Trung tướng Phạm Tuân: “Chúng tôi chiến đấu hi sinh không vì một mảnh đất”
“Khi chưa quy hoạch đường Trường Chinh, chúng tôi xây nhà lùi vào 12m để sau này mở rộng đường. Giờ nói đường cong vì nắn qua nhà quan chức khiến tôi rất bức xúc vì những gì mình hi sinh đâu phải để có mảnh đất đó!”, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.
Trung tướng Phạm Tuân – một trong những người có nhà ở mặt đường Trường Chinh (đoạn qua Quân chủng Phòng không – Không quân) chia sẻ với phóng viên Dân trí sau những thông tin tuyến đường bị nắn cong về phía Nam do đi qua nhà quan chức.
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ quan điểm của mình về đoạn đường Trường Chinh bị nắn cong
Đường Trường Chinh đoạn qua Quân chủng Phòng không – Không quân bị uốn cong về phía Nam khiến dư luận cho rằng do nắn qua nhà quan chức. Là người có nhà ở khu vực này, xin ông cho biết cảm giác của mình khi nghe những thông tin đó?
Thực tế là chúng tôi rất bức xúc khi một số tờ báo đưa tin đường Trường Chinh bị nắn cong qua nhà tôi rồi ông này, ông kia là quan chức. Thiếu thì thiếu nhiều nhưng không có chỗ đất đó tôi ở chỗ khác chứ không khó khăn gì. Cả đời tôi đi chiến đấu đâu phải vì mảnh đất cỏn con này. Người ta nghĩ đất mặt đường nó có giá nhưng với tôi ở đó cũng không sung sướng gì lắm.
Thời điểm Hà Nội lập quy hoạch tuyến đường và vẽ chỉ giới đường đỏ, họ có lấy ý kiến của các hộ dân ở đây hay không, riêng cá nhân ông có “tác động” gì với họ không?
Không ai lấy ý kiến tôi mà chỉ đến khi giải phóng mặt bằng họ đo sâu vào đất nhà mình bao nhiêu mét tôi ký luôn và cũng chẳng ý kiến gì về giá đền bù. Với Sở Quy hoạch – Kiến trúc người ta quy hoạch thế nào, có vấn đề gì đằng sau hay không tôi cũng không biết nhưng với tôi thì tuyệt nhiên không có.
Lúc đó ông có thấy ai phản ánh đường đi cong – thẳng hay không?
Quy hoạch đường có từ năm 2008, treo khắp nơi, chỉ giới đường đỏ lấy đất ở chỗ chúng tôi sâu vào khoảng 4m nhưng cũng không ai có ý kiến gì. Có lẽ vừa qua 2 tòa nhà xây sát mặt đường, nhiều tầng, cao lồng lộng khiến người không hiểu cho rằng đường tránh nhà đó. Cái đó là do người ta không hiểu nên nhìn nhận như vậy còn ở đây các tòa nhà đều làm đúng quy hoạch. Hơn nữa, quy hoạch có từ năm 2008 mà mãi đến 2011 họ mới xây nhà.
Nhưng đoạn đường đang thẳng thành cong cũng phải có lý do gì đó mà ở đây dư luận đang nhằm vào khu biệt thự và nhà cao tầng nằm cạnh hố Mẻ, trong đó có nhà của ông?
Video đang HOT
Với cá nhân tôi, nhà nước thu hồi bao nhiêu, sẵn sàng chấp hành quyết định. Còn người ta bảo đường bị bẻ cong có liên quan đến nhóm lợi ích, lại càng không phải. Khi Hà Nội lập quy hoạch và vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Trường Chinh mở rộng, chúng tôi và những người ở đó hầu hết đã nghỉ hưu. Chúng tôi không còn chức, còn quyền và cũng không phải là cán bộ của Hà Nội để mà chỉ đạo được Sở Quy hoạch – Kiến trúc vẽ đường thế này, thế khác. Chúng tôi cũng chẳng đút lót ai cả thì làm sao lại bảo nắn đường qua nhà quan chức!
Khi Hà Nội mở rộng đường Trường Chinh, Quân chủng Phòng không – Không quân chỉ có ý kiến trên phạm vi đất của mình dài 800m đoạn từ hố Mẻ đến cống Chéo. Đoạn đường đó dưới con mắt của nhà quy hoạch có lẽ họ thấy lấy sang phía Nam là hợp lý vì phía Bắc có nhà dân, một loạt trụ sở cơ quan và những dãy nhà cũ. Ở phía Nam chỉ có một dãy nhà cũ còn lại chỉ là đất lưu không đã chuẩn bị sẵn cho Hà Nội lấy làm đường.
Một số ý kiến cho rằng phía Bắc đường Trường Chinh không có công trình quốc phòng nào quan trọng, do vậy nếu được mở rộng toàn bộ về phía này, tuyến đường sẽ chạy thẳng tắp mà không có gì phải lo ngại?
