Trung Quốc triển khai phi pháp chiến đấu cơ J-11 ở Hoàng Sa
Hình ảnh vệ tinh Mỹ thu thập được cho thấy Trung Quốc triển khai phi pháp các chiến đấu cơ mới và củng cố hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hình ảnh hai chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm. Ảnh: FoxNews
Theo Fox News, hình ảnh vệ tinh từ ImageSat International, chụp hôm 7/4 và được các quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận là thực cho thấy hai chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một hệ thống radar kiểm soát hoả lực mới lắp đặt trên đảo. Điều này giúp giàn phóng tên lửa đất đối không Trung Quốc triển khai hồi tháng hai đi vào hoạt động đầy đủ, kênh truyền hình này cho biết.
Quân đội Mỹ quan ngại radar sẽ mới cho phép Trung Quốc theo dõi chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay thu thập thông tin tình báo Mỹ đang giám sát quân đội Trung Quốc. Các hình ảnh từ ImageSat International cho thấy 4 trong số 8 tên lửa phòng không sẵn sàng khai hoả ở phía đông đảo Phú Lâm.
Video đang HOT
J-11 bắt đầu đi vào phục vụ năm 1998. Chúng là phiên bản cải biến của máy bay Su-27 Nga, tương đương với máy bay F-15 của không quân Mỹ hoặc F/A-18 của hải quân Mỹ.
Vị trí đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: Guardian
Trung Quốc vài lần gần đây ngang nhiên triển khai J-11 lên đảo Phú Lâm.Fox News đưa tin về một lần triển khai hồi tháng hai, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc ở Washington D.C. Tháng 11 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đăng ảnh J-11 trên đảo này.
Các quan chức Mỹ và Đài Loan hồi tháng hai xác nhận Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm theo đuổi chiến lược quân sự hóa Biển Đông. Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối nước này đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm, cho rằng đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trọng Giáp
Theo VNE
Ông Tập Cận Bình gặp ông Obama, nói gì về chuyện Biển Đông?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Bắc Kinh không chấp nhận mọi hành vi dưới danh nghĩa tự do hàng hải vi phạm chủ quyền và gây tổn hại đến lợi ích an ninh của nước này.
Vấn đề Biển Đông được nêu lên trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 31.3 - Ảnh: Reuters
Đúng như nhận định của các chuyên gia, vấn đề Biển Đông đã được nêu lên trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Washington ngày 31.3.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Obama rằng Bắc Kinh "tôn trọng và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không của các nước theo luật pháp quốc tế", nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi nào dưới danh nghĩa tự do hàng hải mà lại vi phạm chủ quyền và gây tổn hại đến lợi ích an ninh của nước này, Tân Hoa xã ngày 1.4 dẫn lời ông Tập.
Lãnh đạo Trung Quốc cũng tuyên bố kiên quyết bảo vệ chủ quyền của nước mình trên Biển Đông, đồng thời tin rằng các tranh chấp ở vùng biển này sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Ông Tập nói với ông Obama rằng Washington nên tuân thủ cam kết của mình không "nhúng tay" vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, thay vào đó nên giữ vai trò có tính xây dựng để duy trì hòa bình và ổn định, theo Reuters.
Ngay khi mở đầu buổi hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: "Chúng tôi sẽ có cuộc trao đổi thẳng thắn về các lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt, là các vấn đề như nhân quyền, không gian mạng và các vấn đề tranh chấp hàng hải".
Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, ông Ben Rhodes trước cuộc hội đàm cũng nêu rằng Mỹ lo ngại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và cho hay vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề quan trọng trong cuộc hội đàm của 2 nguyên thủ. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work ngày 30.3 tuyên bố Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ khu vực hạn chế nào trên Biển Đông như đã từng bác bỏ Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh thiết lập ở biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Trên thực tế, yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông cùng với những hành động được cho là quân sự hóa của nước này đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực cũng như Mỹ. Những hành động của Bắc Kinh thường được biện minh là bảo vệ chủ quyền. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của nước này về vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, dù không có tranh chấp trên Biển Đông nhưng Mỹ luôn nhấn mạnh lợi ích hàng hải tại khu vực này. Mỹ thời gian qua cũng đã tiến hành các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Hoạt động này được giới phân tích đánh giá là đã thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, và dĩ nhiên Bắc Kinh luôn chỉ trích hoạt động này của Mỹ.
Cuộc gặp Barack Obama - Tập Cận Bình diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 4 được tổ chức tại Washington.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Mỹ quan ngại, Trung Quốc biện bạch về việc quân sự hóa Hoàng Sa Thông tin Trung Quốc đưa tên lửa đối hạm phi pháp tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ra mối quan ngại mới với Mỹ về tham vọng quân sự hóa của Bắc Kinh tại đường biển chiến lược. Tên lửa YJ-62 của Trung Quốc được đăng trên mạng xã hội nước này. Hình ảnh vật thể...