Trung Quốc và chiến lược “lãnh địa hóa” biển Đông
Theo Daniel Schaeffer- một tướng người Pháp đã về hưu, Trung Quốc đang áp dụng là “lãnh địa hóa” biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước khác.
Tướng Daniel Schaeffer tại Hội thảo về Biển Đông ở Paris ngày 16.10.2012.
Theo Đài RFI ngày 29.10, nhân cuộc hội thảo về biển Đông với chủ đề “Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” do Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri đồng tổ chức vào ngày 16.10, Daniel Schaeffer – một viên tướng người Pháp đã về hưu, từng là tùy viên quân sự tại sứ quán Pháp ở Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, hiện là chuyên gia nghiên cứu độc lập về biển Đông và Châu Á – cho rằng, Việt Nam cần phải quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ này để đối phó với chiến lược của Trung Quốc.
Theo ông Schaeffer, khi xem xét hoạt động của ngành ngoại giao Trung Quốc và nhất là các hoạt động trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến vấn đề quyền trên biển, ta thấy rằng Trung Quốc đã vạch ra xung quanh quần đảo Hoàng Sa những đường cơ sở thẳng, như thể đây là một quốc gia quần đảo. Nhưng dựa vào Luật Biển, điều đó hoàn toàn không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào được chấp nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Điểm thứ hai liên quan đến Trường Sa. Khi phản ứng vào năm ngoái trước công hàm của Philippines gửi đến Liên Hợp Quốc để phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc liên quan đến đường 9 đoạn, Bắc Kinh đã thể hiện rõ ý định muốn vạch ra những đường cơ sở thẳng tương tự xung quanh Trường Sa. Trong công hàm đưa ra để phản bác các đề nghị của Philippines, Trung Quốc cho biết là đối với họ, quần đảo Trường Sa có quyền có lãnh hải, có vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế.
Tất cả những lập luận trên, cũng như lập luận về một số bãi đá như James Shoal, hay một mỏm đá khác nằm phía nam quần đảo Trường Sa (không thuộc quần đảo này, nhưng lại ở bên trong đường 9 đoạn) và những sự cố liên quan đến bãi Scarborough, cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là cụ thể hóa các đòi hỏi căn cứ theo đường 9 đoạn đó.
Thêm vào đó, khu vực mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa (quốc tế gọi là bãi Macclesfield) chỉ là một bãi ngầm, không bao giờ nổi lên trên mặt nước kể cả khi thủy triều thấp. Do đó, trong mọi trường hợp, bãi này không có quyền có lãnh hải và lại càng không có quyền hưởng quy chế khu đặc quyền kinh tế.
Trung Quốc cũng có đòi hỏi tương tự đối với một bãi ngầm khác là Truro Shoal. Do việc bãi Truro- cũng như bãi Macclesfield- đều không thể có một vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải, cho nên Trung Quốc đã gộp hai thực thể này với bãi ngầm Scarborough và gọi tập hợp đó là quần đảo Trung Sa – một loại quần đảo hoàn toàn tưởng tượng không hơn không kém.
Video đang HOT
Xung quanh khu vực đó hiện giờ họ chưa vẽ đường cơ sở thẳng nào, cũng chưa nói đến khả năng đó, nhưng ta có thể suy đoán về khả năng này dựa vào những gì xảy ra trước đây. Giữa quần đảo Hoàng Sa và cái gọi là Trung Sa rất có thể có một sự liên tục về mặt pháp lý, điều đó sẽ cho phép Trung Quốc vạch một đường cấm, buộc tàu chiến đi qua khu vực phải dừng lại.
Cho đến nay, các nhà quan sát đã nói rất nhiều về mục tiêu kinh tế của Trung Quốc trong việc tìm cách độc chiếm biển Đông, tức là để chiếm đoạt nguồn dầu khí được cho là dồi dào trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Schaeffer, vấn đề quân sự là một nhân tố tối quan trọng. Việc lãnh địa hóa biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai hạm đội tàu ngầm của họ một cách an toàn hơn, dự phòng khi phải tấn công vào Mỹ.
Ông giải thích: “Khi nhìn trên bản đồ, ta thấy ở Tam Á (phía nam đảo Hải Nam) có căn cứ hải quân, nơi Trung Quốc đặt các tàu ngầm phóng tên lửa của họ”.
