Trung Quốc vi phạm luật quốc tế khi cải tạo đảo ở Biển Đông
Trung Quốc vi phạm luật quốc tế khi chủ ý xây đảo nhân tạo trên Biển Đông và sử dụng cho mục đích quân sự.
Hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông – DOC năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không và môi trường biển của Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các học giả trong nước và quốc tế tham dự một hội thảo quốc tế về Biển Đông
Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam hồi tháng 5/2014, nước này lại tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa gồm: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Gaven và Vành Khăn. Trước đó, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép các vùng chủ quyền này nhằm từng bước hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm Biển Đông”.
Chủ đề này đang được dư luận quan tâm và trở thành sự kiện “ nóng” trong nhiều cuộc gặp gỡ, hội đàm của các quốc gia khu vực và quốc tế.
Không được dùng vũ lực để cướp đảo
Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bởi lẽ, vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá nói trên thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam.
Luật pháp quốc tế không bao giờ thừa nhận chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ có được bằng hành động sử dụng vũ lực để xâm lược. Do vậy, hành vi xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của UNCLOS là “sử dụng biển nhằm mục đích hòa bình”. UNCLOS không cho phép các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển quốc tế và đáy đại dương nhằm mục đích quân sự, phi hòa bình.
Tiến sỹ Ngô Hữu Phước, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Tiến sỹ Ngô Hữu Phước phân tích: “Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam là trái pháp luật và xây dựng công trình nhân tạo trên đó lại càng trái pháp luật nữa. Thứ hai, luật quốc tế cũng không thừa nhận việc mở rộng chủ quyền bằng việc tôn tạo đất, đá, cát, sỏi để lấn, để mở chủ quyền của mình trên biển. Thứ ba, hành vi này hoàn toàn vi phạm điều 5, khoản 5 của Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký năm 2002.”
Video đang HOT
Vi phạm DOC
Việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC), cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là COC) đang được Trung Quốc và ASEAN bàn thảo.
Cụ thể, theo cam kết tại DOC, các bên tham gia ký kết đồng ý “thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Đồng thời, các hành động đó của Trung Quốc cũng gây lo ngại cho các quốc gia trong khối ASEAN về một Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Biển Đông có 3 điểm chiến lược tiền tiêu đặc biệt quan trọng án ngữ hành lang phía Đông Nam là đảo Hải Nam của Trung Quốc và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 điểm được coi là “yết hầu” về vị trí địa chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới.
Phó Đô đốc Anup Singh, Ấn Độ (ngồi giữa)
Do vậy, có thể nhận thấy rất rõ, tất cả các hoạt động của Trung Quốc trong thời gian gần đây đều nhằm mục đích thôn tính quần đảo Trường Sa của Việt Nam để liên kết 3 điểm tiền tiêu chiến lược này và từ đó kiểm soát toàn bộ Biển Đông, hiện thực hóa “đường lưỡi bò chín đoạn” phi pháp hòng “độc chiếm Biển Đông” là ý đồ có tính toán, bài bản từ lâu của Trung Quốc.
Đảo nhân tạo không tạo thêm quyền mới
Điều 121 của UNCLOS quy định rất rõ ràng: “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu người Australia về Biển Đông khẳng định, với hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc hiện đang dần dần “cắt gọt” vùng biển trung tâm của Đông Nam Á và tìm cách thay đổi bản chất của UNCLOS bằng “thuật giả kim pháp lý” thông qua việc biến UNCLOS thành “luật quốc tế mang đặc sắc Trung Quốc”.
Giáo sư, Tiến sỹ Erick Frankx, Giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu của Đại học Vrije Brussel (Vương quốc Bỉ), Trọng tài viên theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – một trong những chuyên gia về Luật Biển hàng đầu thế giới – cho rằng những hành động của Trung Quốc là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982.
Giáo sư Frankx nói: “Có điều đã quy định trong luật và giải thích rất rõ là chúng ta không được thay đổi hiện trạng ảnh hưởng đến môi trường trong quy định của Luật Biển quốc tế năm 1982. Trong tự nhiên có những mỏm đá, những bãi cạn, những hòn đảo, chúng ta không thể cố tình thay đổi hiện trạng đó vì nó ảnh hưởng đến những quy định của pháp luật quốc tế về khai thác tự nhiên. Việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là những đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế”.
Rõ ràng, tham vọng của Trung Quốc là biến các vấn đề không có tranh chấp trở thành các vấn đề tranh chấp.
Thủ thuật nguy hiểm
Luật sư Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Trung Quốc muốn các vấn đề không tranh chấp trở thành tranh chấp và Trung Quốc đã tôn tạo các đảo chìm trở thành các đảo. Để từ đó Trung Quốc nêu chủ quyền của mình trên các đảo này, để hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Không phải chỉ có Việt Nam lên tiếng mà các nước G7, trong đó có Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối về việc làm của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc tôn tạo các đảo đó là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Và nhất định Trung Quốc cũng bị lên án bởi dư luận quốc tế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (ngồi hàng đầu, bên phải) tại Hội nghị
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định, việc Trung Quốc tôn tạo các công trình đảo thuộc chủ quyền Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc mà còn là vấn đề của khu vực và quốc tế.
“Công trình đảo nhân tạo – tôi nghĩ đây là vấn đề khu vực và quốc tế. Tiếng nói của Philippines thì rất rõ. Làm thế nào để chúng ta nêu được trách nhiệm của các nước trong khu vực, trước hết là của ASEAN, hoặc các nước ngay khu vực này là Đông Bắc Á”- Bà Ninh nhấn mạnh.
Phó Đô đốc Anup Singh kêu gọi các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới phải quan tâm vấn đề này: “Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là hành vi của Trung Quốc là sai và bản thân các tổ chức quốc tế như ASEAN, các tổ chức như APEC, hay như chính Liên Hợp Quốc phải bàn về những vấn đề này, rằng Trung Quốc đang có những hành vi vi phạm luật quốc tế”.
Mới đây nhất, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM-48) tại Kuala Lumpur, Malaysia, các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo trên một số cấu trúc ở Biển Đông và khẳng định, ASEAN cần đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.
Theo VOV
Trung Quốc sắp xây đảo nổi khổng lồ ở Biển Đông?
Quân đội Trung Quốc muốn phát triển khả năng xây dựng những hòn đảo nhân tạo lớn, có thể triển khai trên khắp thế giới khi cần thiết. Và mong muốn này dường như không quá xa vời thực tiễn.
Theo Tạp chí Navy Recognition, Công ty Jidong Development Group của Trung Quốc đã tiết lộ thiết kế đầu tiên dành cho một Cấu trúc nổi Siêu lớn (VLSFs) tại Triển lãm Thành tựu Công nghệ và Khoa học Quốc phòng Quốc gia tổ chức hồi cuối tháng 7 vừa qua ở Bắc Kinh.
Cấu trúc này bao gồm một loạt mô-đun nổi nhỏ, có thể nối lại với nhau ngay trên biển để tạo ra một khối hợp nhất lớn hơn.
Mô hình đảo nhân tạo khổng lồ của Trung Quốc.
Navy Recognition phân tích, VLSFs có rất nhiều công dụng. Loại đảo nhân tạo này có thể được sử dụng như những khối đất liền giả cho mục đích du lịch hay hoạt động như các bến tàu, căn cứ quân sự, thậm chí là sân bay di động.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã xác định xây dựng những tổ hợp cấu trúc nổi trên biển này với mục đích làm căn cứ quân sự. Theo tạp chí Popular Science, các mô-đun mang hình dáng giống Lego của Trung Quốc được thiết kế cho phép lắp ráp dễ dàng dù ở cách xa đất liền.
Thêm vào đó, đặc tính tự nhiên của các mô-đun VLSFs này có thể đảm bảo cấu trúc nhân tạo này hoàn toàn vừa khít, nước không rỉ qua được. Vì vậy, loại đảo này sẽ khó có thể chìm, trừ phi phá hủy từng mô-đun một.
Popular Science cũng nhấn mạnh rằng một VLSF nếu được xây dựng một cách chuẩn xác, có thể là nơi neo đậu của một số lượng lớn máy bay dân sự, máy bay chiến đấu, thậm chí sức chứa còn khủng hơn cả một hàng không mẫu hạm truyền thống. Một VSLF cũng có thời gian hoạt động lâu hơn, điều đó có nghĩa là nó có thể mang theo một lượng chiến đấu cơ nhiều hơn dù tính linh động sẽ bị giảm so với tàu sân bay.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa bắt đầu xây dựng bất kỳ một VLSF nào nhưng các quan chức nước này đã hé lộ ý tưởng táo bạo trên khi thể hiện tham vọng đối với các mô hình quốc phòng đồ sộ và hiện đại, đặc biệt là mô hình có thể giúp Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại vùng biển tranh chấp. Do Bắc Kinh vẫn cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn châu Á, đặc biệt là ở Biển Đông, nên ý tưởng về một hòn đảo nhân tạo di động đóng một vai trò chiến lược quan trọng.
Nhà bình luận Jack Detsch phân tích trên The Diplomat rằng: "Trung Quốc đã cho thấy ý định biến các bãi đá thành các căn cứ quân sự, vì vậy VLSF có thể trở thành một vật bổ sung hữu dụng cho các hệ thống chiến lược chặn tiếp cận/chống xâm lược (A2/AD). Các hệ thống chiến đấu di động này cũng giúp Bắc Kinh loại bỏ bớt những lợi thế sẵn có của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Việc Trung Quốc xây dựng các VLSF có thể là bước tiếp theo trong dự án tạo nên các hòn đảo bất hợp pháp ở Biển Đông. Hiện Bắc Kinh đang nhanh chóng xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trên nền các bãi cạn ở khu vực này. Cho đến nay, Trung Quốc đã xây dựng hơn 2,5 km2 đảo nhân tạo.
Theo thông tin của Reuters, Bắc Kinh đã bước vào giai đoạn hoàn thiện 6 đảo đá ngầm ở Biển Đông và đang bắt tay vào xây dựng đảo thứ 7. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông bị chỉ trích là khiến căng thẳng leo thang tại khu vực lãnh thổ tranh chấp.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự...
Theo Infonet
Biển Đông: ASEAN không thể cứ "cò cưa" mãi với Trung Quốc được Theo chuyên gia Bonnie Glaser thuộc viện nghiên cứu chiến lược CSIS, nếu Trung Quốc tiếp tục cố ý trì hoãn, ASEAN cần chủ động tự thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) trên Biển Đông. Biển Đông: ASEAN không thể cứ "cò cưa" mãi với Trung Quốc được Ngưng cải tạo, nhưng vẫn quân sự hóa Tại hội nghị khu vực...