Trung Quốc truy tố cựu Bộ trưởng đường sắt
Cựu Bộ trưởng đường sắt Liu Zhijun sẽ bị truy tố vì cáo buộc tham nhũng, báo chí nhà nước Trung Quốc cho hay, sau khi có tin ông nhận hối lộ hơn 800 triệu Tệ (127 triệu USD).
Ông Liu Zhijun trong cuộc gặp với một quan chức của Na Uy năm 2009.
Cơ quan kiểm tra của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay họ đã khai trừ ông Liu Zhijun và giao vụ việc của ông cho giới chức tòa án thụ lý, Tân Hoa xã cho hay.
Động thái khai trừ khỏi đảng thường được tiến hành trước khi diễn ra phiên tòa xét xử các quan chức bị tình nghi tham nhũng tại Trung Quốc.
Video đang HOT
Ông Liu bị sa thải hồi tháng 2 năm ngoái và báo chí nhà nước Trung Quốc cho biết ông đang bị điều tra cáo buộc nhận một lượng tiền lớn từ các hợp đồng nhằm mở rộng hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc.
Ông Liu nhậm chức cao nhất trong ngành đường sắt vào năm 2003. Tân Hoa xã cho hay ông đã vi phạm “nghiêm trọng” các quy định. “Vấn đề bị tình nghi phạm tội đã được chuyển cho các cơ quan tòa án để thụ lý đúng theo luật”, hãng tin này cho hay.
Ông Liu bị cáo buộc nhận các khoản hối lộ khổng lồ và lạm dụng quyền lực, tờ People’s Daily của Trung Quốc cho biết trong một bài viết đăng trên trang web của tờ báo này. “Điều đó đã gây tổn hại lớn về kinh tế và gây ảnh hưởng xấu tới xã hội”, tờ báo cho biết thêm.
Cũng theo People”s Daily ông Liu còn là người “suy đồi về đạo đức”, nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết. Thông tin trước đó cho biết ông có ít nhất 10 bồ nhí, trong đó có cả những người là diễn viên.
Mạng lưới tàu cao tốc của Trung Quốc, mạng lưới lớn nhất thế giới, kể từ khi liên tục mở rộng đã bị gặp nhiều tai tiếng với những vụ bê bối về an toàn, hối lộ.
Kiểm toán nhà nước Trung Quốc năm ngoái cho hay các công ty xây dựng cùng các cá nhân đã bơm 187 triệu Tệ để xây dựng tuyến đường cao tốc điểm giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.
Một vụ tai nạn gần thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, vào tháng 7 năm ngoái – vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất Trung Quốc kể từ năm 2008, đã gây lo ngại khắp nước về sự an toàn của hệ thống đường sắt cao tốc đầy tham vọng của Trung Quốc.
Ít nhất 40 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn được xem là do lỗi thiết kế và quản lý kém này.
Theo Dân Trí
Bộ trưởng Đường sắt mất chức vì tăng giá vé
Ngày 19.3, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Dinesh Trivedi đã phải từ chức do sự phản đối quyết liệt từ Đảng Đại hội Trinamul - mà ông là thành viên - đối với quyết định tăng giá vé hành khách.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Dinesh Trivedi.
Việc Bộ trưởng Trivedi từ chức đang làm dấy lên đồn đoán rằng chính phủ liên minh Ấn Độ có thể tan rã do bất đồng giữa các bên.
Ông Trivedi công bố quyết định tăng giá vé thêm tối đa 0,3 rupi (0,006USD)/km hôm 14.3 nhằm giúp ngành đường sắt vượt qua giai đoạn khó khăn. Ông Trivedi cho biết đã được tham vấn nên tăng giá vé thật cao, do Ấn Độ chưa từng điều chỉnh giá vé trong gần một thập kỷ qua. Song ông từ chối và chỉ áp dụng mức tăng nhẹ hầu như không đáng kể nhằm cải thiện ngân sách cho ngành đường sắt. Các quan chức đường sắt Ấn Độ nhiều lần kêu ca về tình trạng giá nhiên liệu tăng trong vòng 8 năm qua đã tác động nặng nề đến ngân sách của họ.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau tuyên bố tăng giá, Chủ tịch Đảng Đại hội Trinamul - ông Banerjee - đã kịch liệt phản đối động thái này và yêu cầu Bộ trưởng Trivedi từ chức. Chủ tịch Đảng Đại hội Trinamul cũng đã yêu cầu Thủ tướng Manmohan Singh thay thế Bộ trưởng Trivedi bằng một nghị sĩ khác của đảng là Mukul Roy.
Theo Lao Động