Khoảng cách giữa Tam Á này và vùng sâu đầu tiên ở biển Đông- nơi mà các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể tuần tra một cách yên ổn, là 430km. Bất kỳ một máy bay trinh sát nào cũng có thể phát hiện ra tàu ngầm Trung Quốc khi các con tàu này rời cảng và đến nơi tuần tra hay đi xa hơn nữa ra Thái Bình Dương, qua eo biển giữa đảo Luzon của Philippines và vùng phía nam Đài Loan. Hơn nữa, tàu ngầm lớp Tấn- tức là tàu nguyên tử phóng tên lửa thế hệ hai hiện nay của Trung Quốc- lại rất ồn, do đó rất dễ phát hiện. Cho nên cũng dễ hiểu lý do tại sao Trung Quốc muốn biến cả vùng này thành một lãnh hải của riêng họ.
Ngoài ra, dù có nêu rõ hay không, mục tiêu của Trung Quốc không phải là tấn công Mỹ mà là tự bảo vệ mình trước Mỹ. Muốn tự bảo vệ trước Mỹ thì Trung Quốc phải tìm cách đưa tàu ngầm của họ đến được nơi mà mục tiêu Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa phóng đi từ tàu ngầm của họ. Hiện nay, tên lửa Cự Lãng của Trung Quốc chỉ có tầm bắn 8.000km, chưa có khả năng bắn đến Mỹ từ biển Đông.
Nhìn chung, đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn “lãnh địa hóa” vùng biển Đông. Trung Quốc cũng không thể chuyển dịch căn cứ tàu ngầm lên phía bắc, vì biển Hoa Đông có một thềm lục địa chạy dài đến tận Okinawa, không xa bờ biển Nhật Bản, do đó tàu ngầm Trung Quốc khó có thể che giấu hành tung. Tóm lại, nơi kín đáo nhất đối với tàu ngầm Trung Quốc chính là ở phía nam, nơi họ đang đặt căn cứ Tam Á.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì trước chiến lược đó của Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam đang ở tuyến đầu. Theo ông Schaeffer, trong nỗ lực chống lại “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Việt Nam không lẻ loi, và cần phải vận động các nước trong khối ASEAN và nhiều quốc gia khác.
Ông cho biết: “Theo tôi, trước hết Việt Nam không đơn độc. Hiện nay, cả Việt Nam lẫn Philippines đang ở trên tuyến đầu, sắp tới đây tôi cho rằng sẽ đến lượt Indonesia và Malaysia. Các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á cần phải đoàn kết, nỗ lực thu hút sự chú ý của quốc tế.”
Ông Schaeffer giải thích thêm rằng, cần phải thu hút sự chú ý không chỉ của Mỹ mà cả của các nước khác trong vùng như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh Châu Âu, thậm chí cả các nước Mỹ Latinh nữa, vì lẽ biển Đông là một vùng có rất nhiều tuyến hàng hải quan trọng đi qua, và nếu bị Trung Quốc ngăn chặn thì các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải thuyết phục Trung Quốc cho bằng được là họ phải chấp nhận thương thảo vấn đề chủ quyền trên biển Đông trên cơ sở Luật Biển quốc tế. Nếu cần thì phải đưa ra Tòa án Công lý quốc tế, cho dù phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị thủ tục hồ sơ.
Theo tướng Schaeffer, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực quốc tế hóa vấn đề. Cho đến nay, Bắc Kinh luôn chống lại điều này vì biết rõ rằng họ sẽ bị đuối lý.
Theo laodong
Hùng binh thủy vệ biên đất Quảng
Cách đây hơn 170 năm, những người con đất Quảng Nam đã đầu quân vào lực lượng thủy vệ biên để bảo vệ lãnh hải Việt Nam.
Gia phả tộc Lê Văn (nay là thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) ghi rõ, năm 1838, ông Lê Văn Ước, hậu duệ đời thứ 6 tộc Lê được Tuần phủ Nam Ngãi ra chỉ dụ số 1 tạm giao quyền Suất đội thủy vệ binh Quảng Nam số 1. Từ đây, hàng trăm người con trên đất Quảng Nam đã tiếp bước, rẽ sóng vươn khơi, xả thân vì sự nghiệp bảo vệ vùng biển, lãnh hải của Tổ quốc.
Con cháu tộc Lê Văn nâng niu các chỉ dụ do các vua Nguyên ban như báu vật - Ảnh: Hoàng Sơn
Đại đoàn dân binh nghĩa dũng
Theo tài liệu gia phả tộc Lê Văn, tổ tiên tộc Lê nguyên gốc là dân xứ Thanh Ba, xã Kim Anh, phủ Kim Sơn, Nghệ An. Năm 1600, dưới triều vua Lê Kinh Tông, chiến tranh Trịnh - Nguyễn xảy ra liên miên, tổ đời thứ nhất tộc Lê đã dẫn vợ, con vào đất Thuận Quảng lẩn tránh trong 30 năm. Trang thứ hai gia phả ghi, năm 1630, họ lại vào vùng Tiên Đõa, xã Tân Hiệp, phủ Thăng Hoa (nay là Bình Sa, H.Thăng Bình Quảng Nam) lập nghiệp, an cư. Tiếp đó, người của tộc Lê đời thứ 4 về lập địa bạ làng Phú Quý Hạ, làng Phú Ngọc, phủ Thăng Hoa (nay là Tam Phú, Tam Thanh, TP.Tam Kỳ). Ông Lê Văn Ước được sinh ra vào năm Gia Long thứ hai, đơn vị ông đầu quân đầu tiên là Đội thủy vệ biên Quảng Nam số 1.
Căn cứ theo 4 sắc phong hiện vẫn được giữ tại nhà thờ tộc Lê thì ông Lê Văn Ước chính là người giữ chức suất đội thủy vệ binh của hai đội số 1 và số 2, với 100 quân. Theo bản dịch của trụ trì chùa Kỳ Viên (TP.Tam Kỳ), sa môn Thích Chánh Huệ vào đầu tháng 10.2010, chỉ dụ 1 (năm Minh Mạng thứ 18, vào ngày 10.3.1838) và chỉ dụ 2, ông Lê Văn Ước được quan Tuần phủ Nam Ngãi giao làm Đội trưởng Đội Tả thủy vệ Quảng Nam số 1 (năm Thiệu Trị thứ nhất, vào ngày 6.12.1841). Bản dịch viết: "Xét đội Tả thủy vệ Quảng Nam số 1 vị trí đội trưởng còn treo khuyết. Nay căn cứ lời quan viên thưa lên là đã chọn được vị ủy quyền đội trưởng y vệ tên Lê Văn Ước đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn, xin được cấp giấy chứng nhận làm đội trưởng đội y vệ...".
Vào năm Thiệu Trị thứ 2, vào ngày 18.1.1842, ông Lê Văn Ước được quan Tuần phủ Nam Ngãi giao chỉ dụ số 3 giữ thêm chức Suất đội thủy vệ biên Quảng Nam số 2. Đặc biệt, năm Tự Đức thứ 11 (tháng 12.1859), thời điểm thực dân Pháp chiếm Đà Nẵng, ông được quan tri phủ huyện Hà Đông họ Hà phê chỉ dụ số 4 đứng ra kêu gọi dân chúng lập Đại đoàn dân binh nghĩa dũng.
Chỉ dụ viết: "Dưới hạt là các xã thôn đoàn kết, tùy theo mỗi nơi mà quy định tuyển 50, 60 hay trên 40 người làm thành một tiểu đoàn. Mỗi đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn như thế nào có thể thu phục được họ. Quy thúc (tập hợp) thành 5 tiểu đoàn, có tên theo thứ tự thành một đại đoàn... Các đoàn lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ "Hà Đông tiên giang đoàn dân dũng" nhằm trưng bày và cáo phó cho dân biết...". Theo đó, bốn phường: Hòa Thanh Trung, Hòa Thanh Thượng, Hòa Thanh Hạ và Vinh Giang được bố trí làm một đoàn, ông Lê Văn Ước được cử làm đoàn trưởng.
