Trung Quốc trang bị những ‘vũ khí’ gì cho cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ?
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ông Donald Trump đã cam kết sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Vào mùa hè năm 2018, khi cựu Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Thậm chí còn có tin đồn rằng nước này có thể sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bây giờ, khi còn 2 tháng nữa là ông Trump trở lại Nhà Trắng, những gì từng được coi là thách thức khổng lồ với Bắc Kinh đã bị thu hẹp đáng kể. Đối mặt với những thách thức về bất động sản, nợ công và giảm phát, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại khác. Nhưng vẻ bề ngoài đó có thể đánh lừa.
Sự chuẩn bị tốt hơn
Trên thực tế, nhờ hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống Mỹ đắc cử, giới lãnh đạo Trung Quốc đã được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng thực sự là ông Trump sẽ thực hiện cam kết áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập vào Mỹ. Theo các nhà kinh tế và giới phân tích, vũ khí đối phó của Bắc Kinh được xây dựng thông qua sự kết hợp giữa đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu đối với các công ty Mỹ và hỗ trợ tiêu dùng trong nước.
Dexter Roberts, tác giả Bản tin Chiến tranh thương mại và là thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong một thời gian khá dài. Nước Mỹ giờ đây ít quan trọng hơn nhiều đối với mạng lưới thương mại của họ (so với trước đây)”.
Một phần là do cuộc chiến thương mại đầu tiên vẫn tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden, Bắc Kinh cũng như các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tích cực giảm sự phụ thuộc thương mại của mình vào Mỹ. Tác động có thể thấy rõ trong dữ liệu thương mại và diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Mới đây vào năm 2022, thương mại song phương Mỹ – Trung đã đạt mức cao kỷ lục. Nhưng năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu vào Mỹ. Trung Quốc đã giữ vững vị trí đó trong 20 năm trước khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 20% xuống còn 427 tỷ USD vào năm ngoái.
Ô tô và xe buýt do Trung Quốc sản xuất chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Liên Vân, thành phố Liên Vân Cảng, Trung Quốc, vào ngày 31/10/2024. Ảnh: NurPhoto/Getty Images
Video đang HOT
Theo Matthews Asia, chỉ không đầy 30% hàng xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển đến các nước giàu thuộc nhóm G7 vào năm ngoái, giảm so với mức 48% vào năm 2000. Đó là lý do tại sao, mặc dù bán ít hơn cho Mỹ, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc hiện ở mức 14%, tăng từ mức 13% trước khi ông Trump áp thuế lần đầu.
Tại một cuộc họp báo hôm 22/11, Vương Thụ Văn, nhà đàm phán thương mại quốc tế và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, đã nói với các phóng viên: “Chúng tôi có khả năng giải quyết và chống lại tác động của những cú sốc bên ngoài”.
Theo các nhà phân tích, những gì có thể không có khả năng nằm trong kho vũ khí trả đũa của Trung Quốc là những động thái lớn như bán trái phiếu kho bạc Mỹ (mà Trung Quốc là nước nắm giữ lớn thứ hai thế giới) hoặc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, đồng tiền đã mất 12% giá trị so với đô la Mỹ trong ba năm qua khi đà tăng trưởng chậm lại.
Trả đũa có mục tiêu
Liza Tobin, Giám đốc cấp cao về kinh tế tại Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt – một nhóm nghiên cứu của Mỹ, cho rằng, sẽ không chỉ có sự trả đũa đơn giản về thuế quan. Thay vào đó, phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ có mục tiêu hơn và không đối xứng.
Bà Tobin cho biết “Họ đã và đang gây sức ép lên các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, và họ có thể tăng sức ép lên các công ty Mỹ, lựa chọn các mục tiêu mà họ muốn đẩy ra khỏi thị trường Trung Quốc”.
Vào tháng 9, Bắc Kinh cho biết họ đang điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp, chủ sở hữu của Calvin Klein và Tommy Hilfiger, vì từ chối lấy bông từ khu vực Tân Cương, trong một động thái có thể dẫn đến lệnh trừng phạt đối với một công ty Mỹ có lợi ích kinh doanh lớn tại Trung Quốc.
Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích văn phòng Thượng Hải của Bain & Company, một công ty tư vấn quản lý của Mỹ. Sau đó, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng các cơ quan an ninh đã đột kích nhiều văn phòng của công ty tư vấn quốc tế Capvision, có trụ sở tại Thượng Hải và New York.
Các nhà kinh tế cho biết, khả năng trả đũa các công ty Mỹ hoặc ngành nông nghiệp Mỹ sẽ cao hơn nhiều so với việc Trung Quốc bán lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ nắm giữ để đáp trả, vì thị trường cho những loại trái phiếu này rất sâu rộng và thanh khoản tốt, không thiếu người mua. Việc bán chúng cũng có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính Bắc Kinh.
Việc hạ giá đồng nhân dân tệ cũng có thể giúp ích cho xuất khẩu của Trung Quốc, nếu ông Trump áp đặt mức thuế quan mới, nhưng các nhà phân tích cũng không tin rằng động thái này nằm trong tầm ngắm.
Sean Callow, một nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại ITC Markets, cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách khó có thể coi việc phá giá là xứng đáng và thay vào đó sẽ chọn các bước khác”.
Ông cho biết, một đợt phá giá đột ngột vào tháng 8/2015 đã từng gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán. Trong những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng họ muốn củng cố niềm tin vào thị trường chứng khoán của mình, cả đối với các nhà đầu tư trong nước và giới thiệu Trung Quốc với thế giới như một điểm đến hấp dẫn để đầu tư.
Theo chuyên gia Callow, Trung Quốc cũng muốn đồng nhân dân tệ được coi là một sự thay thế đáng tin cậy cho đồng đô la Mỹ đối với các nhà quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương, đặc biệt là những người lo lắng về lệnh đóng băng tài sản của Nga tại Mỹ và châu Âu kể từ năm 2022.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Hướng vào nội địa
Với mức thuế 60%, một số nhà kinh tế đã tính toán rằng thuế nhập khẩu vào Mỹ có thể cắt giảm một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (theo một phân tích riêng từ Viện Peterson, đề xuất thuế quan của Trump cũng sẽ khiến một hộ gia đình điển hình ở Mỹ phải tốn kém thêm 2.600 USD/ năm.)
Nhưng Trung Quốc, một quốc gia có 1,4 tỷ người, cũng có một thị trường tiêu dùng trong nước khổng lồ mà họ có thể hướng đến.
“Phản ứng tốt nhất mà Bắc Kinh có thể đưa ra đối với mức thuế quan là tự sắp xếp lại trật tự trong nước, bằng cách khôi phục niềm tin của các doanh nhân Trung Quốc, những người chiếm 90% việc làm ở thành thị và hầu hết các hoạt động đổi mới”, ông Rothman nhận xét. “Điều này sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến tiêu dùng trong nước mạnh hơn, giúp giảm bớt tác động của việc xuất khẩu yếu hơn sang Mỹ”.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với một loạt các vấn đề. Sau một mùa hè với dữ liệu ảm đạm, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối cùng đã quyết định triển khai một gói kích thích rất cần thiết, chủ yếu tập trung vào các biện pháp tiền tệ, trong tuần cuối cùng của tháng 9. Các biện pháp tiếp theo đã được công bố vào đầu tháng này.
Nguy cơ hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào Đông Nam Á khi ông Trump trở lại Nhà Trắng
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cảnh báo áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến nguy cơ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đổ bộ sang các quốc gia Đông Nam Á bởi cánh cửa tại thị trường Mỹ ngày càng hẹp lại.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất diều ở Sơn Đông, Trung Quốc ngày 14/10. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đây có thể là tin tốt với người tiêu dùng, thì nó đồng nghĩa với ngành xuất khẩu tại Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với thách thức khó cạnh tranh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và thị trường việc làm ở khu vực.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump cam kết sẽ áp dụng thuế lên tới 60% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và từ 10 - 20% với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia khác. Ông Trump còn cảnh cáo sẽ rút Mỹ khỏi Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), vốn được kỳ vọng giúp tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực.
Nếu Tổng thống đắc cử Mỹ giữ đúng lời cam kết, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với khả năng dòng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào. Theo Straits Times (Singapore), hàng hóa Trung Quốc có thể đạt mức giá rẻ đặc biệt bởi được chính phủ trợ cấp và chi phí sản xuất trung bình trên một đơn vị sản phẩm giảm khi quy mô sản xuất tăng. Nói cách khác, sản xuất càng nhiều, chi phí cho mỗi sản phẩm càng thấp.
Nhà kinh tế học Trinh Nguyen tại công ty tư vấn Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc) nhận định rằng các quốc gia Đông Nam Á trong khu vực cần chiến lược nếu họ muốn cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Tình trạng này kéo theo nguy cơ cao về xung đột thương mại trong khu vực.
Nhưng nhà sáng lập công ty Asia Decoded (Singapore) - bà Priyanka Kishore dự đoán rằng không có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện bởi lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhận ra tầm quan trọng của hội nhập khu vực, trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng phân mảnh.
Ông Lê Hồng Hiệp tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore đánh giá với kênh DW (Đức) rằng Đông Nam Á có kinh nghiệm với chính quyền của ông Trump ở nhiệm kỳ đầu và do đó cũng đã chuẩn bị tốt hơn trước nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Ông Lê Hồng Hiệp kết luận: "Họ sẽ nhanh chóng thích nghi với thực tế mới và bảo vệ lợi ích của mình".
Đáng chú ý, bà Priyanka Kishore dự đoán: "Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, qua việc tăng thuế quan và ngôn từ mạnh mẽ về việc giảm rủi ro".
Các nhà phân tích đánh giá căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đồng nghĩa với thị phần xuất khẩu lớn hơn cho Đông Nam Á.
Ông Lee Heng Guie tại Trung tâm nghiên cứu Xã hội Kinh tế (Malaysia), trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, việc Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giúp xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ tăng trung bình 7,7 % mỗi năm, trong giai đoạn 2018-2022. Malaysia, quốc gia sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, hiện nắm giữ 44 % thị phần của Mỹ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng mức thuế 60% mà ông Trump đe dọa áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây ra làn sóng thoái vốn của các công ty toàn cầu khỏi Trung Quốc. Từ đó, các công ty này có thể tìm đến những khu vực tiềm năng khác, trong đó có Đông Nam Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 7/11 đã gửi lời chúc mừng tới ông Trump khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất Bắc Kinh và Washington tìm ra cách đúng đắn để hòa hợp trong kỷ nguyên mới, nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước và thế giới nói chung.
Chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc cứng rắn ra sao? Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố mức thuế mới đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trong ngày 14/5, nhắm vào các lĩnh vực bao gồm xe điện, vật tư y tế và thiết bị năng lượng Mặt Trời. Xe ô tô chạy bằng năng lượng mới chờ xuất khẩu tại khu cảng...