Trung thu ấm áp cho thiếu nhi hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Tối 7/9, nhằm mang tới một Trung thu ấm áp cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tại Bến Tre và Kiên Giang, nhiều hoạt động vui Trung thu ý nghĩa đã được tổ chức trong không khí đầm ấm, vui tươi.
Ấm áp “Đêm hội trăng rằm”
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao quà và học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Tối 7/9, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre tổ chức Tết Trung thu năm 2022, với chủ đề “Đêm hội trăng rằm” cho các cháu thiếu nhi là con đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Tham gia chương trình có trên 370 thiếu nhi thuộc các huyện, thành phố, công đoàn các khu công nghiệp là con đoàn viên, công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt có 11 em mồ côi cha hoặc mẹ đã không may tử vong do đại dịch COVID-19.
Tại “Đêm hội trăng rằm”, các cháu thiếu nhi được xem sân khấu hóa kể chuyện sự tích chú Cuội – Chị Hằng, tham gia các hoạt động trò chơi có thưởng và nghi thức phá cỗ, nhận quà Trung thu.
Tại Chương trình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên tham mưu cho cấp ủy phối hợp thật tốt với các ngành, đoàn thể và xã hội tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động thiết thực để chăm lo cho các em. Các đơn vị quan tâm và ưu tiên đối với các em mồ côi cha hoặc mẹ là đoàn viên công đoàn không may tử vong vì đại dịch COVID-19, các trường hợp đặc biệt khó khăn, các em ở vùng sâu, vùng xa để các em được tiếp tục cắp sách đến trường, viết nên tương lai của chính mình bằng tinh thần học tập, sáng tạo, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. “Sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội sẽ là động lực to lớn giúp các em sẵn sàng bước vào năm học mới”, ông Nguyễn Phúc Linh chia sẻ.
Dịp này, Quỹ xã hội Tấm lòng vàng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) trao 20 học bổng tặng 5 cháu mồ côi cha hoặc mẹ là đoàn viên công đoàn qua đời do COVID-19 và 15 cháu là con đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng. Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre cũng trao tặng 5 suất học bổng cho 5 thiếu nhi, mỗi suất 2 triệu đồng kèm theo học phẩm là 15 quyển vở.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre trao quà và học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Tết Trung thu cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn
Tối 7/9, tại thành phố Rạch Giá, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang, Tỉnh Đoàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em nghèo hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Trung thu năm 2022. Trên 220 em thiếu niên, nhi đồng là con đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hoàn cảnh khó khăn ở các công đoàn cơ sở, doanh nghiệp trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia vui hội trăng rằm.
Tại “Đêm hội trăng rằm”, các em cùng tham gia các trò chơi hoạt náo, trò chơi dân gian, thưởng thức những tiết mục nhảy dân vũ “Trung thu xuống phố” và phá cỗ cùng nhau ăn bánh trung thu…
Video đang HOT
Nhân dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh trao 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cùng quà Trung thu tặng các cháu thiếu nhi là con công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, vượt khó học giỏi, đạt thành tích tốt trong năm học 2021 – 2022; trao 200 suất quà trị giá 300.000 đồng tặng các cháu thiếu nhi là con đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động khó khăn trên địa bàn.
Dịp Tết Trung thu năm nay, các Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương cùng cấp trong tỉnh tổ chức vui hội trăng rằm với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, tặng quà cho các em với tinh thần “Trẻ em hoàn cảnh khó khăn đều có Trung thu ấm áp, ý nghĩa”. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn và chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, nhất là chăm lo con đoàn viên, người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trước đó, UBND thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp mặt, vui Tết Trung thu cho hơn 540 trẻ em trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, tuyên dương học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tiêu biểu xuất sắc, đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và toàn quốc năm học 2021 – 2022.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang cùng các em phá cỗ vui hội trăng rằm. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Hơn 1 tỷ đồng tặng học bổng và quà cho thiếu nhi
Cùng với các hoạt động vui Trung thu khác tại tỉnh Kiên Giang, tối 7/9, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam (Hội đồng Đội Trung ương) phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội, Nhà Thiếu nhi Tỉnh Kiên Giang tổ chức Chương trình “Trung thu cho em” với sự tham gia của trên 1.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp. Tại Chương trình, Ban Tổ chức và các đơn vị đồng hành đã trao tặng hàng ngàn suất quà cho các cháu thiếu nhi.
Nhân dịp này, Hội đồng Đội Trung ương, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt trao bảo trợ dài hạn cho 27 thiếu nhi mồ côi cha, mẹ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với số tiền bảo trợ 2 triệu đồng/tháng/em. Tổng số tiền bảo trợ trong năm học 2022 – 2023 cho các cháu thiếu nhi tỉnh Kiên Giang là 648 triệu đồng.
