Trung Quốc và Pakistan nhất trí mở rộng hành lang kinh tế sang Afghanistan
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, ba nước Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan đã nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế bằng cách mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) sang Afghanistan nhằm khai thác triệt để tiềm năng của quốc gia này như trung tâm kết nối khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, Trung Quốc, Afghanistan tại vòng đối thoại ở Islamabad, Pakistan, ngày 6/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari cùng người đồng cấp Tần Cương của Trung Quốc và quyền Ngoại trưởng do chính quyền Taliban tại Afghanistan bổ nhiệm Mawlawi Amir Khan Muttaqi đã tổ chức Đối thoại ngoại trưởng Trung Quốc – Pakistan – Afghanistan lần thứ 5 vào ngày 6/5 vừa qua.
Trong tuyên bố chung sau đối thoại, ba nước đã nhắc lại quyết tâm khai thác triệt để tiềm năng của Afghanistan như một trung tâm kết nối khu vực và tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác ba bên đồng thời cùng nhau mở rộng CPEC sang Afghanistan.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngày 9/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân cho biết lãnh đạo ngoại giao ba nước đã có cuộc hội đàm sâu rộng về nhiều vấn đề và đạt được những hiểu biết chung về quan hệ láng giềng tốt đẹp, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác an ninh, chống khủng bố, kết nối, thương mại và đầu tư. Ông Uông Văn Bân cho biết đây là cuộc đối thoại ngoại trưởng đầu tiên giữa ba nước kể từ khi Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan năm 2021, đánh dấu việc nối lại cơ chế này.
Cũng tại cuộc đối thoại, ba quan chức ngoại giao đã khẳng định sự cần thiết phải giải quyết các thách thức đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực và toàn cầu, tác động trực tiếp đến ổn định và thịnh vượng kinh tế của toàn khu vực. Bên cạnh đó, các bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hỗ trợ nhân đạo bền vững và khẩn cấp cho người dân Afghanistan, cho rằng điều đó phải được tách biệt khỏi mọi tính toán chính trị. Ngoài ra, các quan chức trên còn kêu gọi các nước liên quan dỡ bỏ trừng phạt đơn phương đối với Kabul, trả lại tài sản ở nước ngoài vì lợi ích của người dân Afghanistan, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế và thịnh vượng cho đất nước.
Trung Quốc, Pakistan kêu gọi viện trợ cho Afghanistan
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, ngày 8/5, các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Pakistan đã ra tuyên bố kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Afghanistan, cho rằng hoạt động này nên được tách khỏi "những cân nhắc chính trị".
Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Herat, Afghanistan, ngày 11/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Afghanistan để tạo cơ hội phát triển kinh tế và thịnh vượng cho đất nước này.
Viện trợ cho Afghanistan sẽ giảm mạnh trong năm nay do các nước tài trợ phản đối những hạn chế mà chính quyền Taliban áp đặt đối với nhân viên viện trợ nữ và cố gắng đối phó với sự gia tăng các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới.
Liên hợp quốc (LHQ) tuần trước cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục không triển khai nhân viên tới Afghanistan sau khi chính quyền tại Kabul bắt đầu áp đặt lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho cơ quan quốc tế này.
Theo dữ liệu của LHQ, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho lời kêu gọi của LHQ vào năm ngoái, với gần 1,2 tỷ USD. Trong năm 2023, Mỹ là nhà tài trợ nhiều nhất với 75 triệu USD. Mặc dù khoản tài trợ đó đang cạn kiệt, nhưng lời kêu gọi của LHQ chỉ được đáp ứng chưa tới 7% trong tổng số kháng nghị trị giá 4,6 tỷ USD. Chương trình Phát triển LHQ khuyến cáo nền kinh tế Afghanistan sẽ gặp rủi ro nếu viện trợ tiếp tục cạn kiệt.
Kể từ khi lật đổ chính phủ tại Afghanistan vào năm 2021, chính quyền Taliban cũng đã thắt chặt kiểm soát đối với việc phụ nữ tiếp cận đời sống công cộng, bao gồm việc cấm phụ nữ học đại học và đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh. Taliban nói rằng họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích nghiêm ngặt về luật Hồi giáo. Bên cạnh đó, giới chức Taliban cho rằng các quyết định về nữ nhân viên cứu trợ là "vấn đề nội bộ".
Pakistan kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia bị khủng hoảng Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 23/9, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 50 quốc gia đang phát triển phải hứng chịu nhiều tác động từ các cú sốc như đại dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tăng, gia tăng xung đột và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu...