Trung Quốc từ chối cho tàu Hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong
Tờ USA Today ngày 3/5 cho biết Trung Quốc đã từ chối cho phép nhóm tàu sân bay do tàu USS John C. Stennis dẫn đầu cập cảng Hong Kong.
Tàu USS John C. Stennis. (Nguồn: AP)
Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua Trung Quốc từ chối một tàu sân bay Mỹ. Dù Trung Quốc không đưa ra lý do cụ thể nhưng theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc các tàu và máy bay quân sự Mỹ cập cảng Trung Quốc được xem xét theo nguyên tắc từng trường hợp cụ thể, phù hợp với các nguyên tắc chủ quyền của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Grant Newsham thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, động thái này là một câu trả lời trực tiếp và thách thức đối với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới tàu Stennis vài tuần trước khi tàu này đang tuần tra tại Biển Đông.
Theo Alessio Patalano, chuyên gia Đông Á thuộc Đại học Kings College (Anh), Mỹ cần có biện pháp đáp trả trước hành động này cũng như việc Trung Quốc đang lên kế hoạch cải tạo bãi Scarborough/Hoàng Nham, Mỹ cần đưa một vài tàu khu trục đến neo đậu tại Scarborough, đồng thời rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC vào tháng tới tại Hawaii. Việc rút lại lời mời sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ đối với cả Trung Quốc cũng như các đối tác của Mỹ.
Lần gần đây nhất Trung Quốc từ chối cho tàu chiến Mỹ (USS Reuben James và USS Kitty Hawk) cập cảng là vào năm 2007. Nguyên nhân được cho là do các chuyến thăm này trùng với thời điểm Tổng thống George W. Bush gặp Đạtlai Lạtma và đồng ý một hợp đồng bán vũ khí lớn cho Đài Loan./.
Theo Vietnam
Video đang HOT
Trung Quốc lại gây căng thẳng, cấm tàu sân bay của Mỹ
Trung Quốc mới đây gây căng thẳng khi từ chối cho một tàu sân bay và tàu hộ tống cập cảng Hồng Kông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, ông Bill Urban ngày 29/4 cho biết Bắc Kinh vừa từ chối lời đề nghị thăm cảng của nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
"Chúng tôi gần đây được thông báo rằng, đề nghị thăm cảng của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, bao gồm tàu USS John C Stennis cùng các tàu đi cùng, tới Hồng Kông đã bị từ chối", ông Bill Urban nói.
Hiện chưa rõ lý do vì sao Trung Quốc từ chối đề nghị trên.
Tàu sân bay USS John C Stennis của Hải quân Mỹ.
Theo ông Bill Urban, đây là lần đầu tiên các tàu hải quân Mỹ bị từ chối cập cảng Hồng Kông kể từ tháng 8/2014.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C Stennis lớp Nimitz của Hải quân Mỹ đã được triển khai tới tuần tra ở Biển Đông vào ngày 1/3 vừa qua.
Mặc dù việc triển khai này được mô tả là hoạt động "thường lệ" trong một thông cáo báo chí chính thức, nhưng nhiều người cho rằng, động thái này có thể nhằm chống lại các hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi ngày 15/4 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lên thăm tàu sân bay USS John C Stennis đang di chuyển ở Biển Đông.
Trong chuyến thăm, ông Carter nhấn mạnh, Mỹ "có ý định tiếp tục đóng vai trò trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực này".
Trung Quốc cũng vừa gia tăng các tuyên bố đối lập lại phía Mỹ trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Theo ECNS, ngày 29/4, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối quan điểm của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết sắp tới của tòa The Hague về vấn đề Biển Đông.
"Tôi rất lấy làm tiếc phải nói rằng ông Blinken có thể đã được thông tin sai về bản chất những tranh chấp ở Biển Đông và nội dung của Hiến chương LHQ về luật biển, hoặc là ông ấy đã cố tình áp đặt sai trái cho Trung Quốc", bà Hoa Xuân Oánh nói.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc lặp lại quan điểm nói nước này sẽ không chấp nhận và sẽ không tham gia phiên tòa quốc tế do Philippines khởi xướng.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh.
Ngày 28/4, trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, ông Blinken nói Trung Quốc không thể cùng lúc chọn cả hai cách, vừa là thành viên tham gia công ước LHQ lại vừa bác bỏ những điều khoản của công ước, trong đó có điều khoản "tuân thủ mọi quyết định của tòa án quốc tế".
Ông Blinken nhắc tới vụ kiện Trung Quốc mà Philippines là nguyên đơn gửi tới tòa trọng tài The Hague yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ quyền hạn hợp pháp trong lĩnh vực hàng hải ở Biển Đông.
Hiện tại, Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch 5 năm về hợp tác hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Xinhua hôm 28/4 dẫn lời Chen Yue, Phó giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế của Cục Hải dương Trung Quốc, cho biết: "Kế hoạch này sẽ tập trung vào quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tại Đông Á". Tuy nhiên, thời gian cụ thể của kế hoạch không được tiết lộ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ điều tàu khu trục Lan Châu tham gia cuộc tập trận đa quốc gia ở Biển Đông từ 2/5 đến 12/5.
Cuộc tập trận an ninh hàng hải và chống cướp biển có sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và 6 quốc gia khác. Khu vực biển diễn ra tập trận ở gần Singapore và Brunei.
Kim Hoa (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Hình ảnh siêu mẫu hạm Mỹ cập cảng Hàn Quốc Một siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ đã tới Hàn Quốc vào hôm 13/3 để tham gia một cuộc tập trận chung giữa hai nước, Yonhap đưa tin. Tàu USS John C. Stennis (CVN-74) đã cập cảng Busan, cách thủ đô Seoul 450km về phía đông nam, để tham gia cuộc tập trận Giải pháp Then chốt...