Trung Quốc và COC: Hứa thật nhiều nhưng có thiện chí?
Tình hình Biển Đông có thể sẽ lắng dịu trong ngắn hạn giữa lúc các nước tranh chấp đang thương thuyết để đạt được một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.
Một bản tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng xuất bản ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 6/1 nói rằng tình hình có thể thay đổi vào giữa năm 2014, khi Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) của Liên hợp quốc bắt đầu quá trình xét xử đơn kiện của Philippines, thách thức tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này.
Theo nguồn tin này, ít nhất 4 buổi họp đã được ấn định vào đầu năm nay giữa Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thương thuyết về COC.
Tàu cá Philippines hướng tới bãi cạn Scarborough, nơi xảy ra tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế về các vấn đề Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng nỗ lực của Trung Quốc hối thúc các cuộc thương thuyết để đạt một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý đã gặp sự đoàn kết của các nước ASEAN.
Video đang HOT
Các nước này sẽ tự kiềm chế để không tác động tới mục tiêu nhắm tới, bởi đang có hy vọng sẽ đạt được COC. Theo ông Oh Ei Sun, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, thì Bắc Kinh rốt cuộc đã kết luận rằng COC phù hợp với mục tiêu mà chính họ nhắm tới, đó là gác lại tranh chấp để tập trung cho hợp tác.
Trong khi chờ đợi, Philippines có thời hạn tới ngày 30/3/2014 để đệ trình một biên bản ghi nhớ lên ITLOS đưa ra những lập luận của họ chống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”.
ITLOS sau đó sẽ gửi một văn kiện yêu cầu Trung Quốc trả lời. Nếu Trung Quốc không trả lời, thì tòa sẽ sớm đưa ra quyết định.
Trung Quốc có thiện chí với COC?
Xung quanh căng thẳng ở Biển Đông vẫn chưa đi đến hồi kết, Trung Quốc ngày 30/6/2013 bất ngờ chấp thuận khởi động đàm phán với các nước ASEAN về COC. Thông tin này được Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc xác nhận tại hội nghị ASEAN 3.
Theo đó, Trung Quốc đã đồng ý tổ chức các cuộc “tham vấn” chính thức với ASEAN nhằm xây dựng COC. Trước đó, không khí trở nên căng thẳng sau khi Philippines ra thông cáo báo chí cáo buộc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei.
Tuyên bố đồng ý của Trung Quốc được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp phía Thái Lan Surapong Tovichakchaikul thông báo trong một buổi họp báo chung hôm 30/6/2013, sau một cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đã chấp thuận tham vấn nhưng một bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo hôm 16/8 khẳng định dù Trung Quốc có đồng ý COC, hòa bình chưa chắc đã có ở Biển Đông nếu không theo luật chơi của Trung Quốc.
Có thể nói, với các nước ASEAN, COC là mục tiêu quan trọng nhất cần phải đạt được trong mọi nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm qua 30/6 tại Brunei
Bài báo được đăng tải hôm 16/8 đã thể hiện quan điểm chụp mũ của Trung Quốc về Biển Đông, được thể hiện qua lời nói của Vương Nghị: “Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận nhiều lần về COC, nhưng không đạt được thỏa thuận “do sự can thiệp từ một số bên nhất định” và cần phải “loại bỏ sự khác biệt”.
Ý của ông Vương được giới phân tích diễn giải cụm từ “một số bên nhất định” ở đây ám chỉ các quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước những hành động bành trướng của Trung Quốc.
Đến giữa tháng 9/2013, tại cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của Đông Nam Á với Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc lại cam kết sẽ “từng bước” đàm phán về COC. Trung Quốc cũng không quên nhắc lại quan điểm mọi vấn đề phải giải quyết bằng đàm phán song phương, dấu hiệu chứng tỏ COC vẫn còn rất xa vời.
Từ 10 năm nay, ASEAN rất muốn thảo luận với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý tại Biển Đông, nhằm ngăn chặn những va chạm trong đánh bắt hải sản, lưu thông và khai thác dầu khí.
Bắc Kinh tự cho mình có chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông và không mấy mặn mà với một bộ luật ứng xử có tính ràng buộc, mặc dù đã cùng ký kết với ASEAN bản Tuyên bố về Ứng xử tại Biển Đông (DOC) năm 2002, không có tính ràng buộc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để ‘nâng cấp’ DOC lên COC, Trung Quốc cần thể hiện thiện chí và sự thực tâm bằng một thông tin chính xác hay lịch trình cụ thể, chứ không phải những lời tuyên bố chung chung.
Theo Báo Đất Việt)