Có lẽ các bạn nên đi khắp nơi để hỏi xem thế nào là công trình quốc phòng quan trọng. Đất quốc phòng không chỉ có cái hầm, đường hào công sự… đó mới là công trình quốc phòng quan trọng. Giờ thời bình rất nhiều trận địa cũ người ta còn “đắp chiếu” ở đó, thế nhưng nếu ta không dự phòng cho nó, nay mai giả sử có chiến tranh xảy ra thì làm thế nào. Lúc đó nếu muốn xây sở chỉ huy, trận địa tên lửa… thì lấy đâu ra đất. Điều đó có nghĩa là trong thời bình thì đất quốc phòng cũng phải giữ một cách hợp lý chứ không thể nói là không sử dụng đến thì đem xây dựng hết các công trình dân sự mà đất quốc phòng là do Chính phủ quy hoạch.
Đoạn đường Trường Chinh đi cong về phía Nam
Trường hợp Hà Nội mở rộng đường Trường Chinh toàn bộ về phía Bắc, ông có sẵn sàng bàn giao toàn bộ đất, nhận phần thiệt thòi về mình không?
Năm 1990, sau khi đoàn văn công chuyển đi, tôi và một số sỹ quan được tạm giao đất ở khu vực này để làm nhà ở. Mãi đến năm 2008, đất của chúng tôi mới được làm sổ đỏ – đó là chính sách phù hợp của nhà nước vì bộ đội sau nhiều năm ở chiến trường rất khó khăn về nhà ở. Lúc đó biết đường Trường Chinh còn rất nhỏ, đề phòng mở rộng sau này, dù không ai yêu cầu nhưng anh em chúng tôi bàn nhau làm nhà lùi sâu vào trong 12m so với mặt đường để đất lưu không.
Nay nếu đường Trường Chinh mở rộng có lấy hết đất tôi sẵn sàng chấp nhận. Không phải là cán bộ to nhưng tôi cũng nhận thức đúng trách nhiệm của mình trước xã hội, biết đâu là lợi ích chung, đâu là lợi ích cá nhân đôi khi mình phải nhận phần thiệt thòi. Nhưng những thiệt thòi đó không ăn thua gì so với các đồng chí đã chiến đấu, hinh sinh để bảo vệ tổ quốc.
Tôi nghĩ thế này, một chế độ nào đó được ưu tiên cho chúng tôi ngoài chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì trong lòng chúng tôi cũng cảm thấy thế nào đó rồi. Còn tự nhiên ông A, ông B, ông C có đóng góp thế này, thế kia cho xã hội được ưu tiên đến mức bẻ cong cả con đường thì làm sao mà mình có thể chấp nhận được vì điều đó sẽ mang tiếng suốt đời.
Dư luận thông tin như vậy có khiến ông băn khoăn điều gì không?
Sự việc trước tiên từ một vài cá nhân thấy chỗ này thu nhiều, chỗ kia thu ít nên họ gửi đơn từ đến cơ quan chức năng. Cùng với đó là một số tờ báo chưa hiểu hết mà cứ nghe chỗ này, chỗ kia rồi thổi phồng lên tạo thành sự ồn ào lớn. Cái đó khiến chúng tôi băn khoăn, bức xúc nhưng giờ xã hội dân chủ – người ta có quyền nói, còn mình biết thế nhưng thông cảm mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Đường Trường Chinh: Cong với quan, thẳng với dân
Mới đây trong cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội đã có lời thừa nhận gây "sốc" rằng, "theo phương án ban đầu thì đường Trường Chinh là đường thẳng, nhưng khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng thì đã được dịch chuyển nhẹ nhàng, tạo ra đường cong mềm mại".
Mềm mại "đường quan", nặng "đường dân"
Cái buồn cười nhất trong phần biện bạch của ông Tuấn chính là việc sử dụng cụm từ "tạo ra đường cong mềm mại" cho con đường vốn được xem là huyết mạch trọng yếu trên địa bàn thành phố.
Nhưng xin thưa ông Tuấn, nếu đề xuất bẻ cong "mềm mại" này được công bố trước khi xây dựng để nghe dân có ý kiến, thì có lẽ ông không phải khó xử khi "không lý giải được vì sao đường phải chuyển từ thẳng thành cong", rồi lại còn đẩy trách nhiệm lên Bộ Quốc phòng.
Đường Trường Chinh bị bẻ cong về phía Nam (ảnh: Dân trí).
Chẳng có quy định nào cho thấy Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phải theo yêu cầu từ phía Bộ Quốc phòng cả. Nhưng nếu quả thật như vậy, thì phải chăng đang xuất hiện sự chồng chéo chức năng hoặc "vị nể" trong các cơ quan công quyền?
Con đường làm ra là cho dân đi, phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự méo mó một cách thô kệch của nó khiến người dân đặt ra nhiều câu hỏi: mắt thẩm mỹ của các kiến trúc sư ở đâu? Những tính toán được, mất trong việc bẻ cong đường ở đâu? Nguồn tiền "lố ra" so với kế hoạch xây dựng lên tới 123 tỉ đồng có phải do bị "bẻ cong" đường hay không? Câu hỏi nào các vị quan chức cũng chưa trả lời cho dân thỏa nguyện được.
