Trung Quốc xây đường tàu hỏa 750km đầu tiên ở châu Phi
Từ năm 2009, Trung Quốc đã coi châu Phi là địa điểm trọng yếu để thúc đẩy nền kinh tế trong nước đang thiếu động lực tăng trưởng.
Bản đồ nối Addis Ababa và Djibouti.
Đường sắt dài 750 km được hai công ty Trung Quốc thực hiện kết nối thành phố Addid Ababa (Ethiopia) với thành phố cảng Djibouti ở Biển Đỏ. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nước này không bắt chước kiểu cách “thực dân phương tây” khi nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang muốn lợi dụng nguồn tài nguyên giàu có ở châu Phi để phát triển kinh tế.
Thủ tướng Ethiopia Jailemariam Desalegn và người đồng cấp Djibouti Ismael Guelleh đã được những quan chức Trung Quốc đón tiếp trước buổi cắt băng khánh thành tuyến đường sắt mới.
“Tàu hỏa sẽ thúc đẩy kinh tế đất nước và có lợi lớn cho các khu công nghiệp, nông trại xây dựng trong tương lai. Cơ hội nghề nghiệp cũng là rất hứa hẹn”, ông Deselegn nói tại buổi lễ.
Nhân viên nam người Trung Quốc hướng dẫn nữ đồng nghiệp Ethiopia các nghi thức phục vụ tàu.
Video đang HOT
Hiện nay, café vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ethiopia. Quốc gia châu Phi này đang cố gắng đa dạng hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu và thúc đẩy công nghiệp chế biến.
Đường tàu hỏa chạy điện này là tuyến đầu tiên có mặt ở châu Phi sẽ lưu chuyển nông sản giữa hai vùng của Ethiopia và Djibouti trong chưa đầy 10 tiếng đồng hồ. Trước đây, thời gian di chuyển giữa hai địa điểm là vài ngày.
“Chúng tôi rất phấn khởi. Trước đây xe tải phải đi từ 2 tới 3 ngày mới tới được Djibouti”, Tingrit Worku, một nông dân Ethiopia, nói. “Tàu hỏa sẽ tạo ra sự thay đổi lớn lao”.
Đoàn tàu sơn màu cờ của Ethiopia.
Hiện nay mỗi ngày có hơn 1.500 xe tải chạy trên tuyến đường nối Ethiopia và khu cảng ở Biển Đỏ. 90% hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển qua tuyến giao thông huyết mạch này. Biển Đỏ là trung tâm thương mại lớn của châu Á, châu Âu và phần còn lại của châu Phi.
“Đây là một phép màu thực sự. Ethiopia là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi hiện nay. Kết nối với Biển Đỏ ở Djibouti sẽ tạo ra lợi thế lớn cho kinh tế nước này thăng hoa”, Mekonnen Getachew, quản lý dự án thuộc Tập đoàn Đường sắt Ethiopia, phát biểu.
Dự án đường sắt 750km chỉ là một phần trong tham vọng 5.000km đường ray ở Ethiopia.
Năm ngoái, Ethiopia tăng trưởng 10,2% nhưng nạn hạn hán tồi tệ nhất 30 năm qua sẽ kéo tốc độ tăng trưởng xuống dưới 4,5% trong năm 2016. Với tuyến đường sắt mới, hai quốc gia Ethiopia và Djibouti đều được hưởng lợi. Djibouti sẽ được tiếp cận thị trường 95 triệu dân của Ethiopia và ngược lại Ethiopia có thể tiếp cận Biển Đỏ nhộn nhịp.
Tuyến đường sắt mới cũng chấm dứt hệ thống đường ray Pháp xây dựng từ năm 1917. Sau hàng thập kỷ sử dụng, tuyến đường cũ kĩ này đã hư hỏng nặng. Sau buổi cắt băng khánh thành, đơn vị chủ quản sẽ chạy thử trong 3 tháng và hành khách không phải trả tiền khi ngồi tàu. Ngoài ra, hàng hóa sẽ được chuyển tới thành phố Mieso, Dire Dawa, Dewele.
Trung Quốc đang vươn cánh tay sang châu Phi để tìm kiếm động lực phát triển kinh tế.
“Chúng tôi vẫn chưa có kinh nghiệm quản lý đường sắt. Ethiopia đã kí hợp đồng đào tạo với Trung Quốc để huấn luyện chuyên môn trong 5 năm”, Getachew nói.
Đường sắt mới trị giá 3,4 tỉ USD với đoàn tàu sơn đỏ, vàng và xanh lá, đại diện cho quốc kỳ Ethiopia. 70% vốn được ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp. Hai đơn vị thi công là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và Tập đoàn Xây dựng Dân dụng Trung Quốc. Nhiều ý kiến đặt ra quanh sự thiếu minh bạch và quản lý yếu kém của tuyến đường sắt này.
Hành khách trên toa tàu mới khai trương.
Mới đây, một đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã có mặt ở Addid Ababa để ký kết thỏa thuận cung cấp 100 triệu USD xây dựng đường quốc lộ ở Ethiopia.
Nguồn tài nguyên giàu có ở châu Phi đã giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh và nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của lục địa đen từ năm 2009. Dù vậy, đầu tư ở châu Phi sụt giảm hơn 40% trong năm 2015 khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Tuyến đường sắt mới dự kiến giúp kinh tế hai vùng tăng trưởng mạnh.
Tuyến đường sắt 750km là bước đầu tiên trong hệ thống 5.000 km ở Ethiopia dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nối Kenya, Sudan và Nam Sudan.
Djibouti là quốc gia nhỏ nhất ở khu vực Sừng châu Phi, coi dự án là bước khởi đầu của kế hoạch đường sắt xuyên châu Phi, nối Biển Đỏ và Đại Tây Dương. Nếu đi bằng thuyền, hành trình mất tới 3 tuần. Dù vậy, ước mơ này sẽ không dễ thực hiện vì đường sắt sẽ phải đi qua những vùng đang chiến tranh triền miên như Nam Sudan và cộng hòa Trung Phi.
Djibouti cũng là nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Theo Quang Minh – Guardian (Dân Việt)