Trung Quốc và cái giá của cuộc chơi không danh dự
Trung Quốc đang phải trả giá bằng điều gì với chiến lược hiện nay của họ ở biển Đông và Hoa Đông? Câu trả lời là những hành động của Trung Quốc giờ bị nhiều người coi là kẻ chuyên đi bắt nạt các nước trong khu vực.
Tàu Trung Quốc hung hăng trên biển
Năm 2012, Trung Quốc bắt đầu quản lý bãi Hoàng Nham (thuộc quần đảo Trường Sa), thách thức tuyên bố chủ quyền của Philippines trên khu vực này. Năm 2013, Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Năm 2014, Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa bằng cách hạ đặt một giàn khoan dầu khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trong bài viết “Cái giá của chiến thắng không danh dự” đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Ankit Panda cho rằng, kết quả của những hành động này là Trung Quốc giờ bị nhiều người coi là kẻ chuyên đi bắt nạt các nước trong khu vực.
Thay vì sử dụng bất kỳ lý lẽ luật pháp hợp lý nào để biện hộ cho các tuyên bố chủ quyền, chính quyền Trung Quốc chỉ viện một vài tài liệu lịch sử không rõ ràng và một vài tiền lệ để ngụy biện tính đúng đắn cho những yêu sách của mình.
Gần đây nhất, những điều này được thể hiện rõ ràng trong lời lẽ hùng hồn của đại diện quân đội và quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La ở Singapore.
Những chiến thuật của Trung Quốc nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền có vẻ hiệu quả, nhưng các học giả quốc tế cho rằng, các chiến thuật này khiến Trung Quốc gần như không còn bạn bè trong khu vực.
Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc “liếm trọn” hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trên vũ đài chính trị quốc tế, điều quan trọng nhất là chiến thắng với uy tín, danh dự và sức ảnh hưởng. Tác giả Ankit Panda cho rằng, trong xu hướng hiện nay, vẫn chưa muộn để Trung Quốc cứu vãn lấy một chút tiếng tăm tích cực trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc có nhiều lý do để hành động như vậy. Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Tương tác và Xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) gần đây, rằng Trung Quốc có tham vọng giữ vai trò lãnh đạo chuẩn mực ở châu Á.
Không lâu sau CICA, Đối thoại Shangri-La đã phơi bày hố ngăn cách lớn giữa Trung Quốc với các nước châu Á khác trên nhiều giá trị. Nói ngắn gọn, Trung Quốc và phần còn lại của châu Á có cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau về hiện trạng an ninh và ở niềm tin ai sẽ là nhà lãnh đạo trong tương lai.
Video đang HOT
Trung Quốc có thể thực hiện các bước đi nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về trật tự châu Á trong tương lai. Một ví dụ mà các học giả đưa ra là Trung Quốc có thể thúc đẩy biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Brunei và Malaysia.
Dù hai nước này có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng cũng chưa đến mức coi Trung Quốc là mối họa khẩn cấp.
Từ khi Trung Quốc giành Hoàng Nham từ Philippines, hành động của họ cho thấy Bắc Kinh không thể lấy được lòng tin của các nước Đông Nam Á hay Nhật Bản với hàng loạt hành động sau đó của họ.
Trung Quốc nên theo đuổi con đường ngoại giao hiệu quả, cho dù không thể ngay lập tức có được cách giải quyết vẹn toàn ngay lập tức, nhưng cũng có thể làm giảm cảm giác của các nước khu vực coi Trung Quốc là mối đe dọa.
Mỹ giành quyền lãnh đạo sau khi chiến thắng, nhưng chỉ vì Mỹ chấp nhận những giá trị của các cường quốc trên khắp Đại Tây Dương, những nước trở thành đồng minh lớn của Washington sau Thế chiến 2. Cuối cùng, trật tự thế giới tự do đương đại đang chịu ảnh hưởng đáng kể của Mỹ.
Nếu Trung Quốc muốn dẫn đầu trên con đường hướng tới “châu Á vì người châu Á” mà không chịu nhiều ảnh hưởng từ Mỹ, Bắc Kinh cần chú trọng vào chủ nghĩa đa phương chân thành.
Việc đại diện Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La công khai đổi lỗi cho Việt Nam và Philippines “xuyên tạc” phản ánh một sự thiếu quan tâm của Trung Quốc trong việc theo đuổi các giá trị. Trong khi, Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi các giá trị của mình mà không cần dùng hành động khiêu khích trắng trợn như hiện nay.