Vậy thì nếu nói như ông Tuấn, dẫu có mềm mại thì cũng mềm mại 800m khi đi qua khu đất của Quân chủng Phòng không - Không quân, chứ lòng dân trải dài trên các đoạn đường còn lại thì vẫn còn nặng nề lắm, thậm chí sẽ còn nặng hơn khi nghe giải thích không thỏa đáng.
Ai cũng biết "càng cong, càng tốn kém"
Khi còn là học sinh phổ thông, ai cũng được dạy rằng trong tất cả các nét vẽ, bao gồm: thẳng, cong, gấp khúc, zíc zắc... thì đường thẳng là đường ngắn nhất. Thế nên, ai cũng hiểu chuyện khi đi đường, chọn đường thẳng nhất mà đi, vừa nhanh vừa đỡ nguy hiểm so với những con đường quanh quanh quẹo quẹo. Và hiển nhiên, nếu các vị quan chức có đi taxi bằng tiền túi sẽ ý thức rất rõ, thậm chí là khó chịu hoặc phản đối khi tài xế lái xe đi đường cong, đường vòng gây...tốn kém.
Xây dựng một con đường cũng dựa trên thuộc tính ấy. Con đường lẽ ra thẳng lại bị bẻ cong chỉ vì "né khu này, tránh người nọ" thì sẽ dài hơn, gây hao tốn nguyên vật liệu xây dựng, thâm hụt chi phí dự trù. Thậm chí về lâu dài, cái đường cong mà ông Tuấn mô tả là "mềm mại" ấy có thể còn gây rắc rối cho dân trong việc đi lại, vận chuyển. Chẳng ai muốn đi đường có cua quanh quẹo vì thiếu an toàn và cũng chẳng người nào thích "tốn xăng, hao dầu" vì phải vượt đường cong.
Ấy vậy mà cái sự đời dễ hiểu đến không cần nói thì các quan cũng không hiểu, hay không dám hiểu để giải thích, thuyết phục "bề trên" để có một con đường thẳng - thẳng đường, thẳng lòng dân và thẳng cả lòng quan.
Cái cần né lại không, cái không cần lại né
Thực tế, việc "bẻ cong đường" không phải lúc nào cũng là một hành động xấu. Tại nhiều nước phát triển như ở châu Âu hay Nhật Bản, các con đường đôi khi cũng được "vẽ cong" ngay trên bản thiết kế. Họ vẽ cong không phải để né cơ quan này, tránh nhà sếp nọ, hay theo phong thủy của vị quan chức kia... mà họ né "thiên nhiên".
Tiếp cận với việc phát triển nền kinh tế bền vững, các quốc gia thừa hiểu nếu các con đường đều thẳng tắp bất chấp mọi thứ, kể cả các quy hoạch công viên cây xanh, hồ nước, bãi cỏ... như tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), thì chẳng mấy chốc cả thành phố trở thành "khối bê tông" oi bức, khắc nghiệt. Thế nên, các công trình xây dựng hay những con đường, nếu có né thì cũng né những địa thế sinh thái như rừng, núi, sông hồ để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn.
Ví dụ, các con đường thuộc ngoại ô thành phố Leverkusen (CHLB Đức) hay tại các vùng ngoại thành của Kyoto, Mie (Nhật Bản)... có nhiều chỗ bị uốn cong để né một vùng đồi nhỏ, vốn không khó để san bằng. Một chuyên gia về kinh tế phát triển kể: "Có một thời, Nhật Bản cho lấp một vài đoạn sông hay hồ để phục vụ xây dựng, mở rộng các tuyến đường. Nhưng rồi không lâu sau đó, các đoạn sông, hồ được xây dựng trở lại để đảm bảo sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên".
Trong khi đó, những năm qua dù theo nhu cầu phát triển kinh tế nhưng việc quy hoạch đường sá, hạ tầng, xây dựng mà máy công xưởng, hay "nổi tiếng" hơn là thủy điện, các nhà quản lý lại quá "thẳng". Điều đáng nói ở đây không phải là "chính sách thẳng" mà là bàn tay can thiệp môi trường, thiên nhiên "thẳng một cách nhẫn tâm". Nhiều cánh rừng kêu cứu vì dự án đầu tư "thấy lợi trước mắt mà không thấy hại về sau".
Bởi thế, cái cần né thì chúng ta cứ xông thẳng vào, còn cái vị nể, lãng phí, thiếu khoa học... vốn bị Nhà nước lên án và quyết tâm bài trừ, nghiêm trị thì một bộ phận quan chức vẫn cứ né tránh. Bao giờ chính sách mới thẳng được đây?
Theo Phap luât Viêt Nam
Con đường và cách nhìn Với thêm những thông tin xác thực được chính Thiếu tướng Mai Văn Cương cho biết, những điểm nghi vấn được nhân dân phản ánh qua các phản hồi gửi tới báo chí càng được chứng minh là có cơ sở. Điều dân muốn được xác định rõ lại là: Cong lợi hay cong hại? Bên đường Trường Chinh bị giải tỏa sâu...