Trung Quốc tính dùng tiền mời học giả nghiên cứu yêu sách Biển Đông
Bắc Kinh được cho là có kế hoạch mời học giả từ các quốc gia khác để nghiên cứu những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Wu Shicun, người đứng đầu Viện Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông. Ảnh: BOAO Forum for Asia.
Chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí cho Đại học Nam Kinh để triển khai nghiên cứu về vấn đề Biển Đông. Với kinh phí này, Đại học Nam Kinh đã thiết lập Trung tâm Cộng tác Đổi mới Nghiên cứu Biển Đông, trang Want China Times hôm 10/10 đưa tin.
Zhu Feng, từng là giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành trung tâm. Phó giám đốc trung tâm là Wu Shicun, người đứng đầu Viện Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông.
Video đang HOT
Trung tâm đưa ra 10 chương trình nhỏ với hy vọng thu thập được thông tin từ nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Bắc Kinh từng mời học giả nước ngoài nghiên cứu trường hợp Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế (ICA) và Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) năm 2013. Vụ kiện bao gồm những tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc ở The Hague, Hà Lan, bắt đầu nghe giải trình của Philippines từ ngày 7/7 để quyết định xem tòa có thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không. Phiên điều trần kết thúc hôm 13/7. Manila hy vọng tòa sẽ có phán quyết phản đối Bắc Kinh trong năm 2016.
Một vấn đề khác sẽ được nghiên cứu là tàu hải quân Mỹ hiện diện trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được chính phủ Việt Nam cho phép đều phi pháp và vô giá trị.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Như Tâm
Theo VNE
Trung Quốc lôi kéo học giả nước ngoài vào tranh chấp Biển Đông
Trung Quốc đang lôi kéo các học giả quốc tế, trong đó có cả Đài Loan tham gia nghiên cứu tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Trung Quốc xây đường băng trái phép trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông - Ảnh: AFP/Airbus
Trang tin Want China Times ngày 11.10 cho biết chính phủ Trung Quốc đang "bơm tiền" vào trường đại học Nam Kinh để thực hiện một dự án nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Với nguồn tài chính trên, trường đại học Nam Kinh đã thành lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông.
Trung tâm này do ông Zhu Feng, từng là giáo sư của trường đại học Bắc Kinh, điều hành. Want China Times cho biết Bắc Kinh kêu gọi các học giả từ các nước đến trung tâm này và thực hiện các nghiên cứu về Biển Đông, đặc biệt là vụ tranh chấp Philippines khởi kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc từ hồi năm 2013.
Ngoài ra, việc hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng xâm nhập vùng giới hạn 12 hải lý gần khu vực do Trung Quốc chiếm đoạt trái phép ở Biển Đông hay xây đường băng trên các đảo nhân tạo phi pháp cũng là vấn đề mà Bắc Kinh muốn các học giả nước ngoài tham gia phân tích.
Trung Quốc đặc biệt muốn lôi kéo các học giả lãnh thổ Đài Loan đứng về phía mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Lâu nay Đài Bắc vẫn thể hiện lập trường riêng ở Biển Đông. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền phi pháp trên một số hòn đảo ở Biển Đông.
Ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, đồng thời cũng là Phó giám đốc của trung tâm mới thành lập ở đại học Nam Kinh, không giấu ý đồ của Bắc Kinh khi muốn lôi kéo học giả Đài Loan cũng như quốc tế. "Nhận thức được những yêu cầu, Trung Quốc có thể sử dụng các học giả từ Đài Loan để tăng cường quyền của mình ở Biển Đông, dựa trên kiến thức của các học giả về lịch sử và luật pháp quốc tế", ông Wu nói. Ông Wu cho biết Bắc Kinh cũng khuyến khích sinh viên Đài Loan tham gia nghiên cứu Biển Đông tại đại học Nam Kinh.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Indonesia tăng cường phòng thủ trên Biển Đông đối phó Trung Quốc Indonesia đang lên kế hoạch phòng thủ, bảo vệ bờ biển của nước mình trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, dù Jakarta không có tranh chấp. Tàu chiến của Indonesia - Ảnh: Bloomberg Hãng Bloomberg hôm 8.10 đưa tin Bộ trưởng An ninh, chính trị và luật pháp Indonesia, ông Luhut Panjaitan cho biết Indonesia sẽ tăng...