Với chủ đề “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”, chương trình Trung thu cho em năm 2022 do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức từ ngày 5 – 7/9 (tức ngày 10 – 12/8 âm lịch) đã trao 220 suất học bổng và hơn 10.000 túi quà Trung thu bao gồm lồng đèn, bánh Trung thu, bánh kẹo, sữa và các nhu yếu phẩm… cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; thiếu nhi khuyết tật; các em mồ côi do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Gia Lai, Bình Dương, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau với tổng giá trị quà tặng hơn 1 tỷ đồng.
“Lồng đèn thắp sáng ước mơ” là chương trình mang yêu thương, sự sẻ chia đến với các em nhỏ ở khắp mọi miền đất nước, góp phần thể hiện tình cảm, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội đối với công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Đây cũng là sự cổ vũ, động viên của các anh, chị cán bộ, đoàn viên, thanh niên và phụ trách Đội dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhằm tiếp thêm sức mạnh, vun đắp cho những ước mơ của các em sớm trở thành hiện thực.
Theo chân nghệ nhân phục dựng đèn Trung thu cổ truyền Việt Nam
Đèn cá hóa long, đèn cua sống, đèn cua luộc... là những chiếc đèn trung thu của dân tộc, đã được phục dựng và xuất hiện lại trong dịp Trung thu 2022, sau gần một thế kỷ "vắng bóng".
Dịp Trung thu 2022, nhà nghiên cứu Trịnh Bách (TP Hà Nội) đã tìm đến làng lồng đèn truyền thống Phú Bình (Quận 11, TP Hồ Chí Minh) để cùng gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng lại những chiếc đèn Trung thu cổ truyền như đèn cá hóa long, đèn con cua sống, cua luộc... của người Báo Đáp ngày xưa.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cùng nghệ nhân Bình phục dựng lại đèn con cua sống.
Chia sẻ về hành trình khôi phục đèn Trung thu cổ truyền, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết: "Từ năm 2007, tôi đã bắt đầu mày mò ở làng lồng đèn truyền thống Phú Bình, là chỗ tôi vẫn được cha đưa đến mua đèn Trung thu loại cao cấp từ hơn nửa thế kỷ trước, khi còn bé. Mục đích của tôi là làm lại chiếc đèn con thỏ mà Trung thu mỗi năm xưa tôi phải có, đồng thời tìm nghệ nhân tâm huyết cho việc phục dựng lại nghệ thuật làm đèn Trung thu cổ truyền".
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách kiểm tra từng chi tiết trong lúc phục dựng đèn cổ truyền.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cùng gia đình nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng lại những chiếc đèn Trung thu cổ truyền.
"Tôi thích cái đèn con thỏ đó đến nỗi đã vẽ nằm lòng lại từng chi tiết của nó, nhất là cách dán lông thỏ đặc biệt của người nghệ nhân già. Dĩ nhiên, con thỏ đó sẽ là mấu chốt để phục hồi lại các đèn Trung thu đẳng cấp của Báo Đáp - Phú Bình cũ", nhà nghiên cứu Trịnh Bách tâm sự.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách thực hiện công đoạn vẽ hình lên sản phẩm cá hóa long.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cách đây nhiều năm, có lần ông cố gắng chỉ cho một người làm lồng đèn cách dán lông thỏ giả. Thế nhưng, anh thợ không hứng thú lắm, nên không thành công. Hiện nay, những lồng đèn bán ở chợ lồng đèn Trung thu Quận 5 vẫn dán lông giả đủ màu sắc mà hoàn toàn không có một căn bản mỹ thuật nào.
Mãi đến năm 2017, ông mới có cơ duyên gặp được gia đình cụ quả phụ Nguyễn Trọng Văn ở làng Phú Bình (Quận 11). Gia đình cụ Văn đã có truyền thống làm đèn Trung thu từ nhiều đời ở làng Báo Đáp (Nam Định). Dù đã qua nhiều thế hệ, gia đình cụ Văn vẫn luôn tâm huyết với nghề truyền thống làm lồng đèn.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, đèn cá hóa long có cách đây cả 100 năm trước. Ảnh: NVCC
"Ngày xưa, ở Bắc Bộ có nhiều nơi làm đèn Trung thu cho trẻ em nhưng nổi trội nhất phải kể đến làng Báo Đáp ở Nam Trực, Nam Định. Người làng Báo Đáp làm đèn Trung thu bài bản và quy mô hơn mọi nơi khác, có thể nói là nếu Bát Tràng nổi tiếng với đồ gốm và Vạn Phúc nổi tiếng với vải lụa thì Báo Đáp được biết đến là làng đèn Trung Thu", nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Công đoạn quết một lớp dầu bạch tùng lên sản phẩm.
