Trung tâm khoa học Syria bị san phẳng chỉ nghiên cứu thuốc trị ung thư?
Trung tâm khoa học Barzeh bị Mỹ và đồng minh không kích cuối tuần qua chỉ là một trung tâm nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư, Press TV dẫn nhân viên của trung tâm này cho biết.
Trung tâm nghiên cứu Barzeh bị san phẳng sau cuộc không kích. (Ảnh: AP)
Mỹ và đồng minh Anh, Pháp rạng sáng 14/4 đã phóng tổng cộng 105 tên lửa nhằm vào 3 mục tiêu ở Syria. Trong số 3 mục tiêu này có Trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh ở gần thủ đô Damascus, bị phương Tây nghi là cơ sở để phục vụ chương trình vũ khí hóa học của Syria. Trung tâm này đã bị san phẳng sau cuộc không kích.
Tuy nhiên, theo Press TV, một kỹ sư làm việc tại trung tâm này đã lên tiếng bác bỏ đây là cơ sở có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học.
Ông Said Said, kỹ sư đứng đầu phòng sơn và chất dẻo thuộc trung tâm Barzeh, cho biết: “Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra, đất nước chúng tôi rơi vào tình trạng thiếu thốn tất cả các loại thuốc men do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các công ty nước ngoài ngừng xuất khẩu các dược phẩm chất lượng cao cho Syria, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư. Do vậy chúng tôi đang phải tiến hành các nghiên cứu về thuốc đặc trị ung thư tại đây, đến nay chúng tôi đã đặc chế được 3 loại thuốc trị ung thư”.
Kỹ sư này cũng cho biết thêm, nếu trung tâm này chứa vũ khí hóa học như cáo buộc của Mỹ thì ông và các đồng nghiệp đã không tới khu vực trung tâm này sau cuộc không kích lúc rạng sáng 14/4.
“Nếu có vũ khí hóa học trong tòa nhà, chúng tôi sẽ không ở lại đó. Tôi và các đồng nghiệp đến đây lúc 5h30 sáng. Nếu có vũ khí hóa học, chúng tôi sẽ phải đeo khẩu trang chống độc và áp dụng các biện pháp phòng hộ khác để có thể làm việc ở đây”, ông Said Said nói.
Xe cứu hỏa tại hiện trường vụ không kích Trung tâm Barzeh. (Ảnh: Sputnik)
Theo lời ông Said, trung tâm này có 3 tầng gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và tầng hai. “Các phòng thí nghiệm đã bị phá hủy hoàn toàn, theo cùng các trang thiết bị và nội thất. May mắn là không ai ở đây khi vụ tấn công xảy ra”, ông Said cho biết.
Truyền hình Syria ngày 14/4 đã chiếu hình ảnh cho thấy Trung tâm Barzah đổ sập thành một đống gạch vụn. Mặt nạ, găng tay, hồ sơ tài liệu được nhìn thấy nằm rải rác trên đống đổ nát của tòa nhà.
Khu vực Trung tâm Barzeh trở thành bãi chiến trường sau cuộc không kích. (Ảnh: Sputnik)
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 13/4 theo giờ địa phương đã phát lệnh tấn công vào các mục tiêu nghi ngờ có liên quan đến vũ khí hóa học của Syria. Cuộc không kích có sự tham gia của cả Anh và Pháp.
Cuộc không kích nhằm đáp trả cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học tại Douma khiến hàng chục người thiệt mạng. Tuy nhiên, Syria bác bỏ cáo buộc này và cho rằng phương Tây chỉ viện cớ để tấn công quân sự nhằm vào Syria.
Minh Phương
Theo Dantri
Tấn công vào Syria: Đâu là toan tính thực sự của Mỹ và liên quân?
Cuộc tấn công của Mỹ vào Syria rạng sáng 14.4 dù chỉ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng được chuyên gia nhận định là một cuộc chiến thực sự, không đơn thuần vì mục tiêu trừng phạt Syria vì đã sử dụng vũ khí hóa học như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trao đổi với PV Dân Việt , ông Nguyễn Đăng Phát - Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Nga nhận định, ông không tin vào những tuyên bố của Mỹ và phương Tây cho rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi chính phủ Syria trong vụ vừa rồi.
Ông Nguyễn Đăng Phát - Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Nga nhìn nhận, đợt không kích vừa rồi của Mỹ và liên quân là một cuộc chiến thật sự chứ không còn là cuộc chiến tuyên truyền hay ngoại giao.
Theo ông vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động tấn công Syria vào thời điểm này? Nguyên nhân căn bản của đợt tiến công này nhằm vào Syria là gì?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Về công khai, Mỹ đưa ra lý do đã nói với dư luận, tức là vì việc vụ tấn công vũ khí hóa học mà phía Mỹ và phương Tây cho rằng do chính phủ Syria thực hiện.
