Trung tâm hàng chục tỷ đồng xây xong để… làm cảnh!
Một cơ ngơi được đầu tư xây dựng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hầu hết diện tích vẫn bỏ không gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Hơn nữa, cả trung tâm chỉ có một giám đốc, phó giám đốc và 4 nhân viên hợp đồng.
Được biết, Trung tâm Phát triển nông thôn Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trước đây là Trung tâm Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, đóng tại xã Hoằng Kim, thuộc quản lý của UBND huyện Hoằng Hóa. Trung tâm thuộc dự án thí điểm chuyên ngành JICA SPL VI.
Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa
Trung tâm được xây dựng trên diện tích gần 20.000 m2, với số vốn lên đến 17 tỷ đồng, với các hạng mục như: Khu nhà trung tâm (phục vụ trưng bày và bán sản phẩm, hội thảo, tập huấn), nhà kho (sơ chế rau, thành phẩm, đông lạnh) và các công trình phụ trợ khác.
Tuy nhiên, sau 4 năm, huyện Hoằng Hóa đưa Trung tâm này vào hoạt động nhưng không được hiệu quả như mong muốn.
Đến ngày 20/5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chuyển giao Trung tâm phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa về trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa.
Cỏ mọc um tùm trong khuôn viên
Qua tìm hiểu được biết, mục tiêu của chương trình tín dụng chuyên ngành JIKA là thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín tại huyện Hoằng Hóa, từ khâu định hướng quy hoạch sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua, bảo quản và đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm được xây dựng, hầu như các hạng mục của Trung tâm này không được sử dụng, gây lãng phí. Nhiều vị trí trong khuôn viên Trung tâm cỏ mọc um tùm.
Theo báo cáo của ông Trịnh Mạnh Hào, Giám đốc Ban quản lý Trung tâm phát triển nông thôn Thanh Hóa, công tác tổ chức điều tra, khảo sát thông tin thị trường, giá cả đã được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, chất lượng thông tin chưa kịp thời, công tác dự báo thị trường chưa đến được với nhiều nhà sản xuất và tiêu thụ.
Cơ ngơi hàng chục tỷ đồng để không
Video đang HOT
Công tác tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa đạt mục tiêu dự án, hiện mới chỉ có Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thuê văn phòng và nhà kho với tổng diện tích hơn 860 m2, số tiền cho thuê chưa đủ để trả tiền công cho một số nhân viên hợp đồng.
Ban quản lý Trung tâm đã chủ động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, các đối tác sau khi khảo sát đã từ chối với lý do chưa đảm bảo điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng.
Công tác tham mưu, phối hợp với các cấp, ban ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao còn thụ động; nhất là phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đầu mối để tổ chức hoạt động kết nối còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê hội trường để tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn kết quả đạt được chưa cao…
Trung tâm vắng bóng người
Nguyên nhân được chỉ ra là do Trung tâm mới được thành lập, tổ chức bộ máy chưa đầy đủ về số lượng (kể cả cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn), chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ.
Địa điểm xa khu vực dân cư đông đúc nên việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự thu hút đối với các doanh nghiệp; vị trí, chức năng của Ban quản lý Trung tâm là đơn vị trực thuộc Chi cục phát triển nông thôn nên việc quan hệ với các đối tác, chính quyền trong và ngoài tỉnh còn hạn chế; cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, nguồn kinh phí triển khai thực hiện còn thiếu…
Nguồn thu chủ yếu từ việc cho thuê văn phòng không đủ trả cho nhân viên hợp đồng
Năm 2017, Trung tâm được cấp nguồn kinh phí thường xuyên là 822 triệu đồng; nguồn kinh phí bổ sung thực hiện hội nghị năm 2016 là 844 triệu đồng; nguồn kinh phí thực hiện mô hình là 300 triệu đồng. Ngoài ra, kinh phí thu dịch vụ cho thuê văn phòng là 36,6 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chi thường xuyên đến ngày 31/7/2017 theo báo cáo của Trung tâm là 258 triệu đồng; chi bổ sung thực hiện hội nghị năm 2016 là 823 triệu đồng; chi thực hiện mô hình 0 đồng…
Cửa đóng then cài
Về nhân sự, hiện Trung tâm có 2 cán bộ là giám đốc và phó giám đốc. Ngoài ra, còn có 4 hợp đồng lao động và 2 bảo vệ. Nguồn kinh phí để chi trả cho người lao động lấy từ nguồn thu dịch vụ của Ban quản lý Trung tâm.
Tuy nhiên, hiện tại nguồn thu dịch vụ cho thuê văn phòng không đủ để thanh toán cho người lao động. Mặt khác, đến tháng 7/2017, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông vẫn chưa thanh toán tiền nợ thuê văn phòng 4 tháng cho Ban quản lý Trung tâm, do đó, tình hình thanh toán chế độ cho lao động hợp đồng chậm và chưa đảm bảo.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Đất được miễn thuế, xã vẫn thu theo kiểu "thích nộp thì nộp"
Dù canh tác trên diện tích đất nông nghiệp thuộc diện được miễn thuế, nhưng nhiều năm qua, người dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn phải đóng thuế đầy đủ cho chính quyền địa phương.
Vì không biết thông tin đất được miễn thuế nên nhiều năm qua người dân huyện Sơn Tịnh vẫn phải đóng thuế cho chính quyền.
Thích thì nộp, không thích thì... thôi!
Theo Thông tư 112 của Bộ Tài chính ban hành năm 2003 thực hiện cho giai đoạn 2003- 2010 và mới đây nhất là Thông tư 120 ban hành năm 2011, thực hiện chuyển tiếp từ giai đoạn 2003- 2010 sang giai đoạn 2011- 2020, đối tượng có đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần sẽ được miễn, giảm thuế.