Ông Lê Văn Tài (75 tuổi), con cháu đời thứ 13 tộc Lê Văn cho biết: "Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, 4 chỉ dụ từ gần 200 năm trước vẫn được con cháu dòng họ giữ gìn cẩn thận. Ngày nay, chúng tôi vẫn treo 4 chỉ dụ này tại nhà thờ họ để răn dạy, khơi dậy lòng tự hào cho con cháu về một thời oanh liệt của tiên tổ khi góp sức bảo vệ vùng biển quê hương".
U hồn ấp nấm
Theo tài liệu "Những di tích lịch sử tộc Lê Văn liên quan đến Hoàng Sa và phong trào yêu nước chống ngoại xâm" do những người đứng đầu tộc Lê soạn thảo, ông Lê Văn Ước, là người đã tích cực tuần tra, giám sát và bảo vệ các cảng Đà Nẵng, cửa Đại Chiêm (Hội An), cửa An Hòa, đảo Cù Lao Chàm và đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa. Tài liệu này cũng dẫn nguồn tài liệu theo "Việt Nam - Sự kiện" (của Viện Sử học Việt Nam, xuất bản năm 2001): Năm 1836, thủy binh đưa thuyền ra Hoàng Sa thăm dò đường thủy, đo đạc vẽ bản đồ dâng lên Bộ Công nghiên cứu. Nhiệm vụ của các đội thủy vệ biên lúc bấy giờ còn được sai đến Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hải sản, đo đạc mực nước thủy triều sâu cạn trên các đảo.
Theo đó, ông Lê Văn Ước đã cùng quân binh nhiều lần dong thuyền kiểm soát trên biển như lực lượng biên phòng trên biển thời điểm đó. Gia phả tộc Lê Văn còn ghi tên tuổi 24 người mất tích trên biển khi đang theo ông Lê Văn Ước làm nhiệm vụ tuần tra. Ngày nay để tưởng nhớ vong linh Suất đội trưởng Lê Văn Ước cũng như 24 người mất tích, con cháu họ Lê đã chọn một ngày lành vào trung tuần tháng 3 Âm lịch hàng năm để tưởng niệm. Ngoài ra, tộc Lê còn đắp thêm 24 ngội mộ gió cho 24 người mất tích trên biển theo phong tục "u hồn ấp nấm" để con cháu đời sau tưởng vọng.
Tộc Lê cũng truyền cho con cháu đời sau được biết, những người lính tham gia thủy vệ biên mỗi lần ra kiểm sát đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải mang theo hành trang quyết tử gồm: 2 chiếc chiếu, 7 tấm kẹp tre, 1 đoạn dây thừng và 1 bảng tên người lính. Khi sóng to gió lớn, thuyền gặp nạn, có người chết thì lấy hành trang đó buộc chặt vào thi thể, cột vào ống phao tre thả trôi dạt trên biển để tấp vào bờ.
Ông Lê Xuân Trĩ (79 tuổi), đời thứ 12 của tộc Lê cho biết: "Căn cứ vào các cứ liệu di tích lịch sử, họ Lê đã kiến nghị lên cơ quan chức năng công nhận mộ của Suất đội Lê Văn Ước là di tích lịch sử cấp tỉnh".
Trong văn bản xác minh di sản văn hóa tộc Lê do thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó trưởng Công an TP.Tam Kỳ khẳng định: Các tài liệu liên quan chưa thể hiện rõ các di sản văn hóa của tộc Lê (thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh) có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhưng cho thấy được ý thức bảo vệ vùng biển Tổ quốc của cha ông ta thời xưa. Để xác định đúng di sản văn hóa tộc Lê có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền đảo Hoàng Sa thì cần phải thẩm định, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1 mà ông Lê Văn Ước đã tham gia".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Tam Kỳ cho biết: "Vấn đề công nhận mộ Suất đội Lê Văn Ước là di tích cấp tỉnh sẽ được các bên liên quan hoàn chỉnh các hồ sơ theo đúng quy trình trong thời gian sớm nhất".
Theo TNO
Không cần 'giải pháp Đặng Tiểu Bình' ở Biển Đông Yang Razali Kassim, nghiên cứu sinh cao cấp của Học viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, khẳng định sự cần thiết của một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm xoa dịu những tuyên bố lãnh hải. Một giàn khoan dầu khí của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: ChinaNewsServices Tờ The Nation đăng các bài viết của...