Trung Quốc triệu quan chức cấp cao Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân
Trung Quốc ngày 7.1 đã triệu quan chức cấp cao Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân.
Cảnh vệ Trug Quốc trước đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này rất quan ngại tình hình sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên – Ảnh: Reuters
Kyodo News ngày 7.1 đưa tin Trung Quốc đã triệu một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên tới để làm rõ lập trường của Bắc Kinh sau vụ Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch vào ngày 6.1.
Trong buổi họp báo ngày 7.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc rất quan ngại tình hình sau hành động của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh việc Triều Tiên thử hạt nhân sẽ “không tốt chút nào cho sự phát triển bình thường của quan hệ song phương Trung-Triều”.
Theo Kyodo News, nhà ngoại giao nói trên rất có thể là Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, ông Ji Jae-ryong. Tuy nhiên trong buổi họp báo bà Hoa Xuân Oánh không trực tiếp xác nhận thông tin này.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không chỉ Trung Quốc đóng vai trò chủ động trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, mà toàn bộ cộng đồng quốc tế cần hành động. Bà Hoa cũng kêu gọi sớm khôi phục cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó ngày 6.1, Bắc Kinh đã tuyên bố kiên quyết phản đối việc Triều Tiên thử hạt nhân.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Kim Jong-un 'làm khó' ông Tập Cận Bình
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết rõ Triều Tiên là vùng đệm quan trọng, chắn cho Trung Quốc khỏi viễn cảnh bị lính Mỹ lượn lờ sát sườn nên Triều Tiên có thể làm bất kỳ chuyện gì, kể cả tuyên bố thử bom nhiệt hạch.
Ông Kim Jong-un đang hướng dẫn lái máy bay quân sự - Ảnh: Reuters
Vị trí địa lý chiến thuật của Triều Tiên đối với Trung Quốc - là cửa ngõ tiếp giáp trung tâm công nghiệp ở phía đông bắc của Trung Quốc, nối tiếp thủ đô Bắc Kinh - là lý do khiến Trung Quốc tìm mọi cách duy trì quan hệ với Triều Tiên.
Sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ là cơn ác mộng tồi tệ với Bắc Kinh: lính Mỹ từ Hàn Quốc sẽ rất "vui lòng" đổ về phía bắc bán đảo Triều Tiên mà kiểm soát các tuyến đường cửa ngõ sát sườn Trung Quốc, chưa kể người tị nạn Triều Tiên đổ vào biên giới Trung Quốc.
Chính Trung Quốc đã gọi mối quan hệ với Triều Tiên là "môi hở, răng lạnh", bao đời nay vẫn chi tiền cứu đói, cứu rét cho Triều Tiên dẫu lắm lúc bất đồng. Nhưng vụ Triều Tiên hôm 6.1 tuyên bố thử bom nhiệt hạch, nếu đúng là sự thật, khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả.
Trong khi ông Kim Jong-un chưa từng được mời đến Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Park Gyeun-hye là khách thường xuyên của ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Về mặt đối ngoại, với tuyên bố thử bom nhiệt hạch, hẳn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắm tới mục đích đầu tiên là vị thế mới trong mắt Mỹ và đồng minh. Nhưng báo Wall Street Journal phân tích rằng với đòn này, ông Kim cũng đang muốn lao vào một trận tâm lý chiến tương tự với ông láng giềng Trung Quốc.
Nhưng rõ rằng, lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không phải là người "dễ chơi". Cần Triều Tiên là thế nhưng đã 3 năm rưỡi kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm chính quyền, Trung Quốc chưa từng mời ông đến Bắc Kinh, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Park Gyeun-hye lại là khách mời thường xuyên đến đất nước đông dân nhất hành tinh. Nhưng dẫu sao, chuyện mời hay không mời đôi khi chỉ mang yếu tố lễ tân, ngoại giao.
Còn nói về chính trị thật sự, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng muốn cạnh tranh với Mỹ để chiếm ưu thế ở Đông Á. Và cuộc tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên cực kỳ quan trọng, bởi như ở nói trên, nó nằm ở sát sườn Trung Quốc. Thắng lợi của Mỹ ở đây - được định nghĩa bằng sự sụp đổ của Triều Tiên - sẽ là thất bại thảm hại cho Trung Quốc. Còn với Mỹ, đây sẽ là thắng lợi của cả khối liên minh Đông Á, trong đó bao gồm Nhật Bản - đối thủ của Trung Quốc.
Thế nên ông Tập cũng sẽ phải tìm cách "chơi" với ông Kim, dẫu có phải phớt lờ những hành động khiêu khích khó chịu như tuyên bố thử bom nhiệt hạch vừa qua.
Người dân Triều Tiên tập trung theo dõi thông báo của chính quyền về việc thử bom nhiệt hạch - Ảnh: Reuters
Nhưng sự phớt lờ đó không phải là không mang lại nhiều rủi ro cho ông Tập. Trong bối cảnh dư luận Trung Quốc đang nghiêng về phía chống đối Triều Tiên, sự phớt lờ của ông Tập sẽ bị đánh giá là yếu thế. Nó cũng sẽ gây tổn hại cho tham vọng của ông Tập trong việc đưa Trung Quốc thành một cường quốc có tiếng nói nặng ký sánh ngang hàng với Mỹ.
Với riêng Hàn Quốc, đất nước mà ông Tập đang muốn kết thân, thái độ phớt lờ trước sự khiêu khích của Triều Tiên cũng sẽ bị xem là hành động thiếu thiện chí.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc sau diễn biến ở Triều Tiên tới nay cho thấy Trung Quốc vẫn đang cố phớt lờ, cũng tương tự cách người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh phớt lờ câu hỏi của phóng viên về viễn cảnh cấm vận Triều Tiên, mà chỉ tuyên bố một câu rất quen tai rằng Trung Quốc ủng hộ giải pháp đàm phán vì một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Việt Nam quan ngại trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch Việt Nam kêu gọi các bên liên quan có hành động thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Quý Đoàn. "Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,...