Trung Quốc và chính sách “Tôi lớn, tôi có quyền” ở Biển Đông
Thế giới trong những tháng gần đây đã chứng kiến những hình ảnh đáng kinh ngạc về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, cả về tốc độ lẫn quy mô xây dựng.
Hoạt động xây dựng cảng trái phép của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: SIA)
Bản thân hành động này của Trung Quốc được nhận định là bức tranh cát chân thực và hoàn hảo nhất cho chính sách đối ngoại hiện đại của nước này: Chúng tôi lớn, chúng tôi có khả năng, chúng tôi có thể và sẽ xây dựng bất kì thứ gì chúng tôi muốn.
Sau một thập kỉ căng thẳng leo thang trong khu vực, Trung Quốc đang có những động thái mạnh bạo nhất để áp đảo Biển Đông. Trong khi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực trong nhiều năm qua sử dụng ngư dân và lực lượng bảo vệ bờ biển để ngăn cản hay bắt giữ người nước ngoài tại những vùng tranh chấp, Trung Quốc chọn vũ lực để xử lý nhanh chóng vấn đề xung đột phân định biển hóc búa.
Cũng cần thấy rằng, trong số các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, không bên nào đủ sức ngang ngửa với Trung Quốc trên các phương diện sức mạnh kinh tế hay quân sự. Và tất cả các bên đều có những lợi ích kinh tế và sinh thái học đáng kể cần cân nhắc.
Vị trí Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo trong thời gian gần đây nằm cách bờ biển nước này khoảng 1.300km, nằm rất xa bên ngoài những vùng biển được tuyên bố chủ quyền theo quy định quốc tế, trên một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới. Ước tính mỗi năm khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ USD đi qua vùng biển này.
Một trong những quy tắc quốc tế được chấp nhận trong phần lớn những tuyên bố mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là việc thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Tháng 5/2009, sau khi Việt Nam và Malaysia nộp bản báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng Biển Đônglên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc(CLCS), Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối.
Bản thân việc tìm đến một cơ chế phân xử cũng bị Trung Quốc kìm hãm bởi nhiều chiến lược tiếp cận ở các diễn đàn. Khi chủ đề những hành vi hung hăng của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ở Biển Đông nổi lên trong đối thoại song phương Philippines – Mỹ lần thứ 5 hồi tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đáp trả. “Trung Quốc luôn luôn duy trì nhận thức tất cả các quốc gia, bất kể kích thước, đều bình đẳng. Chúng tôi chống lại việc các nước lớn o ép các nước nhỏ. Đồng thời, chúng tôi cũng tin rằng các nước nhỏ không nên đưa ra những yêu cầu vô lý”, ông Vương Nghị nói, nhưng những gì mà Bắc Kinh thể hiện thì hoàn toàn ngược lại.
Tư duy Trung Quốc
Những căng thẳng ở Biển Đông đã thúc đẩy chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với Trung Quốc, sự can dự này của Mỹ không khác gì một “cái nhọt”, họ tuyên bố những xung đột ở Biển Đông một phần là vì những can thiệp của Mỹ.
Thông điệp này một lần nữa được các học giả Trung Quốc phát đi tại Hội nghị thường niên lần thứ 5 về vấn đề Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) diễn ra trong tháng 7 tại Washington D.C.
Video đang HOT
Dễ hiểu lí do tại sao Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi sự can dự của Mỹ trong khu vực, cũng như những biện pháp Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu của nước này ở vùng tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
Với Trung Quốc, sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nước này xem là vấn đề chủ quyền là việc đặc biệt nhạy cảm. Trong cuốn “On China” của nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu dưới thời Tổng thống Richard Nixon ông Henry Kissinger, xuất bản năm 2011, tác giả cho biết Trung Quốc có một hệ thống quan điểm lịch sử vương quốc trung tâm, tức Trung Quốc là trung tâm của mọi nền văn minh và các quốc gia láng giềng nhỏ hơn phải tồn tại dưới sự thống trị của Trung Quốc, phải cống nạp và thể hiện sự tôn trọng với đế vương.
