Trung Quốc xóa bỏ 18 quân đoàn, xây dựng lục quân theo mô hình Mỹ
Các quân đoàn Trung Quốc sẽ được tái tổ chức thành 25-30 sư đoàn theo kiểu Mỹ để trở thành một lực lượng tác chiến tinh gọn, phản ứng linh hoạt hơn.
Các binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Lục quân Trung Quốc sẽ trải qua đợt tái tổ chức rất lớn, xóa bỏ mô hình quân đoàn với hơn một nửa quân số bộ binh nước này, trong một nỗ lực xây dựng lực lượng chiến đấu trên bộ linh hoạt hơn, theo SCMP.
Theo đó, 18 quân đoàn, với quân số khoảng 30.000- 100.000 người mỗi quân đoàn, sẽ được tái tổ chức thành 25-30 sư đoàn.
Theo một đại tá nghỉ hưu ở Bắc Kinh, mô hình tổ chức lục quân theo quân đoàn kế thừa từ Liên Xô rất cồng kềnh và không còn phù hợp với các yêu cầu của chiến tranh hiện đại, nơi chú trọng đến cơ cấu tổ chức kiểu mô-đun.
“Đây là xu hướng chủ đạo trong chiến tranh hiện đại. Ngay cả quân đội Nga cũng đã cố gắng học theo mô hình tổ chức của quân đội Mỹ thông qua việc giảm quy mô quân số, giúp lục quân trở nên tinh gọn và phản ứng linh hoạt hơn”, đại tá trên khẳng định.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc hồi năm ngoái đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các đơn vị kiểu mô-đun, đa chức năng, quy mô nhỏ để đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các chiến dịch hiệp đồng.
Việc cải tổ lục quân là một phần trong chiến dịch cải tổ quân đội quy mô lớn do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, bắt đầu từ đầu năm nay.
Theo chỉ đạo ông Tập, Trung Quốc đã giải thể 4 bộ tư lệnh, thành lập 15 cơ quan mới chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. 7 quân khu được tái tổ chức thành 5 chiến lược khu, và khoảng 300.000 binh sĩ sẽ bị cắt giảm quân số vào năm 2017.
Video đang HOT
Theo mô hình tổ chức mới, các sư đoàn sẽ nhận chỉ thị từ bộ tư lệnh chiến lược khu liên quan, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Sở chỉ huy Liên quân trực thuộc Quân ủy Trung ương, trước khi ra mệnh lệnh cho quân nhân ở tiền tuyến.
Hiện nay, lục quân Trung Quốc là lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới với khoảng 1,55 triệu quân, trong đó 850.000 người là lực lượng thường trực thuộc các quân đoàn, còn lại là bộ đội địa phương.
Duy Sơn
Theo VNE
Lập ba bộ tư lệnh mới, ông Tập ra tay cải tổ quân đội
Những động thái cải tổ của ông Tập biến lục quân Trung Quốc từ vai trò "cha đẻ" trở nên ngang hàng với hai quân chủng hải quân và không quân.
Ông Tập Cận Bình trao quân kỳ cho chỉ huy các đơn vị mới được thành lập. Ảnh:ChinaMil
Đúng ngày cuối cùng của năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân trao quân kỳ cho chỉ huy của ba bộ tư lệnh mới được thành lập trong một buổi lễ trang trọng tổ chức ở Bắc Kinh, đánh dấu sự khởi động của chiến dịch cải tổ quân đội đầy tham vọng do ông Tập đề xướng.
Ba đơn vị mới được thành lập này là Bộ Tổng tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Tên lửa, và Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Chiến lược. Phát biểu tại buổi lễ, ông Tập tuyên bố đây là một phần trong kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa quân đội nhằm "hiện thực hóa giấc mơ có quân đội mạnh của Trung Quốc", một trong những chìa khóa quan trọng giúp nước này hướng tới "giấc mơ Trung Hoa".
Kế hoạch cải tổ quân đội được ông Tập nêu ra lần đầu tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á, khi tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 300.000 quân để "thể hiện thiện chí hòa bình". Sau khi cắt giảm, quân đội Trung Quốc (PLA) còn khoảng hai triệu người và vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới.
Tờ The Times dẫn lời các quan sát viên quốc tế cho rằng việc Trung Quốc thành lập Bộ Tổng tư lệnh Lục quân là một sự thay đổi lớn từ cấu trúc lấy lục quân làm trung tâm sang hệ thống chỉ huy liên quân kiểu phương Tây, trong đó hải, lục, không quân có vai trò tương đương nhau. Trước đây, Bộ Tổng tham mưu PLA nắm quyền chỉ huy toàn bộ các quân binh chủng trong quân đội.
"Với sự thay đổi này, lục quân Trung Quốc giờ đây có vai trò ngang bằng với hải quân và không quân. Lục quân trước đây được coi như cha đẻ của hai quân chủng còn lại, nhưng nay cả ba giống như là anh em trong một nhà, giúp PLA có cấu trúc cân bằng, hiện đại hơn", chuyên gia quân sự Wang Xiangsui ở Bắc Kinh nói.
