Trung Quốc với mục tiêu trở thành siêu cường sản xuất công nghiệp
Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng khả năng sản xuất của đất nước thông qua chiến lược sản xuất đến năm 2025. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ đưa Trung Quốc từ một “nhà sản xuất lớn” trở thành một “siêu cường sản xuất công nghiệp” trong những năm sắp tới.
Theo tờ China Daily, chiến lược nói trên lần đầu tiên được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu ra trong bản Báo cáo công tác Chính phủ tại một cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đưa Trung Quốc từ vị thế một nhà sản xuất nặng về số lượng trở thành một nhà sản xuất coi trọng chất lượng.
Mô hình tàu cao tốc được trưng bày tại một triển lãm ở Thượng Hải. Ảnh: chinadaily.com.cn
Kế hoạch này kêu gọi thay đổi phương thức sản xuất đơn giản, vốn tập trung vào công nhân, để hướng tới khu vực sản xuất phức tạp có đủ khả năng cạnh tranh với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hơn. Chiến dịch này sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, đồng thời đưa ra những biện pháp có lợi cho lĩnh vực công nghệ và tăng cường phát triển các ngành công nghiệp mới.
Như chiến lược đã đề ra, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển 10 ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm: Thiết bị nông nghiệp, thiết bị điện, y sinh học và thiết bị y tế hiệu suất cao, công nghệ thông tin, xe tiết kiệm năng lượng, thiết bị đường sắt, hàng không vũ trụ và thiết bị hàng không, thiết bị kỹ thuật hàng hải và sản xuất tàu công nghệ cao, máy điều khiển số công nghệ cao và tự động hóa, vật liệu mới.
Video đang HOT
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc còn đang đặt nền móng cho một sự chuyển đổi của quốc gia này từ vai trò là một nhà sản xuất sang “nhà sáng chế hàng đầu” vào năm 2020. Tờ China Daily cho rằng, trong khoảng 3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã nổi lên như một cơ sở sản xuất chính của thế giới, song khả năng cạnh tranh của quốc gia này trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến vẫn tương đối yếu, một phần là do các công ty trong nước ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chính vì vậy, khuyến khích các công ty trong nước nâng cao khả năng sáng tạo và làm ra những sản phẩm hiện đại là một trong những yêu cầu quan trọng hiện nay.
Máy móc nông nghiệp được sử dụng trong lĩnh vực trồng trọt tại tỉnh Shandong của Trung Quốc.
Theo các quan chức Trung Quốc, để có thể trở thành một “nhà sáng chế hàng đầu”, Trung Quốc sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, tiếp tục tăng cường mở cửa và chủ động khai thác các nguồn lực và thị trường toàn cầu. Ông Qi Chengyuan, Giám đốc Cục Công nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc hoan nghênh các tổ chức khoa học quốc tế có uy tín xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các tổ chức nước ngoài tham gia vào các chương trình kỹ thuật của Trung Quốc, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một cơ chế mới cho quá trình sáng tạo, nâng cao vai trò hỗ trợ của các chính sách và tăng cường tiếng nói của các doanh nghiệp trong các quyết định về đổi mới, sáng tạo của nhà nước.
Song song với chiến lược sản xuất công nghiệp đến năm 2025, Trung Quốc còn đề ra Kế hoạch “Internet Plus” dựa trên sự cải tiến, công nghệ thông minh, internet di động, điện toán đám mây và phương châm “mọi thứ đều được kết nối dựa trên internet”. Theo đó, thông tin hóa và công nghiệp hóa sẽ là “kim chỉ nam” cho các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đã nói ở trên.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Thủ tướng: Kết quả điều hành vĩ mô củng cố được lòng tin của người dân
Chiều tối 30/3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I năm 2015.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý I năm 2015.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ xác định rõ, tình hình kinh tế vĩ mô phải được thường xuyên đánh giá để chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong điều kiện thực hiện kinh tế thị trường ngày càng đầy đủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo Thủ tướng, những nhận định, dự báo tình hình đã đưa ra thời gian qua là sát, đúng, nền kinh tế dần phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng tốt hơn; sản xuất công nghiệp tăng khá mạnh; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; công tác an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm;...
Từ những kết quả đạt được, lòng tin của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được củng cố và tăng cường. Từ thực hiện nhiệm vụ trong quý I/2015, cơ quan điều hành cũng có thêm cơ sở để khẳng định có thể thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi đã đề ra cho năm 2015, trong đó có mục tiêu tăng trưởng đạt 6,2%; xuất khẩu tăng 10%; kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định về tỷ giá;...
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; xuất khẩu tăng 10%, kiểm soát tốt nhập khẩu; tiếp tục giữ vũng ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối phát phát triển nông nghiệp, công nghiệp; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu;...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã thảo luận và đề ra nhiều giải pháp phối hợp trong điều hành xuất nhập khẩu và giảm nhập siêu; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy đầu tư phát triển...
Theo báo cáo, tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015 tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn; tốc độ tăng trưởng phục hồi tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; tín dụng tăng trưởng dương; thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới...
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP quý I ước tăng 6,03%, cao hơn mức tăng 5,06% cùng kỳ năm 2014; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm năm 2014; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với quý I/2014, cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 8,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 6,9%;...
Theo dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý II và cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định; lạm phát được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng GDP quý II được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước;... Tuy nhiên, thời gian tới vẫn có nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
P.Thảo
Theo Dantri
Lạ mắt với súng lục, tiểu liên bằng vàng của Pakistan Mới đây tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2014 tại Malaysia, nhà sản xuất công nghiệp quân sự của Pakistan đã thực sự tạo ấn tượng lạ khi trưng bày hai mẫu súng lục và tiểu liên bằng vàng. Khẩu súng lục làm bằng vàng của Pakistan. Theo tờ báo Trung Quốc Sina, khẩu súng này thực sự là một tác phẩm...