Ngoài ra họ cũng nói chính phủ Syria có sở hữu vũ khí hóa học, có những cơ sở nghiên cứu về vấn đề vũ khí hóa học. Mỹ và liên quân cũng nói chứng cứ đối với họ đã rõ ràng rồi, nên quyết tâm trừng phạt Syria.
Đòn đánh này tổng thống Mỹ cũng nói là đánh vào những nơi triệt tiêu tiềm năng vũ khí hóa học của Syria. Đấy là qua những tuyên bố chính thức của Mỹ hôm qua và nhiều lần trước đó. Còn đằng sau đó có lẽ cũng có nhiều toan tính.
Hình ảnh cho thấy hoạt động không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Damascus. (Nguồn: AP)
Thực ra, thời gian gần đây chúng ta cũng biết ở Syria diễn ra cuộc chiến trên cơ bản gọi là cuộc chiến chống khủng bố, năm 2015 Nga có can dự.
Trước đó, liên minh do Mỹ cầm đầu, danh nghĩa cũng tới sáu mươi mấy nước cũng nói đã can dự, tuy nhiên trên thực địa Nga và Syria cũng giành được nhiều kết quả hơn. Thế giới cũng thừa nhận như thế. Còn liên minh do Mỹ đứng đầu không thực sự giành được kết quả lớn trong cuộc chiến họ nói chống khủng bố, chống IS.
Gần đây có những diễn biến rất đáng chú ý là quân đội Nga nói về cơ bản IS ở Syria đã bị đập tan, hướng vào giải pháp hòa bình lâu dài, thương lượng cho Syria.
Phía Mỹ không thừa nhận việc này, họ cho rằng chính quyền sở tại vẫn có những hành động mà họ nói chống lại, tìm cách triệt tiêu phe đối lập ở Syria. Vụ mới nhất họ nói có tình trạng sử dụng vũ khí hóa học nên Mỹ và liên minh trừng phạt.
Ở đây, cá nhân tôi không tin vào những tuyên bố của phía Mỹ và phương tây cho rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi chính phủ Syria trong vụ vừa rồi. Thực tế họ không chấp nhận một điều tra quốc tế cho cặn kẽ tại thực địa, không ai đến đây để điều tra thực sự cả.
Tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nga yêu cầu phải có điều tra, tất nhiên đứng đầu là tổ chức quốc tế chống vũ khí hóa học, có vẻ như tổ chức này đã soạn sửa cử chuyên gia đến nhưng chuyên gia chưa đến thực địa thì đã xảy ra cuộc chiến trừng phạt.
Điều hiện nay dư luận đặt câu hỏi là chưa rõ có xảy ra cuộc tiến công bằng vũ khí hóa học như vừa rồi hay không? Thứ hai, nếu xảy ra thì mức độ như thế nào? Thứ ba nếu đã xảy ra thì do ai, ai là thủ phạm đều chưa rõ.
Có lẽ Mỹ, Anh, Pháp đang theo đuổi mục tiêu khác nữa, không chỉ là trừng trị thủ phạm gây ra vụ đánh vũ khí hóa học vừa rồi.
Có ý kiến nói, ông Trump muốn chứng tỏ quyền lực, uy tín Tổng thống bởi các vụ rắc rối bầu cử, phát triển kinh tế trong nước, nên đánh Syria để hướng dư luận vào đó. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Chắc chắn có những mục tiêu khác, kể cả mục tiêu đối nội trong những quyết sách của nhà lãnh đạo như ông Trump đối với vấn đề quốc tế. Thực ra chuyện này ở nhiều nước trên thế giới vẫn xảy ra, không chỉ riêng gì nước Mỹ.
Tên lửa bay qua thủ đô Damascus, Syria rạng sáng 14.4 theo giờ địa phương. Ảnh Reuters.
Gần đây, bên cạnh những vụ ở Syria, chúng ta cũng biết có những vụ việc xảy ra ở phương Tây mà truyền thông cũng như chính giới và ngoại giao phương Tây làm rất mạnh để chống Nga, như vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh. Vụ này cũng chưa rõ ràng nhưng dấy lên một chiến dịch rất lớn, Mỹ cũng ủng hộ các nước phương Tây, ủng hộ Anh. Lần này cuộc chiến ở Syria là cuộc chiến chứ không phải thuần túy là một cuộc chiến tuyên truyền hoặc ngoại giao nữa. Nhưng mà cũng có những phần diễn biến trong cái quỹ đạo đó.
Tức là cũng thể hiện một sự kình địch với Nga, và sự kình địch chống Nga này đối với ông Trump ở Mỹ cũng chính là chiều theo một phần dư luận Mỹ. Một bộ phận quan trọng trong Quốc hội Mỹ đã có một khí thế, tâm lý chống lại Nga kể từ khi ông Trump nhận chức cho đến nay.
Tôi nghĩ cái đó phải gắn với một phần những yếu tố trong nước, yếu tố đối nội của ông Trump.
Theo nhận định của ông thì Nga sẽ phản ứng thế nào trước cuộc tấn công này?
Ông Nguyễn Đăng Phát: Trước và sau khi Mỹ đã thực hiện tấn công, Nga cũng đã có những tuyên bố công khai.
Bây giờ hãy nhìn lại những tuyên bố mà sau khi Mỹ đã phát động tấn công sẽ thấy.
Một, về mặt ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng có nói là cuộc tấn công này cũng nhằm làm cho tình hình rối lên sau những âm ỉ nói rằng có vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria.
Cuộc tấn công này của liên minh Mỹ cũng nhằm xóa sạch các dấu vết có thể có liên quan đến vụ này ở Syria. Nga nói rằng không xảy ra vụ như thế và yêu cầu điều tra thì bây giờ đánh mạnh vào điều tra viên quốc tế không thể đến được. Hiện trường thì lại càng đổ nát, tan hoang nên càng khó điều tra. Đúng ra, Syria đã được hưởng hòa bình sau khi cuộc chiến chống IS tại Syria đã có những kết thúc nhưng bây giờ phương tây lại tấn công.
Còn về mặt quân sự, Bộ Quốc phòng Nga cũng nói một điều mà chúng ta thấy rất chờ đợi, là loạt tên lửa đánh vào Syria chưa ảnh hưởng đến vùng mà lực lượng vũ trang Nga chịu trách nhiệm ở Syria, chưa bay vào vùng có căn cứ không quân, có căn cứ hải quân của Nga.
Vậy phản ứng của họ đến mức độ này có lẽ vì loạt không kích đầu tiên của Mỹ vẫn còn đang giới hạn ở cái mức độ, phản ứng của Nga cũng đang giới hạn.
Với cuộc tấn công này, Mỹ - Nga nhằm thị uy sức mạnh vũ khí, hay ông Trump muốn chứng tỏ điều gì thưa ông?
Theo tôi phía Mỹ và những nước ủng hộ Mỹ muốn thể hiện không phải là sức mạnh của vũ khí.
Trước đó, Nga và liên minh từng tuyên bố vấn đề ở Syria chỉ Nga và những nước đang phối hợp với Nga mới giải quyết được. Bây giờ có thể Mỹ và liên quân muốn khẳng định vấn đề tại Syria cần phải có nhiều nước, nhiều bên khác nữa.Những bên này cụ thể ở đây là Mỹ và phương tây có nhiều lợi ích rất trái ngược nhau, do đó cuộc chiến như Nga nói chống IS ở Syria đã hoàn thành, nhìn ở góc độ Mỹ và phương Tây thì không thể kết thúc ở đây được.
Chúng ta cũng biết là trong tiến trình tìm kiếm giải pháp ngoại giao chính trị cho Syria, Nga, Iran, phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ đã mở thêm một diễn đàn là vòng đàm phán ở Kazakhstan song song với vòng đàm phán ở Geneva do Liên hợp quốc bảo trợ. Cái này cũng gây chia rẽ giữa hai bên: Mỹ, phương Tây và Nga, Iran và một số đối tác khác.
Nếu chỉ sử dụng một diễn đàn ở Kazakhstan mà gần như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì sẽ không đủ và phía Mỹ cùng phương tây cũng không chấp nhận. Còn nếu chỉ sử dụng diễn đàn ở Geneva thì phía Nga, Syria và các đối tác cũng không chấp nhận.
Do đó, cuộc chiến xung đột và giải pháp cho Syria không thể giải quyết được chỉ bởi những nỗ lực của Nga và các nước phối hợp với Nga. Do đó nó chứa đựng mâu thuẫn giữa hai phe và cuộc chiến này chứa đựng mâu thuẫn như thế.
Theo Danviet
Mỹ và đồng minh tấn công Syria: Vì sao Nga không đáp trả? Cả Nga và Mỹ đều kiềm chế vì biết rõ đụng độ quân sự trực diện ở Syria sẽ khiến tình hình mất kiểm soát "Thế chiến thứ ba có thể bắt đầu từ Syria" - nhiều chuyên gia đã lo sợ điều này sẽ xảy ra nếu Mỹ và đồng minh không kích Syria với lý do "đáp trả vụ tấn công...