Trung Quốc xúi giục ngư dân ‘bảo vệ Tam Sa’
Đội cảnh sát biên phòng Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã họp và yêu cầu ngư dân có những hành động thực tế để bảo vệ “ Tam Sa”.
Đội biên phòng “Tam Sa” của Trung Quốc yêu ngư dân có những hành động thực tế để bảo vệ thành phố. Ảnh: Huanqiu
Hội nghị diễn ra tối 10/8, do đội phó đội cảnh sát biên phòng “Tam Sa” Du Địch Huy chủ trì. Ông Du yêu cầu các ngư dân tuân thủ sự lãnh đạo của chính quyền, hợp sức với cảnh sát, “có những hành động thiết thực” để bảo vệ và xây dựng “Tam Sa”, chào mừng đại hội đảng sắp tới, Thời báo Hoàn cầu cho hay.
Ngư dân Trung Quốc tham gia cuộc họp cho biết sẽ chấp hành quy định của pháp luật Trung Quốc, trở thành “ngư dân gương mẫu ở Tam Sa”, coi “Tam Sa” là nhà, dùng hết sức lực xây dựng và bảo vệ “thành phố Tam Sa”.
Trong cuộc họp, cảnh sát và ngư dân Trung Quốc tuyên bố việc thành lập thành phố là một cơ hội cũng là một thách thức với ngư dân nước này, và họ “sẵn sàng nắm bắt cơ hội, đối đầu với thách thức”.
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và triển khai quân đồn trú tại đây. Từ đầu tháng 8, Trung Quốc chấm dứt lệnh đánh bắt cá đơn phương trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, mở đường cho gần 9.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam và hàng chục nghìn ngư dân các tỉnh khác tiến ra đánh bắt ở Biển Đông.
Video đang HOT
Chính quyền Hải Nam tuyên bố mở rộng phạm vi khai thác nghề cá trong khu vực của cái gọi là “ngư trường Tam Sa”, hướng dẫn ngư dân đóng tàu lớn hơn, ra vùng nước sâu hơn ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Hoạt động rầm rộ này diễn ra sau khi một nhóm gồm 30 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam đi đánh cá ở Trường Sa, được hộ tống bởi tàu Ngư Chính. Các tàu này đều đánh bắt trái phép hoặc trú ẩn gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, một quan chức ngư nghiệp cấp cao của Trung Quốc, người đứng đầu tập đoàn ngư nghiệp Bảo Sa, Hạ Kiến Bân, cũng đề xuất vũ trang cho 100.000 ngư dân ở Hải Nam và cho họ xuống Biển Đông đánh cá.
Các tàu cá của tỉnh Hải Nam chuẩn bị ra khơi hồi đầu tháng. Ảnh: Hndaily.
Việt Nam và các nước lên tiếng phản đối những hành động trên của Trung Quốc và lên án nước này đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam tuyên bố những hành động trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Theo VNExpress
Lòng tin của dân Philippines với Trung Quốc thấp nhất trong lịch sử
Kết quả điều tra dư luận mới nhất cho thấy, dân chúng Philippines không tín nhiệm Trung Quốc với tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử, vì Trung Quốc có những hành động ngang ngược ở biển Đông.
Tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Nguồn: Hải quân Philippines.
Những hành động thù địch của Trung Quốc đối với Philippines ở biển Đông như đưa tàu đến bãi cạn Scarborough, tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" gồm cả một phần lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ, tình cảm của dân chúng nước này đối với Trung Quốc.
Theo hãng tin Hoa ngữ DWNews, ngày 10-8, cơ quan phụ trách điều tra dân ý của Philippines mang tên Trạm Khí tượng xã hội (SWS) công bố kết quả điều tra: 55% người Philippines bày tỏ "không có chút lòng tin nào đối với Trung Quốc", 19% "còn tin Trung Quốc".
Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 1994 khi việc điều tra thái độ đối với Trung Quốc bắt đầu.
SWS cho biết, cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 24 đến 27-7 đối với 1.700 người.
Tỷ lệ tín nhiệm của người Philippines đối với Trung Quốc là -36, trong khi cuộc điều tra tương tự hồi tháng 3, trước khi xảy ra sự kiện Scarborough, có tỷ lệ tín nhiệm là 10 (39% người tín nhiệm, 29% bất tín nhiệm).
Từ 1994, SWS thực hiện 24 lần điều tra dư luận về tỷ lệ tín nhiệm Trung Quốc trong dân chúng Philippines, trong đó 7 lần cho tỷ lệ dương, còn lại đều âm (tức số người bất tín nhiệm cao hơn số tín nhiệm).
Cuộc điều tra dư luận mới nhất cho thấy, sự kiện tranh chấp Scarborough là nguyên nhân chủ yếu khiến dân chúng Philippines ghét và không tin tưởng Trung Quốc.
Trong 3 lần tỷ lệ tín nhiệm thấp trước đó, 2 lần xảy ra sau khi Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền Philippines ở biển Đông.
Tương phản với thái độ đối với Trung Quốc, người Philippines có tỷ lệ tín nhiệm cao đối với Mỹ ( 62), Úc ( 39) và Nhật Bản ( 32).
Theo VNE
Báo Mỹ: Đã đến lúc phải khiến Trung Quốc lo sợ Trong lúc Mỹ - Trung "lời qua tiếng lại" về Biển Đông sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập "thành phố Tam Sa" và đơn vị đồn trú trên vùng biển này, tác giả Benny Avni trên tờ New York Post cho rằng đã đến lúc Mỹ cần phải "răn đe" Trung Quốc. Theo tác giả Benny Avni, đã đến lúc Mỹ...