Trung Quốc “xốc lại” quan hệ với Myanmar
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có cuộc đàm phán vào ngày hôm qua 27/6 trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước được điều chỉnh theo những thay đổi chính trị sâu rộng ở Myanmar.
Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón tiếp ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 27/6.
Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc của Tổng thống Myanmar Thein Sein. Trước khi bước vào hội đàm, Tổng thống Thein Sein, người từng là tướng quân đội, đã duyệt đội quân danh dự trong lễ đón tiếp trọng thị ở bên ngoài Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ 5 và chuyến thăm chính thức thứ ba của ông Thein Sein. “Điều này cho thấy ngài đã rất coi trọng mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar”, ông Tập Cận Bình cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Myanmar cảm ơn ông Tập Cận Bình đã mời ông tới Trung Quốc và nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai nước. “Mục đích chính của chuyến thăm Trung Quốc là củng cố đoàn kết và sự phát triển đang có trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương”, Tổng thống Thein Sein cho hay.
Theo hãng tin AFP, ông Tập Cận Bình và ông Thein Sein đã chứng kiến lễ ký kết của nhiều thỏa thuận, trong đó có việc thành lập các trung tâm văn hóa chung giữa hai nước, thúc đẩy di sản văn hóa.
Bắc Kinh đã là nhà hỗ trợ truyền thống cho Myanmar trong nhiều thập niên khi đất nước Đông Nam Á giàu tài nguyên này bị cô lập về ngoại giao. Các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar đã tránh được một số chỉ trích của quốc tế nhờ sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và quyền phủ quyết của nước này ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Đổi lại Trung Quốc đã tiếp cận được các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú của Myanmar, như kim loại, gỗ, đá quý, cũng như tham gia vào vô số các dự án thủy điện.
Tuy nhiên năm 2011, hội đồng quân sự Myanmar đã trao quyền cho một chính phủ dân sự. Myanmar sau đó tiến hành những cải cách chính trị sâu rộng, giúp nước này thoát khỏi hầu hết các lệnh cấm vận của phương Tây.
Video đang HOT
Những diễn biến này đã dẫn đến thay đổi trong mối quan hệ với Bắc Kinh và dự án đập Myitsone được Trung Quốc hỗ trợ đã bị tạm ngưng.
Trong chuyến công du Trung Quốc lần này, ông Thein Sein dự kiến tham dự các hoạt động kỷ niệm 60 năm thỏa thuận cùng tồn tại hòa bình giữa Trung- Ấn-Myanmar. 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình năm 1954 gồm tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như không can thiệp, không gây hấn vào công việc nội bộ của nhau.
Trung Anh
Theo Dantri/ AFP
Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, ASEAN đoàn kết ra tuyên bố
Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm qua (10/5) đã nhất trí sẽ cùng nhau ra một tuyên bố chung chỉ đề cập đến việc Trung Quốc khoan thăm dò dầu khí ở gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ việc này đang làm bùng lên ngọn lửa căng thẳng trong khu vực.
Vấn đề Biển Đông đang là chủ đề chính trong hội nghị ASEAN ở Myanmar lần này.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN cũng sẽ bày tỏ sự quan ngại về thái độ hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh khu vực diễn ra trong ngày hôm nay (11/5).
Đây là lần đầu tiên ASEAN thể hiện một lập trường chung thống nhất về tình hình Biển Đông. Điều này không chỉ phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của các nước ASEAN đối với lập trường hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp mà còn thể hiện tình đoàn kết được củng cố của khối liên minh khu vực này.
ASEAN đã nhất trí đưa ra một tuyên bố về việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào các tàu Việt Nam tại cuộc họp trù bị giữa ngoại trưởng các nước thành viên ở Naypyitaw ngày hôm qua (10/5). "Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về việc đó và có sự thống nhất giữa ngoại trưởng các nước ASEAN về việc đưa ra một tuyên bố riêng về những diễn biến gần đây ở Biển Đông", Ngoại trưởng Marty Natalegawa cho biết. Đây là lần đầu tiên Myanmar chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kể từ khi nước này gia nhập khối vào năm 1997.
Ngoại trưởng các nước ASEAN đều bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về tình hình Biển Đông hiện nay. Đây là một động thái phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của khu vực về lập trường ngày một quyết liệt, hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Các ngoại trưởng đã kêu gọi sự kiềm chế và nhanh chóng tiến hành đàm phán đa phương về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Hội nghị ASEAN, được tổ chức 2 lần một năm, thường kết thúc với những tuyên bố về các vấn đề trong khu vực như hội nhập kinh tế hay các quan ngại an ninh chung.
Thông điệp mạnh mẽ gửi đến Trung Quốc
Philippines và Việt Nam năm nay đang kêu gọi ASEAN ra một tuyên bố nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ đối với những hành động hung hăng, hiếu chiến và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hôm 1/5, Cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan HD 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5, giàn khoan HD 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29'58" vĩ Bắc - 111 độ 12'06" kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan có lúc lên cao nhất đã là 80 tàu, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật gồm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương một số thủy thủ và gây thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.
Myanmar với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị ASEAN năm nay sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiếng nói cuối cùng của bản tuyên bố chung ASEAN về Trung Quốc. Đã có lo ngại về việc Myamar có thể có cách tiếp cận hòa dịu với nước láng giềng khổng lồ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn của quốc gia Đông Nam Á này. Đây là điều từng xảy ra tại hội nghị ASEAN ở Campuchia.
"Trung Quốc không chỉ là người bạn lớn của Myanmar mà còn là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước ASEAN. Vì thế, sự nổi lên một cách hòa bình của Trung Quốc là quan trọng đối với toàn bộ khu vực ASEAN", ông Ye Htut - phát ngôn viên của Tổng thống Myanmar Thein Sein, đã nói như vậy.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Myanmar Natalegawa đã bác bỏ những quan ngại về việc chủ nhà bị gây ảnh hưởng để ngả về phía Trung Quốc trong các vấn đề hàng hải.
"Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất cần phải chú ý ở đây là việc các ngoại trưởng ASEAN cần phải thừa nhận nhanh chóng rằng diễn biến vừa qua là một thứ mà chúng ta cần phải phản ứng với một mức độ khẩn cấp nhất định", ông Natalegawa nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết: "Với tinh thần đoàn kết và đóng vai trò trung tâm, ASEAN sẽ đưa ra một lập trường chung thống nhất về việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực". Philippines là một trong những nước đối đầu quyết liệt nhất với Trung Quốc trong khu vực vì tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho hay, ASEAN lần này "không thể im lặng". "Chúng ta phải giữ lập trường trung lập. Việt Nam đã thông báo sự việc. Trung Quốc đưa ra một cách lý giải khác. ASEAN khó có thể đứng về bên nào nhưng trung lập không có nghĩa là giữ im lặng. Chúng ta không thể im lặng", Ngoại trưởng Shanmugam nhấn mạnh.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ngày hôm qua, Ngoại trưởng Shanmugam cho hay: "Uy tín của chúng ta đã bị ảnh hưởng ít nhiều trong những năm qua". "Nếu những sự kiện đó xảy ra cách đây vài ngày và ngoại trưởng các nước ASEAN gặp nhau ngày hôm nay, lãnh đạo ASEAN gặp nhau ngày mai mà chúng ta chẳng nói gì về diễn biến vừa qua thì tôi cho rằng, khát vọng đóng vai trò trung tâm, khát vọng đoàn kết, hòa bình khu vực và trên tất cả là sự hội nhập của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, tôi nghĩ như vậy", Ngoại trưởng Singapore phát biểu.
Cả Ngoại trưởng và các quan chức cấp cao của 10 nước thành viên ASEAN đang nỗ lực phác thảo tuyên bố chung về tình hình Biển Đông.
"Chúng tôi nhất trí rằng, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ ra một tuyên bố, và vì thế, sẽ có một thỏa thuận thống nhất về việc cần phải có một tuyên bố. Các quan chức cấp cao ASEAN sau đó sẽ gặp gỡ để vạch ra nội dung của bản tuyên bố", ông Shanmugam cho biết thêm.
Việt Nam đã đưa vấn đề tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu cũng như bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam ở ngay giữa vùng biển của Việt Nam ra cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN hôm 9/5. Một nhà ngoại giao ASEAN cho biết, Philippines đã ủng hộ Việt Nam, nói rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002.
Đại diện của phía Philippines cũng thông báo tóm tắt tại cuộc họp ASEAN về tiến trình nước này đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Ngoại trưởng Indonesia đã bày tỏ sự quan ngại về việc, tiến trình tham vấn để tiến tới ký kết một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý đang diễn ra chậm chạp.
Sự kiện lần đầu tiên ASEAN ra tuyên bố chung về tình hình Biển Đông là một bước tiến trong việc thể hiện tình đoàn kết của khối này. Các quan chức ASEAN tin rằng, tuyên bố chung của họ sẽ phát đi được một "thông điệp mạnh mẽ" về cam kết của họ đối với việc đối thoại hòa bình.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung-Ấn ký thỏa thuận xoa dịu căng thẳng biên giới Vài tháng sau khi xảy ra một cuộc chạm trán sự tại biên giới tranh chấp, lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ hôm nay 23/10 đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nhằm hạn chế nguy cơ lặp lại các cuộc đối đầu trong tương lai. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh....