Trung Quốc tuyên bố là bạn tốt, hàng xóm tốt của Philippines
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 9-8 đã khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục không chấp nhận và phản đối phán quyết biển Đông 2016.
“Chúng tôi đã làm rõ là chúng tôi sẽ không chấp nhận (phán quyết của Tòa Trọng tài) và quyết định này vẫn giữ nguyên. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi và bản thân chúng tôi cũng sẽ không thay đổi” – Đại sứ Triệu khẳng định.
Ông Triệu nhấn mạnh Trung Quốc đã lên tiếng phản đối trước cả thời điểm phán quyết được đưa ra và chính thức phủ nhận yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở biển Đông, theo tờ The Inquirer.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa và Tổng thống Rodrigo Duterte trong một cuộc gặp năm 2017. Ảnh: PNA
Trả lời phỏng vấn bên lề một sự kiện tại trụ sở Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines cùng ngày, ông Triệu Giám Hoa cho biết Trung Quốc không hề có ý định “tìm kiếm rắc rối” ở biển Đông. Phát ngôn này được Đại sứ Triệu đưa ra về thông tin hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ngày 3-8 và từ ngày 5 đến 6-8.
“Có rất nhiều tàu thuyền di chuyển qua khu vực biển Đông. Dưới góc nhìn quân sự, tôi nghĩ mọi con tàu, nhất là tàu hải quân các nước, đều cần phải được giám sát chặt chẽ. Điều này ai cũng biết cả, không chỉ riêng Trung Quốc và Philippines” – đài ABS-CBN dẫn lời đại sứ Philippines cho biết.
“Có một thứ mà tôi muốn đảm bảo với chính quyền và người dân Philippines, đó là chúng tôi quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cuối cùng cho tất cả bất đồng giữa hai nước. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, không tìm kiếm rắc rối. Điều đó hoàn toàn chắc chắn” – ông Triệu Giám Hoa chia sẻ. Ông cũng cam kết Trung Quốc sẽ luôn là “người bạn tốt, người hàng xóm tốt và họ hàng gần của người Philippines”.
Phát ngôn của đại sứ Trung Quốc tại Philippines được đưa ra không lâu sau khi tàu Địa Chất Hải Dương 8 xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam và nhiều quốc gia đã phản đối kịch liệt hành động leo thang phi pháp của Trung Quốc. Năm 2016, Tòa Trọng tài ra phán quyết cho thấy đường chín đoạn do Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách làm lơ phán quyết, tự diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình.
Video đang HOT
Tuyên bố “không chấp nhận phán quyết của tòa” của ông Triệu tại Philippines một lần nữa cho thấy lập trường không thượng tôn pháp luật của Trung Quốc, đi ngược lại với những cam kết “phát triển hòa bình” và “không đe dọa quốc gia nào” mà Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố.
Được biết ngày 6-8, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết ông Rodrigo Duterte sẽ có cuộc gặp “một đối một” vào cuối tháng 8 với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc để bàn về việc thực thi phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài, theo hãng tin Reuters.
“Tôi sẽ đến Trung Quốc để đàm phán. Có phải tôi đã từng nói với mọi người rằng trước khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc, tôi sẽ bàn về biển Đông chưa? Tôi sẽ đến đó vì hiện tại có những xung đột nổ ra cần được giải quyết ngay lập tức. Tôi không muốn hai bên đánh nhau” – ông Duterte khẳng định trong cuộc họp báo cùng ngày.
VĨ CƯỜNG
Theo PLO
'Hòa bình kiểu Trung Quốc' rất nguy hiểm ở biển Đông
Mỗi bước leo thang ở biển Đông, Trung Quốc lại cho thấy nước này không đồng nhất giữa lời nói và hành động, giữa cam kết và trách nhiệm.
Giữa lúc biển Đông chưa hết dậy sóng khi đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc (TQ) lên tiếng trấn an các quốc gia trong khu vực và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, những thông điệp từ phía TQ một lần nữa cho thấy nước này vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nguy hiểm ở biển Đông.
Thông điệp từ phát ngôn mới nhất của TQ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 92 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại TP Makati (Philippines) hôm 29-7, Đại sứ TQ Zhao Jianhua đã gọi các tranh chấp trên biển ở biển Đông là "nhạy cảm".
"Tất cả chúng ta đều biết đây là những vấn đề rất nhạy cảm. Đối với TQ, đối với Philippines và đối với các quốc gia khác, các tranh chấp không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, chúng ta nên kiên nhẫn" - ông Zhao nói thêm.
Vị này nói thêm: "TQ áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và phản ứng sau tấn công (...) TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Đây là một cam kết với người dân TQ và thế giới, và điều này đã được ghi vào hiến pháp Trung Quốc".
Ông Zhao nhấn mạnh TQ sẽ tiếp tục hợp tác với Philippines và các quốc gia khác có liên quan trực tiếp để giải quyết các tranh chấp liên quan ở biển Đông thông qua đàm phán, tham vấn song phương trên cơ sở tôn trọng thực tế lịch sử và theo luật pháp quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tại Việt Nam hôm 30-7, cũng nhân kỷ niệm ngày thành lập PLA, ông La Tân, tùy viên quân sự TQ, cho hay Bắc Kinh kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, dân chủ bất di bất dịch đi theo con đường phát triển hòa bình với chủ nghĩa xã hội bản sắc TQ thời đại mới và tư tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo ông La Tân, TQ sẽ xây dựng quân đội hùng mạnh, kiên trì lấy việc giữ gìn hòa bình thế giới và xúc tiến cùng phát triển làm tôn chỉ, xây dựng thế giới hòa bình lâu dài, an ninh rộng khắp, cùng nhau ổn định, cởi mở, bao dung. "Sự phát triển TQ không gây mối đe dọa đối với bất cứ nước nào" - ông La Tân nhấn mạnh.
Từ các phát ngôn của phía TQ, có thể nhận thấy: (i) TQ tiếp tục theo đuổi cái mà nước này gọi là "quyền lịch sử" ở biển Đông, nền tảng của yêu sách đường chín đoạn của nước này; (ii) TQ tiếp tục theo đuổi đàm phán, giải quyết vấn đề biển Đông ở cấp độ song phương với các quốc gia dựa theo UNCLOS; (iii) TQ sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông dưới ngọn cờ tự vệ, đảm bảo hòa bình cho khu vực.
Tàu hải cảnh TQ hoạt động gần khu vực đảo Điếu Ngư/Senkaku tranh chấp với Nhật Bản hồi tháng 7-2019. Ảnh: GETTY
Nói theo cách TQ, làm theo kiểu TQ
Nhìn vào thực địa ở biển Đông, rõ ràng chính quyền Bắc Kinh đang diễn dịch tất cả lời hứa và cam kết hòa bình của họ theo cách hiểu rất cá biệt và nguy hiểm.
Thứ nhất, TQ đề cập lại vấn đề "tôn trọng thực tế lịch sử" ở Philippines - nơi mà Bắc Kinh thất bại trong vụ kiện ra Tòa Trọng tài năm 2016. Phán quyết của tòa bác bỏ tính pháp lý của cái mà TQ gọi là "quyền lịch sử" ở biển Đông, qua đó phủ nhận tính hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn. Việc ám chỉ "quyền lịch sử" khi phát biểu tại Philippines cho thấy TQ tiếp tục bác bỏ phán quyết của tòa, phủ nhận chiến thắng pháp lý quan trọng của chính quyền Manila.
Không chỉ nói, TQ còn triển khai các đội tàu khảo sát, quấy rối các hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của Malaysia, Việt Nam ở biển Đông. Đó là cách TQ chuyển đi thông điệp "quyền lịch sử" còn đó và đường chín đoạn cũng còn đó.
Tại sao TQ đưa khí tài ra biển Đông? Nó có phải là để tự vệ hay không? Dẫu tôi có tin đó là tự vệ thì hệ thống khí tài đó cũng có thể tạo ra khả năng tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines DELFIN LORENZANA
Thứ hai, TQ theo đuổi đường lối đàm phán song phương thay vì đa phương về vấn đề biển Đông. Diễn đàn đa phương duy nhất TQ chịu thỏa thuận chính là ASEAN với Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), trong khi bác bỏ vai trò của tất cả quốc gia khác bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, EU.... Tuy nhiên, COC vẫn chưa mang lại những triển vọng quan trọng ngoài việc chi phối một phần hành động hung hăng của TQ, tạo diễn đàn đối thoại khi cần thiết. Bắc Kinh lộ rõ toan tính kéo dài COC (đàm phán suốt 17 năm qua), tranh thủ xây dựng lực lượng ngày càng mạnh cả về ngoại giao lẫn quân sự.
Ngoài ra, dù nhắc đến thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS trong giải quyết vấn đề biển Đông nhưng Bắc Kinh đang tìm cách diễn dịch theo nghĩa cá biệt, chỉ có lợi cho TQ mà không theo cách hiểu chung của các nước và tinh thần chung của cộng đồng quốc tế. Từ việc TQ từ chối vai trò của Tòa Trọng tài, phán quyết của tòa trong vụ kiện của Philippines đến việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông trái phép. Bác bỏ cách hiểu và tinh thần của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn nung nấu ý định xét lại, bẻ cong UNCLOS về phía mình.
Cuối cùng, TQ vẫn tiếp tục theo đuổi quân sự hóa biển Đông. Năm 2016, ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hứa hẹn "không quân sự hóa biển Đông". Sau khi bị nhiều quan chức Mỹ tố "thất hứa", TQ diễn dịch hành động quân sự hóa của mình bằng luận điệu "phòng vệ, bảo vệ hòa bình". Thực tế, các đảo nhân tạo TQ xây trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, qua những lần tập trận quân sự và việc trang bị các loại máy bay hay tên lửa đặc trưng, cho thấy chúng hoàn toàn có thể trở thành các tiền đồn đe dọa an ninh khu vực và tàu thuyền qua lại.
Nói như Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 31-7, "biển Đông vốn yên bình cho đến khi TQ xâm lấn". Việc thường xuyên để các đội tàu gây hấn ở khu vực, gần nhất là đội tàu xâm phạm EEZ, thềm lục địa Việt Nam và trước đó là Malaysia, Philippines, cho thấy khái niệm "mang lại hòa bình cho khu vực" chỉ là một cách nói sáo rỗng.
Biển Đông yên bình cho đến khi Trung Quốc xâm lấn
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 31-7 khẳng định biển Đông yên bình cho đến khi TQ xâm lấn, theo báo Inquirer. "Tình hình biển Đông sẽ trở nên không còn căng thẳng nếu TQ không tiến hành các động thái gây hấn" - ông Lorenzana nói. Vị này nhắc lại những lo ngại của ông đưa ra tại Đối thoại Shangri-la hồi tháng 6 về việc TQ bắt nạt các nước khác có yêu sách hợp pháp ở biển Đông.
"Hành động của TQ ở biển Đông gặp phải những chỉ trích, bởi vì nếu TQ không xây dựng các đảo nhân tạo trái phép thì tình hình (ở biển Đông) sẽ bình yên hơn. Biển Đông lẽ ra đã yên bình nếu TQ không trở nên quá hung hăng và sẽ không có xung đột" - Bộ trưởng Lorenzana nói trong cuộc phỏng vấn với đài DZBB.
ĐỖ THIỆN
Theo PLO
Tàu Philippines bị đâm chìm : Philippines sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc Philippines sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) đến điện Malacaang sau vụ chìm tàu Philippines tại bãi Cỏ Rong hôm 9/6. Theo Inquirer, Cụm Nội các an ninh, Tư pháp, và Hòa bình cùng Cụm Nội các Phát triển Kinh tế Philippines triệu tập một cuộc họp chung trong khoảng 3 giờ ngày 17/6 để thảo luận việc...