Trung Quốc tức tối vì bị Indonesia “bắt nạt” ở Biển Đông
Theo The National Interest (TNI), chính phủ và dư luận Trung Quốc rất tức tối khi Indonesia cứng rắn với Bắc Kinh ở Biển Đông. Thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Sao một đất nước nhỏ như Indonesia lại dám “tát vào mặt” một nước lớn như Trung Quốc?
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Jakarta bị đẩy lên cao trào hôm 17/6 vừa qua khi tàu cá Trung Quốc lại đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đáp lại, hải quân Indonesia đã nổ súng về phía tàu cá Trung Quốc
Việc hải quân Indonesia nổ súng về phía tàu cá Trung Quốc là một trong hàng loạt hành động mới nhất cho thấy nước này không còn muốn nhẫn nhịn và để Bắc Kinh bắt nạt như trước đây. Trung Quốc đã rất bất ngờ và giận giữ.
Hai ngày sau khi vụ việc xảy ra, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng: “Khi các tàu cá Trung Quốc đang hoạt động bình thường tại các ngư trường truyền thống ở phía tây nam Biển Đông hôm 17/6, họ đã bị nhiều tàu hải quân Indonesia quấy nhiễu và tấn công bằng súng. Một tàu cá Trung Quốc đã bị hư hỏng, một thuyền viên bị thương, một tàu cá khác cùng 7 người trên tàu bị phía Indonesia bắt giữ”.
Trung Quốc đang nhăm nhe cướp cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Bắc Kinh cũng lập tức gửi công hàm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với Jakarta qua các kênh ngoại giao.
Video đang HOT
Bắc Kinh cho rằng Indonesia đã vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc còn thúc giục Indonesia ngừng ngay các hành động mà nước này cho là làm phức tạp, gia tăng căng thẳng trong những tranh chấp ở Biển Đông, làm tổn hại đến hòa bình và ổn định. Dù tàu cá Trung Quốc liên tục bị cáo buộc đánh bắt trái phép nhưng Bắc Kinh vẫn lớn tiếng yêu cầu Indonesia giải quyết các vấn đề đánh cá trên biển “một cách có tính xây dựng”.
Theo New York Times, dư luận Trung Quốc tỏ ra rất tức tối với việc phía Indonesia dùng vũ lực. Nhiều người thúc giục Bắc Kinh đáp trả lại một cách rất hung hăng và “kẻ cả”. Một người dùng mạng xã hội Weibo viết: “Bạn tự gọi mình là quốc gia lớn mạnh, nhưng giờ một nước nhỏ như Indonesia lại dám tát vào mặt bạn?” Một người dùng Weibo khác cũng đặt câu hỏi: “Phe diều hâu trong quân đội đâu rồi? Đã đến lượt các anh xuất hiện rồi đấy”.
Gần đây, Tổng thống Joko Widodo có nhiều động thái cứng rắn với Trung Quốc.
Tờ The National Interest (TNI) đánh giá, phản ứng trên từ phía dư luận Trung Quốc rất vô lý bởi lẽ tàu cá Trung Quốc đã vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Hơn nữa, hồi năm 2015, chính Bắc Kinh đã công nhận tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo Natuna của Jakarta. Trung Quốc từng khẳng định: “Phía Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna”.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã tham gia UNCLOS mà theo quy định của UNCLOS, phía Indonesia là bên có quyền khai thác duy nhất các nguồn thủy sản trong khu vực, bất cứ tàu cá nước ngoài nào xâm phạm khu vực này đều là phạm pháp và các nhà chức trách Indonesia có quyền xử lý.
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn ngang ngược gọi đây là “ngư trường truyền thống” của nước mình.
Theo TNI, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành động vô lối như vậy đối với Indonesia. Chỉ tính từ tháng 3/2016, đã có 3 sự cố tương tự.
Hồi tháng Ba, một tàu tuần tra của Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia đã phải chặn một tàu cá 300 tấn của Trung Quốc đang đánh bắt cách quần đảo Natuna chỉ khoảng 4 km. Tàu Indonesia đã bắn cảnh cáo về phía tàu cá Trung Quốc, bắt nó dừng lại. Khi tàu cá Trung Quốc đang bị phía Indonesia lai dắt vào bờ, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tới, liên tục thúc mạnh vào chiếc tàu bị kéo và sau đó cướp lại chiếc tàu này.
Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia, được ủng hộ mạnh mẽ khi có những tuyên bố cứng rắn về việc xử lý các hoạt động đánh bắt trái phép.
Trong sự việc đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dùng cụm từ “ngư trường truyền thống”. Bắc Kinh còn khẳng định tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên quan trong vụ việc không hề xâm phạm vào vùng biển của Indonesia. Đây là một tuyên bố rất phi lý bởi sự việc diễn ra ở vị trí chỉ còn cách đảo Indonesia khoảng 4 km.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc không phải là mới. Các nhà chức trách Indonesia thường giảm nhẹ các tình huống tương tự từng xảy ra vào năm 2010 và 2013 do lo sợ bị Bắc Kinh cắt giảm đầu tư. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia.
Do vậy, phản ứng mạnh mẽ từ phía Jakarta trong những sự việc gần đây cho thấy nước này đang có sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức, Indonesia đã quyết tâm tăng cường sức mạnh hàng hải và tiếp tục áp dụng những biện pháp kiên quyết trong việc xử lý các hành vi đánh bắt trái phép được áp dụng từ năm 2014.
Hôm 23/6, ông Joko Widodo đã chủ trì cuộc họp cấp cao ngay trên một chiếc tàu chiến đang hoạt động gần quần đảo Natuna. Đây là được xem là một lời thách thức rõ ràng đối với khiếu nại từ phía Bắc Kinh, thách thức cả những hành động ngang ngược của Trung Quốc gần đảo của Jakatar.
Người dân Indonesia cũng tỏ ra rất bức bối với những hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải Indonesia, được ủng hộ mạnh mẽ khi có những tuyên bố cứng rắn về việc xử lý các hoạt động đánh bắt trái phép. Bà cũng thường xuyên công khai các sự cố xảy ra với Trung Quốc trên Biển Đông lên mạng xã hội và trên báo chí.
Theo TNI, những hành động xâm phạm gần đây của Bắc Kinh trong vùng biển Indonesia là nhằm mở rộng hơn nữa khu vực mà nước này đang muốn chiếm ở Biển Đông, chứ không đơn thuần là hành động đánh bắt cá. Và phía Indonesia dường như đang nhận ra điều đó.
Tư lệnh Hạm đội phía Tây của hải quân Indonesia Achmad Taufiqoerrochman nhận định, Bắc Kinh đang dung túng cho các tàu cá tiến hành xâm nhập có tổ chức vào vùng biển Indonesia. TNI dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho hay: “Việc các tàu cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống các tàu cá là một xu hướng đáng lo ngại. Đây dường như là một nỗ lực để thực hiện các tuyên bố chủ quyền phi lý”.
Theo TNI, Indonesia sẽ rất lợi thế trong việc chống lại các hành động xâm nhập của Trung Quốc nếu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Bắc Kinh.
Một khi phán quyết của PCA cho rằng mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải tuân theo quy định của UNCLOS thì đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ vô hiệu. Tất cả những cái mà Bắc Kinh vô lối gọi là “ngư trường truyền thống” sẽ biến mất.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Theo Infonet