Theo Tiền Phong
"Con át chủ bài" Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc và một âm mưu bị lên án
Nhờ "quân bài" giàn khoan Hải Dương 981 - thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), Trung Quốc lộ rõ nước cờ thâu tóm, ngang nhiên tranh chấp những nơi có nguồn "vàng đen" của thế giới, mà điển hình như Biển Đông. Dư luận thế giới đang tiếp tục lên án mạnh mẽ những hành động ngang ngược, cùng thái độ hung hăng gây hấn vừa qua của Trung Quốc.
Âm mưu lấn chiếm phần lớn vùng biển này, và qua đó có thể độc quyền khai thác dầu khí ở biển Đông được tờ Wall Street Journal vạch rõ: "Đôi khi các hãng dầu theo sau lá quốc kỳ, đôi khi lá quốc kỳ đi theo các hãng dầu, và đôi khi chính các hãng dầu lại trở thành lá quốc kỳ".
Cơn khát dầu
CNOOC được thành lập năm 1982, là 1 trong 116 doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện (tức Chính phủ Trung Quốc). Theo tờ Wall Street Journal, vào năm 2013, CNOOC có đến 102.562 nhân viên và có doanh thu lên tới 83.5 tỉ USD. Với mức doanh thu cao như vậy, CNOOC xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới.
Dù bị xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, nhưng CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Chính quyền Trung Quốc đã rất khôn khéo cho CNOOC đi hợp tác hữu nghị với các công ty nước ngoài nhằm hai mục đích: tìm vốn, tiếp cận công nghệ tiên tiến để thăm dò, khai thác dầu khí, và cạnh tranh, vận dụng đủ các mánh khóe làm ăn trên thương trường.
CNOOC đang làm tất cả đều nhằm mục đích kiếm dầu để đáp ứng "cơn khát dầu" của Trung Quốc. Nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể. Việc không khai thác đủ dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa một phần cũng vì các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc ngày một cạn.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển - và đặc biệt trong tham vọng trở thành cường quốc - của Trung Quốc. Vậy nên, bằng mọi giá, CNOOC phải chiếm được các mỏ dầu lớn để hiện thực hóa yêu cầu của chính quyền.
Biếm họa trên báo chí Canada về sự kiện CNOOC thôn tính Công ty Nexen.
Đặt chân vào thị trường Canada
Việc CNOOC mua lại Hãng sản xuất dầu Nexen của Canada hồi đầu năm 2013 với mức giá trên 15 tỉ USD trở thành hợp đồng đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này càng cho thấy âm mưu bành trướng ra thế giới, cũng như tạo thêm nỗi lo về những hành vi mang dáng dấp gây hấn và tranh chấp lãnh thổ với nhiều quốc gia khác của Trung Quốc.
CNOOC không hề che giấu tham vọng dùng thương vụ này làm cầu nối chắc chắn để thâm nhập thị trường chứng khoán Toronto, cũng như mở rộng sự hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc ở Canada ngay trong thông cáo. Đây không phải lần đầu CNOOC nhòm ngó các công ty Canada, láng giềng của quốc gia thường xuyên lên án và xen vào nhiều vấn đề của Trung Quốc.
Năm 2005, với 120 triệu USD, hãng này đã thâu tóm được 16.7% cổ phần tại Công ty dầu mỏ MEG Energy. Tháng 11/2011, CNOOC cũng "chiếm" được Công ty dầu mỏ Opti Canada với giá 2,1 tỉ USD.
Tuyệt nhiên, CNOOC và những bên liên quan vẫn còn những trò bẩn khi giới điều tra Mỹ đủ nhạy bén để phát hiện những giao dịch nội gián hòng kiếm lợi. Cuối năm 2013, Tòa án liên bang Manhattan đã phê chuẩn kiến nghị đóng băng gần 100 triệu USD của Well Advantage Limited có trụ sở ở Hồng Kông cùng một công ty khác chưa được công bố danh tính sau khi giới điều tra cáo buộc hai doanh nghiệp này đã thu mua cổ phiếu "dựa trên thông tin bí mật về thỏa thuận" giữa CNOOC với Nexen.
Người điều hành của Well Advantage là Trương Chí Vinh, đồng thời cũng là người đứng đầu một công ty khác đang có "thỏa thuận hợp tác chiến lược" với CNOOC, một công ty dầu khí khổng lồ do nhà nước nắm quyền kiểm soát.
