Trung Quốc xác nhận bắt giữ nhân viên lãnh sự Anh tại Hong Kong
Một nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hong Kong bị bắt, giam giữ 15 ngày ở Thâm Quyến vì cáo buộc vi phạm luật pháp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận.
“ Simon Cheng bị cảnh sát thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông bắt giam 15 ngày vì vi phạm nguyên tắc quản lý an ninh công cộng“, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết trong buổi họp báo thường ngày hôm nay 21/8 ở Bắc Kinh. “ Cheng là công dân Trung Quốc, vì vậy đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc“, ông Cảnh nhấn mạnh.
Ông Cảnh không cung cấp thêm bất cứ thông tin cụ thể nào về sự việc. Cảnh sát thành phố Thâm Quyến cũng từ chối bình luận.
Truyền thông hôm 20/8 cho biết Simon Cheng, người được cho là đến từ Hong Kong, mất tích ngày 8/8 trong một chuyến công tác khi đang từ Thâm Quyến trở về Hong Kong.
Simon Cheng mất tích ngày 8/8. (Ảnh: Shutterstock)
Vương quốc Anh cho biết họ “cực kỳ quan ngại” và đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh đang hỗ trợ gia đình Cheng.
Cheng là nhân viên bộ phận thương mại và đầu tư thuộc tổng lãnh sự quán Anh tại Hong Kong. Cheng từng học đại học ở Đài Loan và Trường Kinh tế London ở Anh trước khi trở về Hong Kong. Hiện chưa rõ liệu Cheng có hộ chiếu ngoại giao hay không và anh sử dụng giấy tờ nào để vào Trung Quốc.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết họ đã có những “tuyên bố cứng rắn” gửi tới Vương quốc Anh về những bình luận được đưa ra kể từ khi các cuộc biểu tình ở Hong Kong diễn ra. “Chúng tôi yêu cầu họ ngừng đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm, ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong và công việc nội bộ của Trung Quốc”, ông Cảnh nói.
“Về phía Anh, chúng tôi đã phản đối những bình luận và hành động mà họ đưa ra về vấn đề Hong Kong. Chúng tôi yêu cầu họ dừng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm, dừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong và công việc nội bộ của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Thông tin vụ bắt giữ xảy ra trong bối cảnh Hong Kong đang trong chìm hỗn loạn sau 11 tuần biểu tình liên tiếp để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi và yêu cầu lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
(Nguồn: BBC)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong 'bị bắt tại Trung Quốc'
Một nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong qua Thâm Quyến công tác nhưng đã không trở về.
Một nhân viên Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong vừa bị bắt giữ tại Trung Quốc đại lục sau một chuyến đi đến TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
"Chúng tôi cực kỳ lo ngại về thông tin một thành viên của đội ngũ chúng tôi bị bắt giữ khi đang trên đường từ Thâm Quyến trở về Hong Kong", báo The Wall Street Journal dẫn tuyên bố của một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
"Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình anh ấy và đang thu thập thêm thông tin từ nhà chức trách ở tỉnh Quảng Đông và Hong Kong", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết thêm.
Phía Trung Quốc hiện chưa có phản ứng gì với thông tin của tờ The Wall Street Journal.
Ngày 20-8, trang tin HK01 đưa tin ông Simon Cheng - một nhân viên phụ trách thương mại và đầu tư tại Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong có tham gia một sự kiện kinh doanh ở Thâm Quyến vào ngày 8-8. Ông Cheng có kế hoạch trở về Hong Kong cùng ngày nhưng đã không thực hiện được.
Theo bản tin của HK01, ông Cheng có nhắn tin cho bạn gái người Đài Loan vào tối 8-8 rằng ông đang trên một chuyến tàu cao tốc chuẩn bị băng qua ranh giới Thâm Quyến trở về Hong Kong. Ông này cũng chia sẻ với bạn gái mối lo ngại rằng mình có thể không về lại được Hong Kong. Và rồi ông mất liên lạc sau đó.
Người biểu tình tuần hành tới Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong trong một cuộc biểu tình hồi tháng 6. Ảnh: AFP
Chưa rõ ông Cheng sử dụng giấy tờ đi lại gì cho chuyến đi Thâm Quyến.
Việc kiểm tra an ninh các tuyến tàu cao tốc Thâm Quyến - Hong Kong do các nhân viên an ninh phía Trung Quốc đại lục đảm nhiệm, và ga cuối ở Hong Kong được xem là lãnh thổ của Trung Quốc đại lục.
Hong Kong đang trải qua 11 tuần biểu tình liên tiếp, bắt nguồn từ việc phản đối một dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang xét xử tại các tòa án Trung Quốc. Người biểu tình cáo buộc chính quyền Hong Kong để mất sự độc lập về tư pháp về tay chính phủ Trung Quốc đại lục.
Hong Kong vốn là một thuộc địa cũ của Anh, được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Anh và Trung Quốc có ký một tuyên bố chung vào năm 1984, theo đó Trung Quốc phải đảm bảo quyền tự trị và tự do của Hong Kong cho đến năm 2047.
Trong 11 tuần qua, nhiều quan chức Trung Quốc và Anh đã nhiều lần tranh cãi với nhau quanh chuyện biểu tình. Phía Trung Quốc cảnh cáo phía Anh tránh xa chuyện chính trị Hong Kong.
Ngày 9-8, Ngoại trưởng Anh Dominic Raad gọi điện cho Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga bày tỏ quan ngại về tình hình Hong Kong và thể hiện sự ủng hộ với quyền biểu tình hòa bình.
Ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ông Raad đã sai lầm khi trực tiếp gọi điện cho bà Lâm để làm áp lực. Trong tuyên bố, Trung Quốc "nghiêm túc đề nghị Anh chấm dứt can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc".
ĐĂNG KHOA
Theo PLO
Tổng thống Mỹ ca ngợi người biểu tình ở Hồng Kông, Trung Quốc tức giận Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì Bắc Kinh cho rằng ông Trump can thiệp thô bạo vào các vấn đề liên quan đến Hồng Kông. Câu chuyện theo CNA, bắt nguồn từ việc hôm qua, Tổng thống Mỹ nhận xét những người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng lập pháp của đặc...