Trung Quốc uy hiếp Nhật bằng 100 tàu hải quân
Trung Quốc và Nhật Bản đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở biển Hoa Đông khi cả hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang “ăn miếng trả miếng nhau” bằng những hành động “dương oai diễu võ” bất thường, chưa từng có.
Ảnh minh họa
Những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, “mây đen” lại kéo đến bao phủ mối quan hệ Trung-Nhật sau một thời gian căng thẳng tạm lắng xuống. Cũng như mọi lần trước đó, đầu tiên bao giờ cũng là một cuộc khẩu chiến gay gắt giữa lãnh đạo hai nước với những lời cảnh báo, đe dọa lẫn nhau. Tiếp theo đó, hai bên sẽ “tung” ra những đòn quân sự nhằm phô trương thanh thế và thị uy nhau.
Được châm ngòi từ thông tin Thủ tướng Shinzo Abe thông qua kế hoạch cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn hạ những chiếc máy bay không người lái xâm phạm không phận nước này cùng với tuyên bố đầy cứng rắn của ông Abe về việc Tokyo sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh, giới lãnh đạo quân sự và dân sự Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích “sự khiêu khích” của phía Nhật Bản cũng như cảnh báo về một cuộc chiến tranh giữa hai nước.
Tất nhiên, Nhật Bản cũng không vừa khi công khai và thẳng thừng tuyên bố, nước này sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động dùng vũ lực nào nhằm phá vỡ thế nguyên trạng trong khu vực, ám chỉ đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Với những lời đe dọa, cảnh báo kiểu như trên, rõ ràng, cuộc khẩu chiến Trung-Nhật đã tăng về cấp độ gay gắt. Chưa dừng lại ở đó, hai nước này còn “tung” ra những “đòn” quân sự thị uy nhau chưa từng có. Tất cả những diễn biến bất thường này đang vẽ lên một bức tranh đầy ảm đạm về mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực Châu Á.
Trung Quốc và cuộc tập trận với 100 tàu hải quân
Video đang HOT
Trung Quốc gây sự chú ý rất lớn khi bất ngờ tiến hành một cuộc tập trận hải quân có quy mô rầm rộ lớn chưa từng có với sự tham gia của tới 100 con tàu. Đặc biệt, lần đầu tiên cả ba hạm đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải của Trung Quốc cùng tham gia “khoe” tài.
Cuộc tập trận đầy bất thường trên của Trung Quốc được cho là hành động đáp trả Mỹ và Nhật Bản. Sau khi Tổng thống Barack Obama lỗi hẹn với các đồng minh Châu Á vì bỏ lỡ hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong khu vực vì vấn đề khó khăn trong nước, Mỹ đã tìm cách “trấn an” các đồng minh, đối tác của mình bằng cách đưa tàu sân bay “khủng” hàng đầu của nước này cùng với nhóm tàu chiến của nó đến tham gia các cuộc diễn tập quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tổ chức một cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến nay ở biển Hoàng Hải với 100 tàu được huy động. Biển Hoàng Hải cũng chính là nơi chứng kiến cuộc diễn tập của tàu sân bay Mỹ với các tàu chiến của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cuộc tập trận của Trung Quốc gây sự chú ý lớn vì những yếu tố bất thường của nó. Đó là cuộc tập trận có quy mô rầm rộ nhất từ trước đến nay. Đó cũng là cuộc tập trận chứng kiến lần đầu tiên tàu chiến và tàu ngầm của cả ba hạm đội Trung Quốc gồm Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải cùng tham gia phối hợp “tác chiến”.
Thêm một điều khác thường nữa là lực lượng tàu hải quân hùng hậu của Trung Quốc đã đi qua cái gọi là Dãy Đảo Đầu tiên (một tuyến đường biển mà các nhà chiến lược của Hải quân Mỹ vẽ ra, kéo dài từ Nhật Bản đến Vùng lãnh thổ Đài Loan và Philippines để kiềm chế quân đội Trung Quốc) để tiến hành các cuộc tập trận ở Thái Bình Dương từ ngày 24/10 đến 1/11. Giới chức quốc phòng Trung Quốc cho biết, họ đã tiến hành tập trận ở một trong những vùng biển nhạy cảm – nơi có nguy cơ xảy ra xung đột hàng đầu.
Chưa hết, tại thời điểm diễn ra cuộc tập trận, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố, Hải quân nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến đấu nào ở một vùng biển như thế. Cùng với đó, tờ Thời báo Hoàn cầu còn đăng tải một bài xã luận với nhan đề “Không có thêm đàm phán Trung-Nhật, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất là xung đột quân sự”.
