Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng quân sự ở Phú Lâm: Bước đệm nguy hiểm
“Việc Trung Quốc hoàn tất xây dựng đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, càng thể hiện rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông, đe dọa an ninh khu vực”, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – Cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu – nhận định khi trao đổi với NTNN ngày 9.10.
Tối 7.10, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đã ngang ngược xây xong đường băng dành cho máy bay quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Tân Hoa xã, đường băng này dài 2.000m, dành cho các máy bay quân sự. Đảo Phú Lâm tuy là một đảo nhỏ, chỉ có diện tích 2km2 nhưng đã trở thành như một tiền đồn biểu tượng cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng quân sự ở Phú Lâm: Bước đệm nguy hiểm
Trước diễn biến mới này, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đã có những bình luận và phân tích về sự nguy hiểm ẩn sau hành động của Trung Quốc.
Là nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông bình luận như thế nào về hành động Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm?
- Việc làm sai trái của Trung Quốc mà chúng ta đang đề cập đến cho thấy Trung Quốc đang thêm những “bước đi sâu” vào việc khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép. Đường băng mới này sẽ là tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc để phục vụ cho các hoạt động quân sự.
Chuyên gia Dương Danh Dy
Việc làm sai trái của Trung Quốc mà chúng ta đang đề cập đến cho thấy Trung Quốc đang thêm những “bước đi sâu” vào việc khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã đóng chiếm trái phép.
Như chúng ta đã biết về sức mạnh của hải quân Trung Quốc, nếu không có những đường băng quân sự như thế này thì máy bay của Trung Quốc khó lòng hoạt động được trên Biển Đông, bởi chỉ cần bay từ lãnh thổ của Trung Quốc ra đến Phú Lâm là đã hết nhiên liệu nên rất cần những sân bay như thế.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang rất thiều dầu. Mỗi năm, Trung Quốc phải nhập hơn 200 triệu tấn. Giai đoạn từ năm 1985 đến 1995, Trung Quốc đã thăm dò hầu hết Biển Đông, nắm được những vị trí có mỏ dầu, mỏ sắt… Vì những lẽ đó, hành động Trung Quốc ngang nhiên xây đường băng trên đảo Phú Lâm càng lộ rõ âm mưu Trung Quốc muốn chiếm bá quyền trên Biển Đông.
Thưa ông, liệu Trung Quốc có sử dụng đường băng trên đảo Phú Lâm làm trạm trung chuyển, để tiến hành các hoạt động quân sự đe dọa đến các hòn đảo khác không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đó có Trường Sa của Việt Nam?
Video đang HOT
- Theo tôi biết, đường băng này không phải là đường băng duy nhất mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, thậm chí có những đảo rất lớn. Quy mô của đường băng này chưa phải là lớn, nó đủ sức chứa những máy bay cỡ nhỏ và vừa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là một căn cứ quân sự để triển khai các hoạt động hải quân và ảnh hưởng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một nguy cơ cận kề.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, đường băng trên đảo Phú Lâm cũng là bước đệm để Trung Quốc tiến tới thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” trên Biển Đông, ông có đồng tình với nhận xét này không?
- Tôi cho rằng, Trung Quốc làm bất cứ cái gì cũng có tính toán kỹ. Đó cũng là một trong những bước đi rất nguy hiểm để dần tiến tới việc thiết lập cái gọi là “vùng nhận diện phòng không” ở Biển Đông.
Và chắc chắn, những hành động phi pháp của Trung Quốc sẽ cản trở việc tiến tới thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?
- Đúng vậy. COC là một văn bản pháp lý, ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên có những hành động phi pháp, đi ngược lại với tinh thần này, một phần cũng là để kéo dài thời gian đàm phán. Tôi cho rằng, để tiến tới COC, sẽ còn phải mất thêm một thời gian dài nữa.
Xin cảm ơn ông!
Không thể thay đổi thực tế về chủ quyền của Việt Nam
Ngày 9.10, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước hành động của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10.2011, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam”.
Theo Dân Việt
Báo chí Mỹ bình luận: Trung Quốc có ý đồ xây "Vạn Lý Trường Thành" trên biển Đông
Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất và xây đảo nổi trái phép ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước đi hết sức thô bạo trên Biển Đông. Hành động này ngày càng lộ rõ mưu độc của Trung Quốc ở Biển Đông và gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế. Báo chí Mỹ đã bình luận hành động này của Trung Quốc là xây "Vạn lý trường thành" trên Biển Đông...
Âm mưu muốn "hóa tốt thành xe"
Nhiều nước trên thế giới đã chỉ rõ, bằng việc đắp đất phong nền, biến đá thành đảo tại Gạc Ma (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đang vẽ lại bản đồ Biển Đông từng giờ chính là Trung Quốc. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng, Bắc Kinh đã thay đổi hiện trạng xung quanh các bãi đá ngầm kể trên.
Mặc dù, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh trả lời phóng viên nước ngoài rằng "việc bồi đất đảo chủ yếu với mục đích cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống của người dân đồn trú trên các hòn đảo này". Tuy nhiên, phương tiện truyền thông trong nước, điển hình là Tân Hoa Xã trong một bài viết lại cho rằng: "Trung Quốc xây dựng mở rộng Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc". Nếu đó là tuyên bố của giới cầm quyền Trung Quốc thì theo các chuyên gia quốc tế đây là một nước đi hết sức nguy hiểm và thâm độc. Bài báo này còn nêu rõ việc mở rộng
Gạc Ma là bước đệm để máy bay chiến đấu của họ có thể xâm nhập toàn bộ khu vực Trường Sa. Một khi hình thành được cứ điểm quân sự ở đây, Trung Quốc không chỉ có thể khống chế quần đảo Trường Sa mà còn tạo thành bàn đạp "quản" cả Biển Đông; rồi dần dà trở thành "cái gai rất chướng" đối với các hoạt động kết nối giữa lục địa và biển của Việt Nam.
Mối lo ngại này không phải không có lý do, bởi chính tờ Hoàn Cầu thời báo cũng thông tin Gạc Ma cách TP.HCM 830km, cách Manila 890km, cách eo biển Malacca khoảng 1.500km. Như thế với đường băng 2km trên Gạc Ma, các loại máy bay Su-30, J-10, J-11 của Trung Quốc có khả năng tác chiến đến tận Malacca.
Thông tấn xã Đài Loan trích dẫn nhận định của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Lâm Trung Bân rằng 6 bãi đá ở Trường Sa (gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất) đang bị Trung Quốc đảo hóa nằm trong chiến lược muốn "hóa tốt thành xe", với âm mưu tăng cường khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Ông Lâm Trung Bân cũng cho rằng việc đảo hóa 6 bãi đá này giúp Trung Quốc tạo nên được gần "10 điểm cao chiến lược" ở Biển Đông.
Reuters dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là "tạo thực tế mới trên Biển Đông". Chuyên gia Glaser cho rằng việc Trung Quốc cải tạo đất để xây đảo nổi ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng để đưa công dân Trung Quốc tới đây định cư.
Khi có các hoạt động kinh tế, Bắc Kinh sẽ viện "thực tế mới" này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực "đặc quyền kinh tế" 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra. Qua đó, Trung Quốc sẽ có thêm cơ sở hiện thực hóa bản đồ "đường lưỡi bò" vô lý, hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế.
Mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh, theo chuyên gia Glaser, là xây dựng trên bãi đá Gạc Ma các cơ sở quân sự như đường băng máy bay, lắp đặt hệ thống rađa để thu thập thông tin tình báo...
Trên thực tế, trước đó Tạp chí Quốc phòng Canada - Kanwa Defense Review từng cảnh báo cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ và các nước khu vực. Kanwa cho biết có khả năng Trung Quốc đang xây đường băng dài 2.000m trên đảo mới để lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự. Khi đó, Bắc Kinh sẽ đủ sức tổ chức thực hiện các chiến dịch trên không ở toàn eo biển Malacca, phục vụ chiến lược kiểm soát Biển Đông và thôn tính đảo Đài Loan, điều mà trước đây quốc gia này không thể làm được. Kanwa đánh giá đây là mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ, Việt Nam và Đài Loan. Đảo mới trên đá Gạc Ma và đường băng quân sự cũng sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Đồng quan điểm này, theo tờ Want China Times của Đài Loan sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng đảo Gạc Ma ở Trường Sa và thành phố Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, thì Bắc Kinh có thể lắp đặt hệ thống radar tầm xa, sóng vô tuyến và các thiết bị giám sát trên không và trên biển. Như thế các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đến tận Singapore sẽ nằm trong tầm kiểm soát của radar Trung Quốc. Tàu bè qua eo biển Malacca cũng sẽ bị radar Trung Quốc theo dõi.
Trên tạp chí Mỹ National Interest, chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một "Vạn Lý Trường Thành" trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này. Ông cũng khẳng định, Trung Quốc đã biện minh cho tất cả các hành động này bằng tuyên bố họ có cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển liền kề, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và đáy biển có liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tựu trung, chiến lược "Biển Xanh" mà Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân bao gồm 5 bước. Thứ nhất, bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan. Thứ hai, tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương. Thứ ba, bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc. Thứ tư, chặn các tuyến giao thông đường biển của của các nước khác. Thứ năm, duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương.
Xâm lược kiểu mới đặc biệt nghiêm trọng và thâm độc
Các hoạt động trên Gạc Ma và các bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy tất cả đều có sự liên kết với nhau, là sự bố trí, sắp xếp được tính toán bài bản của một chiến dịch xâm lược kiểu mới của Trung Quốc. Về bản chất vụ Trung Quốc biến Gạc Ma và một số đảo chìm khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nổi nhân tạo là nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, bởi đây là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên quần đảo Trường Sa chứ không còn là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 9-9, hãng BBC từng đăng phóng sự về hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông của tác giả Rupert Wingfield Hayes. Trong chuyến đi thực địa của mình, Wingfield-Hayes đã đến thăm 2 bãi cạn nhưng bây giờ đã được cải tạo thành đảo. Wingfield-Hayes đã miêu tả đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam như sau: "Hàng triệu tấn đất đá được nạo vét từ đáy biển, sau đó đổ vào các bãi cạn để tạo đảo". Không những vậy, "dọc theo đường bờ biển mới, tôi chứng kiến các đội công nhân đang xây dựng một bức tường chắn sóng. Ở đây có các xe tải bơm xi măng, những cần trục, đường ống thép lớn...".
Bình luận của chuyên trang quân sự tờ QQ News cho thấy, dù với mục đích xây dựng căn cứ không quân như phân tích của giới quan sát và truyền thông quốc tế, hay căn cứ hải quân - hải cảnh như tờ báo Trung Quốc này thì rốt cuộc vẫn chỉ nhằm khống chế Trường Sa, hiện thực hóa "đường lưỡi bò" phi pháp tiến tới độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Bãi đá Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một rạn đá màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần bãi đá Gạc Ma chìm dưới nước. Bãi đá này này nằm cách bãi đá Cô Lin hơn 3 km về phía Đông Nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn.
Năm 1988, sau trận Hải chiến Trường Sa, Trung Quốc đánh chiếm 6 rạn san hô và đảo san hô trong bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiểm soát 29 hòn đảo trong quần đảo này.
Chuẩn đô đốc PGS-TS Lê Kế Lâm, Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam: Trung Quốc đang muốn uy hiếp các nước khác
Tháng 3-1988, Trung Quốc dùng lực lượng vũ trang chiếm 5 bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có 3 đảo quan trọng là Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên ở trung tâm quần đảo Trường Sa. Việc làm này của Trung Quốc nằm trong ý đồ muốn chiếm hoàn toàn biển Đông để lấy đường đi ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bằng hình thức vũ trang quân sự. Mặc dù quyền hàng hải trên Biển Đông đối với tất cả các nước là đều ngang nhau, nhưng Trung Quốc không muốn như thế, họ muốn có quyền đặc biệt của họ là khống chế, quản lý và chiếm hoàn toàn biển Đông.
Hiện nay, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây đảo như Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, biến thành căn cứ quân sự với ý đồ lâu dài là để đưa không quân của Hải quân và các tàu chiến, nối dài bàn tay của Trung Quốc về phía Nam. Không phải chỉ ở Hải Nam nữa và không phải Phú Lâm (Hoàng Sa) mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1956 và 1974 nữa mà họ nối dài từ Phú Lâm xuống gần 1000 km. Như vậy rõ ràng khi Trung Quốc xây dựng được Gạc Ma rồi, các máy bay cường kích của họ có thể hoạt động được xuống Singapore, toàn bộ vùng biển Đông có cả Indonesia và Malaysia đều nằm trong tầm khống chế của Trung Quốc. Khi có được điều này rồi thì cán cân lực lượng ở Biển Đông thay đổi và họ sẽ đứng trên thế mạnh để uy hiếp các nước khác. Đó là ý đồ lâu dài. Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây các căn cứ quân sự ở trên các bãi đá ngầm mặc dù đầy tham vọng nhưng cũng rất mạo hiểm. Họ muốn biến những bãi đá ngầm này thành những hàng không mẫu hạm không chìm, nhưng đó là những hàng không mẫu hạm không thể di chuyển. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thì những cơ sở này sẽ bị tiêu diệt đầu tiên.
Thúy Hằng (Tổng hợp)
Theo ANTD
Báo Trung Quốc: Gạc Ma sẽ thành "tàu sân bay không chìm Bắc Kinh" ở Biển Đông Một khi Trung Quốc đảo hóa thành công một số bãi đá ở Trường Sa sẽ thay đổi căn bản và toàn diện tình thế Biển Đông, Bắc Kinh sẽ như hổ mọc thêm cánh. Hình ảnh đồ họa về cái gọi là "tàu sân bay không bao giờ chìm" ở Gạc Ma được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, tờ...