì không đồng ý thì đánh dấu vào đó thì có lẽ sẽ tốt hơn.
Hai là, lẽ ra lần này việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Đảng cần được chú trọng hơn nữa. Muốn đổi mới Đảng và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trước hết phải thể hiện ở trong đạo luật cơ bản của Đảng - Điều lệ Đảng. Bài học kinh nghiệm ở các nhiệm kỳ vừa qua là thiếu dân chủ, là lấn át quyền lực, chưa phát huy hết sức mạnh của các tổ chức Đảng là rất sâu sắc, cần phải nhìn thấu đáo. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng đã trở thành nhu cầu cấp bách mà không mấy ai nhìn ra được. Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí có trách nhiệm khắc phục ngay vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Trình Trung ương phương án tổ chức tổng tuyển cử năm tới Trong buổi làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI sáng nay (5/10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ...