Trung Quốc và Huawei phải đương đầu với “Chiến thuật bầy sói” của phương Tây
Theo New York Times ngày 26.1, ngày càng có thêm nhiều quốc gia bị Mỹ gây sức ép yêu cầu cấm cửa Huawei xây dựng mạng 5G tại đất nước mình. Trong vòng một năm qua, Mỹ đã gây sức ép, thậm chí đe dọa trên toàn cầu để ngăn chặn Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc cải tạo để kiểm soát mạng internet.
Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt về điều mà họ gọi là “Chiến thuật bầy sói ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc”.
Huawei và Trung Quốc đang phải đương đầu với sự bao vây, ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh.
New York Times cho biết, Mỹ đã cảnh báo các đồng minh: 6 tháng tới đây sẽ rất quan trọng vì các nước bắt đầu gọi thầu tần số vô tuyến (radio spectrum) cho mạng di động 5G và quyết định việc ký các hợp đồng xây dựng hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD. Từ mấy tháng nay, Washington đang soạn thảo một mệnh lệnh hành chính, dự kiến trong vài tuần tới sẽ ban hành và thực thi cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị của Trung Quốc trong các mạng viễn thông then chốt. Mệnh lệnh hành chính này sẽ vượt qua các pháp quy hiện nay chỉ cấm các mạng của chính phủ sử dụng thiết bị tương tự.
Tại cuộc họp báo ngày 28.1, ông Cảnh Sáng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Trung Quốc chú ý đến thông tin liên quan trên báo chí. Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ chấm dứt mọi sự trù dập vô lý đối với các công ty Trung Quốc trong đó có Huawei, tạo môi trường công bằng tốt đẹp cho việc hợp tác bình thường giữa các công ty Mỹ – Trung, làm thêm nhiều việc có lợi cho sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên.
Công nghệ 5G của Huawei đang trở thành một tiêu điểm trong cuộc đối đầu mậu dịch Mỹ – Trung.
Ông Cảnh Sảng thông báo, Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây đã nêu rõ lập trường của chính phủ Trung Quốc trước vấn đề “cá biệt quốc gia gần đây trù dập công ty Trung Quốc”. Theo đó, việc “cá biệt quốc gia” (ám chỉ Mỹ) huy động sức mạnh quốc gia để bôi nhọ và đả kích một công ty trong tình hình không có chứng cứ gì là cách làm không công bằng và không đạo đức.
Ông Cảnh Sảng dẫn lời Vương Nghị nói: “Một nước đương nhiên có quyền bảo vệ an toàn thông tin quốc gia, nhưng không thể giương chiêu bài an ninh quốc gia, lấy cớ không có thực để gây tổn hại thậm chí bóp chết hoạt động kinh doanh hợp pháp của một công ty. Đối với cách làm vô lý và hành vi bắt nạt đó, các nước cần cảnh giác và chống lại”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, hôm 25.1, ông Vương Nghị khi trả lời báo chí sau khi kết thúc chuyến đi thăm Pháp và Italy đã nói: “việc Huawei bị trù dập là rất rõ ràng, đặc biệt không thể chấp nhận được khi xem xét ý đồ chính trị ở phía sau”.
Ngày 27.1, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã viết bài nhan đề “Đừng tin những lời hù dọa, Huawei không đe dọa an ninh nước Anh” đăng trên báo Daily Telegraph. Bài của ông Lưu viết: “Thời gian gần đây, chính phủ và truyền thông một số quốc gia phương Tây ra sức rêu rao về cái gọi là “mối đe dọa an ninh” của các công ty Trung Quốc. Cá biệt quốc gia còn đưa ra lệnh cấm cửa thị trường đối với công ty Huawei, vu khống Huawei gây nên mối uy hiếp đối với an ninh quốc gia. Những lời lẽ đó thiếu căn cứ thực, dẫn dắt sai lệch dân chúng địa phương, đi ngược quy luật thị trường, làm tổn hại niềm tin doanh nghiệp. Nếu cứ để chúng phát triển sẽ đầu độc không khí hợp tác kinh tế quốc tế, đem lại sự bất ổn và không xác định nhiều hơn cho kinh tế thế giới”.
Video đang HOT
Ông Lưu Hiểu Minh kết luận: “Huawei không gây ra bất cứ mối đe dọa nào cho nước Anh. An toàn mạng là thách thức có tính toàn cầu, cần cả cộng đồng quốc tế cùng chung tay ứng phó”.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh: việc ngăn cản Huawei ở châu Âu là hành vi chủ nghĩa bảo hộ cực đoan xuất phát từ mưu đồ chính trị, đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa.