Trung Quốc cắt quân số, giảm bớt vai trò của lục quân truyền thống. Ảnh: AP
Được ông Tập mô tả là "lực lượng cốt lõi trong răn đe chiến lược", Bộ Tư lệnh Tên lửa (PRF) được thành lập nhằm thay thế cho Quân đoàn Pháo binh Số 2, kiểm soát toàn bộ các vũ khí hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc. Ông Tập cho rằng PRF với các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung, tầm xa là một "trụ cột chiến lược" đảm bảo vị thế cường quốc của Trung Quốc, và là nền tảng quan trọng để gìn giữ an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Chiến lược (SSF) chủ yếu tập trung vào tác chiến điện tử, có vai trò cung cấp các thông tin tình báo điện tử phù hợp trong thời chiến, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch giành chiến thắng trong các cuộc "chiến tranh thông tin" của Trung Quốc, theoXinhua.
Các chuyên gia thuộc trang phân tích tình báo Janes.com cho rằng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của PRF và SSF rất giống với Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (STRATCOM), khi cả hai cùng xử lý các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân, tên lửa phi hạt nhân, phòng thủ chiến lược, chiến tranh thông tin và chiến tranh vũ trụ.
Theo dự đoán của các chuyên gia này, Quân ủy Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục chỉ đạo trực tiếp các vũ khí hạt nhân, trong khi quyền chỉ huy các lực lượng tên lửa thông thường và các đơn vị tác chiến thông tin sẽ được trao về cho các tư lệnh chiến lược khu mới được thành lập để thay thế cho 7 đại quân khu hiện nay.
Ông Tập tuyên bố việc thành lập ba đơn vị mới này sẽ là một "bước ngoặt" trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và sẽ được ghi vào sử sách lực lượng vũ trang nước này. Theo truyền thông Trung Quốc, với những động thái cải tổ trên, PLA hiện có 4 quân chủng lớn là lục quân, hải quân, không quân và tên lửa. Ngoài ra, PLA sẽ tiếp tục có những kế hoạch mới nhằm loại bỏ các loại trang bị lạc hậu và phát triển các hệ thống vũ khí mới.
Giới phân tích quốc tế cho rằng với việc thành lập các lực lượng tác chiến theo mô hình chỉ huy kiểu phương Tây, với một lực lượng tên lửa độc lập, quân đội Trung Quốc có thể gây quan ngại cho các nước trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia láng giềng và cạnh tranh vị thế gay gắt với các đối thủ chiến lược là Mỹ và Nhật Bản.
Hai ngày sau khi được thành lập, PRF và SSF đã tổ chức các cuộc diễn tập để kiểm tra khả năng ứng phó khẩn cấp và phòng thủ của các lực lượng này. Theo báo chí Trung Quốc, trong cuộc diễn tập, binh sĩ PRF được yêu cầu phóng các loại tên lửa khác nhau một cách độc lập trong môi trường tác chiến "như thật", dưới sự hỗ trợ về tác chiến điện tử của SSF.
Trước những quan ngại của giới quan sát quốc tế rằng với việc thành lập PRF, Trung Quốc có thể thay đổi chính sách răn đe hạt nhân của mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố nước này sẽ vẫn theo đuổi chính sách "không đánh đòn hạt nhân phủ đầu".
Straits Times dẫn lời chuyên gia phân tích Liang Guoliang ở Hong Kong cho rằng các động thái cải tổ này nhằm mục đích tăng quyền kiểm soát của ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội, trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong lực lượng vũ trang.
Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển. Ảnh: ChinaMil
Mới đây, tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc đã đăng bài xã luận cảnh báo các quan chức quân đội cấp cao cần phải "giữ ý giữ tứ" trong các phát ngôn liên quan đến cải tổ quân đội, bởi kế hoạch này thành hay bại là do "vai trò tiên phong gương mẫu" của các tướng lĩnh cấp cao.
"Mọi người không được nói những lời vô nghĩa, đưa ra những phát ngôn thiếu trách nhiệm, thể hiện lập trường quan điểm riêng, hành động theo cảm tính hay giả bộ tuân thủ. Cần phải đặc biệt chú trọng đến những suy nghĩ của binh sĩ, và các vấn đề nhạy cảm cần phải được giải quyết hiệu quả", bài báo viết.
Nhiều tướng lĩnh cấp cao nghỉ hưu và đương chức của PLA đã và đang là mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Hai tướng ở cấp cao nhất từng giữ chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã bị cáo buộc nhận hối lộ và bị trừng phạt. Theo tờ South China Morning Post, kế hoạch cải tổ của ông Tập đang vấp phải một số phản ứng từ ngay trong nội bộ các tướng lĩnh quân đội.
Trí Dũng
Theo VNE
Trung Quốc trả tiền để quân nhân xuất ngũ sớm trong im lặng Số tiền này được cho là bao gồm tiền bồi thường xuất ngũ sớm và lên tới 80 % khoản lương trước nghỉ hưu, Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết. Binh sĩ Trung Quốc. Cụ thể, theo Bloomberg, quân đội Trung Quốc đang tiến hành cải tổ, giảm quân số bằng cách bồi thường một khoản tiền lớn cho một bộ...