Giữa thập niên 1950, rất nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào Sài Gòn và đã tụ họp lại, lập ra xóm Phú Bình (Quận 11), tiếp tục nghề làm đèn truyền thống của họ. Tất cả đèn Trung thu của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đều được sản xuất từ Phú Bình. Tuy nhiên, các loại đèn cầu kỳ, tinh xảo cổ xưa đã bị thất truyền ở Sài Gòn từ vài ba chục năm nay.
Hình ảnh con cua sống sau khi được gia công xong.
Trong công tác phục dựng đèn Trung thu cổ truyền, nhà nghiên cứu Trịnh Bách trực tiếp theo sát, đồng hành cùng nghệ nhân Bình để trao đổi, thi công từ khâu làm khung, dán đèn đến khâu vẽ hình lên sản phẩm sao cho phải đảm bảo độ chính xác và tỉ mỉ đến từng chi tiết.
"Bình rất khéo tay, kiên nhẫn, sáng dạ; quan trọng nhất là cầu tiến, yêu nghề. Bình nhẫn nại chữa các lỗi kỹ thuật, hay nhận những yêu cầu khó khăn mà tôi đưa ra", nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Đèn Trung thu cổ truyền con cua sống. Ảnh: NVCC
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cho biết: "Để làm chiếc đèn Con cua xanh, từ khâu làm khung đến khi vẽ hình lên sản phẩm mất khoảng 3 ngày. Chỉ cần sai một chi tiết là phải bỏ đi làm lại từ đầu, nếu như mình không kiên nhẫn thì không thể làm được".
Công đoạn làm khung đèn con cua luộc cần độ tỉ mỉ và chính xác cao.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sau khi đã phục hồi lại được một số đèn Trung thu cao cấp của Sài Gòn cũ, ông vẫn không chưa tìm được vật liệu mà người Báo Đáp xưa dùng để dán đèn lồng. Hiện nay, ở các bảo tàng bên Pháp vẫn còn lưu giữ hình ảnh và hiện vật được dán bằng vải lụa mỏng và loại giấy nhìn giống giấy bóng kính.
Khi đang bàn về loại vật liệu dán đèn, thì cụ Văn gợi ý về loại giấy chịu được nước đó là giấy nhiễu. Thì ra người Báo Đáp xưa kia phần lớn dán đèn Trung thu bằng giấy nhiễu, hoặc có khi bằng vải. Giấy nhiễu là loại giấy bên trong có trộn vụn tơ hay sợi vải để chịu nước. Sau khi vẽ xong, đèn sẽ được quết một lớp dầu trẩu để chống thấm nước,và một lớp dầu bạch tùng để giấy trở thành trong.
Hiện nay, các nhà sản xuất đèn ở Phú Bình cũng đã bắt đầu theo mẫu mã của gia đình cụ Văn mà làm lại đèn Trung thu truyền thống với những mẫu đơn giản về hình dạng, tuy nhiên để làm đèn Trung thu cổ truyền thì ngoài nhà cụ Văn ra không còn nhà nào có thể gia công được.
Đến năm 2022, nhà nghiên cứu Trịnh Bách cùng nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình mới chính thức phục dựng thành công sản phẩm đèn Trung thu cá hóa long, đèn con cua sống, cua luộc sau nhiều lần chỉnh sửa về chi tiết của sản phẩm.
Với những chiếc đèn dán giấy kiếng, anh em nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình có thể tự vẽ được. Riêng sản phẩm cao cấp dán bằng vải nhiễu thì nhà nghiên cứu Trịnh Bách sẽ mang ra Hà Nội để vẽ.
Theo nghệ nhân Bình, để làm một sản phẩm đèn cao cấp sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức cộng thêm giá thành cao nên chưa thể sản xuất đại trà để cung ứng ra thị trường. "Năm tới, gia đình tôi sẽ tập trung làm khung, dán trước khi đến Trung thu thì chỉ cần mang ra vẽ là có thể cung ứng đèn cổ truyền ra ngoài thị trường để người dân quay lại với lồng đèn xưa".
Dòng bánh Trung thu có thương hiệu được người tiêu dùng lựa chọn Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mùa Trung thu năm 2022, mặt hàng bánh Trung thu đến từ những thương hiệu lớn như: Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica... được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Quy trình sản xuất bánh Trung thu của Công ty Bánh Mứt kẹo Hà Nội đảm bảo an toàn vệ sinh...