Theo trang mạng Financial Times bản tiếng Trung ngày 28.1, ông Trương Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kiêm Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng mạnh mẽ xung quanh việc “người khổng lồ công nghệ Huawei” và các công ty Trung Quốc khác bị “phỉ báng và kỳ thị tại châu Âu” – Cho rằng “hiện nay có người đang không tiếc sức nhào nặn ra câu chuyện xung quanh vấn đề an toàn của Huawei. Tôi không cho rằng chuyện này có bất cứ liên quan gì đến vấn đề an ninh. Đây là hành vi chủ nghĩa bảo hộ cực đoan xuất phát từ mưu đồ chính trị, đi ngược lại trào lưu toàn cầu hóa”.
Ông Trương Minh nói: “Tiến hành phỉ báng, kỳ thị, trù dập, uy hiếp hay phán xét người khác đều không giúp ích gì” khi đề cập đến việc Mỹ đốc thúc các nước châu Âu áp dụng lập trường cứng rắn hơn và các nước châu Âu ngày thêm lo ngại về an toàn mạng đối với các công ty Trung Quốc. Trương Minh phê phán “đây là thủ đoạn chính trị hóa vấn đề kinh tế, đi ngược lại tự do kinh tế và nguyên tắc cạnh tranh công bằng”. Ông cảnh báo “châu Âu cần đề cao cảnh giác, đề phòng có người cố ý phá hoại” và tuyên bố: “Mọi ý đồ hạn chế công ty công nghệ Trung Quốc tham gia xây dựng mạng di động tốc độ cao 5G châu Âu đều có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế và hợp tác khoa học toàn cầu”.
Trang tin Đa Chiều cho biết, xuất phát từ việc xem xét nguy cơ mất an toàn công nghệ, EU đang tìm cách tăng cường thẩm tra và đảm bảo về an ninh đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Các hãng viễn thông lớn nhất của Anh và Pháp đều đã tuyên bố không sử dụng công nghệ 5G của Huawei; các nước Đức, Ba Lan, Na Uy sắp tới cũng có thể không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở nước họ.
“Người khổng lồ công nghệ” Huawei được nhìn nhận khác nhau ở Trung Quốc và nhiều nước phương Tây
Tờ Tin tức tham khảo của Trung Quốc ngày 27.1 cho rằng các nước phương Tây đang sử dụng “Chiến thuật bầy sói” để ngăn chặn Huawei, ngăn chặn Trung Quốc. Đây vốn là chiến thuật “lấy yếu thắng mạnh” được sử dụng hồi chiến tranh thế giới thứ Hai khi các tàu ngầm Đức tạo thành bầy tấn công các tàu thuyền đối phương không được bảo vệ trên mặt biển; nay được các nước phương Tây sử dụng như là cách tiêu cực “bế quan tỏa quốc” trước ưu thế công nghệ và địa vị thị trường của Huawei, thể hiện tâm thế thiếu tự tin và tự cô lập. Báo này cho rằng: Trung Quốc không phải là con cừu bị bầy sói bao vây, Trung Quốc có đủ tự tin và đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty và công dân nước mình; ngoài ra, phương Tây không còn là một khối thống nhất, đồng điệu với Mỹ, gần đây một số nước như New Zealand, Anh bắt đầu có sự thay đổi, muốn tránh bị cuốn vào cuộc đối đầu với Huawei từ góc độ chính trị…
Tờ Yomiuri Shinbun ngày 28.1 đưa tin, ông Andrus Ansip, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu – cơ quan hành chính của EU, người phụ trách lĩnh vực thông tin của tổ chức này khi trả lời phỏng vấn báo này đã cho rằng, Huawei “rất có thể cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc” và cho biết ông đang xem xét việc tăng cường quản chế sản phẩm của Huawei. Ông nhắc đến “Luật tình báo quốc gia” Trung Quốc ban hành tháng 6/2017 có ghi “Các công ty Trung Quốc có nghĩa vụ phối hợp việc điều tra của ngành tình báo Trung Quốc”; điều này khiến nguy cơ các sản phẩm của Huawei lắp đặt “cửa sau”là rất cao. Ông lo ngại các “cửa sau” này kết nối với các thiết bị bên ngoài để lấy cắp bí mật quốc gia và kêu gọi các quốc gia liên quan cần nhận thức đầy đủ về mối nguy cơ này.
Phó chủ tịch EU Andrus Ansip cho rằng, Huawei “rất có thể cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc” và cho biết đang xem xét việc tăng cường quản chế sản phẩm của Huawei
Đây không phải là lần đầu tiên bên ngoài chú ý đến đạo luật này của Trung Quốc. Hôm 24.1, tờ Sankei Shinbun của Nhật đã đăng bài “Vì sao khó có thể tin vào những biện luận của Huawei” đề cập đến điểm này. Bài báo viết, Chủ tịch Huawei Nhiệm Chính Phi trước đó tuyên bố: “Dù chính phủ Trung Quốc có yêu cầu cung cấp thông tin (Huawei) cũng sẽ từ chối”. Sankei Shinbun viết, ông Nhiệm khó có thể từ chối được vì Điều 7 “Luật tình báo quốc gia” đã quy định: “Bất cứ tổ chức hay mọi cá nhân đều cần phải ủng hộ, hiệp trợ và phối hợp công tác tình báo của quốc gia, giữ mọi bí mật về công tác tình báo của quốc gia mà họ biết được”.
Tuy nhiên, The New York Times đưa tin, mặc dù các quốc gia châu Âu hạn chế Huawei, nhưng đối với họ, việc thoát ly Huawei không là chuyện đơn giản. Các thiết bị của Huawei hiện đang là bộ phận then chốt trong cơ sở hạ tầng mạng không dây của châu Âu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hongkong trước đây cũng từng cho rằng, châu Âu không thể tách khỏi Huawei, tại thủ đô nhiều quốc gia châu Âu, thiết bị mạng 5G của Huawei đều được đánh giá là có giá trị thực tế và châu Âu hiện là thị trường ngoài nước lớn nhất của Huawei. Hôm 24.1, tại hội nghị mạng di động thế giới 2019 công bố công nghệ 5G do Huawei tổ chức ở Bắc Kinh, công ty này thông báo hiện Huawei đã nhận được 30 hợp đồng thương mại 5G, trong đó có 18 bản đến từ châu Âu.
Theo VietTimes
Ngoại trưởng Mỹ và Canada cam kết giải cứu 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14.12 tuyên bố, 2 công dân Canada bị Trung Quốc bắt là bắt giữ trái phép, cần phải được thả ngay lập tức. Ông còn cam kết nỗ lực để bảo đảm họ được trở về nước an toàn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói rằng: Trung Quốc bắt giữ trái phép 2 công dân Canada là hành vi không thể chấp nhận.
"Trung Quốc bắt giữ trái phép 2 công dân Canada là hành vi không thể chấp nhận!"
Hôm 14.12, ông Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cùng bà Ngoại trưởng Chrystia Freeland và Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan tổ chức một cuộc họp báo chung tại thủ đô Washington. Tại đây, ông Mike Pompeo đã nói: "Trung Quốc bắt giữ trái phép 2 công dân Canada là hành vi không thể chấp nhận. Họ cần phải được phóng thích".
"Bất kể họ là công dân nước chúng tôi hay quốc gia khác, Mỹ đều ủng hộ việc này [phóng thích]. Chúng tôi yêu cầu các nước trên thế giới đối xử tốt với công dân quốc gia khác. Tình trạng của hai công dân Canada ở Trung Quốc cần phải kết thúc!", ông Mike Pompeo nói.
Ông Mike Pompeo cũng nhấn mạnh Mỹ luôn dốc sức để công dân của nước mình bị bắt giữ được trở về nhà và cũng làm như thế khi công dân Canada bị bắt.
Ông Mike Pompeo là quan chức cao cấp chính phủ Mỹ đầu tiên lên tiếng bình luận về sự kiện Trung Quốc bắt giữ các công dân Canada. Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã lên tiếng, cho rằng: việc chính phủ Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada vì trước đó Canada đã bắt giữ Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei là "hành vi không thể chấp nhận!".
Quan chức Canada đã được phép đến thăm ông Michale Kovrig. Bà Ngoại trưởng Chrystia Freeland cho biết, nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Ottawa là giành được quyền đến thăm ông Michael Spavor và đảm bảo các công dân Canada này được hưởng dịch vụ lãnh sự toàn diện.
