Trung Quốc xây thêm 2 đường băng phi pháp ở Biển Đông
Theo CSIS, Trung Quốc đã gần xây xong 2 đường băng nữa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Báo cáo ngày 15/1 của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ được công bố sau khi Trung Quốc đã tiến hành những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong tháng này tới một đường băng mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Kyodo cho biết, tài liệu còn nêu rõ rằng, ngoài đường băng trên đá Chữ Thập, Trung Quốc đã gần hoàn thành việc xây dựng một đường băng dài 2.644m trên đá Vành Khăn và một đường băng khác dài 3.250m trên đá Xu Bi. Dường như Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động xây dựng hòng tuyên bố chủ quyền trong khu vực này.
Báo cáo chỉ rõ đường băng trên đá Chữ Thập mất ít nhất 7 tháng để xây dựng, song tại “đá Vành Khăn, nơi hoạt động san ủi bắt đầu vào tháng 9-10/2015, việc xây dựng đã gần như hoàn tất chỉ 3-4 tháng sau đó”.
Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Mỹ tin rằng Trung Quốc đã hoặc đang xây dựng các sân bay ở ít nhất 3 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thông qua những dự án bồi lấn, tôn tạo khổng lồ.
Tháng 12 năm ngoái, đánh giá về hiểm họa đường băng Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông, ông Euan Graham – Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc) cảnh báo, những đường băng này có thể “ảnh hưởng đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực” với việc giúp tăng cường hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Trung Quốc.
Cũng theo giới chuyên gia, những cuộc tuần tra của máy bay chiến đấu Trung Quốc trên các đảo nhân tạo có thể phục vụ mục đích đe dọa các bên tranh chấp khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đồng thời làm phức tạp hoạt động của lực lượng Mỹ trong việc khẳng định tự do hàng hải, tự do bay trong khu vực.
“Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị hăm dọa của các chuyến tuần tra trên không xuất phát từ những đảo nhân tạo này sẽ rất đáng kể”, ông Graham nói.
Những đường băng này sẽ giúp các máy bay Trung Quốc nạp nhiên liệu, sửa chữa và tái vũ trang nếu cần, mà không phải bay hơn 1.000km về căn cứ gần nhất ở đảo Hải Nam, nhà nghiên cứu Hans Kristensen, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang mưu đồ kiểm soát vùng trời phía trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc tuyên bố vùng kiểm soát phòng không trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, những đường băng của họ sẽ trở thành căn cứ cho các máy bay tuần tra, hoạt động kiểm soát không lưu, thậm chí tấn công.
Video đang HOT
Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên khu vực rộng lớn thuộc biển Hoa Đông vào cuối năm 2013. Đầu tháng 12/2014, Trung Quốc thực hiện việc mà phát ngôn viên không quân Trung Quốc Shen Jinke gọi là “tuần tra thường xuyên” qua khu vực này, với sự tham gia của các máy bay ném bom tầm xa H-6K, máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm.
Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có định làm điều tương tự ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Wu Qian nói rằng điều đó tùy thuộc vào những mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích của nước này. “Chúng tôi sẽ xem xét nhiều yếu tố để quyết định điều đó”, ông Wu nói.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, nằm giữa những tuyến hàng hải đông đúc, ở nơi giàu tài nguyên thủy sản và có thể có trữ lượng khoáng sản lớn, các đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông sẽ tăng đáng kể ưu thế của nước này đối với việc khai thác nhiều nguồn tài nguyên chiến lược cho phát triển kinh tế.
Đề nghị ICAO sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc trang mạng chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đăng bản đồ hàng không về FIR Tam Á trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa-Trung Quốc” và có biểu tượng sân bay trên bãi Đá Chữ Thập với dòng chữ tiếng Anh “Sân bay Vĩnh Thử-Tam Sa,” ngày 15/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa.
Theo_Báo Đất Việt
Bước tiếp theo của Trung Quốc sau khi bay thử nghiệm ở Trường Sa
Việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm phi pháp tại đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy nước này đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trái phép trong khu vực và bước tiếp theo của họ chắc chắn là khởi hành các chuyến bay quân sự, Reuters dẫn lời giới chuyên gia.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, các quan chức và chuyên gia phân tích nước ngoài nhận định, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông có thể dẫn tới việc nước này thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trong khu vực.
Theo các chuyên gia, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng làm như vậy bất chấp động thái này sẽ thổi bùng căng thẳng với các nước láng giềng cũng như Mỹ tại vùng biển bất ổn bậc nhất trên thế giới.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2.1 đã khẳng định rằng, nước này đã triển khai một máy bay dân sự, tiến hành bay thử nghiệm trên đường băng mà nước này xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng một đường băng trong khu vực.
Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Động thái của Trung Quốc vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông trong đó Việt Nam và Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau động thái này, bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là "tìm cách kiểm soát toàn bộ Biển Đông, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua không phận".
Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cáo buộc, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa đồng thời yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby tuyên bố, việc máy bay Trung Quốc hạ cánh trên đường băng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam "làm gia tăng căng thẳng và đe dọa sự ổn định trong khu vực".
Trong khi đó, ngay sau khi Trung Quốc cho máy bay bay thử nghiệm trái phép ở Trường Sa, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama vì trì hoãn tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Ông McCain tuyên bố, việc Washington chưa hành động đầy đủ đã khiến Trung Quốc tiếp tục "theo đuổi tham vọng chủ quyền" trong khu vực.
Tháng 10 năm ngoái, Mỹ điều tàu khu trục tiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, một trong 7 bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau đó, Mỹ cũng điều cả máy bay B-52 tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các động thái trên của Mỹ nhằm khẳng định vai trò cường quốc của nước này trong việc giữ gìn luật pháp quốc tế, đồng thời trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Mỹ chưa tiến hành thêm bất cứ chuyến tuần tra nào.
Trung Quốc đã và đang xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp trên Biển Đông trong hơn một năm qua và việc Bắc Kinh tiến hành chuyến bay thử nghiệm hôm 2.1 rõ ràng không phải là một điều bất ngờ, Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích.
Đường bay trên đá Chữ Thập dài 3.000 m. Đây là 1 trong 3 đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo giới phân tích, các đường bay này đủ dài cho các máy bay ném bom tầm xa cũng như các chiến đấu cơ tối tân nhất của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh tăng khả năng kiểm soát Biển Đông.
Tiến sĩ Leszek Buszynski của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược của Đại học Quốc gia Úc nhận định, việc máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đá Chữ Thập giờ đây là "điều không thể tránh khỏi".
Vị Tiến sĩ này cũng cảnh báo, dù có nhiều lý do khiến Bắc Kinh có thể trì hoãn việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không Biển Đông, song đây là kế hoạch khả thi và sẽ xảy ra trong tương lai gần một khi Trung Quốc quyết tâm tăng cường sức mạnh Không quân.
"Bước tiếp theo sau khi họ (Trung Quốc) tiến hành bay thử nghiệm sẽ là, mang tới đây những chiến đấu cơ tối tân của họ như Su-27 và Su-33. Họ sẽ triển khai những máy bay quân sự này tại đây vĩnh viễn. Đó là những gì họ có khả năng sẽ thực hiện".
Đồng tình, Tiến sĩ Ian Storey một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore nhấn mạnh, ông quan ngại rằng, căng thẳng trong khu vực sẽ leo thang khi Trung Quốc bắt đầu sử dụng các cơ sở hạ tầng mới để tăng cường sự hiện diện của nước này vào Biển Đông.
Thậm chí, theo ông Ian Storey, nếu Trung Quốc không chính thức công bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không, thì nước này chắc chắn vẫn sẽ triển khai những hoạt động khác để bảo vệ các đường băng mới cũng như các cơ sở hạ tầng khác.
"Một khi Trung Quốc bắt đầu vận hành các cơ sở hạ tầng tại đá Chữ Thập, thì việc họ kiểm soát các máy bay dân sự lẫn quân sự sẽ trở thành điều tất yếu. Đây là tiền đề cho một Vùng Nhận dạng Phòng không và chúng ta sẽ sớm nhận thấy căng thẳng gia tăng", ông Ian Storey nhấn mạnh.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và khu vực cho rằng, Trung Quốc sẽ sớm triển khai các radar cảnh báo sớm tiên tiên cũng như hệ thống thông tin liên lạc quân sự tại đá Chữ Thập.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines...
Bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, bồi đắp phi pháp biến một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng sử dụng cho các mục đích quân sự. Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc động thái của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải.
Theo Dân Việt
Phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay đã trao công hàm phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ở đường băng mà nước này xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN Ngày 2/1/2016, Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết,...