Trung Quốc xây đường băng tại Gạc Ma: Phải kiện ra tòa quốc tế!
“Chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế trước những vi phạm chủ quyền trên Biển Đông thời gian qua”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.đã khẳng định điều này với Đất Việt.
Trung Quốc xây đường băng tại Gạc Ma vì mục đích quân sự!
Mới đây Trung Quốc đã công bố hình ảnh về đường băng nước này mới mở rộng trái phép trên đảo Phú Lâm. Theo các hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng cũ ở đảo Phú Lâm được mở rộng từ 2.400m lên khoảng 2.800m thay vì 2.000m như trước đây công bố.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng việc xây dựng đường băng sân bay ở đảo Phú Lâm được coi là biểu tượng cho tư tưởng bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Với sân bay Phú Lâm, Trung Quốc có thể mở rộng khả năng bay tuần tra hầu hết vùng biển mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, hầu hết các loại máy bay của không quân Trung Quốc đều có thể cất, hạ cánh ở đường băng này.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích: “Từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Đây thực sự sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của Việt Nam”.
Lý giải lo ngại này, Tướng Thước cho rằng: “Nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không phải tiếp dầu ở trên không”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng khẳng định, hoạt động xây dựng đường băng, đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, là nhằm mục tiêu quân sự, đặt nền móng để nước này thực hiện hóa “Giấc mơ Trung Hoa”.
Video đang HOT
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Bãi đá Gạc Ma thực chất là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một rạn đá màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần đảo Gạc Ma chìm dưới nước.
Bãi đá Gạc Ma này nằm cách đá Cô Lin hơn 3km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh tồn. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm trái phép Gạc Ma của Việt Nam.
Việc Trung Quốc tuyên bố có ý định cải tạo bãi đá ngầm này để phục vụ đời sống nhân dân là vô lý vì đây là những đảo mới, đang xây dựng thì không thể có các hoạt động dân sự. Theo các ảnh vệ tinh chụp được, cho thấy việc xây dựng trên các bãi đá này rất quy mô bao gồm các hoạt động hút cát, đắp đá và hiện nay cũng đã hình thành một đảo nổi.
“Âm mưu của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Mục đích chính vẫn là nhằm mục đích quân sự”, ông Rinh nhận định.
Việc xây dựng đảo nhân tạo và đường băng được Trung Quốc công khai thực hiện
Phải kiện và nhất định thắng
Theo Tướng Thước, Việt Nam cần phải đấu tranh quyết liệt hơn. “Cần phải hoàn thiện hồ sơ sớm để kiện lên tòa án quốc tế “, ông Thước nói.
“Việt Nam phải tính toán kỹ từng bước đi. Nếu chính trị ngoại giao không được thì giải pháp cuối cùng là phải kiện. Nhưng đã kiện là phải thắng. Việt Nam cần huy động các nhà làm luật vào nghiên cứu và hoàn chỉnh hồ sơ kiện, không để việc Trung Quốc chiếm đảo, xây đường băng thành chuyện đã rồi!”, Tướng Thước nhấn mạnh.
Ông cũng tin tưởng vào sự thành công nếu Việt Nam kiên quyết làm đến cùng.
Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho rằng, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các đảo ở Biển Đông là liều lĩnh, trắng trợn đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC).
“Chúng ta phải nên nhớ rằng, tham vọng của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Trung Quốc cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó họ thực hiện các yêu sách đường lưỡi bò của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào.
Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc, và chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để thực hiện hóa điều này.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, hiện nay Việt Nam cần kiên trì, liên tục đấu tranh để bảo về quyền lợi của đất nước trong đó không loại trừ việc hoàn thiện hồ sơ để kiện Trung Quốc”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Theo Đất VIệt
Thế giới vạch trần ý đồ quân sự hóa đảo Phú Lâm của Trung Quốc
Phản ứng "kiên quyết phản đối" của Việt Nam trước việc Bắc Kinh xây dựng đướng băng và những cơ sở khác trên đảo Phú Lâm, thuộc vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm từ năm 1974, đã được giới quan sát ghi nhận là cứng rắn, tương ứng với các mối đe dọa quân sự tiềm tàng mà các công trình này đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước khác, theo RFI.
Ảnh chụp từ vệ tinh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa hiện do Trung Quốc chiếm giữ. Nguồn RFI
Hãng tin Bloomberg của Mỹ, trong một bài viết công bố hôm 10/10/2014, đã trích dẫn một số chuyên gia nhận định rằng đường băng cũng như các cơ sở khác mà Bắc Kinh xây dựng trên đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa, ngoài mục tiêu xác lập chủ quyền thực tế của Trung Quốc trên những thực thể mà họ đã cưỡng chiếm bằng vũ lực, còn có chức năng quân sự, làm bàn đạp cho Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông.
Theo ông Collin Koh, chuyên gia tại trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, vụ giàn khoan HD-981 vào mùa hè vừa qua đã nêu bật các hạn chế của Trung Quốc trong việc giám sát khu vực từ trên không. Trong tình hình đó, Bắc Kinh sẽ biến đảo Phú Lâm - tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông - thành một trung tâm chỉ huy quân sự và điều hành kiểm soát mạng lưới giám sát vùng biển.
Trả lời Bloomberg qua điện thoại, chuyên gia này thẩm định: Vấn đề không chỉ là kéo dài đường băng, mà là xây dựng các nơi trú ẩn cho các loại máy bay nhỏ như chiến đấu cơ, hầm ngầm chứa nhiên liệu và đạn dược.
Ông Alexander Vuving, một chuyên gia phân tích an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii đã gắn liền các hành động xây dựng của Trung Quốc tại Hoàng Sa với việc Bắc Kinh đang tạo ra những hòn đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa.
Theo ông Vuving: Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới tất cả mọi người trên thế giới về quyết tâm bảo vệ cái mà họ gọi là sự toàn vẹn lãnh thổ. Đối với chuyên gia Vuving, với tất cả các hành động tại Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đang càng lúc càng cứng rắn.
Thái độ cứng rắn trên đây đã thể hiện rõ rệt qua việc Bắc Kinh như đã rầm rộ loan báo viêc hoàn tất đường băng trên đảo Phú Lâm ngày 07/10/2014, khi cung cấp cho truyền thông Trung Quốc một loạt ảnh chụp về các công trình đã thực hiện.
Nhật báo Hồng Kông có uy tín South China Morning Post trong số ra ngày hôm 09/10/2014, đã không ngần ngại gọi hành động phô trương đó là tín hiệu "hù dọa" gởi đến Việt Nam và Mỹ, nhất là khi một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc được tờ báo Hồng Kông trích dẫn đã không che giấu ý đồ quân sự hóa vùng Hoàng Sa của Trung Quốc.
Ông Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), chuyên gia quân sự làm việc tại Thượng Hải khẳng định răng đường băng trên đảo Phú Lâm sẽ là một chiếc tàu sân bay không thể đánh chìm, một căn cứ lý tưởng cho phi cơ của Hải quân Trung Quốc lên xuống.
Một chuyên gia Trung Quốc khác trong lãnh vực Hải quân là ông Lý Kiệt (Li Jie) tại Bắc Kinh còn dự đoán rằng đường băng quân sự đó sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Đối với chuyên gia này, đường băng trên đảo Phú Lâm đã biến nơi này thành sân bay quân sự lớn nhất ở miền cực Nam Trung Quốc, có thể góp phần nâng cao năng lực của chiến đấu cơ Trung Quốc, phục vụ các chuyến bay thám thính, thậm chí cho pháp chống hành động do thám của nước ngoài.
Theo NTD/Bizlive
Báo Trung Quốc: Gạc Ma sẽ thành "tàu sân bay không chìm Bắc Kinh" ở Biển Đông Một khi Trung Quốc đảo hóa thành công một số bãi đá ở Trường Sa sẽ thay đổi căn bản và toàn diện tình thế Biển Đông, Bắc Kinh sẽ như hổ mọc thêm cánh. Hình ảnh đồ họa về cái gọi là "tàu sân bay không bao giờ chìm" ở Gạc Ma được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, tờ...