Bà Chrystia Freeland: không có gì đau đớn hơn là việc công dân Canada bị giam cầm ở bên ngoài lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hàng đầu mà chính phủ cần xử lý hiện nay.
Việc Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada là hành vi trả thù vụ bà Mạnh Vãn Chubị bắt
Bà Chrystia Freeland nói, người ta cho rằng hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt trong tuần là hành vi trả thù việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu: "Đối với tôi và ngài thủ tướng, không có gì đau đớn hơn là việc công dân Canada bị giam cầm ở bên ngoài lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hàng đầu mà chính phủ chúng tôi cần xử lý hiện nay".
Bà Chrystia Freeland cũng cho biết khi công dân Canada bị bắt ở nước ngoài, chính phủ sẽ giành cho họ sự giúp đỡ mạnh mẽ. Bà nói: "Trong vụ việc các ông Michale Kovrig và Michael Spavor, điều chúng tôi trực tiếp quan tâm là giành quyền thăm lãnh sự và tìm hiểu những lời cáo buộc của Trung Quốc đối với họ. Chúng tôi đang tìm kiếm những hành động đó, đang rất, rất tích cực phục vụ họ". Bà nói rằng Đại sứ Canada tại Bắc Kinh John McCallum cùng ngày 14.12 đã đến thăm ông Michale Kovrigene tại Bắc Kinh.
Nói về việc Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu, bà Chrystia Freeland cho rằng, đây không phải là một quyết định chính trị mà chỉ là "làm theo quy tắc". Ông Mike Pompeo cũng cho rằng, trong việc truy bắt bà Chu, Mỹ "từng bước đều tôn trọng pháp trị". Theo yêu cầu của Mỹ, Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Chu. Mỹ nói Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Hiện bà đã được bảo lãnh tại ngoại, nhưng có khả năng bị dẫn độ sang Mỹ.
Bà Chrystia Freeland cũng có ý phê phán việc mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump nói vụ án Mạnh Vãn Chu có thể được dùng để đàm phán mậu dịch với Trung Quốc. Bà nói: "Đối với Canada, điều rất quan trọng là không dùng hiệp nghị dẫn độ cho mục đích chính trị. Canada không làm như thế. Tôi nghĩ, các quốc gia dân chủ bao gồm nước Mỹ đồng minh của chúng tôi cũng sẽ tuân thủ quy tắc đó".
Hai công dân Canada bị bắt: cựu quan chức ngoại giao Michale Kovrig (phải) và thương gia Michael Spavor.
Hôm 1.12, cảnh sát Canada theo yêu cầu của Mỹ đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, sau đó Trung Quốc đã bắt bắt giữ hai công dân Canada là cựu quan chức ngoại giao Michale Kovrig và thương gia Michael Spavor. Ông Michale Kovrig hiện là cố vấn của Tổ chức phòng ngừa khủng hoảng quốc tế International Crisis Group. Giới phân tích thời sự quốc tế phổ biến cho rằng đây là hành vi trả đũa lại việc Canada bắt giữ bà Chu.
Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, 2 người Canada bị bắt do liên quan đến vi phạm an ninh quốc gia của Trung Quốc nên bị điều tra, nhưng giới phân tích cho rằng lý do này "mạnh mẽ nhưng có vẻ mơ hồ".
Tổ chức International Crisis Group ngày 15.12 đã ra tuyên bố, yêu cầu Trung Quốc lập tức thả ngay ông Michale Kovrig. Tuyên bố viết: "Việc ông Michale Kovrig bị bắt một cách tùy tiện đã nảy sinh hiệu ứng gây nhụt chí những ai muốn đến thăm và tiếp xúc với Trung Quốc". Tuyên bố cũng viết, do ông Michale Kovrig từ 2014 đến 2016 đã là một nhà ngoại giao Canada ở Trung Quốc nên các cơ quan ngoại giao ở các nơi trên thế giới đều cần chú ý: hoạt động ngoại giao bình thường cũng có thể trở thành lý do bị bắt ở Trung Quốc.
Theo VietTimes
Vụ bắt giữ CFO Huawei: Căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt Ngày 7-12, tờ Yomiuri đưa tin, Nhật Bản sẽ cấm mua các sản phẩm viễn thông từ 2 tập đoàn công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc trong các cơ quan chính phủ do lo ngại rò rỉ thông tin tình báo cũng như các cuộc tấn công mạng. Quyết định trên được công bố trong bối cảnh Huawei đang đối diện...