Trong hàng ngàn năm lịch sử, nhà nước Trung Hoa là nhà nước lớn nhất, giàu có nhất trong khu vực. Theo nhận định của cựu ngoại trưởng Kissinger, nhà nước Trung Quốc đang nổi lên và đang hiện đại hóa, đang thực thi nhiệm vụ theo đuổi một sự xuất chúng có tầm cỡ toàn cầu. Đây được xem là việc làm cần thiết mang tính lịch sử để sinh tồn, nếu không muốn nói là một nhiệm vụ đặt ra với một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới.
Cách hiểu này của ông Kissinger không phản ánh toàn bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng đó là cách hiểu đáng lưu tâm trong bối cảnh Trung Quốc đang chiếm ảnh hưởng về kinh tế, quân sự.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc hiểu và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng vô cùng phức tạp. Nước này chỉ sử dụng các quy tắc quốc tế khi những quy tắc này phù hợp với những tuyên bố của Bắc Kinh, và ngược lại.
Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra nhiều tác động, nhưng dễ thấy nhất là những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Biển Đông là nguồn sống, kế sinh nhai của người dân địa phương trong khu vực qua nhiều thế hệ. Việc xây dựng đảo nhân tạo và quá trình bồi đắp gây ra những hậu quả khốc liệt với các rạn san hô cần thiết để duy trì một hệ sinh thái biển khỏe mạnh.
Tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra trong tháng này, bà Irene Susan Natividad, phó đại diện của Philippines tại Liên hợp quốc cho biết những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh “đang tạo ra sự phá hủy mở rộng với sự đa dạng sinh học của khu vực” và sẽ “hủy hoại một cách không thể bù đắp toàn bộ sự cân bằng sinh thái học…”
Theo Anh Minh / Diplomat
baotintuc.vn
Trung Quốc lộ dã tâm quân sự ở biển Đông
Malaysia và các thành viên ASEAN khác không công nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-6 cho biết nước này sẽ sớm hoàn tất các dự án cải tạo đất ở biển Đông, vốn đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Ý đồ độc chiếm tài nguyên
Tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động cải tạo đất trên một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) sẽ "được hoàn tất trong những ngày tới như kế hoạch".
Trong bước đi phơi bày dã tâm quân sự ở biển Đông, bộ này cho biết Trung Quốc sau đó "sẽ chuyển sang xây dựng những cơ sở trên đảo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự" - một động thái chắc chắn khiến căng thẳng leo thang ở khu vực.
Người dân Philippines tuần hành phản đối tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc cuối tuần qua
Không dừng lại ở đó, Bắc Kinh không ngần ngại công khai ý đồ độc chiếm tài nguyên khi ông Triệu Chí Minh, cố vấn trưởng của Hiệp hội Dầu khí và Công nghệ hóa dầu Trung Quốc, hôm 15-6 nói các siêu giàn khoan nước sâu mới sẽ được xây dựng trên nền tảng Hải Dương 981 để khai thác khí đốt tại biển Đông trong giai đoạn 2012-2020.
Giới chức Mỹ cho biết chương trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong những tháng gần đây với mục tiêu biến các bãi đá ngầm thành nơi đặt căn cứ để phục vụ mục đích quân sự.
Viết trên báo The Washington Times mới đây, Đô đốc Mỹ về hưu James A.Lyons và chuyên gia Richard Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (Mỹ) dự báo vào đầu năm 2016, Trung Quốc có thể triển khai 30 chiến đấu cơ và một đội tàu chiến đến căn cứ được xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Một lực lượng có quy mô tương tự cũng sẽ được triển khai tại Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Lo ngại kịch bản xấu này xảy ra, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc những biện pháp phản đối, trong đó có triển khai tàu, máy bay đến vùng biển xung quanh các đảo nhân tạo để phát tín hiệu rằng Bắc Kinh không thể phong tỏa vùng biển quốc tế.