Một loạt yếu tố bất thường trên đủ cho thấy căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản đang leo thang đến mức độ nào.
Đòn đáp trả bất thường của Nhật
Đáp trả cuộc tập trận đầy bất thường của Trung Quốc, Nhật Bản cũng “tung” ra những “đòn” quân sự không kém phần bất thường.
Chỉ ngay sau khi Trung Quốc vừa chấm dứt cuộc tập trận của mình thì ở phía bên kia, Nhật Bản cũng ngay lập tức khai hỏa một cuộc tập trận quân sự rầm rộ cả trên đất liền, trên không và trên biển với sự tham dự của 34.000 binh lính, 6 tàu hải quân và 350 máy bay chiến đấu. Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 1-18/11 và diễn ra ở khu vực ngay phía bắc nơi cuộc tập trận của nước láng giềng Trung Quốc vừa diễn ra.
Cuộc tập trận của Nhật Bản cũng chứa đựng một loạt yếu tố bất thường. Đây cũng là một trong những cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản. Các bài diễn tập của Nhật Bản dựa trên kịch bản nước này sẽ tự đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình mà không có sự giúp đỡ của Mỹ. Với bài diễn tập chiếm đảo, Nhật Bản muốn phát đi thông điệp: “Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quần đảo của mình nếu cần và thậm chí sẽ đánh chiếm lại chúng nếu có bất kỳ ai muốn thực hiện một cuộc xâm lược vào đây”.
Một yếu tố bất thường khác trong cuộc tập trận đang diễn ra của Nhật Bản là lần đầu tiên nước này triển khai các tên lửa đất đối hạm của họ đến đảo Miyako. Các tên lửa này có tầm bắn có thể tiêu diệt các mục tiêu ở bất kỳ nơi đâu trong vùng lãnh hải nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa. Hành động triển khai tên lửa bất thường này được xem là một động thái của Nhật nhằm củng cố năng lực phong tỏa con đường tiến ra Tây Thái Bình Dương của Hải quân Trung Quốc.
Với những cuộc khẩu chiến qua lại gay gắt kèm theo những hành động “dương oai diễu võ” rầm rộ thị uy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản, người ta ít có hy vọng về một sự tiến triển trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á. Không những thế, những quan ngại về một cuộc xung đột quân sự được châm ngòi từ những vụ việc tình cờ, không chủ ý giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại đang tăng lên.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Hải quân Trung Quốc dồn quân tập trận trên Biển Đông, Hoa Đông?
Ngày 21/10, 3 Hạm đội thuộc Hải quân Trung Quốc là Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải tiếp tục cuộc tập trận dự kiến kéo dài tới đầu tháng 11 trên khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hạm đội Nam Hải tới Tây Thái Bình Dương tham gia tập trận trong ngày 18/10. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo Nhân dân Nhật báo đưa tin, cuộc tập trận đã bắt đầu từ ngày 18/10 vừa qua với sự tham gia của cả ba Hạm đội thuộc Hải quân Trung Quốc là Nam Hải (đơn vị đang hoạt động tại Biển Đông), Đông Hải (thường xuyên hoạt động ở Hoa Đông) và Bắc Hải. Tờ báo cho biết mục đích của đợt tập trận này là huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm, chiến đấu cơ, tên lửa của 3 hạm đội trên.
Dù Bắc Kinh khẳng định sự kiện này "phù hợp với luật pháp quốc tế" nhưng cuộc tập trận quy mô này diễn ra trong bối cảnh nước này đang tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia trong khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, tại Hội thảo quốc tế lần thứ I về an ninh và hợp tác ở Biển Đông do Viện Đông Phương học-Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức cùng ngày diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đối ngoại Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Tokovinin đã kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực và giải quyết vấn đề tuyệt đối chỉ bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, trong đó cơ sở quan trọng để áp dụng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Còn Phó chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Nikolai Levichev đã bày tỏ quan ngại trước nguy cơ xung đột ở Biển Đông trong tương lai gần. Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia Nga khẳng định: một trong những giải pháp tháo gỡ nút thắt là Trung Quốc phải công nhận chủ quyền hợp pháp của các nước trong khu vực đối với Biển Đông thay vì đơn phương phủ nhận hoàn toàn như hiện nay.
Theo Songmoi
Di chuyển khó lường của 3 hạm đội Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông Trong khi COC đang mắc kẹt giữa ngã tư đường thì 3 hạm đội Hải quân Trung Quốc là Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải đang di chuyển những bước khó lường trên các vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp, trong đó có Biển Đông. Trung Quốc vẫn thường xuyên triển khai các cuộc tập trận uy hiếp trên Biển Đông...