Trùng tu di tích và những lần dư luận xôn xao
Không chỉ riêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám gây tranh cãi sau khi được sang sửa, quét vôi lại mà rất nhiều di tích khác ở Việt Nam đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận sau khi được trùng tu.
Văn Miếu trước khi quét vôi. Ảnh: TT Hoạt động VH – KH.
Tranh cãi lớn quanh việc quét vôi mới Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Những ngày gần đây, du khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã hết sức ngỡ ngàng khi một số hạng mục trong khu di tích này được quét vôi mới. Bên cạnh đó, những hạng mục được quét vôi mới không đồng đều, tạo nên một hình ảnh mất cân đối và hài hoà trong tổng thể di tích.
Nhiều người cho rằng, việc quét vôi mới này đã làm mất đi nét cổ kính vốn có của trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc làm này đã xâm phạm nghiêm trọng đến Di tích quốc gia đặc biệt này.
Văn Miếu sau khi chỉnh trang. Ảnh: Ng.Hồng
Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết đây chỉ là hoạt động chỉnh trang, vệ sinh di tích mang tính định kỳ. Và nếu không được quét vôi, chỉnh trang tu sửa thì tường sẽ bị hư hỏng. Nhiều năm vôi bị phai mầu thì phải quét lại, các nơi quét vôi sau mấy năm sẽ trở lại như cũ. Nếu cứ để nguyên mới là hủy hoại lớp vữa bên ngoài và không bảo vệ tốt bộ phận cấu thành nên di tích.
Nhà hát Lớn Hà Nội thay màu sơn mới
Nhà Hát lớn với màu sơn vàng nhạt trước khi sơn vào năm 2015
Đây không phải là lần đầu tiên việc trùng tu di tích gây tranh cãi. Vào tháng 7/2015, người dân Thủ Đô không khỏi bất ngờ khi nhà hát Lớn Hà Nội đang được sơn sửa, lột xác hoàn toàn với diện mạo mới. Những mảng bám rêu xanh trên tường đã hoàn toàn biến mất. Màu vàng nhạt nguyên bản của công trình cũng được thay mới bằng lớp sơn vàng chói, bỏng bẩy.
Màu sơn vàng đậm được sơn lại vào tháng 7/2015
Nhiều người cho rằng, màu vàng mới của Nhà hát Lớn quá đậm, nổi trội, lệch với màu nguyên bản. Màu sơn mới của nhà hát Lớn đã làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của công trình.
Băn khoăn việc trùng tu bia Quốc học ở Huế
Cách đây ít ngày, bia Quốc học ở Huế xuống cấp và được trùng tu, tuy nhiên màu sơn và hoa văn mới khiến nhiều người dân địa phương băn khoăn. Về phía đơn vị quản lý khẳng định “làm đúng theo mẫu gốc”.
Video đang HOT
Bia Quốc học hay còn gọi Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm trên đường Lê Lợi, phía trước cổng trường THPT chuyên Quốc Học, Huế đã được tiến hành trùng tu sau thời gian dài xuống cấp.
Theo đại diện Trung tâm Công viên cây xanh Huế (chủ đầu tư), công việc nêu trên nằm trong chương trình Chỉnh trang công viên dọc bờ Nam sông Hương, được tiến hành từ đầu tháng 11/2016.
Bia Quốc học trước lúc được trùng tu. Ảnh:Tư liệu
Sau hơn hai tháng, bia Quốc học sơn màu vàng, nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trang trí trước đây được làm mới. Nhiều người dân ở TP Huế đã đưa hình ảnh bia đang trùng tu và hiện trạng trước đó lên mạng xã hội với các ý kiến nhận xét trái chiều.
Bia Quốc học trong quá trình được trùng tu. Ảnh: Võ Thạnh.
Một số ý kiến cho rằng bia Quốc học chưa được xếp hạng di tích, nhưng là công trình mang yếu tố văn hoá truyền thống, hài hoà với môi trường, không gian kiến trúc của sông Hương và trường Quốc học. Vì vậy, việc trùng tu cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng.
“Áo mới’ của Ô Quan Chưởng gây tranh cãi
Ô Quan Chưởng trước khi trùng tu.
Cách đây 6 năm, chuyện Ô Quan Chưởng ở Hà Nội bị “mới toanh” sau khi trùng tu đã trở thành một chủ đề nóng trong cộng đồng mạng Việt Nam.
Thời điểm đó, dự án trùng tu với kinh phí 70.000 USD được người dân thủ đô kỳ vọng sẽ trả lại một hình hài nguyên bản cho Ô Quan Chưởng. Tuy nhiên, hình ảnh Ô Quan Chưởng “mới toanh” sau trùng tu đã làm rất nhiều người thất vọng.
Mặt chính của Ô Quan Chưởng sau khi trùng tu.
Tuy vậy, bên cạnh luồng ý kiến bi quan về việc Ô Quan Chưởng trông “quá mới” sau khi trùng tu, cũng có những ý kiến cho rằng nếu vấn đề chỉ là lớp sơn mới thì không có gì phải ầm ĩ.
Theo K.N (Gia đình xã hội)
Dấu tích Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn
Với mục đích xây dựng đất nước giàu mạnh, triều Nguyễn đã cho xây dựng Quốc Tử Giám - trường đại học lớn nhất cả nước - để làm nơi đào tạo nhân tài.
Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long bắt đầu công cuộc tìm kiếm nhân tài nhằm xây dựng nước nhà giàu mạnh. Một năm sau, vua cho xây dựng Đốc học đường tại An Ninh Thượng, nay là phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).
Vua từng dụ rằng: "Muốn có nhân tài trước hết phải giáo hóa. Nay ở Kinh sư số học giả còn ít là bởi phép dạy chưa đầy đủ. Trẫm muốn mở Quốc học và Sùng văn để tỏ bày giáo hóa".
Hiện Đốc học đường chỉ còn lại 3 cổng chào.
Khu đất ngày xưa từng là Đốc học đường, nay được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sử dụng làm vườn ươm giống cây cảnh.
Thời vua Gia Long, Đốc học đường gồm một tòa nhà chính giữa và hai dãy nhà hai bên làm nơi giảng dạy của các đốc học, nơi học tập của giám sinh. Sau khi lên ngôi, năm 1820 vua Minh Mạng cho đổi tên Đốc học đường thành Quốc Tử Giám.
Vua Minh Mạng từng dụ rằng: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm chăm đến việc tác thành nhân tài, đặt nhà học, cấp lương cho giám sinh, gia ân cho học trò, ban phát sách vở, đều mong học trò thành tài để nhà nước dùng".
Năm 1821, vua Minh Mạng cho xây dựng mở mang thêm, gồm tòa Di Luân Đường 5 gian 2 chái; phía sau là giảng đường 7 gian 2 chái; hai dãy nhà học đều 3 gian 2 chái, xung quanh là tường thành bảo vệ. Năm 1848, triều Nguyễn xây thêm hai dãy cư xá cho giám sinh ở trọ, mỗi dãy 9 gian, cùng một vài phòng ở cho các viên tế tửu (hiệu trưởng), tư nghiệp (hiệu phó).
Cùng với việc xây dựng Đốc học đường, năm 1808 vua Gia Long cũng cho xây dựng Văn Thánh Miếu để thờ Khổng Tử và Tứ phối (Nhan tử, Mạnh tử, Tử tư, Tăng tử).
Cổng chính của Văn Thánh Miếu vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Hiện Văn Thánh Miếu còn hai dãy nhà bia gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Thời vua Gia Long, triều Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương nên không có tấm bia tiến sĩ nào được dựng ở Văn Miếu. Đến thời vua Minh Mạng mới mở các khoa thi hội nên bia tiến sĩ cũng bắt đầu được dựng.
Sau trận bão năm 1904, Quốc Tử Giám bị hư hỏng nặng, nhà Nguyễn phải tiến hành tu sửa nhiều lần. Nhận thấy vị trí Quốc Tử Giám đặt tại An Ninh Thượng cách xa Kinh thành, năm 1908 thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời về nằm bên trong Kinh thành Huế, vị trí hiện nay tại số 1, đường 23/8 (phường Thuận Thành, thành phố Huế).
So với Quốc Tử Giám cũ, Quốc Tử Giám tại địa điểm mới có chút thay đổi về mặt công trình kiến trúc, quy mô và vật liệu xây dựng, nhưng các phòng ốc, tên gọi công trình vẫn giữ nguyên.
Trong số công trình kiến trúc tại Quốc Tử Giám, Di Luân Đường (ảnh), Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu Quốc Tử Giám có giá trị nghệ thuật cao khi xây dựng theo kiến trúc của cung Bảo Định.
Năm 1923, thời vua Khải Định, Tân Thơ Viện (ảnh), nơi chứa sách của Quốc Tử Giám trở thành Bảo tàng Khải Định nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới. Hiện nay, Tân Thơ Viện là trụ sở của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. Công trình này có sự giao thoa kiến trúc Đông Tây.
Sau chiến tranh, Quốc Tử Giám được sử dụng làm trụ sở của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế. Dãy nhà học bên trái Di Luân Đường nơi các giám sinh triều Nguyễn học ngày xưa nay được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh thời chống Mỹ cứu nước.
Dãy nhà học bên phải được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật chiến tranh thời chống Pháp cứu nước. Trước năm 1975, Quốc Tử Giám từng là trường Trung học Hàm Nghi.
Khu nhà giám sinh ngày xưa ở trọ học.
Vào thời nhà Nguyễn, những người học ở Quốc Tử Giám được gọi là giám sinh nhưng có những danh xưng khác. Theo đó, người học ở Quốc Tử Giám được Tôn Nhơn Phủ chọn gọi là tôn học sinh, người hàng năm địa phương cống lên gọi là cống sinh, con quan gọi là ấm sinh. Hàng tháng, các giám sinh được triều đình cấp học bổng, lương thực, dầu đèn...
Bia Thị học được đặt trước Quốc Tử Giám.
Một lần ghé thăm Quốc Tử Giám, vua Tự Đức đã làm một bài văn gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích giám sinh học hành. Toàn bộ nội dung bài văn này được khắc vào tấm bia dựng trước sân trường và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Võ Thạnh
Theo VNE
Người dân xây điện thờ trái phép ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Một số người dân chở vật liệu xây dựng vào gò Kim Châu nằm giữa hồ Văn, thuộc khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) để sửa chữa, xây dựng điện thờ trái phép. UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng xâm hại di tích, giải tỏa hoạt động xây...