Bỏ ngoài tai mọi chỉ trích, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-6 tiếp tục những lời lẽ dối trá rằng chuyện xây đảo nhân tạo là "hợp pháp, không nhằm vào quốc gia nào và không cản trở tự do đi lại trên biển, trên không ở biển Đông".
Để trấn an dư luận, người phát ngôn bộ này - Lục Khảng - ngụy biện rằng ngoài mục đích quân sự, những cơ sở nêu trên còn hỗ trợ hoạt động "phi chiến đấu và dân sự", như nghiên cứu hàng hải, cứu hộ, cứu trợ thảm họa, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường.
Xoa dịu căng thẳng với Mỹ
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đang chờ xác nhận chính thức của Bắc Kinh trước khi đưa ra phản ứng.
Trong khi đó, GS Carl Thayer, chuyên gia an ninh của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định với báo Financial Review (Úc) rằng Trung Quốc "đã đạt được hầu hết những gì họ muốn" và có ý giảm dần hoạt động cải tạo đất trái phép để xoa dịu căng thẳng với Mỹ trước chuyến thăm Washington vào tháng 9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, không vì thế mà vấn đề biển Đông trở nên bớt nóng tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Washington ngày 23 và 24-6. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, còn phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương.
Tuyên bố ngang ngược nêu trên của Bắc Kinh được đưa ra không lâu trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trụ sở ở The Hague - Hà Lan dự kiến tổ chức phiên điều trần vào ngày 7-7 tới để xem xét khiếu nại của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước động thái này của Manila, đồng thời khẳng định không chấp nhận hoặc tham gia tiến trình phân xử.
Không chỉ Philippines mà Malaysia cũng đang có những tuyên bố cứng rắn. Theo hãng tin Bernama, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin hôm 15-6 khẳng định nước này và các thành viên ASEAN khác không công nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở biển Đông vì nó đi ngược lại luật pháp quốc tế. Vào tuần rồi, giới chức Malaysia cũng cho biết sẽ phản đối mạnh mẽ việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Malaysia ở phía Bắc đảo Borneo.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 14-6 tại quảng trường Alexanderplatz ở thủ đô Berlin - Đức, hơn 3.000 người Việt Nam đã tổ chức cuộc biểu tình lớn phản đối các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Trước đó, vào cuối tuần rồi, hàng trăm người Philippines cũng tập trung phản đối bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati.
Không "tha" Senkaku/Điếu Ngư
Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ ven biển quy mô lớn ở TP Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang nhằm tăng cường giám sát vùng biển quanh quần đảo Sensaku/Điếu Ngư thuộc sự kiểm soát của Nhật Bản.
Kế hoạch trên được đưa ra trong cuộc họp của chính quyền Ôn Châu và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Theo thông tin trên trang web của chính quyền tỉnh Chiết Giang hồi đầu tháng này, căn cứ sẽ có diện tích khoảng 500.000 m2 cùng cầu tàu dài 1.200 m, có khả năng chứa đến 6 tàu. Ngoài ra, nơi chứa máy bay và một trung tâm huấn luyện cũng sẽ được xây dựng tại đây. Ngoài giám sát, căn cứ còn phục vụ hoạt động bảo trì và sửa chữa tàu thuyền, huấn luyện thuyền viên. Tổng chi phí xây dựng căn cứ ước tính hơn 537 triệu USD, do chính quyền trung ương chi trả.
X.Mai
Theo Hoàng Phương
Người Lao động
Trung Quốc sẽ dùng máy bay không người lái tuần tra biển Hoa Đông ? Quân đội Trung Quốc đang xem xét việc triển khai máy bay không người lái (UAV) tuần tra thường xuyên trên biển Hoa Đông, một động thái có thể làm leo thang căng thẳng Trung Quốc - Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc định triển khai UAV tuần tra biển Hoa Đông, đối phó Nhật Bản và Mỹ...