Trung Quốc xây trạm nghiên cứu sâu 3.000 m dưới Biển Đông để làm gì?
Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu sâu 3.000 m dưới Biển Đông, nhắm tới việc khai thác trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở đây và có thể cả chặn hệ thống liên lạc qua cáp ngầm của nước khác.
Sau khi xây dựng phi pháp rầm rộ trên bề mặt Biển Đông, Trung Quốc nay tham vọng xây công trình sâu dưới đáy biển. Trong ảnh là tàu lặn Giao Long có khả năng lặn sâu 7.000 m của Trung Quốc. THX
Tham vọng kể trên được Trung Quốc xác định là ưu tiên thứ 2 trong số 100 ưu tiên về khoa học và công nghệ của nước này trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc.
Bloomberg ngày 8.6 đưa tin, theo một báo cáo gần đây của Bộ Khoa học Trung Quốc thì chính quyền nước này đã quyết định đẩy nhanh tiến độ dự án kể trên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước cũng đã tuyên bố tại một hội thảo khoa học Trung Quốc như sau: “Biển sâu chứa đựng nhiều kho tàng chưa được phát hiện và phát triển. Để có thể tiếp cận được với những kho tàng này, chúng ta cần phải nắm các công nghệ chủ chốt xuống biển sâu, thăm dò biển sâu và phát triển biển sâu”.
Xu Liping – một nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc trực thuộc chính phủ nước này – thì tuyên bố rằng dự án trạm nghiên cứu “sẽ chủ yếu phục vụ mục tiêu dân sự, nhưng chúng tôi không loại trừ việc nó sẽ mang một số chức năng quân sự nữa”.
Video đang HOT
Tàu bè Trung Quốc dày đặc ở Đá Vành Khăn trong giai đoạn bồi đắp phi pháp. REUTERS
Ở khía cạnh dân sự, khi dõi mắt xuống đáy Biển Đông, người ta thường dồn sự chú ý về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, các ước lượng hiện nay rất khác nhau. Trong khi Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho rằng khu vực này có thể đang chôn 11 tỉ thùng dầu thô và 190 nghìn tỉ feet khối khí đốt thiên nhiên thì ông khổng lồ sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc CNOOC hồi năm 2012 từng đánh giá rằng Biển Đông chứa đựng 125 tỉ thùng dầu và 500 nghìn tỉ feet khối khí đốt thiên nhiên.
Theo báo cáo kể trên thì kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu dưới biển sâu đã có từ một thập niên qua và là tâm điểm trong tham vọng của Trung Quốc để trở thành một siêu cường về công nghệ vào năm 2030, thu ngắn cách biệt thám hiểm biển sâu với Mỹ, Nhật, Pháp và Nga.
Trong khi chưa thấy một đơn giá nào trong bản cáo cáo kể trên, Bryan Clark – cựu cố vấn đặc biệt của lãnh đạo chiến dịch hải quân Mỹ – cho rằng đó sẽ là một cái giá không dễ chịu tí nào, ngoài ra yếu tố dễ bị phát hiện khiến một trạm cố định như thế trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với tàu ngầm.
Theo số liệu từ Văn phòng thống kê quốc gia của Trung Quốc, nước này đã chi 1,42 nghìn tỉ nhân dân tệ (216 tỉ USD) cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2015, trong khi tổng chi tiêu quốc phòng trong năm nay dự kiến sẽ tăng lên 7,6%, ở mức 954,4 tỉ nhân dân tệ (145 tỉ USD).
Ở khía cạnh quân sự, ông Clark cho rằng một trạm nằm dưới biển sâu như vậy sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc phát hiện các liên lạc qua các tuyến cáp ngầm của các mục tiêu nhắm tới. “Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tìm mọi cách để phát hiện các liên lạc bằng cáp ngầm và thiết bị cảm biến của nhau để chặn chúng trong thời bình hoặc tấn công trong thời chiến. Chúng ta có thể nhận định rằng những hoạt động như thế này sẽ còn tiếp tục ở thì hiện tại và cả thì tương lai”.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Trung Quốc sẽ xây trạm nghiên cứu khổng lồ dưới Biển Đông
Trung Quốc đang thúc đẩy tiến độ thiết kế và xây dựng một trạm nghiên cứu dưới Biển Đông nhằm tìm kiếm khoáng sản và có thể sử dụng trong mục đích quân sự.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học Trung Quốc, một cơ sở tương đương "trạm không gian" này sẽ nằm sâu 3.000 m dưới mặt nước biển. Dự án được đề cập trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc được công bố hồi tháng 3, và đứng hạng 2 trong danh sách 100 công trình khoa học công nghệ được ưu tiên chú trọng của Trung Quốc.
Bộ này cho biết, đơn vị thi công chính của dự án là Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc. Khi đi vào hoạt động, nó có thể chứa hàng chục chuyên viên làm việc dưới đáy biển trong một tháng.
Ảnh minh họa: Daily Mail
Trạm nghiên cứu biển sâu được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về nghiên cứu và khai thác đáy biển so với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Nga.
Do vậy, sau quá trình nghiên cứu, Bắc Kinh quyết định thúc đẩy các công tác chuẩn bị để sớm xây dựng trạm nghiên cứu khổng lồ này. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa công bố thêm nhiều thông tin cụ thể, như các mốc thời gian hoặc tính toán chi phí, cũng như vị trí thi công...
Bryan Clark, chuyên gia tại Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (CSBA, Mỹ) nhận định với Bloomberg rằng: "Trước đây chưa có công trình do con người vận hành nào được đặt mục tiêu ở độ sâu như vậy, nhưng không có nghĩa là không khả thi. Những tàu ngầm có người lái đều đã hoạt động ở độ sâu này gần 50 năm qua".
Những vùng Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: WSJ
Dự án được cho là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Xu Liping, nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói phát triển đại dương là một chiến lược quan trọng của chính phủ.
"Nhưng trạm nghiên cứu biển sâu này không có ý đồ nhằm vào một nước nào. Dự án của Trung Quốc chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, nhưng chúng tôi không thể loại trừ các chức năng quân sự", ông nói.
Theo các chuyên gia, ngoài tham vọng tìm kiếm dầu khí và các nguồn tài nguyên dưới Biển Đông để đáp ứng nhu cầu lớn của Trung Quốc, trạm này có thể di động và sử dụng trong mục đích quân sự. Công ty tình báo IHS Jane's cho biết Trung Quốc đã đề xuất xây dựng một mạng lưới cảm biến gọi là "Dự án Vạn lý Trường thành dưới biển" để giúp phát hiện các tàu ngầm Mỹ và Nga.
Theo Zing News