Quy định là thế nhưng nhiều năm qua người dân xã Tịnh Hiệp vẫn phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần.
Nguyên nhân là do người dân không hề hay biết việc phải kê khai diện tích đất đang canh tác để được miễn thuế.
Phản ánh với PV Dân trí, ông Trương Thuận Lực (thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp) cho biết, gia đình ông khai hoang được 4 ha đất trồng keo. Gần 7 năm qua, gia đình ông đã khai thác gỗ keo 3 lần. Cả 3 lần này UBND xã Tịnh Hiệp đều gửi thông báo yêu cầu gia đình ông nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần. Lần gần nhất là vào tháng 5/2017, gia đình ông nộp khoản thuế này gần 1 triệu đồng.
"Tôi là người chấp hành pháp luật nên xã có yêu cầu nộp thuế là tôi nộp đúng quy định. Bản thân tôi không hề hay biết đất mình canh tác thuộc diện miễn thuế nên không đi kê khai", ông Thuận cho biết.
Điều đáng nói hơn là việc nộp thuế của ông Thuận và nhiều người dân ở xã Tịnh Hiệp được thực theo kiểu tự kê khai và không nộp cũng không sao. Vì kiểu quản lý lỏng lẻo đó của chính quyền địa phương nên bản thân ông Thuận và nhiều người đã "lách luật".
Ông Thuận lấy ví dụ, dù diện tích cây khai thác của ông lên đến 3 ha, thế nhưng khi đến xã nộp thuế ông chỉ khai 1 ha để đóng thuế vẫn được xã chấp nhận mà không hề bị kiểm tra.
"Do xã quản lý không chặt nên có nhiều người không nộp dẫn đến không công bằng. Bản thân tôi là người chấp hành nộp thuế nhưng do xã quản lý như thế nên chính tôi cũng nộp không đủ theo diện tích cây khai thác", ông Thuận lý giải.
Trú cùng thôn với ông Thuận, ông Ao Công Thanh cũng có gần 1 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần thuộc diện miễn thuế. Thế nhưng ông Thanh cũng đã đóng thuế 2 lần. Riêng vào tháng 5/2017, dù nhận được thông báo nộp thuế của xã khi thu hoạch cây nhưng ông Thanh không thực hiện.
"2 lần trước tôi không biết đất mình được miễn thuế nên nộp đầy đủ. Lần khai thác gỗ vào tháng 5 vừa rồi tôi không nộp vì nghe thông tin đất của mình được miễn thuế. Tôi không nộp thuế nhưng xã cũng không nói gì", ông Thanh giãi bày.
Thu cho đủ dự toán
Liên quan đến việc thu thuế trên diện tích đất nông nghiệp được miễn thuế, ông Phạm Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho rằng do người dân không kê khai đúng quy định.
Theo ông Tài, muốn được miễn thuế người dân phải thực hiện kê khai số diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần vào sổ bộ thuế gốc.
"Do người dân không kê khai nên xã phải thu. Dù biết thu như thế cũng chưa đúng nhưng phải thu cho đủ dự toán được giao. Riêng trong năm 2016 khoản thu này chỉ được gần 12 triệu", ông Tài giải thích.
Trái ngược với ý kiến của người dân cho rằng không biết quy định giảm thuế, ông Tài lại khẳng định xã đã triển khai văn bản hướng dẫn kê khai nhưng người dân không thực hiện.
"Xã đã thông báo nhưng người dân không thực hiện. Còn việc vì sao người dân không kê khai hay có vướng mắc gì thì tôi không rõ vì tôi mới làm chủ tịch xã từ năm 2016", ông Tài cho biết thêm.
Dù cho rằng phải thu cho đủ dự toán, thế nhưng ông Phạm Tấn Tài không hề nắm được số hộ cũng như diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm của người dân trên địa bàn xã. Đây chính là lý do người dân muốn nộp thuế bao nhiêu... tùy thích.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Chương - Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh, cho biết, việc thu thuế tại xã Tịnh Hiệp thực ra là đúng vì người dân chưa kê khai theo quy định. Tuy nhiên, để vụ việc kéo dài suốt nhiều năm mà không hướng dẫn, đôn đốc người dân kê khai có một phần trách nhiệm của UBND xã Tịnh Hiệp.
"Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh đã có hướng dẫn các xã thực hiện việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân từ năm 2011. Vì vậy, việc cho rằng do người dân không kê khai đất nên phải thu thuế cho thấy xã thiếu sâu sát, chưa làm hết trách nhiệm hướng dẫn nhân dân", ông Chương nhấn mạnh.
Theo ông Chương, tình trạng thu thuế đất nông nghiệp còn diễn ra ở một số xã khác của huyện Sơn Tịnh, như: Tịnh Đông, Tịnh Minh, Tịnh Giang, Tịnh Bình. Vì vậy, Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh đề nghị UBND các xã kiểm tra, tạm dừng việc thu thuế và thực hiện hướng dẫn người dân kê khai diện tích đất nông nghiệp đang canh tác để được miễn thuế.
"Huyện Sơn Tịnh là địa phương có tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chính quyền các địa phương phải làm lợi cho người dân, không thể để người dân phải nộp thuế trên diện tích được miễn thuế", ông Chương nêu quan điểm.
Hà Xuyên
Theo Dantri
Ba xe container tông nhau loạn xạ khi đổ dốc cầu Phú Mỹ Nhiều người lưu thông qua cầu Phú Mỹ phía bờ quận 2, TPHCM được phen kinh hoàng khi chứng kiến cảnh hàng loạt xe đầu kéo container tông nhau loạn xạ khi đang đổ dốc cầu. Sáng 14/9, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Đội CSGT Công an quận 2, TPHCM cho biết đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ...