Trung tâm Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế ghép thành công ca hiến giác mạc
Từ tâm nguyện của người quá cố, Trung tâm Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép thành công giác mạc, tìm lại được ánh sáng cho hai người khiếm thị.
Trung tâm Mắt – Bệnh viện Trung ương Huế ghép giác mạc cho bệnh nhân.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép giác mạc từ nguồn giác mạc của người hiến tặng. Cụ thể, người hiến tặng giác mạc là ông Nguyễn Viết B., sinh năm 1936 tại thôn Đông Khương 1, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông và gia đình đã tâm nguyện và đồng ý hiến tặng giác mạc trước khi qua đời.
Sáng ngày 4/7/2019 sau khi nghe tin ông qua đời, được sự chỉ đạo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc và Ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, BSCKII Dương Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Mắt và ThS. BS Nguyễn Thành Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt đã nhanh chóng vượt hàng trăm cây số để cố gắng lấy giác mạc trong thời gian sớm nhất, chất lượng tốt nhất để hoàn thành tâm nguyện của ông Nguyễn Viết B và gia đình.
Sáng ngày 8/7/2019, tại Trung tâm Mắt với sự tham gia hỗ trợ của TS. BS Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cùng các bác sĩ của trung tâm đã hội chẩn để chọn đúng bệnh và thật ý nghĩa nhất với 2 giác mạc của người hiến tặng. Sau hàng giờ thăm khám, hội chẩn của tập thể bác sĩ tại Trung tâm Mắt đã nhất trí chọn 2 bệnh nhân để tiến hành ghép giác mạc ngay sau đó. Bệnh nhân thứ nhất là Ông Phan Hữu L, 65 tuổi, là một cán bộ lão thành, sau nhiều năm tham gia chiến tranh, 2 mắt của bệnh nhân này đã bị tổn thương bởi sẹo chiến tranh, sẹo giác mạc đã làm cho bệnh nhân mất thị lực hơn 30 năm, mọi sinh hoạt đi lại đều rất khó khăn.
Bệnh nhân Phan Hữu L. , 65 tuổi đang được các bác sỹ ghép giác mạc.
Bệnh nhân thứ hai là Ông Lê Phước H. , 38 tuổi, bệnh lý viêm nhiễm giác mạc đã làm bệnh nhân mang cảnh mù loà từ lúc 10 tuổi phải bỏ học giữa chừng, quãng đời còn lại của bệnh nhân, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người mẹ, bệnh nhân đã từng khi khám mắt nhiều nơi nhưng đều thất vọng trở về, cuộc sống của hai mẹ con vẫn bế tắc và chỉ mong chờ đến một phép màu mang lại ánh sáng cho bệnh nhân.
Hai bệnh nhân trên với niềm vui khấp khởi đã được chọn ghép và nỗi niềm lo âu hồi hộp của tập thể bác sĩ Trung tâm Mắt với mong muốn nỗ lực hết sức cho bệnh nhân và cũng thoả tâm nguyện cho người đã mất. Vào chiều cùng ngày, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, tập thể bác sĩ Trung tâm Mắt, Phòng mổ Mắt phối hợp cùng với TS. BS Phạm Ngọc Đông đã tiến hành ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân trên với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Và cuối cùng, giây phút vỡ oà cũng đã đến với hai bênh nhân trên, sáng ngày 9/7/2019, dưới sự chứng kiến của GS.TS Phạm Như Hiệp Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, TS Phạm Ngọc Đông cùng với tập thể nhân viên Trung tâm Mắt, hai bệnh nhân trên đã vỡ oà trong vui sướng khi đã tìm lại được một phần ánh sáng, mặc dù quá trình hồi phục còn dài, còn phải chăm sóc, điều trị và theo dõi liên tục nhưng với hy vọng và nỗ lực của các bác sĩ tại Trung tâm Mắt sẽ mang lại thị lực tốt nhất cho bệnh nhân.
Video đang HOT
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (đứng thứ 3 từ trái sang), cùng các y bác sĩ chúc mừng 2 bệnh nhân vừa ghép giác mạc thành công.
Với những nỗ lực và kết quả tốt đẹp của hai bệnh nhân được ghép giác mạc trên, tập thể các y bác sĩ của bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh nhân đã được ghép giác mạc xin tri ân, thành kính cám ơn tấm lòng cao đẹp của ông Nguyễn Viết B. và gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp cho đời, mang ánh sáng của mình để trao tặng cho người khác.
Tấm lòng của ông Nguyễn Viết B. và gia đình rất được trân trọng và khuyến khích trong cộng đồng vì còn rất nhiều bệnh nhân đang mong chờ nguồn hiến tạng của mọi người cộng đồng. Đó cũng chính là thông điệp của bệnh viện Trung ương Huế mong gửi đến mọi người để mong cuộc sống này tốt đẹp hơn và mang lại tia hy vọng của các bệnh nhân đang ngày đêm mong chờ cơ hội điều trị bệnh.
Cái Văn Long
Theo congluan
Bệnh viện Trung Ương Huế: Ghép thành công giác mạc tiếp nhận từ nước Mỹ
Tối nay 3/6, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế cho biết; trong sáng cùng ngày 5 giác mạc từ nước Mỹ đã được ghép cho các bệnh nhân tại Cơ sở 2, giúp cho bệnh nhân có cơ hội phục hồi lại thị lực.
Trước đó, trưa ngày 2/6, tại sân bay Đà Nẵng, một món quà đặc biệt từ bác sỹ Edward Charles Kondrot - một bác sỹ nhãn khoa thuộc thành viên Hội nhãn khoa Hawaii và tổ chức See International (Hoa Kỳ) gồm 10 chiếc giác mạc của những người Mỹ đã qua đời cuối tháng 5 vừa qua đã được trao cho Bệnh viện Trung ương Huế (5 chiếc) và Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (5 chiếc).
Giác mạc được đưa từ Mỹ về Việt Nam.
Được biết, bác sỹ Kondrot và vợ ông - bà Ly Kondrot thường đi làm thiện nguyện khắp nơi trên thế giới, ông bà thường tới các quốc gia nghèo để thực hiện các chương trình mổ mắt/ ghép giác mạc miễn phí cho các bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em.
Ông Kondrot cho biết, mỗi lần thực hiện các chương trình thiện nguyện, ông sẽ thông báo trước với Ngân hàng Mắt tại Mỹ. Ngân hàng Mắt tiếp nhận đề xuất của bác sỹ và sẽ gửi các giác mạc bao gồm đầy đủ hồ sơ tới nhà ông trước chuyến bay, thông thường họ sẽ gửi cho ông từ 2 -3 giác mạc để đem đi ghép.
Tuy nhiên lần này ông rất ngạc nhiên khi Ngân hàng Mắt gửi tới cho ông những 10 giác mạc - đây là số giác mạc lớn nhất mà bác sỹ từng nhận được khi đi tới các quốc gia. Ngân hàng Mắt nói với ông rằng "Việt Nam rất thiếu giác mạc nên chúng tôi dành 10 chiếc cho chương trình này".
Trước đó, từ ngày 16/5-18/5/2019, Khoa Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 đã khám mắt miễn phí cho 500 người và đã chọn được 5 bệnh nhân phù hợp để ghép giác mạc. Các bệnh nhân ghép giác mạc sẽ được hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật.
Qua quá trình trao đổi và chuẩn bị kĩ lưỡng giữa BSCKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng khoa Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 và bác sĩ Kondrot , với sự tài trợ của Hội nhãn khoa Hawaii (Haiwaiian Eye Foundation) và Tổ chức SEE (SEE International), sáng nay, ngày 3/6, các bệnh nhân đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.
Các bệnh nhân đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2
Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam 42 tuổi đến từ phường Phú Bình, thành phố Huế, sau khi mắt phải bị bỏng vì nhiệt cách đây 2 năm, bệnh nhân có sẹo trắng ở giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nam, 34 tuổi đến từ Phong Điền, Thừa Thiên Huế sau khi bị viêm giác mạc do Herpes cách đây hơn 6 năm, đã điều trị nội khoa tuy nhiên để lại sẹo trắng ở giác mạc, dính mống mắt ở mặt sau giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10.
Trường hợp thứ ba, bệnh nhân nam, 42 tuổi đến từ Phú Vang, Thừa Thiên Huế, 2 mắt bị mờ dần cách đây 20 năm không rõ nguyên nhân, sau đó đi khám và phát hiện loạn dưỡng giác mạc cả 2 mắt, thị lực 2 mắt hiện tại dưới 1/10.
Trường hợp thứ tư, bệnh nhân nam, 52 tuổi đến từ Phú Vang, Thừa Thiên Huế, mắt phải bị viêm giác mạc cách 3 năm, điều trị nội khoa đã ổn định, tuy nhiên để lại sẹo trắng ở giác mạc, thị lực mắt phải hiện tại dưới 1/10.
Còn trường hợp thứ năm, bệnh nhân nam, 54 tuổi ở tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, mắt trái sau khi điều trị viêm giác mạc thì có sẹo trắng ở giác mạc, thị lực mắt trái hiện tại chỉ nhận biết được sáng tối.
Hiện nay, ghép giác mạc đang là giải pháp duy nhất cho những người bệnh không may bị thương tích hoặc bệnh lý về mắt khi điều trị nội khoa đã thất bại. Tuy nhiên, với số lượng giác mạc hiến tặng rất ít nên hiện có rất nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được nhìn thấy ánh sáng.
Trao đổi với Seatimes GS.TS Phạm Như Hiệp còn cho biết: "Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ thêm nhiều thiết bị hiện đại để giúp cho Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 phát triển mạnh về chuyên môn kỹ thuật cũng như chất lượng điều trị bệnh nhân. Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong các phương pháp điều trị bệnh lý về mắt mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về giác mạc".
Phẫu thuật ghép giác mạc là kỹ thuật cao trong các phương pháp điều trị bệnh lý về mắt mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về giác mạc
Hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc của bệnh nhân trong nước rất lớn, tuy nhiên nguồn giác mạc hiến tặng lại quá hiếm. Mặt khác, mỗi ca ghép giác mạc có chi phí cao lên đến vài trăm triệu đồng, với những gia đình có thu nhập thấp, người bệnh rất khó tìm lại được ánh sáng.Vì vậy, Bệnh viện sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện để có thể hỗ trợ tối đa cho nhiều bệnh nhân phải ghép giác mạc.
"Tại Bệnh viện Trung ương Huế, kỹ thuật này đã được triển khai cách đây 30 năm và nay đã phát triển thêm tại Cơ sở 2, đây là tin vui đối với người dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận, là một bước tiến mới trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, giúp mang lại ánh sáng cho các bệnh nhân mắc các bệnh về giác mạc." GS.TS Phạm Như Hiệp thông tin thêm.
Đăng Hậu
Theo TCĐNA
Bé 8 tuổi mắc ung thư máu nhắn mẹ 'Nếu lấy được bộ phận nào của con để cứu người, mẹ cứ lấy' Trên giường bệnh, bé trai 8 tuổi Phạm Trần Minh Q. (8 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) nhắn nhủ với mẹ: "Nếu lấy được bộ phận nào của con để cứu người, mẹ cứ lấy nhé!". Cách đây hơn 4 tháng, bé Phạm Trần Minh Q. bất ngờ phát hiện bị ung thư máu. Cậu bé liên tục phải chống chọi với những...