Trung Quốc tung vaccine Covid-19 thử nghiệm giá 60 USD
Trung Quốc bắt đầu cung cấp vaccine thử nghiệm cho một số người dân ở thành phố Gia Hưng với giá 60 USD.
Chính quyền thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang hôm 15/10 cho biết người dân trong độ tuổi 18 – 59 “có nhu cầu cấp thiết” có thể xin tư vấn tại bệnh viện để mua vaccine Covid-19 của công ty Sinovac Biotech mà chính quyền đang cung cấp cho các nhóm như nhân viên y tế.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Gia Hưng không nêu rõ “nhu cầu cấp thiết” là gì. Giới chức cũng không cho biết có bao nhiêu người trong thành phố đã tiêm loại vaccine này. Vaccine gồm hai liều, tiêm cách nhau 28 ngày, giá 400 nhân dân tệ (59 USD).
Vaccine Covid-19 của công ty Sino Biotech. Ảnh: AFP
Theo chính quyền Gia Hưng, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho hàng trăm nghìn công nhân trong các ngành nghề thiết yếu tại bến cảng, bệnh viện và những khu vực có nguy cơ cao.
Dù 11 loại vaccine của Trung Quốc đã bước vào thử nghiệm lâm sàng, với 4 loại đang trong thử nghiệm giai đoạn ba, vẫn chưa có loại nào được phê chuẩn đưa ra thị trường đại chúng.
Trung Quốc đã phê duyệt cho phép sử dụng một số loại trong trường hợp khẩn cấp và thông báo chưa thấy xuất hiện phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Bắc Kinh cũng đưa ra những dự đoán táo bạo về một đợt triển khai vaccine rộng hơn trước cuối năm nay.
Trong cuộc họp báo tháng trước, các quan chức y tế thông báo có thể sản xuất 610 triệu liều vaccine vào cuối năm, nhấn mạnh nó sẽ có giá cả phải chăng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố vaccine Trung Quốc sẽ trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu”.
Trung Quốc đã đăng ký một cuộc đấu thầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu để đảm bảo vaccine Covid-19 được phân phối tới các nước đang phát triển. Bắc Kinh không đưa ra chi tiết về số tiền cam kết cho thỏa thuận này. Thỏa thuận có mục tiêu gây quỹ 2 tỷ USD nhằm cung cấp vaccine cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Người Trung Quốc chen lấn xem sóng triều sông Tiền Đường
Du khách khắp Trung Quốc đổ về thành phố Hàng Châu để xem sóng triều sông Tiền Đường trong dịp nghỉ lễ quốc khánh và trung thu.
Một đợt thủy triều lớn ngoạn mục trên sông Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang đã thu hút lượng lớn du khách Trung Quốc cuối tuần qua, trong kỳ nghỉ quốc khánh và trung thu kéo dài 8 ngày ở nước này. Đợt sóng triều xuất phát từ biển Hoa Đông, "chạy ngược" 55 km tới Daquekou, một trong những điểm ngắm thủy triều tốt nhất trên sông Tiền Đường.
Du khách xem sóng triều trên sông Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hôm 3/10. Video: CGTN.
Vào buổi trưa, sóng triều đến thị trấn Yanguan, tạo thành một con sóng ngang mặt sông, cuồn cuộn chảy ngược dòng. Rất đông du khách chen lấn chọn chỗ đứng thích hợp gần bờ sông, trên nóc tòa nhà và những tầng cao nhất của một ngôi chùa bên sông, dùng điện thoại chụp lại khung cảnh này.
Sóng triều ở sông Tiền Đường được tạo thành từ lực hấp dẫn của các thiên thể trong hệ Mặt Trời, đặc biệt là Mặt Trăng và lực ly tâm của Trái Đất. Lực ly tâm do chuyển động của Trái Đất kết hợp hình dạng như chiếc kèn của vịnh Hàng Châu ở Chiết Giang khiến thủy triều lên dễ, nhưng khó xuống.
Người dân xem sóng triều sông Tiền Đường tại bờ sông ở Hàng Châu hôm 4/10. Ảnh: Xinhua.
Sông Tiền Đường là dòng sông lớn nhất tỉnh Chiết Giang, dài 688 km, bắt nguồn từ tỉnh An Huy, chảy ra vịnh Hàng Châu. Thủy triều ở sông Tiền Đường còn được gọi là "thiên hạ đệ nhất triều", là một trong những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của thế giới và được người dân địa phương gọi là "Rồng bạc".
Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, thủy triều sông Tiền Đường thường xuyên dâng cao, gây sóng lớn dữ dội. Người dân Trung Quốc thường tới quan sát sóng trên sông Tiền Đường vào giai đoạn này. Thời điểm quan sát tốt nhất là giữa tháng 8 âm lịch, thường vào tết trung thu.
Từ thời cổ đại, Chiết Giang đã nỗ lực không ngừng để gia cố bờ sông trước những đợt thủy triều có sức tàn phá lớn. Đê chắn sóng có tuổi đời hàng thế kỷ ở thành phố Hải Ninh, với cấu trúc và nền tảng vững chắc, là một trong ba công trình lớn từ thời Trung Quốc cổ đại, bên cạnh Vạn Lý Trường Thành và kênh đào Bắc Kinh - Hàng Châu.
Người dân xem sóng triều sông Tiền Đường từ một tòa nhà dọc sông ở Hàng Châu hôm 3/10. Ảnh: Xinhua.
TQ: 600 triệu lượt hành khách di chuyển trong dịp quốc khánh Hàng triệu người Trung Quốc bắt đầu hành trình du lịch dài ngày trong kì nghỉ lễ kéo dài đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm nay. Hành khách chờ đợi tại nhà ga đường sắt cao tốc ở Thượng Hải. Theo SCMP, ước tính có 600 triệu lượt hành khách di chuyển trên khắp Trung Quốc...