Các thương nhân đã sử dụng một trò khá quen thuộc là lạm dụng những thông tin nội gián có được một cách phi pháp để tiến hành các giao dịch rất kịp thời hòng thu lợi bất chính. Well Advantage đã mua hơn 830.000 cổ phiếu của Nexen, và một công ty giấu tên có tài khoản tại Singapore mua hơn 676.000 cổ phiếu. Cả hai công ty này đều rao bán cổ phiếu vào cùng ngày tuyên bố của CNOOC được đưa ra, nhờ đó thu về lợi nhuận phi pháp lên tới hàng trăm triệu USD.
Việc Trung Quốc muốn "dự trữ năng lượng" và "mấp mé nước Mỹ" thông qua động thái nhòm ngó Canada - quốc gia đang gấp rút chuẩn bị xây dựng đường ống dẫn dầu mới để tạo con đường vận chuyển sang thẳng châu Á - khiến cho chính quyền Mỹ không khỏi lo lắng. Trước đó, phe đối lập ở Mỹ từng phản đối CNOOC thâu tóm Công ty dầu mỏ Opti Canada hay Quốc hội và công luận Mỹ đã đập tan mưu đồ thâu tóm Hãng dầu khí Unocal của CNOOC.
Năm 2005, CNOOC này đề nghị mua Unocal - công ty dầu lớn thứ tám tại Mỹ - nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành việc mua bán vì họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0.8% số lượng dầu sản xuất tại đây.
Một hành động bị quốc tế lên án
Vì quá cần dầu khí trong khi việc tìm các nguồn dầu khí từ các nước khác trên thế giới lại không dễ dàng, Trung Quốc dùng quân bài CNOOC để nhòm ngó các vùng biển đang có tranh chấp - hay thậm chí thuộc chủ quyền của một số nước - trong khu vực, như biển Đông.
CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất 3 năm để xây dựng giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114m, chiều rộng 89m và chiều cao 117m, độ sâu hoạt động tối đa 3.000m và độ khoan sâu tối đa là 10.000m. Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị mới của thế giới.
Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Hải Dương 981 đã được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 9/5/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên biển Đông, cách Hồng Kông 320 km.
Chủ tịch CNOOC từng mô tả giàn khoan mới này như là một "tàu sân bay", là "biên cương di động" và là "vũ khí chiến lược" trong việc khai thác tài nguyên năng lượng trên biển Đông. Mà kỳ thực, CNOOC là một công cụ thực thi chính sách của Trung Quốc trong biển Đông.
Một khi ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên năng lượng ở biển Đông đã rõ như ban ngày, thì CNOOC có ngán gì không sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn lấn át và cưỡng đoạt để đạt được mục đích. Khi "lợi ích quốc gia" của nhà nước và lợi ích riêng tư của Tập đoàn CNOOC là một thì CNOOC kéo giàn khoan tới đâu, chính là kéo quốc kỳ Trung Quốc tới đó và... cắm chốt!
Khi CNOOC tìm cách mua Nexen, có phân tích cho rằng, ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở biển Đông.
Cách đây hai năm khi CNOOC hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981, có không ít người cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này vào thăm dò và khoan dầu tại những vị trí đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của một số nước ở biển Đông. Và bây giờ, sự việc đang diễn ra đúng như vậy.
Học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, người từng đưa ra quan điểm phản bác "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố phi lý ở biển Đông, đã viết trên blog cá nhân của ông trên mạng Sina rằng, Trung Quốc nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Vị học giả này từng nói rằng, Trung Quốc là một trong các nước ký kết Công ước năm 1982 thì nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của công ước này, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.
Giới học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo UNCLOS. Đây là sự thất bại của Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký với các nước thành viên ASEAN. Họ cho rằng, Trung Quốc không nhằm mục tiêu tìm kiếm tài nguyên trước mắt, mà ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa và sẽ tác động mạnh đến cục diện hiện nay tại biển Đông.
Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra biển Đông, Trung Quốc muốn dấn thêm một bước trong việc thít chặt gọng kìm khống chế khu vực này, hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò, đồng thời thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ, để trỗi dậy như một bá chủ khu vực.
Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới. Việc làm sai trái của Trung Quốc còn ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao Việt - Trung, gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Trung Quốc xây đảo nhân tạo 5 tỷ USD giữa Biển Đông nhằm mục đích gì? Theo giới phân tích, mục đích duy nhất của việc Bắc Kinh lên kế hoạch xây một đảo nhân tạo cùng một căn cứ quân sự trên đảo này ở trung tâm của Biển Đông là nhằm khuếch trương sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự, qua việc kiểm soát các vùng biển. Trung Quốc đang có động thái ngày một...